Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

ĐẤU TRANH, PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM CHO RẰNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ HẾT VAI TRÒ LỊCH SỬ, KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG ĐỂ LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC

 



Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng luôn thể hiện rõ là một đảng cách mạng chân chính, hội tụ sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhận thấy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, tiến hành tác động, phá hoại nội bộ Đảng, làm giảm uy tín, đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, dù có sử dụng "trăm phương nghìn kế", các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên về niềm tin của toàn dân tộc đồng lòng đi theo Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những thành tựu to lớn đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận cả trên phương diện lý luận, thực tiễn và lịch sử.

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bằng cách công kích, xuyên tạc trên nhiều phương tiện truyền thông, nhất là trên Internet, các mạng xã hội. Chúng tiếp tục rêu rao, lặp lại luận điệu cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, xu hướng bùng nổ thông tin và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, kết cấu xã hội Việt Nam đã có sự chuyển biến theo hướng đa dạng, nhiều tầng nấc, xu hướng dân chủ hóa ngày càng được coi trọng... Thực chất, đây cũng chỉ là chiêu trò cũ hòng phủ nhận thành tựu cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, gây sự phân tâm trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời từng bước tạo dựng cơ sở tư tưởng và xã hội nhằm xác lập chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng theo con đường tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam, hòng lái Việt Nam phát triển đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Để lập luận, minh chứng cho luận điệu này, chúng đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau để tấn công, chống phá như:

Chúng xuyên tạc, phủ nhận lịch sử và thành quả đấu tranh cách mạng vẻ vang của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng quy chụp Đảng có nhiều sai lầm trong quá khứ và dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Chúng viện dẫn phiến diện và xuyên tạc thực tiễn lịch sử để cố chứng minh chế độ một đảng lãnh đạo là “sai lầm”, rằng nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam trên chính trường thì dân tộc ta không phải tiến hành mấy cuộc chiến tranh lâu dài và đau thương như thế và rằng, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không “tiếm quyền” thì Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ các nước phát triển từ lâu.

Chúng đưa ra những luận điệu vu khống cực kỳ phản động: “Cộng sản khinh dân, Đảng Cộng sản đã mạo nhận là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Trong lịch sử, không có khi nào Đảng Cộng sản phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà cộng sản chỉ lợi dụng công nhân và nhân dân lao động để phục vụ quyền lợi của Đảng Cộng sản”. Từ việc đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch còn lên tiếng đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quyền lãnh đạo của Đảng.

Chúng cho rằng tình hình, điều kiện, bối cảnh mới ngày nay đã khác và có nhiều thay đổi về bản chất với vai trò của khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức ngày càng tăng, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là phát triển kinh tế thì giai cấp công nhân Việt Nam với đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng lãnh đạo đất nước trong thời gian tới. Từ đó, chúng đòi Đảng tự nguyện rời bỏ vai trò lãnh đạo, vì theo chúng: “Đảng chỉ giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, còn trong xây dựng kinh tế thì nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác”.

Bên cạnh đó, chúng còn triệt để lợi dụng những khó khăn, tồn tại của đất nước trong công cuộc đổi mới để tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo, thành tựu phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội; cổ súy, tung hô việc phát triển nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, làm mất phương hướng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; lợi dụng những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã xảy ra hoặc những sự việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy kết “do tham nhũng” và thổi phồng cho đó là tình trạng “phổ biến”, “bản chất” của chế độ xã hội chủ nghĩa, một “căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo, do “năng lực quản lý yếu kém” của Nhà nước…

Trong bối cảnh mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất hội tụ đầy đủ các phẩm chất, năng lực, tiêu chí để lãnh đạo đất nước, dân tộc Việt Nam phát triển

Thắng lợi oanh liệt mùa xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; mở ra thời kỳ mới- thời kỳ độc lập thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam có những thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là nền kinh tế nước ta chủ yếu là sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động luôn tìm mọi cách phá hoại. Chủ nghĩa xã hội thế giới gặp phải những khó khăn, thử thách lớn, lâm vào khủng hoảng, thoái trào, đặc biệt từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Quá trình đó đã tác động, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 10 năm (1975- 1985), cách mạng Việt Nam đã vượt qua những khó khăn trở ngại, thu được những thành tựu quan trọng.... Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế- xã hội còn thấp so với yêu cầu kế hoạch và công sức bỏ ra, nền kinh tế có mặt mất cân đối nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát cao quá mức, cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội ngày càng gay gắt. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Hiện nay trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng... Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp: cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy; biến động chính trị và xung đột ở nhiều nơi; diễn biến căng thẳng ở Biển Đông đe dọa hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 (bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 12/2019) chưa từng có trong lịch sử xảy ra trên toàn cầu ảnh hưởng rất nghiêm trọng, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, hậu quả dự kiến kéo dài nhiều năm. Đảng Cộng sản Việt Nam với những truyền thống quý báu như: Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng; tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân; kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng; giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế... Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Những thành tựu rất quan trọng của đất nước trong thời gian qua là cơ sở khách quan để khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu đó cũng ngày càng khẳng định vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định trong Diễn văn Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020): Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”:

(1) Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Sau 35 năm đổi mới quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước ngày càng lớn mạnh, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỉ USD vào năm 1989 đã không ngừng tăng lên, đạt 342,7 tỉ USD vào năm 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt gần 7%, trong đó có 20 năm liên tiếp (từ 1991-2010) GDP tăng bình quân 7,34%. Đặc biệt năm 2020 dù trong muôn vàn khó khăn bởi dịch Covid-19, lũ lụt ở miền Trung và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ đại suy thoái 1929-1932, nhưng chúng ta đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam vững vàng vượt qua “phép thử”, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương 2,91% trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%; năm 2021 GDP tăng 2,58%, thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 (đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại); cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế quy mô nền kinh tế nước ta đạt 340 tỷ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương và vượt qua một số nền kinh tế lớn trong khu vực, kể cả một số “con hổ” của Châu Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Về triển vọng lâu dài, Tập đoàn Pricewaterhouse Coopers dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ lọt vào Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta, có quan hệ hợp tác với 500 tổ chức quốc tế; có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế thị trường Việt Nam. Trở thành thành viên của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, các tổ chức tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới, các tổ chức hợp tác kinh tế - xã hội trong khuôn khổ LHQ và nhiều tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực như ASEAN, APEC, Tiểu vùng Mê-công mở rộng. Dư luận đánh giá tích cực về vai trò, vị thế của Việt Nam ở trong khu vực và trên thế giới, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam hiện trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư nước ngoài. Báo chí nước ngoài, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là “Con rồng của châu Á”, “Ngôi sao sáng trong bầu trời COVID-19 tối tăm”, “Triển vọng sáng nhất châu Á” và Tờ Khaleej Times (UAE) gọi tên “Việt Nam - Phép màu kinh tế kỳ diệu của Á Châu”. Ngay cả nguyên Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhận định: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất, thể hiện rõ nhất với việc hợp tác thương mại hai nước tăng gấp 100 lần trong 20 năm qua”. Đặc biệt, báo chí của Ấn Độ nhận định “Giờ đây Ấn Độ đang thua xa Việt Nam về mọi mặt FDI lẫn xuất nhập khẩu”... Có một cuốn sách có tên là CƯỜNG QUỐC TRONG TƯƠNG LAI do chính khách người Nhật Hamada Kazuyuji viết rằng: Trong bản đồ cường quốc thế giới năm 2030, dưới con mắt của người Nhật Bản, trong các “cường quốc tương lai” ấy có Việt Nam.

 (2) Phát triển gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội. Trong suốt quá trình 35 năm đổi mới, việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển… Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận...; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có Covid-19; chủ động sản xuất được nhiều loại vắcxin phòng bệnh, mới đây nhất là vắcxin phòng Covid-19...Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Đến nay, diện thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Việt Nam đã hoàn thành được Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều của Việt Nam giảm từ 9,9% (năm 2015) xuống còn khoảng dưới 3% (năm 2020), được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong các nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và Tổ chức Lương thực quốc tế (FAO) vinh danh Việt Nam là 1 trong 38 quốc gia có thành tích nổi bật về xóa đói giảm nghèo. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề được nâng lên, thể hiện qua một số chỉ số thăng hạng như xếp hạng đại học tăng 12 bậc từ hạng 80 lên 68; tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi (năm 2010) lên 73,7 tuổi (năm 2020). Chỉ số phát triển con người (HDI) xếp thứ 116/189, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020). Tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia được tăng cường; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (chỉ số GII) từ vị trí thứ 59 (năm 2016) lên thứ 42 (năm 2020) trên 131 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.

(3) Quốc phòng, an ninh, sức mạnh quân sự được củng cố. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Chuyên gia quốc tế đánh giá quân đội Việt Nam là một trong những lực lượng quân sự giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng quân sự thế giới của trang Global Fire power năm 2020, Việt Nam đứng 22/138 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, riêng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ hai, sau Indonesia. Dư luận thế giới ủng hộ, đánh giá cao các biện pháp kiên quyết, kiên trì của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Trước vụ việc nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, báo chí phương Tây cho rằng, vụ việc là “một thách thức trực tiếp đối với quyền lực chính trị Việt Nam”; tuy vậy, Việt Nam đã đưa ra những “chỉ trích sắc bén”, phát biểu “mạnh mẽ, xuyên suốt” và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Trong những năm gần đây, dư luận phương Tây nhận định, Việt Nam là nước có phản ứng “dũng cảm”, “cứng rắn”, “kiên quyết” nhất đối với Trung Quốc ở Biển Đông, với một chiến lược “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”; dư luận nước ngoài cũng đánh giá cao sự “khéo léo” của Việt Nam trong việc đưa các nội dung về Biển Đông tại các hội nghị lớn của khu vực và quốc tế. Việc hợp tác quốc phòng cũng là nội dung được dư luận báo chí nước ngoài quan tâm như việc đón tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ năm 2018, năm 2020 và hải quân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ, Nga...Dư luận cho rằng đây là chính sách “ngoại giao pháo hạm” mới của Việt Nam khi tận dụng sức mạnh hải quân các cường quốc thế giới để tạo tính biểu tượng, đối phó Trung Quốc. Tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến 8/2020, Việt Nam đã cử 246 lượt cán bộ tham gia công tác tại trụ sở liên hợp quốc và các phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan; trong đó có 189 cán bộ nhân viên trong đội hình dã cheiesn cấp 2; có 4 sĩ quan làm việc tại Cục Hoạt động hòa bình, trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ) và Sở chỉ huy Phái bộ Cộng hòa Trung Phi.

  (4) Hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế ngày càng được nâng cao. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu: Từ một nước chưa có tên trên bản đồ thế giới (trước 02/9/1945), bị chia cắt (1954 - 1975), bị bao vây, cấm vận (thập niên 80 của thế kỷ XX), với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Việt Nam đã hình thành và phát triển mạng lưới quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước; trong đó có 17 Đối tác chiến lược (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ là Đối tác chiến lược toàn diện), 13 Đối tác toàn diện. Như vậy, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với toàn bộ 5 nước thành viên Thường trực HĐBA LHQ; toàn bộ G7; 17/20 nước và tổ chức trong G20 và tất cả các nước trong ASEAN. Đồng thời, là thành viên tích cực, tham gia có hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hiện nay, nhiều nước cũng muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược, như Mông Cổ, Bun-ga-ri, Ba-lan, Pa-kit-tan... Trong các diễn đàn đa phương, nhất là khi được Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 02/2019 thì Việt Nam ngày càng tạo dựng vị thế và nhận được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế. Đáng tự hào hơn, khi Việt Nam được bầu vào Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu cao kỷ lục 192/193 - đây là điều chưa từng có trong 74 năm lịch sử từ khi thành lập của Liên Hợp quốc và chúng ta được bầu làm Chủ tịch HĐBA LHQ hai lần trong một nhiệm kỳ (tháng 01/2020 và tháng 4/2021) - là vinh dự không phải quốc gia nào cũng có được; những thành tựu trong đối ngoại và hội nhập quốc tế đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam đang dần trở thành “một ngôi sao sáng” trên truyền thông quốc tế, nhất là vào các thời điểm Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quan trọng như: Năm APEC Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế thế giới -ASEAN năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên năm 2019 và đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn hoàn thành tốt với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; chúng ta đã thành công trong việc chuyển đổi hình ảnh từ “một cuộc chiến tranh” sang hình ảnh của “một đất nước”. Thế giới ngày càng biết đến Việt Nam như một quốc gia yên bình, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người dân Việt Nam thân thiện, hiếu khách, cần cù, sáng tạo.

Nhìn chung, dư luận quốc tế đánh giá sức mạnh tổng hợp của Việt Nam đã được nâng cao đáng kể, bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu và coi Việt Nam là một trong những “hình mẫu” tiêu biểu về thực hiện hiệu quả công cuộc giảm nghèo, phát triển đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Báo chí nước ngoài đánh giá, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã sẵn sàng để thể hiện vai trò quốc tế, thế giới đang chứng kiến một Việt Nam tự tin trên vũ đài thế giới, có những đóng góp quan trọng cho khu vực. Việt Nam chính là tấm gương phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực.

Với những thành tựu to lớn, toàn diện đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực đã chứng minh lời phát biểu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “càng ngày càng thấy đúng” chứ không phải là sự chủ quan, kiêu ngạo. Những thành quả trên không có sẵn, nó được đánh đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt của dân tộc ta.

Nhà lãnh đạo cách mạng tư sản Anh Oliver Cromwell (1599 - 1658) đã nói: “Người ta không thể đi xa khi không biết mình đi đâu”. Dưới ánh sáng Đại hội XIII của Đảng với những đường lối, chiến lược, quyết sách đổi mới, sáng tạo, phát triển; với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Tin tưởng rằng, với bộ máy lãnh đạo mới có tâm, có tầm; với niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân; sự ổn định về chính trị, kinh tế-xã hội; sự ủng hộ, kính nể của bạn bè quốc tế và đặc biệt với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những quan điểm sai lầm, suy diễn về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước là quan điểm phản động, sai trái, không có cơ sở thực tiễn, quan điểm này đã dựa trên những phân tích, nhận xét không khoa học, không hệ thống và không toàn diện, quan điểm này hết sức phiến diện, quy chụp, phi thực tế khi không thấy rõ hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thừa nhận những thành quả trong phát triển đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua. Thực tiễn cách mạng Việt Nam và những thành quả mà Nhân dân ta đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 92 năm qua, đã hoàn toàn bác bỏ quan điểm sai trái, thù địch đó và chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có đủ khả năng lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét