Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của
chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Đảng ta đã xác định rõ bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng nhân
dân, có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện mục tiêu giành và giữ
chính quyền. Người khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù
của giai cấp, của dân tộc, cần sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản
cách mạng giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[1].
Việc chúng ta sử dụng bạo lực cách mạng là một đòi hỏi tất yếu để chống lại bạo
lực phản cách mạng, hoàn toàn không phải là đam mê hay là sùng bái bạo lực.
Thực tế cho thấy, xuất phát từ phía kẻ thù, do đó mà buộc chúng ta phải “phê
phán” chúng bằng vũ khí, để giải phóng và tự khẳng định mình.
Về hình thức của bạo lực cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
chỉ rõ: “Tuỳ tình hình cụ thể mà quyết định những hình thức đấu tranh cách mạng
thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang, đấu
tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách mạng”[2]. Như vậy, việc sử dụng bạo
lực cách mạng không đơn thuần chỉ là sử dụng lực lượng quân sự và đấu tranh
quân sự mà phải biết kết hợp nó với lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị
của quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp mới có thể giành thắng lợi cho cách
mạng. Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình cụ thể và so sánh lực lượng trong từng giai
đoạn, từng địa bàn mà sử dụng lực lượng, hình thức nào là chủ yếu.
Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về
bạo lực cách mạng, xuất phát từ thực tế so sánh lực lượng, cục diện trên chiến
trường sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam, tháng 7 năm 1973, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 21 đề ra phương châm kết hợp đấu tranh chính
trị, quân sự với ngoại giao và tiếp tục khẳng định: Con đường cách mạng của
miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Đến tháng 3 năm 1974, Quân uỷ Trung
ương họp để quán triệt và bàn việc thực hiện cụ thể về mặt quân sự Nghị quyết
Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Đảng. Nghị quyết của Quân uỷ Trung ương được
Bộ Chính trị thông qua đã xác định: Cách mạng Việt Nam có thể trải qua nhiều
bước quá độ và chỉ có thể giành được thắng lợi bằng con đường bạo lực cách
mạng.
Dưới
ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đúng đắn của Đảng về bạo lực cách
mạng, chúng ta đã huy động được đến mức cao nhất sức mạnh của quần chúng nhân
dân và các lực lượng vũ trang để áp đảo kẻ thù. Cùng với việc xây dựng lực
lượng vũ trang ba thứ quân, chúng ta coi trọng việc xây dựng lực lượng chính
trị của quần chúng. Thực tiễn trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho
thấy, lực lượng chính trị của quần chúng được tổ chức, xây dựng đã thật sự trở
thành một đội quân chính trị, lực lượng tiến công có sức mạnh vô địch để chiến
thắng kẻ thù. Cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong đó có cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thể
hiện bước phát triển cao nhất sự kết hợp giữa tiến công quân sự của các binh
đoàn chủ lực và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân địa phương tạo thành sức
mạnh tổng hợp đập tan sự phản kháng của kẻ thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước; làm ngời sáng lên giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng bạo lực cách mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét