Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - L


Bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở cơ sở hình thành Chủ nghĩa Mác, bao gồm: Tiền đề kinh tế, chính trị  - xã hội, đó là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản - giữa tính chất xã hội hoá của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất đã trở nên gay gắt và trở thành mâu thuẫn chủ yếu của xã hội. Giữa thế kỷ XIX, giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị chống chủ nghĩa tư bản ở nhiều nước: Pháp, Đức, Anh, Bỉ…, điển hình là Công xã Paris năm 1871, song đều thất bại, nguyên nhân chủ yếu do thiếu một lý luận cách mạng, khoa học dẫn đường và một lực lượng tiên phong lãnh đạo phong trào của giai cấp công nhân.

C.Mác đã kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tiền đề lý luận để sáng tạo ra học thuyết cách mạng, khoa học cho giai cấp vô sản. Với Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã đánh dấu sự ra đời của Chủ nghĩa Mác (1848) với ba bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. 

Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản làm cho mâu thuẫn giữa các nước đế quốc không thể điều hòa được, dẫn tới chiến tranh đế quốc. Trong điều kiện đó, V.I.Lênin nhận định: Cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một vài nước, thậm chí ở một nước tư bản kém phát triển. Do sự xâm chiếm và đô hộ các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, trên thế giới đã xuất hiện phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh chống đế quốc giành lại nền độc lập ở các nước thuộc địa. Vì vậy, cách mạng vô sản ở các nước đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc có mối quan hệ khăng khít với nhau, cùng chống một kẻ thù chung.

Trong hoàn cảnh đó, bằng hoạt động lý luận sắc bén của mình, V.I.Lênin đã viết một loạt tác phẩm, tiêu biểu như: “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao”; “Làm gì”; “Một bước tiến, hai bước lùi”; “Nhà nước và cách mạng”... Với những tác phẩm đó, V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng với mọi kẻ thù của chủ nghĩa Mác, kịch liệt phê phán chủ nghĩa xét lại, cơ hội, tả khuynh, hữu khuynh, giáo điều, bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác; vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác để giải quyết những vấn đề của cách mạng vô sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Đặc biệt, V.I.Lênin đã kế thừa Chủ nghĩa Mác, sáng tạo học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik Nga, đứng đầu là V.I.Lênin, cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga (1917) thành công rực rỡ.

Những cống hiến lý luận của V.I.Lênin trong việc phát triển sáng tạo học thuyết Mác đã tạo nên một hệ thống lý luận thống nhất của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vì vậy, một giai đoạn mới trong sự phát triển của Chủ nghĩa Mác đã gắn liền với tên tuổi và cống hiến của V.I.Lênin, cũng từ đây, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản được gọi là Chủ nghĩa Mác Lênin.




Chúng ta cần khẳng định, Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận khoa học, thể hiện trong toàn bộ các nguyên lý cấu thành học thuyết, trước hết là các nguyên lý cơ bản; là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan khoa học và phương pháp luận mác-xít; là học thuyết giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người với con đường, lực lượng, phương thức đạt mục tiêu đó; là một học thuyết mở, không ngừng được đổi mới, được phát triển trong dòng trí tuệ của nhân loại. Với bản chất cách mạng và khoa học của mình, Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng, thành vũ khí lý luận của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Như một tất yếu lịch sử, vào một ngày tháng 7-1920, đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Pháp), Nguyễn Ái Quốc lập tức bị cuốn hút bởi tính chất cách mạng triệt để của nó, vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay Nguyễn Ái Quốc hằng mong ước, đợi chờ. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [1], cách mạng vô sản phải do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo và Người chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” [2]. Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng học thuyết chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” [3]; từ đó Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản"[4].vnđ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét