Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã hun đúc nên hệ giá trị văn hóa vô cùng cao đẹp - “Bộ đội Cụ Hồ”, trong đó có phẩm chất thiêng liêng, cao quý “Tình đồng chí, đồng đội”. Đây là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Tuy nhiên, với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch đã và đang ra sức xuyên tạc, phủ nhận tình cảm cao đẹp này, điều đó đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
1. Những luận điệu phi lý, âm mưu thâm độc
Chống phá cách mạng Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng là mục tiêu không thay đổi của các thế lực thù địch, phản động. Liên tục trong thời gian qua, chúng không từ bất cứ một thủ đoạn đê hèn nào để xuyên tạc, phủ nhận bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, chúng đặc biệt “quan tâm” xuyên tạc, phủ nhận “tình đồng chí, đồng đội”, hòng chia rẽ tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cán bộ, chiến sĩ ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thực hiện mưu đồ trên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng sự phát triển của internet, mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá toàn diện, trọng tâm hướng vào các vấn đề chủ yếu sau. Thứ nhất, chúng xuyên tạc, cho rằng trong Quân đội ta không có tình đồng chí, đồng đội, đó chẳng qua chỉ là sự giúp đỡ lẫn nhau về cá nhân giữa những người cầm súng trên chiến trường. Thứ hai, “suy luận”, “võ đoán” rằng, tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta nếu có thì chỉ có trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, khi đó, thế hệ cha anh của chúng ta sống trong thời bao cấp, “cả nước ra trận”, ai cũng như ai nên mới có sự đoàn kết, gắn bó với nhau, v.v. Hiện nay, trong điều kiện hòa bình, phát triển kinh tế thị trường, không còn tình đồng chí, đồng đội, mà chỉ có cạnh tranh, “chèn ép” lẫn nhau. Thứ ba, lợi dụng việc một số cán bộ Quân đội, trong đó có cả sĩ quan cao cấp vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội bị xử lý trong thời gian qua, chúng tập trung “tô vẽ”, xuyên tạc hòng “bôi đen” Quân đội, cho rằng đây là “bằng chứng” về sự suy thoái, mất đoàn kết nội bộ, rồi đi đến quy chụp, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội. Thứ tư, triệt để lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra ở một số đơn vị cơ sở, như: hiện tượng chiến sĩ cũ dọa nạt chiến sĩ mới; đơn, thư tố cáo nặc danh đã được xử lý,... rồi tích cóp, cắt dán, “mô đi phê” thành các clip và phát tán trên không gian mạng, từ đó quy kết, xuyên tạc, phủ nhận bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.
Đặc biệt, gần như đã thành “quy luật”, cứ vào dịp các địa phương gọi công dân nhập ngũ, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại “đẩy” lên không gian mạng không ít clip, hình ảnh về hiện tượng cái gọi là “chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới”. Hơn thế nữa, chúng còn đăng tải các cảnh bạo lực trong quân đội nước ngoài rồi xuyên tạc là ở Việt Nam, từ đó bóp méo sự thật, xuyên tạc về đạo đức, phong cách, cuộc sống, sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội ta. Thực tế những clip này đã được chúng dàn dựng, cắt dán từ lâu, đợi đến mùa tuyển quân hoặc vào những dịp chúng cho là “thích hợp” là lại “post” lên các trang mạng xã hội “không thân thiện”, hòng kích động một số người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết chia sẻ trên không gian mạng, cố tình tạo ra sự cố “khủng hoảng truyền thông”. Đây là chiêu trò rất thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, gây hoài nghi trong nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm cho nhân dân hoang mang, thiếu niềm tin, không cho con em mình thực hiện nghĩa vụ quân sự; thậm chí làm cho một số thanh niên e ngại, trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Sâu xa hơn, đó còn là mưu đồ kích động người dân biểu tình, kích động quân nhân đào ngũ, bỏ ngũ,... đẩy Quân đội vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực, rệu rã về tư tưởng, phân hóa về tổ chức, mất sức chiến đấu.
2. Đồng chí, đồng đội – tình cảm đặc biệt, thiêng liêng, cao quý
Đồng chí là cách gọi, xưng hô của những người cùng chung tổ chức, cùng chung chí hướng chính trị, cùng đội ngũ. Đồng đội là những người cùng chung đội ngũ chiến đấu1. Đồng chí, đồng đội là cách gọi, xưng hô với nhau hằng ngày của những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng, đội ngũ chiến đấu trong một tổ chức của lực lượng vũ trang. Đây cũng chính là cách xưng hô thân thiết, mối quan hệ bền chặt, tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta; là một trong những chuẩn mực cơ bản, giá trị nhân cách cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội. Nhờ tình cảm cao đẹp đó, cán bộ, chiến sĩ ta luôn đoàn kết một lòng, gắn bó keo sơn, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, sát cánh bên nhau vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, chiến thắng mọi kẻ thù.
Đặc trưng của tình đồng chí, đồng đội
Tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta được thể hiện toàn diện, sâu sắc trong cuộc sống, sinh hoạt, huấn luyện, chiến đấu của bộ đội, với những đặc trưng tiêu biểu dưới đây.
Một là, cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Đặc trưng này thể hiện sâu đậm nhất tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, phản ánh mối quan hệ đặc biệt của những con người cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Thực tế cho thấy, cán bộ, chiến sĩ ta là con em của 54 dân tộc anh em, mặc dù sinh ra ở các vùng quê khác nhau, trình độ học vấn, dân tộc, tôn giáo khác nhau; công tác ở nhiều quân, binh chủng, học viện, nhà trường khác nhau; đóng quân ở các vùng, miền khác nhau, song đều thống nhất mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và phương châm hành động: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”2. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn để Quân đội ta tuy nhiều người, nhưng khi chiến đấu, tất cả đều như một người.
Hai là, luôn tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa những người đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; có giác ngộ chính trị sâu sắc, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Đặc trưng này được thể hiện: dù ở cương vị nào, cán bộ, chiến sĩ ta cũng luôn tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Cấp trên luôn giữ quan hệ bình đẳng, tôn trọng và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cấp dưới, giúp đỡ cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, cấp dưới cũng luôn tôn trọng và chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên. Cán bộ, chiến sĩ luôn tin tưởng lẫn nhau, tin vào tổ chức, tương lai, tiền đồ của dân tộc. Sự tôn trọng, tin tưởng đó là kết quả giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, của cấp ủy, chỉ huy các cấp, cùng sự nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện không ngừng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Đồng thời, sự tôn trọng, tin tưởng giữa cán bộ, chiến sĩ cũng thể hiện rõ phẩm giá cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ba là, yêu thương, giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận. Đây là đặc trưng riêng có của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta; một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của người quân nhân cách mạng. Thực tế cho thấy, cán bộ, chiến sĩ ta dù tuổi đời, cấp bậc, chức vụ khác nhau, ở mỗi vùng quê khác nhau, song luôn thương yêu, sẻ chia, giúp đỡ nhau. Đúng như Bác Hồ đã dạy: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên,… Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét”3. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên, chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Thấu triệt lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ta luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận, điều đó đã trở thành phẩm giá, mục tiêu, lẽ sống, nhân cách cao đẹp của người quân nhân cách mạng, làm nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta.
Bốn là, đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể. Đây là đặc trưng thuộc về truyền thống, bản chất tốt đẹp và nguyên tắc tổ chức trong xây dựng, chiến đấu của Quân đội. Mục đích của đoàn kết là tạo nên sức mạnh để cùng nhau thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đây cũng là biểu hiện cao nhất của sự gắn kết chặt chẽ giữa: cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, cá nhân với tổ chức và giữa các tổ chức với nhau. Cùng với đoàn kết, mặc dù chức trách, nhiệm vụ khác nhau, song cán bộ, chiến sĩ luôn gắn bó, giúp đỡ nhau, thường xuyên phối hợp, hiệp đồng, lập công tập thể; không tranh công, đổ lỗi, không “đấu đá nội bộ” như các thế lực thù địch từng rêu rao, xuyên tạc.
Năm là, trung thực, thẳng thắn, đề cao tự phê bình và phê bình, giúp nhau cùng tiến bộ. Đây là đặc trưng căn cốt của tình đồng chí, đồng đội, là cơ sở để củng cố, phát triển môi trường dân chủ, tình thương yêu, sự đoàn kết trong Quân đội. Dù ở cương vị nào, cán bộ, chiến sĩ cũng luôn trung thực với bản thân, gia đình, tổ chức, với đồng đội; nhất quán lời nói với việc làm; nghiêm túc trong sinh hoạt và công tác; thẳng thắn nhận và chịu trách nhiệm về những khuyết điểm của mình; mạnh dạn góp ý, phê bình với những khuyết điểm của đồng chí, đồng đội. Thực tế cho thấy, nếu đức tính trung thực, thẳng thắn giúp người quân nhân bản lĩnh, dũng cảm trong chiến đấu; tự tin, tự trọng trong quan hệ giao tiếp; nhân văn, nhân ái với đồng chí, đồng đội, thì sự khiêm tốn, giản dị sẽ giúp họ tránh xa những thất bại cả trên chiến trường và đời thường. Cùng đó, cán bộ, chiến sĩ luôn đề cao tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, bởi: “Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”4. Đây cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để bồi đắp, phát triển tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội hiện nay.
Tình đồng chí, đồng đội được biểu hiện sinh động trong thực tiễn
Có thể khẳng định, tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta được thể hiện phong phú, sinh động cả trong những năm kháng chiến gian khổ; trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và cả trong cuộc sống đời thường, v.v. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ ta cũng không hề nao núng, toan tính thiệt hơn, cùng chung lưng đấu cật, chia ngọt, sẻ bùi, sẵn sàng nhận hy sinh, gian khổ về mình, nhường sự sống cho đồng đội, tiêu biểu, như anh hùng: La Văn Cầu nhờ chặt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội; Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, v.v. Chúng ta cũng không thể quên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi - chiến sĩ biệt động Khu Sài Gòn - Gia Định, dù bị địch tra tấn dã man, song vẫn một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, chấp nhận hy sinh, bảo vệ bí mật của tổ chức, bảo vệ đồng đội; Thuyền trưởng Phan Vinh thuộc Đoàn tàu không số đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng khi lọt vào vòng vây của kẻ thù để đồng đội rời khỏi tàu an toàn.
Chúng ta cũng không thể quên Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị nhà giàn DK1/3 thuộc cụm Phúc Tần; nhà giàn đổ, sau nhiều giờ bơi trên biển cùng với các chiến sĩ, giữa sóng gió hiểm nguy, Anh đã nhường chiếc phao cứu sinh và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội yếu nhất và thanh thản ra đi vào lòng biển mẹ. Chúng ta cũng không quên sự hy sinh dũng cảm để cứu đồng đội khi bị lũ cuốn trôi của Binh nhất Rơ Chăm Thuyên, chiến sĩ Đại đội Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai (năm 2007). Đó còn là sự hy sinh để dành sự sống cho đồng đội khi hầm sập của Đại úy Cao Xuân Tú, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 25, Lữ đoàn Công binh 543 (năm 2016),... và còn biết bao gương hy sinh, nhường áo, sẻ cơm cho đồng chí, đồng đội mà chúng ta không thể kể hết được.
Ngay giờ đây, giữa giông tố của đại dương và sự khắc nghiệt của biển cả, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn hằng ngày, hằng giờ đối mặt với hiểm nguy, sẻ chia cho nhau từng ca nước ngọt, từng cọng rau xanh, từng viên thuốc chữa bệnh, cùng sát cánh bên nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng ngàn chiến sĩ biên phòng vẫn ngày đêm luồn rừng, vượt núi bảo vệ từng tấc đất biên cương. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, ở đâu cũng in đậm dấu chân người lính. Nơi nào khó khăn gian khổ nhất, nơi đó có bộ đội; nơi nào có bộ đội, nơi đó thắm tình đồng chí, thắm tình quân – dân. Càng trong khó khăn gian khổ, tình đồng chí, đồng đội càng tỏa sáng. Điều đó làm nên sức mạnh to lớn, giúp cán bộ, chiến sĩ ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù.
Ngay cả khi đã rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh của chúng ta vẫn luôn mang theo “hành trang” người lính, đó là tình yêu thương đồng chí, đồng đội. Nhiều người đã dành cả phần đời còn lại của mình để đi tìm hài cốt đồng đội, chăm lo phần mộ liệt sĩ. Hơn thế, họ còn động viên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, v.v. Đó chính là “Bài ca không quên”, làm nên giá trị cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, của những người đã cùng chung nhịp bước quân hành.
Cơ sở hình thành, phát triển và thực trạng tình đồng chí, đồng đội
Tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta không phải tự nhiên có, mà được hình thành, phát triển và nuôi dưỡng trên cơ sở những giá trị, truyền thống, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là: yêu nước, thương nòi; thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách; tinh thần đoàn kết, nhân văn, nhân đạo, v.v. Cùng những giá trị tiêu biểu của văn hóa quân sự Việt Nam: phụ tử chi binh; tướng sĩ một lòng phụ tử/ hòa nước sông chén rượu ngọt ngào; lớp cha trước, lớp con sau/ đã là đồng chí chung câu quân hành, v.v. Đặc biệt, tình cảm cao đẹp đó còn được xây dựng, củng cố và phát triển dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, lập trường giai cấp, tinh thần nhân văn, nhân đạo, yêu thương con người; về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; tinh thần đoàn kết cán - binh, đoàn kết quân - dân, đoàn kết quốc tế. Cùng sự giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân,... tạo nên sự gắn bó keo sơn như ruột thịt của những người đồng chí, đồng đội. Tình cảm cao đẹp đó được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không ngừng hun đúc, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới, góp phần làm nên danh hiệu cao quý - “Bộ đội Cụ Hồ”.
Nhận rõ vai trò quan trọng của tình đồng chí, đồng đội, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm vun đắp, phát triển tình cảm cao đẹp này; đồng thời, chăm lo xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, chiến sĩ. Dưới sự giáo dục, rèn luyện của tổ chức, cán bộ, chiến sĩ luôn tôn trọng, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt; tình đồng chí, đồng đội ngày càng được vun đắp, phát triển và tỏa sáng.
Tuy nhiên, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, một số cán bộ, chiến sĩ còn thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Đâu đó vẫn còn hiện tượng đoàn kết hình thức, xuôi chiều, tranh công đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, chưa thực sự yêu thương, gắn bó với chiến sĩ, v.v. Những hiện tượng trên tuy chỉ là hãn hữu, song ít nhiều cũng ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và uy tín của Quân đội. Nguy hiểm hơn, đây chính là “cái cớ” để các thế lực thù địch lợi dụng “thổi phồng”, “bôi đen”, xuyên tạc truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội ta, hòng gây hoài nghi trong nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, v.v.
3. Giải pháp xây dựng, phát triển tình đồng chí, đồng đội hiện nay
Hiện nay, trước sự phát triển mới của yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của Quân đội; để góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc bồi đắp, phát triển tình đồng chí, đồng đội. Muốn vậy, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu dưới đây.
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mọi cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng, phát triển tình đồng chí, đồng đội. Đây là giải pháp nền tảng, xuyên suốt, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong củng cố, phát triển tình đồng chí, đồng đội; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Bởi, nhận thức là cơ sở của hành động, nhận thức đúng thì hành động mới đúng; nhận thức không đúng thì hành động sẽ bị sai lạc. Theo đó, về nội dung, cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên tuyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc; hiểu sâu sắc bản chất, mục tiêu chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; giá trị và những phẩm chất cơ bản của “Bộ đội Cụ Hồ”, v.v. Đặc biệt, đi sâu làm rõ quan niệm, vị trí, vai trò và đặc trưng cơ bản của tình đồng chí, đồng đội; cơ sở hình thành, phát triển tình đồng chí, đồng đội; giải pháp và trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong xây dựng, phát triển tình đồng chí, đồng đội, v.v. Đồng thời, làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với Quân đội, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, trong đó có việc xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội; trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong tham gia đấu tranh phản bác, v.v. Về hình thức, biện pháp, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, như thông qua: tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thanh nội bộ; hội nghị, sinh hoạt các tổ chức; thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện chiến sĩ hằng năm; kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; giáo dục truyền thống, hành quân về nguồn, v.v. Gắn tuyên truyền, giáo dục với đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, phát triển tình đồng chí, đồng đội, tạo sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cán bộ, chiến sĩ.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ. Đây là giải pháp trực tiếp quyết định đến hiệu quả phát triển tình đồng chí, đồng đội. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng tình đồng chí, đồng đội; lãnh đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; về vị trí, vai trò, đặc trưng và sự cần thiết phải xây dựng, phát triển tình đồng chí, đồng đội; đồng thời, đưa nội dung xây dựng, phát triển tình cảm cao đẹp này vào nghị quyết và lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Cùng với đó, quan tâm xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, thực sự là hạt nhân đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiền phong, gương mẫu về mọi mặt; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, không để hiện tượng tiêu cực, vi phạm kỷ luật, mất dân chủ xảy ra; lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ,… tạo môi trường thuận lợi để mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, trưởng thành.
Chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy cần chủ động xây dựng kế hoạch, quyết liệt chỉ đạo, chỉ huy xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; thực hiện có nền nếp, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; chú trọng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong tập thể quân nhân; xây dựng và phát huy tốt vai trò của tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong tham gia vun đắp, phát triển tình đồng chí, đồng đội. Kịp thời nhận diện, đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện gia trưởng, độc đoán, mất dân chủ, xem nhẹ tình cảm cao đẹp này. Mỗi chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy cũng phải luôn đề cao trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong học tập, công tác, gương mẫu trong sinh hoạt; rèn luyện cho được phong cách làm việc dân chủ, khoa học, quần chúng, nêu gương, gẫn gũi, yêu thương cán bộ, chiến sĩ; giữ vững đoàn kết nội bộ, thực sự là tấm gương sáng để cấp dưới học tập, noi theo.
Ba là, xác định đúng nội dung, vận dụng sáng tạo các hình thức, biện pháp xây dựng, phát triển tình đồng chí, đồng đội. Theo đó, nội dung xây dựng phải toàn diện, trong đó tập trung vào những vấn đề cơ bản: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao giác ngộ giai cấp, bồi đắp mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho bộ đội.Trong đó, cần tăng cường giáo dục nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội,… cho cán bộ, chiến sĩ theo hướng cơ bản, thiết thực, sát với từng đối tượng. Thứ hai, xây dựng tinh thần dân chủ, đoàn kết, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa cán bộ, chiến sĩ, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cơ quan, đơn vị. Chống mọi biểu hiện gia trưởng, độc đoán, thiếu tôn trọng, nghi kỵ, không tin tưởng vào bản thân và đồng đội. Thứ ba, xây dựng tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể; gắn với đấu tranh chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa, thoái thác trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi, v.v. Thứ tư, xây dựng tinh thần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, chiến sĩ cả lúc thường cũng như lúc ra trận. Muốn vậy, cần bồi đắp lòng nhân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; đồng thời, ngăn ngừa mọi biểu hiện thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của đồng đội. Thứ năm, xây dựng, bồi đắp đức tính trung thực, thẳng thắn, đề cao tự phê bình và phê bình, giúp nhau cùng tiến bộ giữa cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện “mũ ni che tai”, thấy sai không đấu tranh, đúng không bảo vệ.
Để phát triển tình đồng chí, đồng đội hiện nay, cần vận dụng sáng tạo các hình thức, biện pháp, như: thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục; tiến hành công tác tổ chức, công tác chính sách, công tác cán bộ; duy trì và thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; qua tấm gương sáng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện các phong trào Thi đua Quyết thắng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các phong trào: “Ngôi nhà 100 đồng”; “Tiết kiệm phụ cấp, hướng tới tương lai”; “Nuôi heo tiết kiệm”; “01 tỷ đồng vì công nhân viên chức, lao động quốc phòng nghèo” để xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn, Nghĩa tình đồng đội”,… giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, tổ chức tốt các chương trình, hoạt động: “Xuân biên cương - Tết hải đảo”; “Sinh nhật đồng đội”,… để tăng cường đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cán bộ, chiến sĩ.
Bốn là, đề cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong vun đắp, phát triển tình đồng chí, đồng đội. Xây dựng, phát triển tình đồng chí, đồng đội là trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức, lực lượng, trong đó cán bộ, chiến sĩ có vai trò rất quan trọng, bởi đây là lực lượng đông đảo nhất, thể hiện rõ nhất tình đồng chí, đồng đội. Thực hiện giải pháp này, đòi hỏi mỗi quân nhân phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào khi được đứng trong đội ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng,… trên cơ sở đó xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền lợi, nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc; ứng xử, giải quyết thấu đáo các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cá nhân với tổ chức, giữa gia đình và đơn vị; không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; thường xuyên vun đắp tình đoàn kết, yêu thương, gắn bó với đồng chí, đồng đội. Trong mọi hoàn cảnh, mỗi quân nhân luôn phải tôn trọng, thương yêu, cảm thông, chia sẻ, nhường nhịn nhau, phải đối xử với nhau thực sự có nghĩa, có tình; chống mọi biểu hiện bè phái, mất đoàn kết nội bộ, “ma cũ bắt nạt ma mới”. Tuy nhiên, thương yêu đồng chí, đồng đội không có nghĩa là bao che khuyết điểm của nhau, mà phải trung thực, thẳng thắn, đề cao tự phê bình và phê bình, tích cực tự soi, tự sửa; đồng thời, chân thành góp ý, phê bình, chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm để đồng chí, đồng đội sửa chữa, tiến bộ. Cùng với giữ vững tinh thần đoàn kết, dù trên cương vị nào, mỗi quân nhân cũng phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ,… góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng và các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Cùng với có biện pháp ngăn chặn; phải kịp thời phát hiện và giải quyết thấu đáo những vấn đề tư tưởng nảy sinh, những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, thiếu dân chủ, mất đoàn kết nội bộ. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm. Kịp thời phê phán những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu tránh nhiệm với đồng chí, đồng đội. Chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Mọi luận điệu cho rằng, “trong Quân đội ta không có tình đồng chí, đồng đội”, hoặc “tình đồng chí, đồng đội chỉ có trong thời kỳ chiến tranh giải phóng,…” là hoàn toàn phi lý. Trên thực tế, tình đồng chí, đồng đội là một trong những phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, là vấn đề thuộc về bản chất, truyền thống của Quân đội ta. Quân đội càng tiến lên chính quy, hiện đại, thì tình đồng chí, đồng đội lại càng cần được củng cố, phát triển. Hơn thế nữa, việc chúng ta xử lý nghiêm những cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội thời gian qua cũng là nhằm giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố, phát triển tình đồng chí, đồng đội ngày càng keo sơn, gắn bó, chứ không phải để “phá vỡ” tình đồng chí, đồng đội như các thế lực thù địch từng rêu rao, xuyên tạc, v.v.
Thực tiễn suốt chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đoàn kết một lòng, gắn bó keo sơn như anh em ruột thịt. Tình cảm đó, phẩm chất cao đẹp đó luôn được giữ vững và không ngừng được bồi đắp, trở thành nét văn hóa quân sự độc đáo của “Bộ đội Cụ Hồ”, làm nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Ngày nay, trong điều kiện mới, chúng ta càng phải trân trọng, giữ gìn, phát huy và phát triển tình cảm đó lên một tầm cao mới. Với ý nghĩa đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ thiết thực củng cố, phát triển tình đồng chí, đồng đội ngày càng sâu sắc, bền chặt, góp phần xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, mãi xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét