Chủ nghĩa Mác -
Lênin cho rằng, mọi cuộc cách mạng xã hội diễn ra trong lịch sử đều bắt nguồn
từ sự phát triển của lực lượng sản xuất. Theo quy luật chung, khi lực lượng sản
xuất không ngừng phát triển mâu thuẫn với quan hệ sản xuất đã lỗi thời sẽ đặt
ra nhu cầu khách quan phải thay thế quan hệ sản xuất kìm hãm nó bằng một quan
hệ sản xuất mới, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. C.Mác và
Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Tới một giai đoạn phát
triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn
với những quan hệ sản xuất hiện có,… Từ chỗ là những hình thức phát triển của
các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực
lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội…”[1]. Việc
đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn này thông qua cách mạng xã hội là động lực
trực tiếp thúc đẩy xã hội vận động và phát triển. Đây chính là quy luật khách
quan của sự thay thế lẫn nhau giữa các chế độ xã hội trong lịch sử.
Cách mạng xã hội
chủ nghĩa cũng không nằm ngoài quy luật chung đó, nó là kết quả tất yếu của sự
vận động, phát triển những mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa,
trong đó chủ yếu là mâu thuẫn về kinh tế - xã hội.
Trên lĩnh vực
kinh tế, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất phát triển có tính chất xã hội
hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa
về tư liệu sản xuất. C.Mác khẳng định, sự phát
triển của chủ nghĩa tư bản dẫn tới “tư liệu sản xuất và sản xuất, về thực chất,
đã biến thành có tính chất xã hội; nhưng chúng vẫn phải lệ thuộc vào một hình
thức chiếm hữu lấy sản xuất riêng rẽ của người sản xuất cá thể làm tiền đề… Cái
mâu thuẫn ấy, cái mâu thuẫn đã mang lại tính chất tư bản chủ nghĩa cho phương
thức sản xuất mới, đã chứa đựng sẵn những mầm mống của mọi xung đột hiện nay”[2]. Đây
là mâu thuẫn khách quan hình thành ngay từ khi ra đời phương thức sản xuất tư
bản chủ nghĩa, nó tích tụ trở thành mâu thuẫn cơ bản, biểu hiện ngày càng gay
gắt và tạo ra tiền đề phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa: “sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm
mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa. Cái vỏ
đó vỡ tung ra. Giờ tận số của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ
đi tước đoạt bị tước đoạt”[3]. Sự
phù hợp thực sự với tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất
chỉ có thể là sự thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng quan hệ sản
xuất xã hội chủ nghĩa thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trên lĩnh vực xã
hội, đó là mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa giữa giai cấp công nhân với
giai cấp tư sản. Sau khi trở thành giai cấp
thống trị, nắm trong tay quyền lực kinh tế, chính trị, giai cấp tư sản ngày
càng xóa bỏ tình trạng phân tán của tư liệu sản xuất, tài sản và dân cư để bảo
vệ lợi ích giai cấp mình. Sự áp bức và bóc lột của giai cấp tư sản, sự cạnh
tranh tự do mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra đã đẩy ngày càng
nhiều người, kể cả những người thuộc tầng lớp dưới của giai cấp trung đẳng xưa
kia vào tầng lớp vô sản. Do đó, mâu thuẫn giữa hai giai cấp vô sản và tư sản
ngày càng tăng lên. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với
nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: “giai cấp tư sản và giai cấp vô
sản”[4]. Sự
đối lập về lợi ích cơ bản giữa hai cấp này không thể dung hòa và giải quyết
triệt để trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản, mà chỉ có thể giải quyết bằng cuộc
cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp vô sản, người đại diện cho lực lượng
sản xuất hiện đại giữ vai trò lịch sử.
Trong giai đoạn hiện nay của thời đại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ
của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, xu thế quốc tế hoá nền kinh tế
thế giới, các nước tư bản chủ nghĩa có ưu thế đầu tư công nghệ sản xuất mới và
hình thành những công ty xuyên quốc gia thì lực lượng sản xuất càng phát triển,
xã hội hoá cao, làm cho mâu thuẫn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm
hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất càng sâu sắc. Mặc dù chủ nghĩa
tư bản đã tự “điều chỉnh”, “thích nghi” bằng cách
cải tiến một số khâu trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, trong cơ chế vận
hành và quản lý xã hội tư bản chủ nghĩa. Điển hình là sự điều tiết vĩ mô để
khắc phục tình trạng vô chính phủ; hoàn thiện chế độ phúc lợi; điều hòa mâu
thuẫn giữa lao động và tư bản, giữa giai cấp và xã hội. Tuy nhiên, tất cả những
điều chỉnh mới đó của chủ nghĩa tư bản không hề đụng chạm đến chế độ sở hữu tư
nhân tư bản chủ nghĩa. Sự đối lập giữa tư bản và lao động làm thuê; quy luật
tích lũy tư bản của sự phân hóa hai cực giàu - nghèo; mâu thuẫn cơ bản của
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa có sự thay đổi căn bản về chất. Bản
chất bóc lột, bành trướng, cướp bóc tài nguyên, thương mại không bình đẳng, áp
bức các quốc gia nhỏ trên phạm vi toàn thế giới; khoảng cách giàu nghèo ngày
càng tăng... do đó trong chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản không thể giải quyết
được mâu thuẫn cơ bản của bản thân nó, đó là tiền đề khách quan quy định
tính tất yếu sẽ nổ ra cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời đại hiện nay.
Bất kỳ một cuộc cách mạng nào nổ ra đều có mục tiêu riêng của nó, do bản
chất của giai cấp lãnh đạo cách mạng quy định. Trong cuộc cách mạng dân chủ tư
sản, để lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập quyền thống trị về tay giai cấp
mình, giai cấp tư sản đã giương cao ngọn cờ khẩu hiệu vì “Tự do, Bình đẳng, Bác
ái” để thu hút đông đảo công nhân và lao động tham gia. Nhưng sau khi đạt được
mục đích, giai cấp tư sản không những không thực hiện lời hứa ban đầu mà còn
quay lại đàn quần chúng lao động. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động vẫn
là người bị áp bức, bóc lột, không được hưởng quyền tự do dân chủ thực sự. Cách
mạng xã hội chủ nghĩa là con đường cách mạng và khoa học để thực hiện sứ mệnh
lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân. Do vậy, mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội
chủ nghĩa hướng tới là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân
loại và giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới
không còn sự phân chia giai cấp. Để hoàn thành sự nghiệp cách mạng cao cả đó,
giai cấp công nhân phải thực hiện thắng lợi mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu
dài.
Mục tiêu trước
mắt của cách mạng xã hội chủ nghĩa là giành chính quyền về tay giai cấp công
nhân và nhân dân lao động, để từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Mục tiêu trước mắt của cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn với giai đoạn thứ nhất
trong tiến trình cách mạng của giai cấp công nhân - giai đoạn xây dựng thành
giai cấp thống trị xã hội. Mục tiêu trước mắt của cách mạng xã hội chủ nghĩa là
quan trọng hàng đầu, bởi lẽ, vấn đề giành chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản
của mọi cuộc cách mạng xã hội. chính quyền nhà nước là công cụ thống trị xã
hội, nhờ đó mà giai cấp thống trị duy trì và bảo vệ chế độ xã hội. Do đó, giai
cấp công nhân muốn thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình
phải lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền nhà nước
là điều kiện để thực hiện mục tiêu tiếp theo.
Mục tiêu lâu dài
của cách mạng xã hội chủ nghĩa là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa cộng sản văn minh trên phạm vi từng nước và toàn thế giới. Đây là mục
tiêu gắn với giai đoạn thứ hai trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, do
giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong lãnh đạo quần chúng nhân dân lao
động sử dụng nhà nước chuyên chính vô sản tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng
xã hội mới không còn áp bức, bóc lột và con người có điều kiện phát triển toàn
diện. Mục tiêu lâu dài của cách mạng xã hội chủ nghĩa phản ánh tập trung, sâu
sắc tính chất cách mạng triệt để và tính nhân văn, nhân đạo mà các cuộc cách
mạng xã hội trước không thể thực hiện được. Mục tiêu này đồng thời còn chỉ ra
tính chất khó khăn, phức tạp, gay go và quyết liệt của cuộc cách mạng xã hội
chủ nghĩa. Vì vậy, trong giai đoạn cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới cả về
kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giai cấp công nhân phải biết tập hợp và
phát huy vai trò lao động sáng tạo của quảng đại quần chúng nhân dân. Đội tiền
phong của giai cấp công nhân phải nắm vững, vận dụng có hiệu quả những quy luật
kinh tế, xã hội và đưa ra đường lối chiến lược, sách lược phù hợp với điều kiện
thực tế của mỗi giai đoạn cách mạng.
Thực tiễn công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước đã chứng minh tính ưu việt, những khả
năng thực tế trong thực hiện mục tiêu cao cả mà giai cấp công nhân đã xác định.
Tuy nhiên, việc thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa là
quá trình rất phức tạp gắn với cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, đấu
tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại, khắc phục những ảnh hưởng của
phong tục lạc hậu còn tồn tại trong quần chúng nhân dân lao động. Trong giai
đoạn hiện nay, hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội là là nhu cầu và khát vọng của toàn nhân loại đang hướng
đến. Thực hiện những mục tiêu đó của thời đại cũng chính là quá trình
từng bước hiện thực hóa mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
[1] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995;
tr. 14 - 15.
[2] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995,
tr. 311.
[3] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995,
tr. 1059.
[4] C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 597.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét