Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Quân báo trinh sát - Lực lượng chuẩn bị trận địa cho mỗi chiến dịch

 Sau Hội nghị do Bác Hồ chủ trì tại Tỉn Keo vào tháng 12-1953, lực lượng Quân báo trinh sát của ta tổ chức theo dõi địch trên các hướng và đi đến quyết định: Trước mắt, chuẩn bị đánh Lai Châu. Ngay lập tức, đồng chí Mạc Lâm được cử lên trại tù binh ở Tuyên Quang, tập trung khai thác các sĩ quan địch bị quân ta bắt ở chiến dịch Tây Bắc, tổ chức một cuộc “hội thảo” về cách đánh Lai Châu, cách đối phó của quân Pháp và dự kiến đường rút chạy của chúng.  

Khai thác một sĩ quan tù binh Pháp đã từng ở Điện Biên, thông thạo đường Tây Bắc, Thượng Lào ta nắm được nhiều thông tin giá trị về chiến dịch cũng như về chiến thuật. Sau buổi “hội thảo” đó, đồng chí Nguyễn Việt - Trưởng phòng Trinh sát, Cục Quân báo được giao nhiệm vụ cùng một đơn vị trinh sát của Bộ lên đường đi Lai Châu nghiên cứu tình hình, chuẩn bị cho trận đán

Cuối năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 và giao nhiệm vụ cho các đại đoàn. Ngày 20-11-1953, quân báo của ta nắm được tin tức về việc quân Pháp điều động 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.  

Ngay lập tức, đồng chí Hoàng Văn Thái điện thoại và tiếp theo đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cơ quan Quân báo phải làm rõ: Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với mục đích gì? Có phải vì đã phát hiện Đại đoàn 316 đang hành quân lên đánh Lai Châu? Chúng có đóng lại không? Hay chúng sẽ rút? Nếu chúng đóng lại thì sử dụng bao nhiêu lực lượng và sẽ bố trí thế nào? Chỉ thị yêu cầu lực lượng Quân báo trinh sát phải trả lời trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, có hai câu hỏi hóc búa nhất đòi hỏi lực lượng Quân báo trinh sát phải trả lời ngay: Địch có rút không? Chúng bố trí như thế nào?  

Để trả lời được những câu hỏi trên, việc cần làm trước hết là điện ngay cho bộ phận trinh sát chuẩn bị đi Lai Châu phải lập tức chuyển hướng về phía Điện Biên Phủ, phối hợp với các đơn vị tại chỗ bám sát và điều tra tình hình địch, hằng ngày báo cáo về Cục; đồng thời tăng cường lực lượng trinh sát kỹ thuật theo dõi liên tục địch ở Điện Biên Phủ, Lai Châu, Thượng Lào, vì có tin có cánh quân từ Lào tiến về hướng Điện Biên Phủ.

Lúc này, một khó khăn mới xuất hiện. Trên bản đồ Bắc Bộ chỉ vỏn vẹn có một chấm đen với ba chữ “Điện Biên Phủ”. Yêu cầu cấp thiết ngay lúc này đòi hỏi quân ta phải có được những tấm bản đồ quân sự. Trước tình hình đó, đồng chí Hùng Châu, một cán bộ ở Ban Hỏi cung đã đi gấp lên trại tù binh, phối hợp cùng với đồng chí Mạc Lâm để khai thác một viên sĩ quan Pháp đã ở Điện Biên Phủ về địa hình và dự kiến khả năng bố trí công sự của địch. 

Vài ngày sau, ta phác họa được một sơ đồ về Điện Biên Phủ, cùng với báo cáo, nhận xét về giá trị đặc biệt quan trọng của dải đồi phía Đông sông Nậm Rốm. Nếu tổ chức phòng ngự ở đây, nhất thiết phải chiếm các mỏm đồi cao; còn ở phía Tây là cánh đồng rộng, xa hơn là dải núi không có giá trị chiến thuật quan trọng trong phòng ngự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui khi nhận được báo cáo này và gửi lời khen ngợi anh em hỏi cung. 

Đồng chí Cao Pha được chỉ thị tổ chức theo dõi, nắm địch ở Lai Châu, Điện Biên Phủ và Thượng Lào. Ngày 26-11-1953, đồng chí Cao Pha cùng một tổ quân báo di chuyển đi Điện Biên Phủ bằng xe vận tải. Qua Nà Sản, xe dừng lại để anh em nghiên cứu tận mắt tập đoàn cứ điểm của địch. Tại đây, đồng chí Cao Pha nhớ lại lần đầu vấp phải cách phòng ngự của địch; do không điều tra kỹ đặc điểm của hệ thống bố trí phòng ngự nên khi bộ đội ta tiến công đã bị thương vong nặng nề. 

Đang nghiên cứu Nà Sản thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho biết tin địch “đốt khói” ở Điện Biên Phủ và chỉ thị đồng chí Cao Pha phải theo dõi sát tình hình vì lo ngại địch định rút quân. Mối quan tâm của Tổng Tư lệnh là hoàn toàn có lý. Vì lúc này, ta đang có kế hoạch điều Đại đoàn 308 chủ lực lên đây và tùy tình hình sẽ điều tiếp các đơn vị khác. 

Thời điểm này, công tác điều tra và nắm địch ở Điện Biên Phủ là trọng tâm số một. Hai đội trinh sát của Bộ, do các đồng chí Nguyễn Việt, Phạm Huy, Nguyễn Ngọc Bảo chỉ huy đã phối hợp với trinh sát các Đại đoàn hình thành một mạng lưới trinh sát mặt đất khá chặt chẽ. Đồng thời, bộ phận trinh sát kỹ thuật cũng bám địch suốt ngày đêm với quyết tâm không để lọt bất kỳ tin tức nào. 

Kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát mặt đất và trinh sát kỹ thuật, ta biết được: Ngày 3-12, địch đã đưa thêm 3 tiểu đoàn lên Điện Biên Phủ, thành lập “Binh đoàn hành quân Tây Bắc” do De Castries chỉ huy. Đến cuối tháng 12, địch lại tăng thêm 3 tiểu đoàn nữa. Như vậy, trong hơn một tháng, lực lượng địch ở Điện Biên Phủ đã lên đến 12 tiểu đoàn bộ binh, cùng các binh chủng khác, tổng quân số là 12.000 quân. Trọng tâm của Kế hoạch Navarre chính là quyết tâm chiếm đóng Điện Biên Phủ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét