Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giành và giữ chính quyền


Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng xác định rõ phương pháp cách mạng: “Phải bằng con đường bạo lực cách mạng chứ không thể là con đường cải lương thỏa hiệp - không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp”[1]. Với phương châm ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn hình thức đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp dùng bạo lực cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân trong cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hình thức khởi nghĩa giành chính quyền trong phương pháp bạo lực cách mạng của quần chúng có sự thay đổi, đó là từ khởi nghĩa giành chính quyền chuyển thành kháng chiến. Đảng đã huy động đến mức cao nhất sức mạnh của quần chúng nhân dân và các lực lượng vũ trang để áp đảo kẻ thù. Cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, Đảng ta coi trọng việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, trở thành một lực lượng tiến công có sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thể hiện bước phát triển cao nhất sự kết hợp giữa tiến công quân sự và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp đập tan sự phản kháng của kẻ thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khi đất nước được hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta vẫn kiên định với tư tưởng bạo lực cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2002, tr. 4. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét