Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Thực tiễn lịch sử trong bảo vệ Tổ quốc của nhân loại

 


Từ khi ra đời, các nước xã hội chủ nghĩa luôn phải đối mặt với sự tiến công chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Chính quyền Xô viết phải động viên mọi nguồn lực của đất nước chống lại và đập tan sự tiến công của liên minh 14 nước đế quốc câu kết với các thế lực tư sản, phong kiến phản động Nga. Những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, để tránh đòn tiến công trực tiếp về quân sự, các nước phương Tây tìm mọi cách hướng lái cuộc chiến tranh phát xít vào Liên Xô. Thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô năm 1945 không chỉ bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà còn tạo thành trì vững chắc cho sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Nhờ đó, chủ nghĩa phát xít và quân phiệt đã bị tiêu diệt, làm thất bại những âm mưu chiến lược chống phá, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực của chủ nghĩa đế quốc. 

Bên cạnh đó, chủ nghĩa đế quốc đã ra sức chạy đua vũ trang, tiến hành “Chiến tranh Lạnh”, chiến tranh xâm lược kết hợp với chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống các nước xã hội chủ nghĩa. Trong những năm 50 - 60, từ kích động, tổ chức các cuộc phản loạn, mưu đồ lật đổ các nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu; các thế lực đế quốc trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam. Cuối những năm 80, đầu những năm 90, chúng đã đẩy mạnh chiến lược chống phá toàn diện, làm sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô.

Trên đà “chiến thắng không cần chiến tranh”, từ những năm 90 thế kỷ XX đến nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiếp tục tổ chức những cuộc bạo động chính trị lớn khắp Trung Quốc, âm mưu cướp chính quyền ở Bắc Kinh; tiến công quân sự làm tan rã Liên bang Nam Tư; chia tách, chuyển hóa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trong thế kỷ XX); chống phá phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh. Hiện nay, chúng vẫn là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ kết hợp với gây sức ép toàn diện trên mọi lĩnh vực, kể cả răn đe và tiến công quân sự hòng thủ tiêu hoặc chuyển hóa các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. 

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhất là khi có Đảng lãnh đạo đã chứng minh tính tất yếu khách quan phải bảo vệ Tổ quốc. Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chống ngoại xâm và phải liên tiếp đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, phần lớn là của những quốc gia lớn mạnh, những đế quốc cường bạo. Chỉ tính trong khoảng 22 thế kỷ, từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tần đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc ta đã buộc phải tiến hành 13 cuộc chiến tranh giữ nước hết sức quyết liệt. Trong đó, đã 10 lần chiến thắng, giữ vững nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Trong thời kỳ bị Bắc thuộc, Minh thuộc và Pháp thuộc, nhân dân ta đã tiến hành hàng trăm cuộc khởi nghĩa, dần chuyển hóa, phát triển thành chiến tranh giải phóng, đưa đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn đất nước.

Từ giữa thế kỷ thứ XIX đến những năm 70 của thế kỷ XX, đất nước ta liên tiếp bị các thế lực thực dân, đế quốc và phong kiến, phản động tay sai xâm lược, đô hộ và áp bức, nô dịch. Từ khi thống nhất đất nước (1975), các thế lực ngoại bang vẫn tiến hành xâm lược lãnh thổ, chống phá nền độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá Việt Nam chủ yếu bằng “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, ly khai. Chúng không từ bỏ thủ đoạn thâm độc nào để chống phá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mưu toan gây mất ổn định chính trị, kết hợp với bạo loạn lật đổ, hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mặt khác, yêu cầu đặt ra hàng đầu là phải thường xuyên giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công cuộc đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì thế, đi đôi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn đã chỉ ra, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét