Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

ĐẶC TRƯNG CỦA PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI LĨNH VỰC KINH TẾ

 

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế (hay phương thức lãnh đạo kinh tế của Đảng) là sự thể hiện (hay vận dụng) phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung vào lĩnh vực kinh tế. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế thực hiện đầy đủ nội dung, yêu cầu của phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung, đồng thời phải phù hợp với tính đặc thù của lĩnh vực kinh tế, kiến tạo những đặc trưng (hay đặc thù) cho phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực này(1).

Một là, nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng, phát triển là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, yêu cầu đầu tiên đối với phương thức lãnh đạo kinh tế của Đảng là các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng lãnh đạo lĩnh vực kinh tế phải được thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước một cách chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để mọi người, mọi chủ thể kinh tế và cả cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước tuân thủ, thực hiện. Đây là đặc trưng, là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phương thức lãnh đạo kinh tế của Đảng. Đảng lãnh đạo kinh tế thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước là thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Cán bộ, tổ chức đảng và cả cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước không được can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động của các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Hai là, kinh tế là nền tảng của xã hội, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước, của đời sống nhân dân, uy tín, vị thế của đất nước trên thế giới; quan hệ kinh tế là cơ sở hạ tầng của kiến trúc thượng tầng chính trị, văn hóa, tinh thần của xã hội. Đảng cầm quyền ở mọi quốc gia đều đặc biệt quan tâm tới lãnh đạo lĩnh vực kinh tế; cùng với đề ra chủ trương, định hướng cho phát triển kinh tế, đảng cầm quyền đưa đảng viên chủ chốt của đảng vào nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý các ngành, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý kinh tế để thực hiện chủ trương, đường lối của mình; chỉ khi kinh tế phát triển mới giữ vững được địa vị cầm quyền, vai trò lãnh đạo. Do đó, đặc trưng thứ hai trong phương thức quản lý kinh tế của Đảng là cùng với việc đề ra chủ trương, đường lối, Đảng cần phải quan tâm tới tổ chức thực hiện. Để tổ chức thực hiện, Đảng phải có tổ chức đảng và có những đảng viên ưu tú giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế để thể chế hóa và tổ chức thực hiện được chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng.

Ba là, kinh tế là lĩnh vực trực tiếp quản lý, nắm giữ, sử dụng những nguồn lực, tài sản to lớn của đất nước, của xã hội; là lĩnh vực mà vì lợi nhuận, các doanh nghiệp có thể làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến chất lượng sản phẩm, lợi ích của người tiêu dùng, của Nhà nước và xã hội. Kinh tế cũng là lĩnh vực có nhiều cơ hội, nhiều cám dỗ để những người lãnh đạo, quản lý nhà nước có liên quan phát sinh lòng tham, suy thoái đạo đức, lạm dụng chức vụ, quyền hạn mưu lợi cá nhân, sách nhiễu, tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính. Do đó, đặc trưng thứ ba trong phương thức lãnh đạo lĩnh vực kinh tế của Đảng là Đảng cần phải đặc biệt quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý sai phạm trong lĩnh vực kinh tế, những sai phạm của doanh nghiệp, cũng như của các cơ quan, cán bộ, công chức quản lý kinh tế nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, đất đai, dự án đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước..., làm sao để các doanh nghiệp, cán bộ, công chức quản lý kinh tế “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng, tiêu cực.

Bốn là, kinh tế là lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ, hằng ngày, hằng giờ với mọi người, mọi gia đình. Mỗi người đều quan tâm đến tình hình kinh tế ở những góc độ khác nhau liên quan đến mình, với tư cách nhà đầu tư, người quản lý hay người lao động, người tiêu dùng. Bởi vậy, đặc trưng thứ tư trong phương thức lãnh đạo lĩnh vực kinh tế của Đảng là vai trò hết sức quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét