Dân chủ có
nghĩa là quyền lực xã hội thuộc về nhân dân, dân là chủ, dân làm chủ trên mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ là một quan hệ xã hội thể
hiện sự bình đẳng về quyền lực giữa các công dân và cộng đồng trong một chế độ
xã hội. Dân chủ phản ánh khát vọng, nhu cầu bình đẳng về quyền lực của con
người trong đời sống xã hội. Dân chủ bị chi phối bời trình độ phát triển kinh
tế, cơ cấu xã hội, trình độ dân trí, văn hóa và các nhân tố khác.
Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những
hình thái chính trị của nhà nước, mà ở đó chính thức thừa nhận quyền bình đẳng
giữa các công dân, thừa nhận mọi người có quyền ngang nhau trong việc xác định
cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước, đồng thời chế độ dân chủ cũng là việc thi
hành có tổ chức, có hệ thống bắt buộc đối với mọi người để bảo đảm dân chủ
chung cho toàn xã hội. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp
quyền Hêghen, C.Mác chỉ rõ: “Chế độ dân chủ là chế độ nhà nước… chế độ dân chủ
là sự tự quy định của nhân dân… chế độ dân chủ ngày càng hướng tới cơ sở hiện
thực của nó, tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực và được xác định là sự
nghiệp của bản thân nhân dân”[1]. Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng: “Chế
độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước.
Cho nên, cũng như mọi nhà nước, chế độ dân chủ là việc thi hành có tổ chức, có
hệ thống sự cưỡng bức đối với người ta. Một mặt thì như thế. Nhưng mặt khác,
chế độ dân chủ có nghĩa là chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa những công
dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu
nhà nước và quản lý nhà nước”[2].
Từ những tư tưởng đó của các nhà kinh điển, có
thể thấy: Không phải nhà nước nào cũng là chế độ dân chủ; chế độ dân chủ chỉ là
một trong những hình thức nhà nước, mà trong đó từ cơ cấu tổ chức, bộ máy, hoạt
động của nó dựa trên nguyên tắc quyền lực của nhân dân; sự ra đời, phát triển
của một chế độ dân chủ gắn liền với sự ra đời, phát triển của nhà nước nhất
định. Cơ sở kinh
tế của chế độ dân chủ thể hiện trực tiếp ở chế độ sở hữu các tư liệu sản xuất
của xã hội. Cơ sở xã hội của một chế độ dân chủ không chỉ là giai cấp cầm quyền
mà còn là các giai cấp và tầng lớp khác cấu thành dân tộc, các cộng đồng dân cư
trong xã hội. Do vậy, tính dân tộc và tính xã hội là đặc tính khách quan của
bất cứ một chế độ dân chủ nào. Dân chủ chịu sự qui định của tính chất, trình độ
phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, dân trí, đặc điểm dân tộc...
Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa - hình thức chính
trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa, bao gồm toàn bộ những thể chế, thiết chế, cơ
chế, quy chế được thể chế hóa thành luật pháp, thể hiện và bảo đảm các quyền dân chủ, quyền làm chủ của giai cấp
công nhân và nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội,
bảo đảm quyền lực xã hội thuộc về nhân dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo
của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Chế độ dân chủ xã hội chủ
nghĩa là thành
quả đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và toàn thể những người lao động
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống ách áp bức, bóc lột và nô dịch của
chủ nghĩa tư bản. Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ khác biệt về bản
chất và nguyên tắc so với chế độ dân chủ tư sản - đó là chế độ dân chủ
của đông đảo nhân dân trong xã hội, quyền
lực thuộc về nhân dân, nhân dân tự tổ chức và thực hiện, trước hết và
chủ yếu là thông qua nhà nước của mình. Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở kinh
tế, chính trị, tư tưởng và văn hóa nhất
định. Về kinh tế là chế độ công hữu thay
thế cho chế độ tư hữu; về chính
trị là khối đại
đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng khối liên minh giữa giai cấp công với giai
cấp nông dân và tầng lớp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản,
sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước; về tư tưởng và văn hóa là hệ tư
tưởng Mác - Lênin cũng như các quan hệ xã hội thấm sâu giá trị văn hoá dân chủ nhân văn,
nhân đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét