Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN

 


Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Cùng với việc ghi nhận quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013, Đảng và Nhà nước ta đã thực thi nhiều chính sách bảo đảm quyền con người và tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người, góp phần thực hiện hiệu quả việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, cả hệ thống chính trị Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm quyền con người ở mức cao nhất. Ngay sau khi Việt Nam là thành viên của Liên Hợp Quốc (năm 1977), vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người của Liên Hợp Quốc. Vào những năm 1981, 1982 và 1983 Việt Nam đã gia nhập 7 công ước quốc tế về quyền con người, bao gồm: Công ước quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)... Tính đến nay (2024), Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp Quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, chúng ta đều cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

Với mong muốn đóng góp hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất được ASEAN đề cử.

Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người không chỉ như là một yêu cầu trọng tâm trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn là một yếu tố cốt lõi để bảo đảm sự ổn định chính trị dựa trên sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch luôn luôn âm mưu, dùng nhiều thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ...; đồng thời, tuyên truyền những quan điểm dân chủ và nhân quyền với mục đích để người dân theo đuổi xu hướng vô chính phủ, không tuân theo pháp luật, trật tự kỷ cương xã hội.

Do vậy, cần nhận thức rõ và sâu sắc hơn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo đảm quyền con người trong giai đoạn tới, xem đó như là những nội dung cốt lõi trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nói chung của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét