Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – BẬC ĐẠI TRÍ, ĐẠI NHÂN, ĐẠI DŨNG

Trên trang “Baoquocdan” Nguyễn Thị Cỏ May tiếp tục chiêu trò cũ, đả kích, đánh tráo khái niệm, xuyên tạc tác phẩm “Ngục Trung Nhật ký” – “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn lời học giả Lê Hữu Mục, May cho rằng tập thơ này ra đời dưới sự dàn dựng công phu của  ban biên soạn thuộc hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đánh bóng tài năng cho Hồ Chí Minh.

Lý lẽ mà bài viết đưa ra là: Lúc đó Bác chưa đủ trình độ tiếng Hán để làm thơ tiếng Hán theo thể thơ Đường và quan điểm trong bài thơ mang tính chung chung, không thể hiện rõ quan điểm giai cấp vô sản. Từ đó Lê Hữu Mục khẳng định tác giả cuốn Ngục trung nhật kí chắc chắn là một người Hán (tức “già Lý”) vốn trung thành với quốc gia, đất nước Trung Hoa, chứ không phải Hồ Chí Minh. Song, Nguyễn Thị Cỏ May thiếu hiểu biết hay cố tình bỏ qua, bởi trong Ngục Trung Nhật ký còn một bài thơ: Bệnh trọng (Ốm nặng), hai câu đầu viết: Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt/Nội thương Việt địa cựu sơn hà. Với hai câu trên trong bài thơ, đã chứng minh: Chẳng lẽ ông già Lý người Hán đang ở tù tại Hồng Kông lại ngồi thương cho nước Việt; chẳng lẽ một người Hán (“già Lý”, vốn là một tướng cướp) lại làm đại biểu cho nhân dân Việt Nam. Và không biết rằng động cơ thúc đẩy Lê Hữu Mục xuyên tạc “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật kí” đã đi ngược lại phiên họp thứ 24 tại Paris năm 1987, Đại hội đồng UNESCO thông qua Quyết định về kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990. Quyết định này đã tôn vinh “Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Do đó, xuyên tạc, bịa đặt nhưng thiếu tri thức, thiếu hiểu biết, chỉ biết dùng lời lẽ của kẻ thù hận để đánh lừa thiên hạ, không những không đạt được mục đích lấy đen đổi trắng, mà càng chứng tỏ Nguyễn Thị Cỏ May và đồng bọn chỉ là những tay bồi bút, phản động không hơn không kém.

Tiếp tục xuyên tạc về phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn lời của Trần Đức Thảo, Nguyễn Thị Cỏ May cho rằng: Bác là người hám danh, cuồng danh. Nhận định này đã chứng minh chính May không những là kẻ thiếu hiểu biết, mà còn lú lẫn và mù quáng. Bởi lẽ, chưa cần đề cập đến công lao trời biển mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại cho nhân dân, dân tộc Việt Nam, mà cần chỉ qua tập thơ Nhật ký trong tù đã chứng minh Người là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

Cái đại trí của Người là những nhận thức đúng đắn về cuộc sống nhân sinh, về thời cuộc, về đường lối chiến lược, chiến thuật của cách mạng. Trong hoàn cảnh lao tù, con người mất tự do, Người luôn hướng về tự do, nghĩ về tự do. Người đáng giá cao tự do: “Tự do tiên khách trên trời” (Quá trưa). Bác luôn cho rằng cuộc đời có gian nan vất vả, những sẽ có ngày vui: “Hết khổ là vui vốn lẽ đời”; “Hết mưa là nắng ửng lên thôi”(Trời hửng)… Đại trí của Người thể hiện: “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi/Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền” (Việt Nam có bạo động). Cái đại trí còn thể hiện cái nhìn sâu sắc về đời sống nhân sinh, những hoài cảm và những suy tưởng của Bác về sự vật, sự việc trong nhiều bài thơ, câu thơ khác. Cái đại trí làm nên đặc điểm nhân cách cao cả con người Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh là bậc đại nhân được thể hiện rất rõ qua tấm lòng thiết tha yêu Tổ quốc, yêu thương, trân trọng con người, lòng yêu thiên nhiên, tình cảm quốc tế trong sáng của Người. Trước hết là tình yêu Tổ quốc, là tình cảm thường trực ở Người, nhiều đêm nhớ nước Người không ngủ được: “Một canh, hai canh, lại ba canh/ Trằn trọc băn khăn giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh, (Ngủ không được). Nỗi nhớ đồng bào đồng chí canh cánh bên lòng: “Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng/Tin tức bên nhà bữa bữa trông”, (Tức cảnh).

Bác là con người đại dũng tập trung ở khí phách kiên cường, tinh thần vượt qua gian lao thử thách, niềm tin, lòng lạc quan cách mạng ở Người. Khí phách ấy, được nói lên ngay lời mở đầu của tập thơ: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/tinh thần càng phải cao”. Trong hoàn cảnh lao tù, trước sự hành hạ, cưỡng chế, tra xét Người không hề sợ hãi, nao núng mà lại tự động viên: “Nghĩ mình trong bước gian truân/Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”, (Tự khuyên mình). Đọc Nhật ký trong tù chúng ta được gặp tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy trái tim của Người toả ánh sáng chói ngời trong hoàn cảnh tối tăm. Người bị giam hãm, đoạ đầy, trói buộc, xiềng xích, bị nghi ngờ, bêu diễu, cấm đoán, mất hết cả tự do. Tâm hồn Người theo thời gian vẫn cất lên, bất chấp sự cùng khổ về vật chất cũng như tinh thần, coi thường cả sự hiểm nguy, dũng mãnh vượt lên gian lao thử thách, ngạo nghễ để chiến thắng, thể hiện phong thái ung dung, niềm tin tưởng lạc quan son sắt, tình cảm giao hoà với thiên nhiên; đặc biệt là tình cảm thắm thiết đối với đồng bào, nhân dân Việt Nam.

Có thể khẳng định, luận điệu dẫn lời Lê Hữu Mạc, Trần Đức Thảo của Nguyễn Thị Cỏ May không nhằm mục đích đóng góp cho khoa học, cho chân lý mà chỉ cho thấy những thiên kiến chính trị, phục vụ cho ý đồ đen tối chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc, vu khống như thế không những làm xấu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam, mà còn cho thấy cái đại trí, đại nhân, đại dũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Do vậy, những dòng “bồi bút” của kẻ cố tình xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của các nhà khoa học và dư luận xã hội và cộng đồng quốc tế. Hồ Chí Minh là tác giả của Nhật ký trong tù, đó là sự thực hiển nhiên. Bọn chúng có cố tình phủ nhận, lái góc này sang góc kia, dùng ý này xỏ ý khác, thì càng chứng minh chúng chính là kẻ thiếu hiểu biết, lú lẫn, phản quốc, hại nước, hại dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét