Tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự
Việt Nam là công trình quan trọng hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành
lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền
thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Bảo tàng không chỉ đơn thuần là công
trình trưng bày lịch sử chiến tranh, mà còn tạo không gian chung để khách tham
quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt
Nam anh hùng, của QĐND Việt Nam anh hùng.
Một công trình hiện
đại
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam rộng 386.600m2, được xây
dựng tại Km 6+500 bên Đại lộ Thăng Long, thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ của
quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Bảo tàng được thiết kế hiện đại gồm 4 tầng
nổi và tầng bán âm. Đây là dự án cấp đặc biệt do Tổng cục Chính trị QĐND Việt
Nam làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn
2.500 tỷ đồng.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong các bảo tàng quốc gia và
đứng đầu trong hệ thống Bảo tàng Quân đội, hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 15
vạn tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập độc đáo và 4 Bảo vật Quốc
gia, gồm: Máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21 số hiệu 5121, Bản đồ
Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843 cùng nhiều hiện
vật có giá trị khác. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xem là công trình ý
nghĩa đối với cả quá khứ và tương lai, tạo điểm nhấn không chỉ cho Quân đội, mà
còn cho Thủ đô và cả nước. Công trình sẽ góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa, du
lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, là điểm nhấn kiến trúc, kết nối
hài hòa và bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Tại Bảo tàng, công chúng được trải nghiệm, chiêm ngưỡng về các cuộc
chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng và QĐND Việt Nam anh hùng. Khu vực
bên phải bảo tàng là nơi trưng bày những loại vũ khí, trang bị mà quân đội
Pháp, Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong các hiện vật
đặc biệt có pháo tự hành M-107 cỡ nòng 175mm được mệnh danh là "vua chiến
trường"; nhiều loại máy bay mà quân đội Mỹ bỏ lại sau chiến tranh như máy
bay A37, F5E, CH47, C130; hàng chục loại bom mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong
chiến tranh Việt Nam.
Phía bên trái bảo tàng là khu vực trưng bày những vũ khí, trang bị mà
QĐND Việt Nam sử dụng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc
Mỹ xâm lược và sử dụng trong việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở thời kỳ xây
dựng, bảo vệ đất nước. Các hiện vật tiêu biểu gồm: Pháo 85mm, pháo cao xạ 57mm,
xe tăng PT67 số hiệu 555, máy bay MiG-17 số hiệu 2047, máy bay SU22...
Không gian trưng bày bên trong bảo tàng tại tầng 1 được chia làm 6 chủ
đề, sắp xếp theo trình tự thời gian và bố cục hợp lý. Cụ thể, chủ đề 1: Buổi
đầu dựng nước và giữ nước; chủ đề 2: Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm
1858; chủ đề 3: Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 đến năm
1945; chủ đề 4: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1945 - 1954; chủ
đề 5: Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954 đến 1975; chủ đề 6: Xây dựng và bảo vệ
đất nước từ năm 1976 đến ngày nay. Các hiện vật đều được chú thích cụ thể, đính
kèm với thông tin sự kiện. Loại hình thể hiện rất đa dạng, bao gồm văn bản, màn
hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã
QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh.
Nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại được ứng dụng, tạo cảm giác chân thực
với người xem như sa bàn 3D mapping, hệ thống màn hình tra cứu, phim tư liệu...
Đặc biệt, Bảo tàng đã xây dựng hơn 60 clip, tư liệu bổ trợ cho từng chiến dịch,
từng trận đánh để du khách cảm nhận rõ, tiếp cận một cách dễ dàng hơn.
Sống lại ký ức hào
hùng
Trung tá Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục, Bảo
tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Bảo tàng mới được mở cửa từ ngày
1/11/2024. Mỗi ngày, trung bình có từ 20.000-30.000 người dân của Thủ đô và
nhiều vùng miền khác đến tham quan. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, dù thời
tiết nắng nóng, hanh khô hay mưa bão, hàng vạn người dân từ khắp nơi vẫn đổ về
tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, khiến giao thông nhiều thời điểm
ùn tắc.
Dù phải đi một quãng đường xa để đến tham quan, cựu chiến binh Trần Hòa
Nam, năm nay hơn 80 tuổi, quê ở Nghệ An, là một trong những nhân chứng tham gia
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 xúc động cho biết: “Vào tham quan tại Bảo
tàng, tôi như được sống lại những năm tháng chiến tranh đầy oanh liệt nhưng
cũng rất hào hùng của dân tộc. Ngày ấy, đất nước ta tuy gian khó, vất vả, nhưng
quân dân đồng lòng, chung sức bảo vệ đất nước. Đặc biệt, thời khắc chúng tôi
nghe tin đã bắt được tướng De Castries, toàn bộ chúng tôi như nổ tung, òa lên
hò reo với nhau, nước mắt trào dâng, xúc động không sao tả xiết. Nhiều năm đã
qua, chúng tôi vẫn nhớ Bác Hồ kính yêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những
quyết định vô cùng sáng suốt mới đi tới thắng lợi huy hoàng ngày đó”.
Cùng chung cảm xúc, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng, trú tại quận Cầu
Giấy, thành phố Hà Nội là một nhân chứng lịch sử đã từng tham gia Chiến dịch
“Mùa hè đỏ lửa” tại thành cổ Quảng Trị năm 1972, bồi hồi kể: “Cứ nhìn những tấm
ảnh này, tôi lại nhớ về những người đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường...”.
Có thể nói, tham quan, chiêm ngắm những hiện vật sống động tại Bảo tàng
cũng chính là cơ hội để thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước hiểu
rõ hơn về lịch sử, sự hy sinh của thế hệ cha ông đi trước và phát huy truyền
thống quý giá của dân tộc. Không quản đường sá xa xôi, cô gái trẻ Nguyễn Mai
Linh, sinh năm 1995, đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mình có ông nội
từng tham gia kháng chiến nên mình rất muốn có một lần được nhìn thấy những
hiện vật của chiến tranh. Thông qua chuyến đi này, chúng mình đã hiểu thêm rất
nhiều về lịch sử dân tộc, khiến mình cảm thấy tự hào và càng biết ơn sâu sắc
những thế hệ cha anh đi trước”.
Không chỉ hấp dẫn với người dân trong nước, Bảo tàng Lịch sử Quân sự
Việt Nam còn thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu.
Anh Michel Thomson, 35 tuổi, du khách người Anh, vô cùng thích thú khi thấy
những hiện vật được tái hiện rất chân thực tại Bảo tàng. “Tôi yêu thích lịch sử
Việt Nam, thậm chí, tôi đã lựa chọn môn học về lịch sử của Việt Nam khi tham
gia học đại học. Đến Việt Nam 3 năm, tôi đã có thể đọc sách bằng tiếng Việt để
nghiên cứu về những chiến tích oai hùng của đất nước này” - anh Michel Thomson
chia sẻ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét