Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng
Cộng sản”, C.Mác, Ph.Ăngghen chỉ rõ: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải
tự giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc”1,
phải giành lấy dân chủ với ý nghĩa trực tiếp là giành lấy quyền lực nhà nước và
tổ chức quyền lực đó thành nhà nước dân chủ vô sản. Theo hai ông, giai cấp công
nhân giành được chính quyền là dấu mốc làm xuất hiện một chế độ dân chủ mới,
khác về chất so với các chế độ dân chủ trước đó - dân chủ vô sản. Công xã Pari
năm 1871 là mầm mống đầu tiên của dân chủ xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin
viết: “Công xã dường như đã thay bộ máy
nhà nước bị đập tan, bằng một chế độ dân chủ “chỉ” hoàn bị hơn mà thôi: quân
đội thường trực bị bãi bỏ, tất cả mọi viên chức, không trừ một ai, đều do tuyển
cử bầu ra và có thể bị bãi miễn… từ chỗ là dân chủ tư sản đã biến thành dân chủ
vô sản, từ chỗ nhà nước (= lực lượng đặc biệt để trấn áp một giai cấp nhất
định) nó biến thành một cái gì thực ra không phải là nhà nước hiểu theo nghĩa
thực sự nữa”2.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười
Nga vĩ đại với sự xuất hiện nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới -
Nhà nước Xô viết, xây dựng chế độ dân chủ phục vụ lợi ích cho đa số người lao
động - chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa bắt đầu ra đời. Như vậy, chế độ dân chủ
xã hội chủ nghĩa chỉ được xác lập sau khi giai cấp công nhân thông qua đội tiền
phong của mình là đảng cộng sản lãnh đạo giành được chính quyền, tiến hành cải
tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội thông qua cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa
(Cách mạng tháng Mười Nga), hoặc thông qua cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân
dân (Việt Nam, Trung Quốc…).
Quá trình phát triển của chế độ dân
chủ xã hội chủ nghĩa là từ thấp tới cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện; có
sự kế thừa một cách chọn lọc giá trị của các chế độ dân chủ trước đó, trước hết
là dân chủ tư sản. Nguyên tắc cơ bản của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là
không ngừng mở rộng dân chủ, nâng cao mức độ giải phóng cho những người lao
động, thu hút họ tham gia tự giác vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã
hội. Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa không phải là chế độ dân chủ của thiểu số
và cho thiểu số bóc lột, có đặc quyền đặc lợi và muốn dành thêm đặc quyền, đặc
lợi; ngược lại, nó là chế độ dân chủ của đa số và vì đa số. Do đó, về nguyên
tắc, nó bài trừ đặc quyền, đặc lợi và vì lợi ích của đa số, nó gạt bỏ những kẻ
đặc quyền, đặc lợi ra khỏi vị trí quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa phát
triển từ thấp tới cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Nhưng càng hoàn thiện
bao nhiêu, nó càng tự tiêu vong bấy nhiêu. Thực chất của sự tiêu vong dân chủ
theo V.I.Lênin, đó là không ngừng mở rộng dân chủ đối với nhân dân, xác lập địa
vị chủ thể quyền lực của nhân dân, tạo điều kiện để họ tham gia ngày càng đông
đảo và ngày càng có ý nghĩa quyết định vào sự quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Quá trình đó làm cho dân chủ trở thành một thói quen, một tập quán trong sinh
hoạt xã hội... để đến một lúc nó không còn tồn tại như một thể chế nhà nước,
một chế độ, tức là mất đi tính chính trị của nó.
Như vậy, quá trình tiêu vong của chế
độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với qúa trình làm sâu, rộng hơn các
thành quả dân chủ, đưa nó lên trình độ phát triển mới, tiến dần tới dân chủ
trọn vẹn, dân chủ hoàn toàn, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại từ
“vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”. Tuy nhiên, chế độ dân chủ xã hội
chủ nghĩa chỉ hoàn toàn tiêu vong khi xã hội đã đạt trình độ phát triển rất
cao, xã hội không còn sự phân chia giai cấp, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa
đạt tới mức độ hoàn thiện, khi đó dân chủ xã hội chủ nghĩa với tư cách là một
chế độ nhà nước cũng tiêu vong, không còn nữa. Còn ngay bây giờ, như Ph.Ăngghen
đã nhấn mạnh, nếu muốn xóa bỏ tính chính trị của chế độ dân chủ, xóa bỏ ngay
nhà nước thì không tránh khỏi rơi vào quan điểm của chủ nghĩa vô chính phủ, bởi
những người vô chính phủ chính là những người “đòi xóa bỏ nhà nước trong vòng
24 giờ đồng hồ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét