Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 6 TCVN về các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích, có tham khảo với các phương pháp quốc tế, nước ngoài (ISO, ASTM, US EPA), nhằm bổ sung và hoàn thiện hệ thống TCVN trong lĩnh vực quan trắc môi trường (không khí, nước, đất và quản lý chất thải rắn) để áp dụng đồng bộ trong thực thi các văn bản pháp quy về môi trường (Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường).

Việc sử dụng các văn bản pháp lý trong đó có các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật là một trong nhiều công cụ quan trọng nhất đang được các cơ quan quản lý môi trường quốc gia áp dụng phổ biến và có hiệu quả để quản lý môi trường. Các tiêu chuẩn kỹ thuật này giúp các nhà hoạch định chính sách, các ngành công nghiệp cũng như người sử dụng có được các công cụ chung cần thiết để cùng nhau bảo vệ môi trường.

Xây dựng 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục tại Hà Nội.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường đang được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn vào các hoạt động quản lý môi trường nhằm kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm ở nước ta. Một hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, quy trình kỹ thuật về môi trường đầy đủ sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình về khía cạnh bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn và phù hợp hơn với bối cảnh nền kinh tế.

Năm 2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị xây dựng 6 tiêu chuẩn về lấy mẫu, quan trắc, phân tích các thông số ô nhiễm trong môi trường nước, không khí và đất, trầm tích. Các tiêu chuẩn này được xây dựng theo phương thức chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế ISO, ASTM, US EPA.

Phương pháp này mang lại hiệu quả cao vì vừa tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí để xây dựng tiêu chuẩn, vừa kế thừa được những thành tựu khoa học hiện đại nhất của thế giới. Các tiêu chuẩn này đều được viện dẫn trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thông tư về hướng dẫn quan trắc môi trường, nhưng chưa được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia nên gây khó khăn cho việc áp dụng thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Việc xây dựng các TCVN về quan trắc, phân tích, lấy mẫu môi trường trên cơ sở tham khảo các phương pháp, tiêu chuẩn quốc tế, các tài liệu nước ngoài kết hợp với khảo sát là phù hợp và cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp bách về kiểm soát và quản lý môi trường trong giai đoạn hiện nay.

QUANG DUY

nguồn báo quân đội nhân dân