Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: HUY HIỆU CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN PHỦ!

     Chiếc Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên đối với ai đã từng được gắn trên ngực áo là niềm tự hào, kỷ niệm không bao giờ quên vì được sống, chiến đấu, hi sinh trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"!

Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn từ ngày 13/3/1954, công tác chuẩn bị bắt đầu từ trước đó gần 3 tháng, tuy nhiên phải đến đầu tháng 4/1954, khi chiến dịch đã bước sang đợt tấn công thứ hai, ý tưởng về việc thiết kế một tấm huy hiệu mang biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ mới được hình thành nhằm cổ vũ, nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta. Không ai khác, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh mặt trận chính là người nghĩ ra ý tưởng đó.

Họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích, (lúc này chỉ khoảng 20 tuổi) đang công tác tại Báo Quân đội Nhân dân đóng tại mặt trận, chuyên sáng tác tranh cổ động, tranh biếm họa được giao trọng trách này, ngay sau đó nhanh chóng bắt tay vào công việc sang tác. Trong điều kiện ta vừa kết thúc đợt tấn công thứ nhất, với sự lập công xuất sắc của đơn vị pháo binh, tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập, bức hàng địch tại đồn Bản Kéo, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bốn yêu cầu được đặt ra đối với tấm huy hiệu:
1. Có hình rừng núi (phù hợp với địa hình lòng chảo Mường Thanh);
2. Có chiến sĩ với mũ nan ở tư thế xung phong;
3. Có pháo binh trong đó có cả cao xạ vì đó là vũ khí lần đầu xuất hiện ở Điện Biên;
4. Có chữ Quyết chiến quyết thắng trên quân kỳ và chiến sĩ Điện Biên Phủ, hình thức cô đọng, gọn nhẹ, khái quát cao trên nền xanh và màu sáng.

Nhiều ngày cặm cụi, miệt mài với 10 mẫu thiết kế, hình mẫu Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên mà chúng ta thấy ngày nay được hoàn thành, chuyển về địa phương và gửi đi nước bạn sản xuất hàng loạt. Trong một hình tròn nhỏ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng" nổi bật phía trên một chiến sĩ quả cảm, đội mũ nan lưới đang cầm súng hướng về phía trước. Bên trái nòng pháo cao xạ giương lên sẵn sàng nhằm thẳng quân thù mà bắn. Trên huy hiệu còn có hình ảnh rừng núi và dòng chữ “Xuân 1954” để ghi đấu trận đánh quan trọng này. Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định sẽ tặng cho các chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng còn chờ thời cơ.

56 ngày đêm máu lửa, xe tăng, đại bác, pháo, máy bay ném bom giày xéo lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên Phủ trở thành chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta. Ngày 07/5/1954 lịch sử, niềm vui vỡ òa trong nước mắt khi tin bắt sống De Castries và toàn bộ quân địch tại Điện Biên được loan đi khắp mặt trận và hậu phương. Không thể đếm hết những hi sinh, chẳng thể kể hết những tấm gương chiến đấu anh dũng, trải qua bao khó khăn, gian khổ, ta đã khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục vì đã đánh bại một trong những quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới. Các nước thuộc địa Pháp thêm một niềm tin để đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc mình.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy không trực tiếp ra mặt trận nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo và sống từng phút, giây với các chiến sĩ. Ba lần người gửi thư thăm hỏi và động viên chiến sĩ, lần cuối khi ta vừa giành được thắng lợi, Bác viết:
"Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ

Ngày 12 tháng 5 năm 1954

Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.

Toàn thể các chú cũng như cán bộ, chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm giành được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.

Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tùy theo điều kiện, nhưng nhất định khao.

Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới.

Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Các chú tán thành không?

Bác dặn các chú một lần nữa:
Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.
Bác hôn các chú  
HỒ CHÍ MINH"

Chiến tranh kết thúc, người còn, người mất. 70 năm qua, chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên trở thành báu vật được nâng niu, gìn giữ bởi những người ở lại, đó không chỉ là kỷ niệm, mà còn là sự ghi nhận, tri ân với những người lính Điện Biên; là kỳ tích được lập nên từ lòng yêu nước dưới thời đại Hồ Chí Minh./.

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét