Dự kiến tới đây sẽ sửa đổi quy định về từ chức, miễn nhiệm đối với công chức quản lý; sửa đổi, bổ sung quy định về bố trí công tác đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của các cơ quan về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.
Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ đề xuất năm chính sách mới dành cho cán bộ, công chức, trong đó có việc sửa đổi quy định về từ chức, miễn nhiệm đối với công chức quản lý; sửa đổi, bổ sung quy định về bố trí công tác đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.
Một chính sách khác được Bộ Nội vụ đề xuất là hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ công chức và những việc cán bộ công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ.
Có thể kể đến như nghiêm cấm biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng.
Bổ sung quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, đặc biệt người đứng đầu. Đây sẽ là cơ sở cho việc sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.
Lần sửa đổi này, Bộ Nội vụ cũng đề xuất chính sách nhằm hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số.
Qua đó, sẽ hoàn thiện quy định về quản lý cán bộ, công chức dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số.
Một chính sách quan trọng khác được Bộ Nội vụ đề ra là hoàn thiện các quy định để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Mục tiêu là thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thẩm quyền, trách nhiệm nêu gương của cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu.
Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.
Đồng thời, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 4/2026).
Dự kiến thời gian luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2027.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét