Với phương châm “Phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên và phát triển”, trong suốt 10 năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn (HTKPHQBM) Việt Nam đã chung tay góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều nạn nhân bom mìn trên khắp cả nước.

Gieo niềm vui, tạo điểm tựa cho nạn nhân bom mìn

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng cho đến nay, gần 63 tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn đang bị ô nhiễm nặng bởi hàng trăm nghìn tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, không chỉ uy hiếp tính mạng, sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng bị ô nhiễm mà còn tác động nguy hiểm đến sự an toàn và phồn vinh của đất nước.

Trước thực trạng trên, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội HTKPHQBM Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 11-11-2014. 10 năm qua, sự chỉ đạo chặt chẽ từ Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, với sự chung sức, đồng lòng của Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, Bộ tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh, các tập đoàn, các công ty trong và ngoài quân đội..., Hội HTKPHQBM Việt Nam đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều nạn nhân bom mìn trên khắp cả nước.

10 năm đồng hành cùng nạn nhân bom mìn
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trung tướng Nguyễn Đức Soát và bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ Hoa Hòa Bình trong một lần trao bò hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở tỉnh Hà Giang.

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng về nâng cao nhận thức phòng chống tai nạn bom mìn cho nhân dân, Hội đã tổ chức 33 đợt hỗ trợ sinh kế trên địa bàn 27 lượt/tỉnh, thành phố trọng điểm, với tổng số gần 6.000 người được hỗ trợ sinh kế. Từ số tiền hàng chục tỷ đồng, hàng trăm gia đình nạn nhân bom mìn được hỗ trợ bò sinh giống sản, đến nay đàn bò tại các tỉnh đã phát triển thêm hàng nghìn con bê. Hơn 5.500 người khác được thụ hưởng hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: Tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, chăn nuôi, sửa chữa nhà ở, tặng phương tiện nghe nhìn, chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Hội cũng tổ chức trao tặng tiền và quà nhân dịp lễ, tết, trao hàng nghìn áo ấm, chăn ấm, mũ len, giày dép, tất và 1.330 xe đạp tặng học sinh nghèo vượt khó trên các địa bàn. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và hỗ trợ tiền thuốc cho gần 3.000 nạn nhân bom mìn, gia đình chính sách, nạn nhân da cam và người nghèo, hỗ trợ Quỹ “Nâng bước em đến trường”, sách vở, đồ dùng học tập, truyện tranh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh các trường dân tộc nội trú...

10 năm đồng hành cùng nạn nhân bom mìn

Niềm vui của nạn nhân bom mìn khi được nhận hỗ trợ bò sinh sản từ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn.

Từ sự hỗ trợ ban đầu của Hội, cuộc sống của nhiều gia đình đã được cải thiện. Rất nhiều câu chuyện cảm động đã được lan tỏa như “chuyện nhà” của ông Đinh Như Ngà, thôn Quy Hợp 2, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông Ngà bị tai nạn bom mìn, cụt mất một chân, sức khỏe giảm sút, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ông chưa bao giờ dám nghĩ tới việc được sống trong một ngôi nhà tử tế. Năm 2020, ước mơ của ông đã thành hiện thực khi được Hội hỗ trợ hoàn thành ngôi nhà, giúp gia đình ông an toàn vượt qua mùa bão lũ... Đúng như chia sẻ của bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ Hoa Hòa Bình, một trong những đơn vị đồng hành cùng Hội HTKPHQBMVN ngay từ những ngày đầu thành lập, gieo niềm vui, tạo điểm tựa cho những người có hoàn cảnh khó khăn nói chung, các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn nói riêng chính là hạnh phúc của người làm thiện nguyện.

Những vị tướng nghỉ hưu không nghỉ việc

Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, từ 102 hội viên sinh hoạt ở 5 chi hội trực thuộc Trung ương Hội ban đầu, đến nay Hội đã có hơn 1.500 hội viên với 3 Hội HTKPHQBM tỉnh, thành phố và 17 chi hội. Đặc biệt, hội viên của Hội HTKPHQBM Việt Nam có đông đảo tướng lĩnh từng công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nay đã nghỉ hưu, tình nguyện chung tay, góp sức làm việc thiện, tận tụy suốt 10 năm qua. Có thể kể đến Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội; Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch thường trực Hội; các Phó chủ tịch Hội: Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Thành Định, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn; Thiếu tướng Anh hùng LLVT nhân dân Trần Việt, Trưởng ban Kiểm tra; Thiếu tướng Trần Hồng Công, Tổng thư ký; Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Trưởng ban Đối ngoại; Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng (Chủ tịch Hội HTKPHQBM TP Đà Nẵng), Thiếu tướng Lưu Xuân Cải (Chủ tịch Hội HTKPHQBM TP Hải Phòng), Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân (Chủ tịch Hội HTKPHQBM tỉnh Quảng Ngãi)...

10 năm đồng hành cùng nạn nhân bom mìn
Trung tướng Nguyễn Đức Soát trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tại tỉnh Gia Lai, tháng 9-2023. 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát từng chia sẻ rằng, càng có nhiều hội, chi hội ở cấp tỉnh, thành phố thì càng có thêm nhiều nạn nhân bom mìn được quan tâm, hỗ trợ, và mục tiêu của Hội là không để nạn nhân bom mìn bị bỏ lại phía sau. Ông cho rằng, quà tặng hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân và các cháu học sinh tuy còn khiêm tốn, và chưa thể quan tâm được đến tất cả các nạn nhân, nhưng đây cũng là cố gắng to lớn của Hội. Vì vậy, ông luôn trăn trở cùng anh em trong Ban chấp hành Hội để vận động nguồn tài trợ cũng như cách thức hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn…

10 năm đồng hành cùng nạn nhân bom mìn
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, năm 2023. 
10 năm đồng hành cùng nạn nhân bom mìn
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa và bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ Hoa Hòa Bình trao hỗ trợ tặng các học sinh khó khăn tại Gia Lai, tháng 9-2023. 

Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, Hội đẩy mạnh trọng tâm là công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn. Công tác tuyên truyền cần đa dạng đối tượng nhưng đối với các địa phương vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tính chất địa bàn trải rộng thì việc tuyên truyền thông qua hệ thống trường học phổ thông là cách làm hiệu quả…

10 năm qua với những hành trình làm vơi đi những vết thương bom đạn, Hội HTKPHQBM Việt Nam đã mang niềm vui, hạnh phúc cùng những yêu thương ấm áp khó đong đếm được, tạo động lực cho nhiều gia đình nạn nhân bom mìn. Con đường khắc phục hậu quả bom mìn vẫn còn dài, những bước chân lội suối, trèo đèo của các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ đã nghỉ hưu sẽ vững vàng hơn khi tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân chung tay để tiếp tục chữa lành những vết thương, hậu quả do bom mìn gây ra, tất cả hướng về mục tiêu cao nhất “Vì một cuộc sống bình yên”.

Bài và ảnh: LINH OANH

nguồn báo quân đội nhân dân