Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực tiễn công cuộc đổi mới những năm qua cho thấy, hệ thống chính trị nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Có thể khẳng định, việc không ngừng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn trong suốt chặng đường gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới vừa qua.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Nghị quyết số 06-NQ/HNTW, ngày 29-3-1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới và các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”(1).
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được sắp xếp, tinh gọn và đạt được một số kết quả nổi bật. Về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước: Đối với tổ chức hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ: đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 10 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, cơ bản giảm phòng trong vụ (không tính Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Đối với địa phương: đã giảm được 13 sở và tương đương, giảm 2.590 phòng và tương đương thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Về đơn vị sự nghiệp công lập: đến hết năm 2023 còn 46.540 đơn vị (giảm 8.149 đơn vị, tương ứng 15,13%). Về sắp xếp đơn vị hành chính: giai đoạn 2019 - 2021 có 45/45 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã; giai đoạn 2023 - 2025, có 51/51 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp, đã thực hiện giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 563 đơn vị hành chính cấp xã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét