Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Quan niệm về dân chủ

 


Thuật ngữ dân chủ xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ V đến thế kỷ IV tr.CN tại Hy Lạp. Theo tiếng Hy Lạp, dân chủ được viết là Demoskratos, trong đó Demos nghĩa là nhân dân và kratos nghĩa là quyền lực. Theo cách diễn đạt này, dân chủ trong tiếng Hy Lạp cổ được hiểu nhân dân cai trị và sau này được các nhà chính trị dịch giản lược là quyền lực của nhân dân hay quyền lực thuộc về nhân dân. Đến thế kỷ XVIII, người Anh đã dựa vào ngôn ngữ Hy Lạp cổ để đưa ra thuật ngữ “democracy”, có nghĩa là “chính thể dân chủ”, thể chế dân chủ, một trong những hình thức chính quyền với đặc trưng là: chính quyền nhà nước phải thừa nhận quyền tự do và bình đẳng của công dân. Điều đó có nghĩa là: Dân chủ là chính thể nhà nước thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của nhân dân.

Xem xét các nền dân chủ trong lịch sử cho thấy, nội dung trên của khái niệm dân chủ về cơ bản vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay. Điểm khác biệt cơ bản giữa cách hiểu về dân chủ thời cổ đại và hiẹn nay là ở tính chất trực tiếp của mối quan hệ sở hữu quyền lực công cộng và cách hiểu về nội hàm của khái niệm nhân dân

V.I.Lênin quan niệm “dân chủ là sự thống trị của đa số”. Do vậy dân chủ được nhìn nhận như một hình thức, một hình thái nhà nước, trong đó thừa nhận sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân vào công việc quản lý nhà nước để thực hiện sự thống trị đối với thiểu số những kẻ vi phạm dân chủ của nhân dân. Mức độ phạm vi tham gia thật sự của quần chúng nhân dân vào công việc quản lý nhà nước phản ánh trình độ phát triển của nền dân chủ, phản ánh những vấn đề cốt lọi nhất của dân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét