Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

SỰ PHÁT TRIỂN TƯ DUY CỦA ĐẢNG VỀ BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA- DÂN TỘC

 SỰ PHÁT TRIỂN TƯ DUY CỦA ĐẢNG VỀ BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA - DÂN TỘC

      Lợi ích quốc gia - dân tộc là một phạm trù được đề cập rộng rãi trong quá trình hoạch định, triển khai chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia trên thế giới. Các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc. Trong đó, lợi ích quốc gia là lợi ích chung của cộng đồng những người chung sống trên một đất nước, có chung nguồn gốc, lịch sử, phong tục, tập quán và phần nhiều còn chung cả tiếng nói, chữ viết. Vấn đề lợi ích quốc gia thiên về đại diện của giai cấp cầm quyền trong xã hội, còn lợi ích dân tộc bao hàm tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia - dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn tạo nền tảng cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia - dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người nơi đó ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; từ đó không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia - dân tộc. 

     Ở Việt Nam, lợi ích quốc gia gắn liền với lợi ích của giai cấp cầm quyền, đó là lợi ích của giai cấp công nhân, lợi ích đó thống nhất với lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân lao động nên lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc được xem là có chung nội hàm, có thể sử dụng thay thế lẫn nhau. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam thể hiện rất sinh động cả trong đối nội và đối ngoại, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

     Trong đối nội, lợi ích quốc gia - dân tộc được biểu hiện ở những quyền và lợi ích hợp pháp của từng tổ chức, cá nhân và cộng đồng người trên cơ sở tuân thủ hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Trong chính sách đối ngoại, lợi ích quốc gia - dân tộc được thể hiện bao chùm đó là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

     Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đấu tranh bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các tổ chức, cá nhân trong quan hệ đối ngoại và đối nội. Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc không ngừng được Đảng, Nhà nước ta nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong hoạch định chiến lược bảo vệ Tổ quốc ở các giai đoạn cách mạng với những cách diễn đạt khác nhau. 

     Mục tiêu bao trùm của bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là bảo vệ vững chắc “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên ở từng giai đoạn cách mạng, gắn với thực tiễn, vấn đề tư duy của Đảng về bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc luôn gắn với sự phát triển của đất nước và biến động của tình hình thế giới, được hoàn chỉnh qua các kỳ Đại hội của Đảng. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay lợi ích quốc gia - dân tộc được coi trọng trong từng chủ trương, chính sách phát triển đất nước và hoạt động đối ngoại.

     Tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011) lần đầu tiên Đảng ta nêu lên mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia - dân tộc”. Kế thừa, phát triển quan điểm đối ngoại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc là: Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là một trong sáu nội dung mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.

     Đến Đại hội XII (năm 2016) Đảng ta chỉ rõ mục tiêu hoạt động đối ngoại của nước ta phải nhằm “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”( ). Đảng ta khẳng định về lợi ích quốc gia - dân tộc đó là: Lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là thống nhất. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam là những lợi ích chính đáng, không phải là những lợi ích vị kỷ. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc nghĩa là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trước hết và trên hết, luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc tới mức cao nhất có thể, lợi ích quốc gia - dân tộc là tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại( ). 

     Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, mục tiêu chung bảo vệ Tổ quốc đó là: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ nền văn hoá và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước; đóng góp tích cực vào gìn giữ hoà bình khu vực, thế giới. Như vậy, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc được Đảng ta khái quát trở thành nội dung bao chùm của mục tiêu bảo vệ Tổ quốc cũng là vấn đề tối thượng cả trong chính sách đội nội và đối ngoại của Việt Nam./.

     .ankhe.08.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét