BÀI HỌC “SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN?” CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ.
Nhìn lại cách đây hon 80 năm, Bác Hồ kính yêu của chúng ta viết bài báo “Sao cho được lòng dân” đăng trên báo Cứu Quốc số 65, vào ngày 12/10/1945, tiền thân là báo Đại Đoàn kết ngày nay. Trong bài báo đó, Bác Hồ viết: “ta nhận thấy xung quanh các Ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán than nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ Trung ương nhiều hơn các Ủy ban địa phương. Những ủy ban đó, không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét nữa là khác. Dân ghét các ông Chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền, hách dịch đúng như những ông quan...”
Sau khi nêu một số biểu hiện xấu của cán bộ cách mạng bị dân ghét, Bác Hồ nêu rõ: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chấp nhận đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý. Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong tầng lớp dân chúng, phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ lòng cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được...”. Cuối cùng bài báo của Bác Hồ kết luận: “Nói tóm lại muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Như vậy: phê phán những lỗi lầm, khuyết điểm của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn mọi người sửa chữa để chính quyền ngày càng hoàn thiện và làm việc tốt hơn. Người nhắc nhở cán bộ “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để sửa đổi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”, Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được.
Những lời chỉ bảo tận tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm chấn chỉnh hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp và với đội ngũ cán bộ ngay trong những ngày đầu mới thành lập chính quyền cách mạng non trẻ đã giúp cho cán bộ chính quyền các cấp nhanh chóng nhận ra sai sót, khuyết điểm để sửa chữa, góp phần xây dựng, khẳng định bản chất tốt đẹp của chính quyền mới. Vì thế, tuy mới có chính quyền, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý đất nước nhưng đã được dân tin yêu, từ đó đoàn kết được toàn dân để xây dựng và bảo vệ chính quyền.
Đọc bài báo của Bác, chúng ta cảm nhận được rằng những điều Bác viết từ 80 năm trước chính là Người muốn nói với chúng ta ngày hôm nay. Sợ rằng, mọi người, nhất là Đảng ta khi tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản cán bộ, trao trọng trách không đúng người tài, nên trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại rằng “chống lại những gì cũ kỹ, lạc hậu để tạo ra những cải mới mẻ tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khống lồ”
Bài học “sao cho được lòng dân” mãi còn nguyên giá trị lớn. Bởi vì, theo Bác: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”. Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Tai, mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Đúng là, “dân họ tinh lắm”, “họ biết cả đấy”, họ biết những người thương dân, gần dân, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân và họ cũng biết cả đấy, dù có giấu giếm, che đậy bằng cách nào, những người dù nói thì rất hay, nhưng trên thực tế, chỉ chăm chăm lo thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình hòng “vinh thân phì gia”. Người nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm thìa rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”. Vì vậy mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều phải thấm nhuần nguyên lý: “có dân là có tất cả”. Thu phục được lòng dân, thì làm gì cũng được. Không thu phục được lòng dân, thì mọi sự phát triển đều không vững chắc, đều ẩn chứa những nguy cơ không lường trước được.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân; phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo đói; không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với nhân dân, mà còn phải biết tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tổ chức, động viên nhân dân, qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
“Sao cho được lòng dân?”, đó là câu hỏi lớn và cũng là sự trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay trong những ngày đầu thành lập chính quyền và cho đến hôm nay vẫn rất có nhiều ý nghĩa nhắc nhở mỗi cá nhân chúng ta phải nâng cao trách nhiệm trước dân; phải luôn rèn luyện, phấn đấu và tiếp tục học tập “để làm sao cho được lòng dân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét