Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI SỰ QUẤY RỐI TƯ TƯỞNG, CHÍNH TRỊ TRÊN MẠNG XÃ HỘI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY


Trong bối cảnh hiện nay, lợi dụng sự phát triển của khoa học và công nghệ, các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để với nhiều hình thức, chiêu bài khác nhau để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một trong những chiêu bài đơn giản, nhưng khá phổ biến và hiệu quả là các bài viết nhằm quấy rỗi, nhiễu loạn thông tin cho người đọc, trên cơ sở đó reo rắc sự hoài nghi với các luận điều lừa bịp, xảo trá. Bài viết đề cập đến một số thủ đoạn quấy rối tư tưởng, chính trị trên internet của các thế lực thù địch trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp phòng, chống, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội hiện nay.

Mạng xã hội là một khái niệm để chỉ xã hội ảo được tạo lập dựa trên sự kết nối giữa người với người trên Internet bằng những mối quan hệ mô phỏng, các quan hệ trong xã hội thực không phân biệt thời gian, không gian và có khả năng lan rộng nhanh chóng dựa trên sự tương tác giữa các thành viên trong cộng đồng. Mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ files, blog, và xã luận. Mạng xã hội có nhiều dịch vụ để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo Groups (ví dụ như tên trường hoặc tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail hoặc screen name), hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm (kinh doanh, mua bán). Mạng xã hội xuất hiện đã làm thay đổi cách thức giao tiếp, sinh hoạt có tính chất truyền thống của con người, tạo sự liên kết đa chiều và trở thành một phần tất yếu của xã hội hiện đại ngày nay.

Theo Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021 do We are social và Kepios công bố đầu năm 2022: Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Lượng người dùng mạng xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021). Đây là những con số đáng mơ ước với bất kỳ loại hình truyền thông nào, cho thấy tiềm năng lớn của mạng xã hội trong truyền thông chính trị ở Việt Nam. Thời gian trung bình người Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 28 phút mỗi ngày. Con số này cũng lớn hơn nhiều so với trung bình các nước khác trên thế giới, tăng thêm cơ hội cho các nhà truyền thông chính trị tiếp cận công chúng. Tần suất sử dụng mạng xã hội của công chúng cũng ngày càng gia tăng vì họ có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi nhờ công nghệ wifi phủ rộng khắp nơi và việc sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ hiện đại như smartphone, máy tính xách tay, máy tính bảng...Thêm vào đó, lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 34. Đây có thể coi là “độ tuổi vàng” của dân số nói chung và là độ tuổi mà truyền thông chính trị cần hướng đến. Công chúng độ tuổi này đang là lực lượng lao động chính của xã hội, là trụ cột trong các gia đình, là đối tượng hướng đến của phần lớn các chính sách. Công chúng trẻ này cũng là đối tượng mà các hoạt động tư tưởng văn hóa cần tác động. Thông qua mạng xã hội, các nhà truyền thông chính trị có thể tiếp cận được đối tượng này một cách dễ dàng, hiệu quả, với chi phí thấp. Theo nghiên cứu của We are social: khi truy cập mạng xã hội, ngoài việc để giữ kết nối với người thân và bạn bè, người dùng quan tâm nhiều nhất đến việc cập nhật tin tức (57,1%). Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mạng xã hội đóng vai trò lớn trong lưu lượng truy cập vào các báo điện tử. Vì vậy, ngày nay, nhiều tòa soạn đã quan tâm tới việc tiếp cận công chúng của mình thông qua mạng xã hội, thay vì tập trung đầu tư vào giao diện trang chủ như trước kia. Thói quen này của công chúng Việt Nam cũng là lý do khiến cho các tổ chức, doanh nghiệp và cả các cá nhân, nghệ sĩ... đều lựa chọn mạng xã hội là kênh truyền thông chính. Các mạng xã hội đã chiếm tỷ lệ lớn nhất trong thị phần quảng cáo ở Việt Nam. Như vậy, với khả năng tiếp cận đông đảo nhóm công chúng trẻ, mạng xã hội đã chứng minh hiệu quả trong việc truyền thông hình ảnh các doanh nghiệp và hoàn toàn có khả năng trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động truyền thông chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, quấy rối tư tưởng, chính trị từ phía bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong. Các phần tử này xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Đồng thời móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất nhằm lôi kéo, mua chuộc, tạo lực lượng chống phá từ bên trong. Trong đó, số bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước. Lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các clip, tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương,... nhằm gây hoang mang, hoài nghi, suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Chưa tính các trang điện thư tán phát đều kỳ, chưa tính những ý kiến nằm trong các diễn đàn (forum) có thể dễ dàng ký gửi ở rất nhiều nơi khác nhau, trong vòng từ 5 đến 7 năm qua đã ra đời hàng ngàn trang Web tiếng Việt và báo điện tử tiếng Việt. Phát triển nhanh chóng cả về nội dung, kỹ thuật và tiện ích, mỹ thuật và giao diện… “Nguồn phát” chính ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Trong đó những trang quấy rối tư tưởng nguy hiểm và gây nhiều tương tác lại chưa hẳn xuất phát từ Mỹ, từ Úc, mà có thể lại là từ Đông Âu xã hội chủ nghĩa trước đây, hoặc từ Pháp, với một số trang có tần số truy cập cao. Phân loại sơ bộ có thể nhận ra trang chính thống của các nhà nước và tổ chức nước ngoài thù nghịch: Trang thông tin của Đại sứ quán một số nước, (B.com, R.com...); trang của các tập đoàn truyền thông Việt ngữ có khuynh hướng đối lập (D.com, Y.net, D.com...); trang của các tổ chức chính trị người Việt đối lập (T.com. L.net...); trang của các nhóm người Việt tự phát có màu sắc chính trị (H.com...); trang văn hoá nghệ thuật của người Việt có khuynh hướng chính trị đối lập (T.com, T.de, H.org...). Ngoài ra còn trang thông tin điện tử của các cá nhân không thường xuyên.

Các hình thức và thủ đoạn quấy rối tư tưởng như sau:

Quấy rối bằng hình thức kích hoạt khái niệm “tự do” theo kiểu Mỹ và phương Tây. Làm cho người khác hoang mang vì hai chữ “tự do” được vẽ vời hoa mỹ và rất hấp dẫn. Cùng với lá bài nhân quyền, dân chủ, sự áp đặt giá trị Mỹ, lý tưởng Mỹ về tự do là một luận điểm nguy hiểm.

Quấy rối tư tưởng, đi đến lung lạc ý chí bằng cách đưa ra những điều luật, nghị quyết chế tài áp dụng cho các chính sách của Mỹ và phương Tây nhưng mục tiêu là gây sức ép với Việt Nam, bắt nguồn từ nguyên cớ là vấn đề nhân quyền, tôn giáo...

Tiếp tục ủng hộ chế độ cũ ở Sài Gòn trong quá khứ, đây là một luận điểm có thể nói là nhằm tô phấn son cho bóng ma quá khứ. Trên các trang mạng hiện nay đang nổi lên một xu hướng ca ngợi những thành tựu về dân chủ xã hội của chính quyền Sài Gòn trước đây.

Tập trung khai thác những đặc điểm lịch sử nhạy cảm quấy rối tư tưởng bằng cách tung ra những bài viết với thủ pháp cường điệu, bôi đen, để tiếp tục kích động chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Tấn công vào chế độ, phủ nhận mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Phủ nhận thành quả đấu tranh cách mạng, phủ định vai trò của Đảng. Khoét sâu, xuyên tạc những vấn đề trong nội bộ Đảng, ra sức ủng hộ và kích động khuynh hướng ly tâm.

Tận dụng các sự kiện của đời sống dân sự, đời sống chính trị - xã hội diễn ra ở trong và ngoài nước để phóng đại, kích động tinh thần phản kháng hoặc lồng ghép tư tưởng chống phá, quấy rối.

Những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nước ta, đặc biệt là Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và mới đây nhất là Luật An ninh mạng. Nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật. Điển hình như đối tượng Lê Mạnh Hà, trú tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang. Đối tượng đã nhiều lần biên soạn, đăng tải, chia sẻ thông tin không chính xác trên các trang facebook, Youtube... các bài viết, video clip có nội dung xấu độc, nhằm tuyên truyền, nói xấu chính quyền, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong Nhân dân. Ngày 12/01/2022 đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch không ngừng lôi kéo, dụ dỗ và sử dụng ngày càng nhiều hơn chiêu bài, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để quấy rối tư tưởng, chính trị hòng làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một mặt nào đó, có thể nói, dù mạng xã hội có tác động tích cực tới đời sống, tuy nhiên các mặt trái nguy hiểm, nhất là đối với thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước đang len lỏi, ngấm ngầm đi vào trong từng cá nhân, trong lối sống hàng ngày của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong xã hội. Những hoạt động quấy rối tư tưởng nhằm thực hiện “diễn biến hoà bình” đã tác động đến một số bộ phận chủ quan mất cảnh giác. Từ chỗ mơ hồ, dẫn đến hoang mang dao động, mất phương hướng, làm giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; giảm sút đạo đức, chạy theo lối sống thực dụng. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương xây dựng con người, xây dựng đời sống văn hoá mới, trở thành giá trị đạo đức, tinh thần của chế độ ta. Tuy nhiên, gần đây, trong xã hội đang phát triển khuynh hướng lối sống thực dụng. Mặt trái của cơ chế thị trường ngày càng tác động. Các khuynh hướng làm giàu bất chính, tham nhũng, lãng phí, buông thả, sống gấp, xa hoa truỵ lạc khá phổ biến và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, quan hệ đối ngoại và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Do tác động trực tiếp đến tư tưởng nhận thức, đạo đức lối sống, từ đó âm mưu “diễn biến hoà bình” đã tác động sâu xa đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, hiệu quả kinh tế... của nước ta. Ngoài ra, do tác động tuyên truyền, nói xấu, bôi nhọ và hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam và uy thế lãnh đạo ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì vậy chúng ta phải đấu tranh để lấy lại niềm tin và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

          Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, quân đội càng phải là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Do vậy, để đấu tranh phòng, chống các thủ đoạn quấy rối tư tưởng, chính trị trên mạng xã hội, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cần thực hiện tốt các nội dung, biện pháp sau:

          Một là, tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho chủ thể các cấp về mạng xã hội, ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ ở đơn vị cơ sở trong tình hình hiện nay. Lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ ở đơn vị cơ sở về mạng xã hội, bản chất, những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia mạng xã hội. Tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, giúp mỗi cán bộ, sĩ quan hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội; quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 118-CT/QUTW ngày 20/02/2017 của Quân ủy Trung ương, “Về việc tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội trong tình hình hiện nay” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, góp phần kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, sai trái, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, biến mạng xã hội thành một kênh thông tin hữu ích để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Quân đội; phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Trên cơ sở đó, xác lập ý thức, thái độ tham gia mạng xã hội một cách khoa học, đúng đắn, tạo cơ sở để hình thành và bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội theo đúng chuẩn mực, quy định của pháp luật.

Hai là, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội trong tình hình hiện nay. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội không chỉ giúp cán bộ, sĩ quan ở đơn vị cơ sở lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng một cách tích cực, sáng tạo, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ trải nghiệm thực tiễn ứng xử trên không gian mạng. Theo đó, cần thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức bồi dưỡng thường xuyên như: tổ chức trao đổi, tọa đàm về mạng xã hội; thành lập và tổ chức hoạt động câu lạc bộ đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên không gian mạng; tổ kỹ thuật, tư vấn thao tác trên các trang mạng xã hội ở các đơn vị; các hội thi tìm hiểu về kỹ năng ứng xử trên các trang mạng xã hội. Ngoài ra, ở đơn vị cơ sở hiện nay cần tăng cường phối hợp thực hiện tổng hợp một số phương pháp, hình thức như: kết hợp tổ chức các hoạt động trao đổi, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm theo từng loại hình ứng xử trên mạng xã hội với giáo dục thái độ, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội; phát huy vai trò nòng cốt của Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 trong xử lý các tình huống kỹ thuật trên mạng xã hội cũng như phổ biến kinh nghiệm về cách sử dụng, các thức thao tác, đến các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cụ thể trên các trang mạng xã hội cho cán bộ, sĩ quan trong toàn đơn vị; kết hợp mời các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia an ninh mạng, chuyên gia mạng xã hội tọa đàm trao đổi về cách thức xử lý các tình huống ứng xử phù hợp trên mạng xã hội; coi trọng rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung và phát triển đa dạng các hình thức, phương pháp bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho cán bộ phù hợp với thực tiễn, nhiệm vụ của đơn vị. Bên cạnh đó, cần tập huấn, xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ kỹ năng bảo mật thông tin liên quan đến các chiến lược an ninh chính trị, an ninh quốc gia, cơ yếu, quốc phòng, quân sự, đối ngoại... những nội dung không được phép để rò rỉ, phát tán, như: thông tin về quy trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ; đề thi, đáp án, quản lý và tuyển dụng, các thông tin cá nhân và đơn vị khi tham gia mạng xã hội.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ ở các đơn vị cơ sở trong đấu tranh phòng chống thủ đoạn quấy rối tư tưởng, chính trị trên mạng xã hội. Đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở là đối tượng đồng thời là chủ thể trong hoạt động ngăn chặn các hoạt động quấy rối tư tưởng, chính trị trên mạng xã hội của các thế lực thù địch. Do đó, cần: tích cực học tập, quán triệt cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước, Quân đội trên mọi lĩnh vực; chủ động nghiên cứu nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức chính trị - xã hội đúng đắn, khoa học, cách mạng; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phong cách tư duy, ứng xử, làm việc, sinh hoạt… theo phong cách Hồ Chí Minh, để nâng cao khả năng phân tích, đánh giá, phản biện, đấu tranh trên không gian mạng. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiệm các nguyên tắc ứng xử khi tham gia mạng xã hội như: Không nên lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; Không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác hoặc làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại, hoặc các mục đích khác. Đặc biệt là không “vào hùa” theo đám đông chia sẻ, nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật; Không cổ xúy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu “bóc phốt”, “tung clip nhạy cảm”, “đủ like là làm”. Không đưa thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, vùng miền, giới tính, tôn giáo, hình ảnh trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thông tin vi phạm pháp luật; Không sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị làm phiền bởi các tin rác hay bị lấy cắp thông tin tài khoản.

Bốn là, tăng cường quản lý xây dựng môi trường giáo dục và các điều kiện đảm bảo cho người dùng tham gia, sử dụng hiệu quả mạng xã hội. Chú trọng xây dựng các mối quan hệ đoàn kết tốt đẹp, tinh thần nhân ái, tương trợ giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, học tập và công tác nhằm tạo bầu không khí dân chủ, tin cậy. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp đối với hệ thống thông tin nói chung, mạng internet nói riêng, nhất là các cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của cán bộ, sĩ quan trong đơn vị. Chủ động nắm, quản lý, dự báo, thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, sĩ quan trước các thông tin xấu độc, các hiện tượng mạng, tội phạm công nghệ cao…giúp cán bộ, sĩ quan có cách ứng xử phù hợp. Đảm bảo tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho cán bộ khai thác, sử dụng mạng trong môi trường an toàn; sử dụng các trang thiết bị hiện đại tạo tình huống giả định giúp cán bộ bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội sát với tình huống thực tiễn ở đơn vị và trong xã hội hiện nay.

Đấu tranh phòng, chống quấy rối tư tưởng, chính trị trên mạng xã hội của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; phải luôn xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch trên không gian mạng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét