Sự ra đời của
hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời, phủ định biện chứng hình
thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, là kết quả tất yếu của việc giải quyết
các mâu thuẫn về kinh tế và chính trị - xã hội trong lòng xã hội tư bản.
Về kinh tế,
C.Mác đã “giải phẫu” xã hội tư bản chủ nghĩa, tìm ra các quy luật vận động của
nó, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất. Khi tìm hiểu
căn cứ để C.Mác dự đoán về sự phát triển tương lai của chủ nghĩa cộng sản trong
tiến trình lịch sử, V.I.Lênin chỉ ra rằng C.Mác xuất phát từ chỗ là chủ nghĩa cộng
sản hình thành từ chủ nghĩa tư bản, phát triển lên từ chủ nghĩa tư bản, là kết
quả tác động của một lực lượng xã hội do chủ nghĩa tư bản sinh ra - giai cấp
công nhân hiện đại. Khi lực lượng sản xuất càng phát triển và mang tính xã hội
hoá cao thì quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân
tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất ngày càng trở nên lạc hậu, cản trở,
kìm hãm sự phát triển của nó bấy nhiêu, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra, trong xã
hội đầy đối kháng giai cấp đó, con người ngày càng chinh phục tự nhiên, cải tạo
tự nhiên bao nhiêu thì tình trạng người áp bức, bóc lột người càng được mở rộng
bấy nhiêu. Điều đó làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính chất xã
hội hoá với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển ngày càng gay gắt. Việc
giải quyết mâu thuẫn này là nguồn gốc sâu xa của sự ra đời hình thái kinh tế -
xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Về chính trị
- xã hội, mâu thuẫn kinh tế cơ bản đó của chủ nghĩa tư bản được thể hiện trên
lĩnh vực xã hội là mâu thuẫn giữa
giai cấp công nhân, nhân dân lao động với giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân,
nhân dân lao động là lực lượng chủ yếu tạo ra của cải vật chất, quyết định đến
sự phát triển của xã hội; tuy nhiên, họ lại chịu sự thống trị và bị giai cấp tư
sản bóc lột giá trị thặng dư. Mặt khác, dưới chủ nghĩa tư bản, sự suy đồi về đạo
đức, sự giàu có, thừa thãi của số ít giai cấp tư sản đã đẩy số đông giai cấp
công nhân và nhân dân lao động vào cảnh bần cùng hóa. Vì vậy, mâu thuẫn giữa
giai cấp công nhân, nhân dân lao động với giai cấp tư sản ngày càng trở nên sâu
sắc, không thể điều hoà. Cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, giai cấp
công nhân phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; cuộc đấu tranh của họ
từng bước chuyển từ tự phát sang tự giác. Như vậy: “Những vũ khí mà giai cấp tư
sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính
ngay giai cấp tư sản. Nhưng giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ
giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những
công nhân hiện đại, những người vô sản”1.
Sự ra đời
hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là kết quả tất yếu của việc giải
quyết các mâu thuẫn về kinh tế, xã hội. Song, thắng lợi của cách mạng xã hội chủ
nghĩa về chính trị là điều kiện tiên quyết, bởi nó giúp giai cấp công nhân,
nhân dân lao động có được công cụ chính quyền để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã
hội mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét