Myanmar đang đối mặt với một thảm hoạ nhân đạo có thể cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. Nhưng điều khiến bi kịch này trở nên sâu sắc không chỉ nằm ở sức tàn phá của trận động đất, mà chính là sự cô lập tuyệt đối của quốc gia này trên trường quốc tế – đặc biệt là từ phương Tây, những người luôn nhân danh “nhân quyền” và “tự do”!
Ngoài thiên tai, Myanmar còn bị đè nặng bởi xung đột sắc tộc, nội chiến, cấm vận và một nền kinh tế suy kiệt. Đó là lý do vì sao dù thiệt hại nghiêm trọng, Myanmar gần như không thể tiếp cận viện trợ nhân đạo đúng nghĩa. Người dân nằm la liệt trên phố, không giường bệnh, không thuốc men, không nhân viên y tế. Những khu dân cư sụp đổ hoàn toàn, người sống sót kẹt trong đống đổ nát, chờ đợi vô vọng trong khi lực lượng cứu hộ thì quá ít ỏi.
Nhưng tàn nhẫn hơn cả là sự im lặng lạnh lùng của cộng đồng quốc tế. Trong ba ngày đầu tiên sau thảm hoạ, Thổ Nhĩ Kỳ nhận được hơn 30 đội cứu hộ từ khắp thế giới, hơn 80 triệu đô la tiền viện trợ. Còn Myanmar – một đất nước có mức độ tàn phá tương tự – chỉ nhận được 7 đội cứu hộ, trong đó có đoàn đến từ Việt Nam, và số tiền quyên góp chỉ đạt khoảng 5 triệu đô.
Liên minh châu Âu tuyên bố viện trợ 2,5 triệu euro, nhưng phần lớn số tiền ấy không được chuyển đến tay người dân vùng thảm hoạ, mà lại rót vào các chương trình vệ tinh và các tổ chức liên quan đến phe đối lập. Một lần nữa, "viện trợ" bị chính trị hoá, trở thành công cụ để phục vụ chiến lược thay vì cứu người.
Chính quyền quân sự Myanmar không được phương Tây công nhận, đó là cái cớ hoàn hảo để các nước tránh xa nghĩa vụ nhân đạo cơ bản nhất. Viện trợ không đến vì “lo ngại an ninh”, trong khi thực tế là vì họ không muốn hợp tác với một chính phủ nằm ngoài hệ quy chiếu chính trị của mình.
Transnational Institute xác nhận rằng Myanmar đã chủ động kêu gọi viện trợ, nhưng đáp lại chỉ là sự dửng dưng. The Guardian miêu tả cảnh tượng nhân viên cứu hộ phải đào đất bằng tay không, trong khi tiếng kêu cứu vang lên dưới đống đổ nát không người đáp lời.
Tất cả những điều ấy dẫn đến một câu hỏi đau đớn nhưng cần thiết: Tại sao mạng sống của người Myanmar lại rẻ hơn? Phải chăng “giá trị nhân đạo” mà phương Tây thường rao giảng chỉ có hiệu lực với những quốc gia nằm trong phạm vi lợi ích chiến lược của họ?
Bi kịch Myanmar phơi bày sự đạo đức giả trần trụi của thế giới hiện đại – nơi mà nhân quyền bị định giá theo địa lý chính trị, và lòng trắc ẩn thì có điều kiện. Đây là bài học cay đắng về sự tự chủ, về việc không thể trông đợi vào công lý từ những kẻ chỉ hành xử khi có lợi, và về trách nhiệm đoàn kết nội tại – khi thế giới bên ngoài sẵn sàng quay lưng./.
Khuyết danh ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét