Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sử dụng bạo lực cách mạng là quy luật phổ biến trong đấu tranh giành và giữ chính quyền

 

 

Cách mạng xã hội chủ nghĩa tất yếu đòi hỏi phải giải quyết vấn đề cơ bản nhất của cách mạng là vấn đề chính quyền. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp công nhân phải trở thành giai cấp thống trị, phải thiết lập chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân phải sử dụng bạo lực cách mạng dưới mọi hình thức để đập tan bộ máy cai trị của giai cấp tư sản, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân phải giành lấy quyền dân chủ: “Mục đích của Liên đoàn những người cộng sản là dùng mọi biện pháp tuyên truyền và đấu tranh chính trị để thực hiện việc đập tan chế độ xã hội cũ, lật đổ giai cấp tư sản, giải phóng giai cấp vô sản về mặt tinh thần, chính trị và kinh tế, thực hiện cuộc cách mạng cộng sản… và không thể giải tán chừng nào mà cách mạng vô sản chưa đạt được mục đích cuối cùng của nó”[1].

Bạo lực cách mạng là sức mạnh của quần chúng lao động, được giác ngộ, được tổ chức, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản nhằm đập tan bạo lực phản cách mạng. Giai cấp công nhân sử dụng bạo lực cách mạng chỉ là điều kiện chứ không phải là mục đích của cách mạng xã hội chủ nghĩa, không phải là ý muốn chủ quan và càng không phải là nguyên nhân sản sinh ra xã hội mới. Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị xã hội, đã không từ bỏ một thủ đoạn thâm độc nào để đàn áp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, nhằm bảo vệ địa vị thống trị của nó. Để cách mạng vô sản giành được thắng lợi, phải sử dụng các hình thức đấu tranh, trong đó chủ yếu sử dụng bạo lực. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ xã hội hiện hành. Mặc cho giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa, trong cuộc cách mạng ấy những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”[2]. Trong hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin đã phân tích đặc điểm của nhà nước tư sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và rút ra kết luận về tính tất yếu phổ biến của cách mạng bạo lực: “Không có cách mạng bạo lực thì không thể thay nhà nước tư sản bằng nhà nước vô sản được. Việc thủ tiêu nhà nước vô sản, nghĩa là việc thủ tiêu mọi nhà nước, chỉ có thể thực hiện được bằng con đường “tiêu vong” thôi”[3]. Bạo lực cách mạng thể hiện sức mạnh thông qua hai lực lượng là lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của quần chúng, nó hỗ trợ cho nhau tạo thành cao trào cách mạng lật đổ giai cấp thống trị. Bạo lực cách mạng thường được sử dụng với hai hình thức cơ bản, đó là đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị của quần chúng, đồng thời còn là sự kết hợp của hai hình thức đó.

Mặc dù nhấn mạnh sử dụng bạo lực cách mạng là quy luật phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa, song các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ ra rằng, cần phải sử dụng một cách linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng bằng bạo lực và phương pháp hòa bình. Việc sử dụng phương pháp nào không phải do ý muốn chủ quan mà xuất phát từ thực tiễn tương quan lực lượng. Ở trong những tình hình cụ thể, so sánh lực lượng cách mạng đang có ưu thế hơn lực lượng phản cách mạng thì cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng có thể được thực hiện bằng phương thức hoà bình. Do cao trào đấu tranh cách mạng phát triển mạnh mẽ, giai cấp công nhân thống qua đội tiền phong của mình đã thu hút được đông đảo quần chúng cách mạng tạo nên sức mạnh chính trị buộc giai cấp thống trị phải nhường quyền thống trị cho lực lượng cách mạng. Thực tiễn cách mạng vô sản chỉ ra khả năng giành chính quyền bằng phương pháp hoà bình là rất quý và hiếm. Hiện nay, trước những biến đổi phức tạp của tình hình thế giới, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những thay đổi về chiến lược, sách lược, thủ đoạn chống phá cách mạng, nhưng bản chất của chúng vẫn không thay đổi. Chúng luôn sử dụng bạo lực phản cách mạng dưới hai hình thức chính trị và vũ trang nhằm xoá bỏ chủ nghĩa xã hội và các phong trào cách mạng. Răn đe quân sự là chính sách nhất quán của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế ngày nay, điều đó càng khẳng định tính đúng đắn và tất yếu của bạo lực cách mạng trong giành và giữ chính quyền, trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 732.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 646.

[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2005, tr. 28.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét