Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ
thống chính trị với quan điểm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”
dưới sự chỉ đạo của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm nhận được sự quan
tâm, đồng tình ủng hộ, ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đông đảo
quần chúng nhân dân. Thế nhưng, như thường lệ, trước, trong và sau khi diễn ra
nhưng sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các thế lực thù địch luôn lợi
dụng triệt để không gian mạng để tuyên truyền những thông tin xấu độc, quan điểm
sai trái, thù địch về chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị nhằm chống
phá Đảng và Nhà nước ta. Bởi vậy, cần nhận diện rõ bản chất, kiên quyết đấu
tranh, bác bỏ những luận điệu, quan điểm sai trái, phản động, những thông tin xấu
độc làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Trong suốt
quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn thể hiện tư tưởng nhất quán, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công
tác cán bộ và cán bộ. Người luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”,
“Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, do vậy, “Công
tác cán bộ phải có vai trò quyết định trong việc xây dựng đội ngũ
cán bộ vừa hồng vừa chuyên”.
Thấm nhuần tư
tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và cán bộ, Đảng ta đã luôn quan tâm đến
công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Văn kiện Hội nghị lần thứ ba, Ban
chấp hành Trung ương khóa VIII, Đảng ta đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định
sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế
độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Điều đó có nghĩa là, xây dựng
Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác
xây dựng Đảng, then chốt của then chốt.
Nhận thức rõ
tầm quan trọng đặc biệt của công tác cán bộ, trong bất cứ giai đoạn cách mạng
nào, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến đổi mới công tác cán bộ và kiểm soát
thực thi quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực
lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng,
hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; trong đó, công tác tổ chức
bộ máy là then chốt của then chốt, quyết định to lớn đến sự phát triển của đất
nước. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất đưa
Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người cầm lái vĩ đại, người thuyền trưởng tài
ba chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi ghềnh thác, gặt hái
được những thắng lợi kỳ tích vẻ vang trên con đường vinh quang đi lên chủ nghĩa
xã hội. Đặc biệt, từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, tại Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đã xác định nhiệm vụ quan trọng song hành
cần làm ngay là kết hợp đổi mới cơ chế kinh tế đồng thời với đổi mới bộ máy quản
lý Nhà nước. Trong suốt 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã
nhiều lần ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng
tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ có đủ phẩm
chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế tổ chức hợp lý, chuẩn hóa các vị
trí chức danh cán bộ.
Những năm
qua, chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị ở nước ta đã được Đảng và Nhà nước triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, được
đa số cán bộ đảng viên đồng tình hưởng ứng và đạt được một số kết quả quan trọng,
bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt
tiến bộ đó, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan và toàn
diện, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn
chế, bất cập. Nhận thấy rõ vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều
bài phát biểu, bài viết phân tích rõ thực trạng công tác cán bộ, tổ chức bộ máy
trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay.
Đặc biệt,
ngày 5-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng:
“Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, trong đó, người đứng đầu
Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: Việc đổi mới công tác cán bộ vẫn chưa có đột phá
lớn; nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu
chưa đầy đủ và sâu sắc, quyết tâm chưa cao; tổ chức bộ máy của hệ thống chính
trị vẫn còn cồng kềnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng
chéo, tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất
lượng, nhất là chi phí vận hành hệ thống tổ chức quá lớn, chiếm tới 70% tổng
ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước… Đây là nguyên nhân dẫn đến tệ
tham ô, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội, làm giảm
nguồn lực cho đầu tư phát triển và nhiều hệ lụy tiêu cực khác, những hạn chế bất
cập này nếu không giải quyết triệt để sẽ là lực cản to lớn kìm hãm quá trình đổi
mới, phát triển đất nước.
Từ việc phân
tích rõ thực trạng hạn chế, bất cập còn tồn tại, Tổng Bí thư Tô Lâm đã một lần
nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, tính tất yếu phải đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị theo quan điểm bảo đảm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu
năng - hiệu lực - hiệu quả”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hệ trọng, yêu cầu
cả hệ thống chính trị phải tập trung giải quyết. Tại Hội nghị toàn quốc quán
triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư
Tô Lâm khẳng định: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp
thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu
trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”.
Như vậy, tinh
gọn bộ máy giờ đây đã trở thành mệnh lệnh tất yếu của cuộc sống. Nói một cách
dung dị và dễ hiểu như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là “Nhẹ để cất cánh”, hay
như các bậc tiền nhân thì “Thà ít mà tốt”. Rõ ràng, quan điểm “Tinh - gọn - mạnh
- hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” và sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô
Lâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã cho thấy quyết tâm chính trị rất
lớn của Đảng, Nhà nước ta. Cần khẳng định rằng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ
chức bộ máy đã đạt được sự thống nhất tuyệt đối cả về nhận thức và hành động,
nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thực
tiễn đó đã khẳng định chân lý: Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, kịp thời,
tiến bộ, nhân văn, khách quan và khoa học, bởi nó đáp ứng được đòi hỏi bức thiết
của thực tiễn cuộc sống và hội tụ đầy đủ “Ý chí của Đảng - Nguyện vọng của nhân
dân”, dựa trên cơ sở vận dụng thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ
nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Do vậy, tại
thời điểm này, việc đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
theo quan điểm bảo đảm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”
hoàn toàn không phải là một chủ trương mới của Đảng, mà là phương thức tiến
hành mới trên cơ sở tổng kết, tiếp nối, kế thừa, bổ sung và phát triển các quan
điểm của các kỳ Đại hội trước đây của Đảng ta cho phù hợp với thực tiễn sinh động
của đất nước và bối cảnh thế giới, vận dụng sáng tạo và giải quyết tốt mối quan
hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, nhằm hướng tới mục tiêu tối thượng, vô
cùng nhân văn và cao đẹp là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí
nuôi bộ máy, ưu tiên nguồn lực cho phát triển đất nước, phục vụ nhân dân, xây dựng
một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với
các cường quốc năm châu, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình
của dân tộc Việt Nam.
Ấy vậy mà, lợi
dụng việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương
tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới,
sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”
nhằm chuẩn bị tốt về mọi mặt để đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của
Đảng vào đầu năm 2026, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước vững tin bước vào kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một số đối tượng có tư tưởng thù địch,
chống đối vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, tung tin bịa đặt, đánh tráo khái
niệm, đưa ra những quan điểm không đồng thuận, phản biện vô nguyên tắc, phản đối
gay gắt chủ trương, quan điểm của Đảng, gây hoang mang, hoài nghi trong dư luận,
với âm mưu phá hoại thành quả cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
chống phá Đảng và Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Các thế lực
thù địch, chống đối lợi dụng việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kết thúc hoạt
động của một số bộ, ban, ngành cấp Trung ương do không còn phù hợp với yêu cầu,
nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, nhằm khắc phục sự chồng lấn, trùng lặp về chức
năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, ban, ngành ở Trung ương, đáp ứng yêu cầu triển
khai thực hiện hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội để bóp méo, xuyên tạc bản chất chủ trương, quan điểm đúng đắn
của Đảng ta. Chúng xảo biện cho rằng, “chủ trương tinh gọn chỉ là hình thức bề
ngoài, thực chất vẫn chỉ là bình mới rượu cũ, tạo cơ hội chạy ghế, chạy chức,
gây tốn kém tiền của của nhân dân”. Ấu trĩ đến nực cười, chúng thậm chí còn dựng
lên thuyết âm mưu “tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ, hạ bệ đối thủ”, rêu
rao rằng “tinh giản chẳng qua chỉ là cách hợp thức hóa để hạ bệ hoặc gia cố quyền
lực trong hệ thống chính trị”. Một số cá nhân có quan điểm đối lập với Đảng,
Nhà nước ta lại cho rằng, “đây là cơ hội để quân đội giảm quân”, “kết thúc nhiệm
vụ của nhiều quân, binh chủng, lực lượng không còn phù hợp”, “giảm tiền đóng
thuế của dân để ưu tiên cho phát triển đất nước”.
Họ cho rằng,
hiện nay ở Việt Nam, diễn biến hòa bình đã kết thúc, “không còn đối tượng tác
chiến” vì “Việt Nam đã nhích lại gần phương Tây”, “đã thân thiện với các nhà tư
sản khi một số nước phương Tây đã là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam”
và “Việt Nam muốn làm bạn với họ”… Từ đó họ tung tin: “Lãnh đạo Việt Nam đã mở
rộng cửa để tiếp nhận công nghệ, đồng đô-la và các chuyên gia phương Tây vào Việt
Nam”, “Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đang khẩn thiết mời chào các
nhà tư bản phương Tây vào Việt Nam để đầu tư, phát triển”… do đó, “giảm quân, kết
thúc hoạt động của một số cơ quan, đơn vị quân đội là yêu cầu cấp bách hiện
nay”.
Đây là những
luận điệu vu cáo, cố tình bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, gây ra sự
nhiễu loạn về thông tin, làm gia tăng các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”
trong nội bộ cán bộ, đảng viên, tạo ra khoảng trống về ý thức hệ, hòng làm phai
nhạt dần lý tưởng cách mạng vô sản và bản chất giai cấp công nhân, tính nhân
dân, tính dân tộc của quân đội, gieo rắc hạt giống hệ tư tưởng phi vô sản có cơ
hội nảy mầm trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, hướng
lái dư luận theo mục đích và ý đồ đen tối, âm mưu vô cùng thâm độc của các thế
lực thù địch là phủ nhận “diễn biến hòa bình” và đấu tranh phòng, chống “diễn
biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ ở Việt Nam, tuyệt đối hóa sức mạnh kinh tế, ảo
tưởng và tung hô tới mức thần thánh hóa sự trợ giúp của các nước phương Tây; từ
xem nhẹ vai trò quân đội rồi tiến tới “phi chính trị hóa quân đội”, tách lực lượng
vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Đảng, vô hiệu hóa sức mạnh
của “thanh bảo kiếm” - tấm khiên bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã
hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân.
Đảng mất đi
chỗ dựa vững chắc, kẻ thù càng dễ bề thao túng, khi đó, đồng thời một mũi tên
chúng có thể đánh trúng hai mục tiêu: Phi chính trị hóa quân đội và phi xã hội
chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây
là biểu hiện rõ nhất của tư duy phi logic, siêu hình và tư tưởng phản động, chống
phá vô cùng nguy hiểm, cần nhận diện làm rõ bản chất và kiên quyết đấu tranh với
các âm mưu, thủ đoạn “chiến thắng không cần chiến tranh”, sử dụng biện pháp phi
vũ trang để chống phá, nhằm tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tinh gọn bộ
máy, giảm biên chế là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thể hiện sự thống nhất cao
độ và quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước ta, với mục đích rất rõ
ràng, tiến bộ, nhân văn, cao đẹp, không hề có chuyện “làm cho có”, làm vì động
cơ “tranh giành, đấu đá”... như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc vì ý đồ,
động cơ đen tối.
Xét về bản chất,
cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo
của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là cuộc cách mạng nhân lực, nhằm cải cách toàn
diện tổ chức bộ máy, góp phần “cởi trói” cho lực lượng sản xuất, giải phóng sức
sản xuất, tạo điều kiện khai thác và phát huy tối đa nguồn lực con người - yếu
tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, tạo “lực đẩy”
để đất nước ta tiến vào kỷ nguyên cất cánh, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mục tiêu của
cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này là nhằm tạo ra bước đệm, tạo thế
và lực để cả dân tộc chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, cùng hướng tới thực hiện mục
tiêu cao cả, vĩ đại của dân tộc: Xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa,
dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường
quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dẫu biết rằng,
chẳng có con đường nào trải bước trên hoa hồng, đặc biệt là cuộc cách mạng về
tinh gọn tổ chức bộ máy lần này có liên quan chặt chẽ tới vấn đề lợi ích, quan
hệ lợi ích; cải cách và đổi mới chẳng bao giờ là đơn giản, sẽ luôn gặp những trở
lực, cách mạng nào cũng đòi hỏi phải có sự dũng cảm, thử thách và hy sinh của
những người cộng sản chân chính, nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chúng
ta hoàn toàn có cơ sở khách quan và khoa học để khẳng định và tin tưởng rằng:
Dưới sự lãnh đạo tài tình, trí tuệ và đạo đức của Đảng ta, sự vào cuộc đầy
trách nhiệm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết một lòng của cả
dân tộc - trăm triệu người như một, cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy “Tinh
- gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” tất sẽ thành công.
ĐẶNG THỊ THU HIỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét