Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Những thách thức, khó khăn trong sự nghiệp cách mạng hiện nay

 


Hiện nay, trên thế giới tình hình sẽ tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đảng ta nhận định: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn”[1]. Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII (Nghị quyết số 44), Đảng ta chỉ rõ: “Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm hình thành ngày càng rõ nét. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện. Thế giới hình thành phân tuyến rõ hơn giữa một bên là Mỹ, các nước phương Tây, NATO và một bên là Nga, chiến tranh sắc tộc ở Trung Đông”[2]. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Hợp tác, cạnh tranh đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt.

Căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị can thiệp lật đổ, khủng bố vẫn sẽ diễn ra gay gắt. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... tiếp tục diễn biến phức tạp. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ, đứng trước nhiều thách thức mới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh tập hợp lực lượng thông qua các sáng kiến, chiến lược để cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, tiếp tục đe dọa đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững chế độ ở nước ta.

Ở trong nước, nền kinh tế phát triển chưa bền vững. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại có mặt còn gay gắt hơn, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn là thách thức lớn. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta còn cam go, phức tạp, lâu dài; những đòi hỏi mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hệ luỵ của biến đổi khí hậu; chất lượng dân số còn thấp và xu hướng già hóa dân số nhanh là những thách thức rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong thời gian tới.

Các thế lược thù địch tiếp tục thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm cho quốc phòng, an ninh đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Chúng câu kết với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là phá hoại nền tảng chính trị, tư tưởng, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng và Quân đội. Trước sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới như: chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng. Các hoạt động thu thập bí mật quốc gia, tình báo, gây nhiễu loạn thông tin và tấn công mạng đe dọa nghiêm trọng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã và đang tác động lớn đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Những thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, khóa XIII (NQ số 44 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.    .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét