Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

"Đạo đức" theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin

 


Đạo đức và những quan niệm về đạo đức đã xuất hiện từ rất sớm cùng với sự vận động, phát triển của xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin, một mặt kế thừa có chọn lọc những quan điểm đạo đức trước đó, mặt khác dựa trên thế giới quan duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đã chỉ ra đạo đức là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, phản ánh hiện thực đời sống đạo đức xã hội. Với tính cách là sự phản ánh tồn tại xã hội, đạo đức mang bản chất xã hội. Bên cạnh đó đạo đức còn mang tính nhân loại, vì ở giai đoạn nào của lịch sử thì nét chung của đạo đức vẫn là những quy định, chuẩn mực định hướng con người làm cái thiện, chống lại cái ác, hướng về mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, với tự nhiên và xã hội.

Như vậy, có thể hiểu: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội thừa nhận, nhằm điều chỉnh và đánh giá hành vi ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.

Đạo đức là phạm trù có tính lịch sử, ra đời, tồn tại và phát triển gắn với điều kiện tồn tại của xã hội. Trong xã hội có giai cấp, đạo đức nói chung có tính giai cấp nhưng cũng có nhiều giá trị đạo đức mang tính nhân loại, trường tồn qua nhiều chế độ chính trị, không lệ thuộc hoàn toàn vào chế độ chính trị. Khác với pháp luật, các chuẩn mực đạo đức không ghi thành văn bản pháp quy, không có tính cưỡng chế, nhưng là những luật lệ đơn giản và cơ bản của bất kỳ cộng đồng người nào. Với tư cách là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội, chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi của con người, xác định bổn phận, trách nhiệm của con người trong cộng đồng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét