Để góp phần xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh", tiến lên hiện đại, cơ quan chiến lược có vai trò quan trọng trong công tác tham mưu hoạch định chiến lược, chính sách; qua đó giữ vững định hướng, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thực tiễn, nhằm từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Vai trò đó được biểu hiện trên các nội dung sau:
Một là, nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình, tham mưu kịp thời với Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng hoạch định chính sách
Nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình, tham mưu kịp thời là yếu tố đầu tiên, quyết định đến định hướng hoạch định chiến lược. Trong hoạch định xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” phải căn cứ vào nghiên cứu, đánh giá và dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP); xu hướng và kinh nghiệm xây dựng quân đội của các nước. Đồng thời, nghiên cứu, dự báo về tình hình các cuộc xung đột quân sự, chiến tranh trên thế giới để dự báo các hình thái chiến tranh tương lai, phương thức tác chiến hiện đại. Trên cơ sở đó, tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng về hoạch định chính sách xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” với quy mô và cơ cấu phù hợp, bảo đảm để Quân đội luôn chủ động nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).
Xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” không chỉ là ở tổ chức, biên chế. Nếu rút gọn biên chế trên cơ sở sáp nhập, giải thể, giảm các đầu mối trung gian mới chỉ được một tiêu chí là “gọn”, nhưng có thể chưa đạt được tiêu chí "tinh" và "mạnh". Để xây dựng Quân đội “tinh” và “mạnh”, phải chú trọng đến yếu tố chất lượng. Đồng thời với chất lượng về chính trị, Quân đội phải thực sự là đội quân chiến đấu thiện chiến, tính chuyên nghiệp cao. Để đạt được điều đó, Quân đội phải được rèn luyện, huấn luyện ở một trình độ cao hơn hiện nay. Công tác giáo dục-đào tạo; huấn luyện chiến đấu cần phải được điều chỉnh và phát triển cả về nội dung, tổ chức và phương thức, phương pháp tiến hành. Cần kết hợp chặt chẽ kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự (NTQS) của đất nước với nghiên cứu những phát triển mới của NTQS thế giới hiện nay vào công tác giáo dục-đào tạo và huấn luyện chiến đấu của Quân đội.
Để thực hiện yêu cầu trên, các cơ quan chiến lược Bộ Quốc phòng, nhất là các cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ cần dự báo chính xác những vấn đề liên quan, xây dựng báo cáo để tham mưu, đề xuất chủ trương với QUTƯ, Bộ Quốc phòng làm cơ sở nghiên cứu hoạch định các chủ trương, chính sách, kế hoạch thực hiện xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”.
Hai là, chủ động tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” phù hợp với tình hình
Xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân, được triển khai thực hiện dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Trong đó, phát huy vai trò cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược là vấn đề mấu chốt để có những chiến lược, chính sách đúng đắn, khoa học, thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu BVTQ “từ sớm, từ xa”. Cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược là cơ quan có chức năng nghiên cứu, đề xuất các vấn đề tầm chiến lược, tham mưu, biên soạn, xây dựng, quyết nghị và ban hành các văn bản chiến lược, chính sách ở tầm vĩ mô.
Chất lượng, tính khoa học, tính Đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, tính cách mạng, tính khả thi, thực tiễn của các chiến lược, chính sách xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tham mưu hoạch định. Mặt khác, trong quá trình chuẩn bị, dự thảo nội dung các chiến lược, chính sách thường được gửi đến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu chiến lược, các tổ chức liên quan cả trong và ngoài Quân đội xin ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết nghị, ban hành. Do vậy, các chiến lược, chính sách xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” thời kỳ mới có tạo sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ và của toàn xã hội hay không còn phụ thuộc vào vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu hoạch định.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong tham mưu hoạch định chiến lược
Trong cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quân đội và Bộ Quốc phòng, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo một lĩnh vực nhất định, như: Tham mưu tác chiến, giáo dục-đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng, dân quân tự vệ, công tác Đảng, công tác chính trị; công tác hậu cần, kỹ thuật; tình báo; công nghiệp quốc phòng; kinh tế quân sự; đối ngoại quốc phòng... Do đó, khi tham mưu hoạch định chiến lược cần phát huy tốt vai trò của các cơ quan, trong đó, Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan tham mưu chiến lược về QS, QP của Đảng, Nhà nước đồng thời là cơ quan chỉ huy cao nhất của QĐND và dân quân tự vệ. Cơ quan chuyên sâu nghiên cứu, tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện các chiến lược trong lĩnh vực QS, QP là Viện Chiến lược quốc phòng. Các cơ quan chiến lược đã phối hợp chặt chẽ từ khâu tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng hoạch định chính sách đến thực thi chính sách xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” theo lộ trình xây dựng Quân đội hiện đại.
Chiến lược, chính sách trong lĩnh vực QS, QP có nhiều cấp: Chiến lược cấp quốc gia, chiến lược cấp ngành, chuyên ngành. Dù ở cấp nào thì chiến lược, chính sách trong lĩnh vực QS, QP cũng có ảnh hưởng lớn đến chiến lược, chính sách phát triển các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại... Mặt khác, chiến lược, chính sách trong lĩnh vực QS, QP cũng chịu sự chi phối, tác động, ảnh hưởng của các lĩnh vực đó. Tham mưu hoạch định và tổng kết các chiến lược, chính sách gắn với xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” phải nằm trong tổng thể tham mưu thực hiện chiến lược chung của lĩnh vực QS, QP, BVTQ và trên nền tảng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách vĩ mô và hệ thống pháp luật của đất nước trong từng thời kỳ. Để làm được điều đó, phải thông qua cơ quan hoạch định chiến lược.
Bốn là, đánh giá chính xác thực trạng điều chỉnh, tham mưu kịp thời với QUTƯ, Bộ Quốc phòng
Điều chỉnh tổ chức, biên chế của Quân đội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị đều được quán triệt chủ trương và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, khi thực hiện điều chỉnh, chắc chắn sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Có cả tác động thuận lợi và những khó khăn, cũng có thể xuất hiện những bất cập, khó thực hiện, vì vậy, cơ quan chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng phải theo dõi chặt chẽ, bám sát tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề mới; đề xuất, tham mưu kịp thời với QUTƯ, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện đúng chủ trương, định hướng, linh hoạt trong phương thức tiến hành.
Năm là, nghiên cứu phát triển NTQS phù hợp với Quân đội “tinh, gọn, mạnh”.
NTQS chính là lý luận và thực tiễn chuẩn bị và thực hành chiến tranh, chủ yếu là đấu tranh vũ trang, gồm: Chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Lý luận NTQS là bộ phận chủ yếu của khoa học quân sự, nghiên cứu các quy luật và tính chất, đặc điểm chiến tranh, xác định những nguyên tắc và phương thức tiến hành đấu tranh vũ trang. NTQS chính là yếu tố quyết định đến chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội. NTQS là biểu hiện rõ nét của tiêu chí “mạnh”, là tập hợp sức mạnh của tất cả các yếu tố dưới dạng tiềm lực tạo thành sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Nghiên cứu phát triển NTQS phù hợp với điều kiện Quân đội “tinh, gọn, mạnh” là chức năng của các cơ quan chiến lược, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong toàn quân. Khi Quân đội được xây dựng hiện đại có nghĩa là Quân đội có nhiều điều kiện hơn để thực hiện các phương thức tác chiến hiện đại, đối phó hiệu quả với chiến tranh hiện đại, nâng cao sức mạnh tổng hợp BVTQ.
Sáu là, tham mưu tổng kết các chiến lược gắn với xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược đã làm tốt công tác tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng không nhân dân, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, cùng nhiều nghị quyết, kết luận, văn bản pháp luật về QS, QP, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy lý luận, hoàn thiện đường lối, chính sách quốc phòng, NTQS Việt Nam. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tác chiến phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc. Đồng thời, thực hiện chủ trương tổng kết các chiến lược, các cơ quan chiến lược đã tham mưu, chỉ đạo toàn quân tổ chức tổng kết các chiến lược trong lĩnh vực QS, QP gắn với xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại; làm cơ sở cho điều chỉnh, bổ sung, phát triển và xây dựng chiến lược mới phù hợp với sự phát triển của tình hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét