Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

 



Để chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch không từ bất kỳ âm mưu, thủ đoạn nào; trong đó, lợi dụng vấn đề tự do báo chí nhằm tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là một thủ đoạn nguy hiểm, cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ.

Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch

Thời gian qua, một số cá nhân bất mãn, chống đối trong và ngoài nước thường xuyên rêu rao “Ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”... Họ còn cho rằng việc xét xử những người vi phạm pháp luật mà họ gọi là “những người đấu tranh cho dân chủ”, “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” là phiến diện, không khách quan, là Việt Nam “đàn áp báo chí và hoạt động báo chí độc lập”... Một số tổ chức có quan điểm, tư tưởng chống phá Việt Nam như: Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ngôi nhà tự do (Freedom House), Đài Á châu tự do (RFA)... đăng tải nhiều báo cáo sai lệch, bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”, vi phạm quyền con người, quyền tự do ngôn luận đã được nêu trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Từ đó, họ lên tiếng đòi “phải trả tự do ngay lập tức cho những “nhà báo tự do” đang bị giam giữ”.

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch còn dùng hàng loạt các giải thưởng như: Tự do báo chí, Nobel hòa bình, Giải thưởng nhân quyền, Phụ nữ can đảm... được các tổ chức phi chính phủ trao cho những “nhà báo tự do” như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Đoan Trang... để làm bình phong nhằm vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đồng thời ca tụng và tôn vinh những “đóng góp” to lớn của những blogger này trong thúc đẩy tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền.

 Cần phải khẳng định rằng những luận điệu về vấn đề tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền mà các thế lực thù địch đưa ra hoàn toàn sai sự thật nhằm xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do nhân quyền và phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nền báo chí cách mạng.

Đảng lãnh đạo báo chí cách mạng là tất yếu

Sinh thời, kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về báo chí vô sản, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra báo chí cách mạng Việt Nam. Từ tờ báo đầu tiên - báo “Thanh niên” - Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời nền báo chí cách mạng và tạo điều kiện để báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm là phương tiện tuyên truyền, cổ động nhân dân, cơ quan, tổ chức với tinh thần chiến đấu, thấm nhuần tính đảng và tính nhân văn sâu sắc. Theo Người, muốn có đóng góp tích cực nhất vào công cuộc phấn đấu của toàn dân tộc cho mục tiêu cao cả đó, báo chí phải tự giác phục tùng và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đảm bảo cho báo chí hoàn thành sứ mệnh của mình và bản thân Đảng ngày càng trưởng thành hơn trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Vì thế, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng” và Người cũng yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, trong Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Đảng ta nhấn mạnh: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí”.

Như vậy, báo chí chỉ thực sự cách mạng khi được đặt dưới lãnh đạo, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin; một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân và phục vụ đại đa số nhân dân, đất nước. Do đó, một người, một tổ chức nào đó mang danh nhà báo, báo chí mà không phục vụ Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân thì liệu có xứng đáng nói lên tiếng nói của quảng đại quần chúng nhân dân hay chỉ là “bù nhìn”, “tượng phỗng” để các thế lực cơ hội, thù địch giật dây, điều khiển? Ai đó nếu thông tin tùy tiện, chỉ muốn vỗ ngực là “bảo vệ dân chủ”, “đấu tranh cho tự do” mà đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc thì liệu có xứng đáng là “nhà báo của tự do, dân chủ”?

Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở nước ta luôn được tôn trọng

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng quyền “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”. Thực tế, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân. Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền tự do báo chí của công dân tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tiếp theo, Điều 10 và Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 tiếp tục làm rõ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Bên cạnh những quyền được luật hóa trong Hiến pháp và luật pháp, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong cả nước ngày càng tăng cả về lượng và chất. Tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan Báo chí; trong đó, 114 Báo và 116 Tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 Báo và Tạp chí in, 29 Báo và Tạp chí điện tử; 72 cơ quan phát thanh truyền hình với 2 Đài Quốc gia, 01 Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, 64 Đài địa phương. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử.

Hiện nay, cả nước có hơn 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí với gần 16.000 người thuộc khối phát thanh và truyền hình, hơn 21.000 người được cấp thẻ nhà báo. Như vậy, việc tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được pháp luật đảm bảo theo đúng thông lệ quốc tế, lực lượng làm báo ở Việt Nam hùng hậu và hàng ngày, hàng giờ bám sát, phản ánh chân thực tình hình thực tiễn đất nước và quốc tế để cung cấp thông tin chính thống, khách quan và thời sự cho đông đảo nhân dân. Những thông tin trên hẳn đã là câu trả lời cho vấn đề “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” ở nước ta mà các thế lực thù địch, cơ hội muốn chống phá!

Vai trò của báo chí cách mạng trong sự nghiệp đổi mới

Với lực lượng hùng hậu và sự đa dạng, phong phú về loại hình, báo chí cách mạng Việt Nam là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đã và đang đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vào sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan báo chí và người làm báo đã góp phần to lớn vào việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc… Hệ thống báo chí, truyền thông cũng góp phần quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, tăng cường sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia trực tiếp vào quản lý phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí với nhiều loại hình đã thực sự góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ nhận thức cho nhân dân; tôn vinh các giá trị dân tộc, nhân văn tốt đẹp; góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhiều nhà báo đã dũng cảm đấu tranh kịp thời, sắc bén, vạch rõ và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của địch lợi dụng chống phá ta trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thật sự là “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giáo huấn.

Như vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một giá trị quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người hoạt động báo chí; quyền tự do tiếp cận thông tin; quyền tự do cá nhân và các tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước báo chí, truyền thông. Đây cũng là những minh chứng xác đáng phản bác lại những luận điệu xuyên tạc vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở nước ta mà các thế lực cơ hội, thù địch thường xuyên chống phá, xuyên tạc!./.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét