Cải cách
tiền lương để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao
Thủ tướng nhấn mạnh cần có cơ chế đào tạo, cải cách
tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực
chất lượng cao, có kỹ năng tay nghề…
Phát
biểu kết luận Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện
đại, bền vững và hội nhập" sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
nhấn mạnh lao động - việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế.
PHẢI TẠO ĐỘT PHÁ ĐỂ CÓ NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Theo
Thủ tướng, khi lao động trong nền kinh tế quá dư thừa, thiếu việc làm và tỷ lệ
thất nghiệp cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí bất ổn xã hội, chính trị.
Ngược lại, nếu thiếu hụt lớn lao động, chất lượng lao động thấp… sẽ dẫn đến
giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và có các hệ lụy khác. Đây là hai mặt mà
chúng ta phải cân nhắc, tính toán, xử lý hài hòa trong quá trình phát triển.
Về
những hạn chế của thị trường lao động, Thủ tướng cho rằng có cả nguyên nhân
khách quan và chủ quan. Trong đó, nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền,
nhất là người đứng đầu một số cơ quan bộ, ngành, đơn vị về vai trò, tầm quan
trọng phát triển thị trường lao động còn hạn chế; chưa thực sự chủ động có giải
pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động bền vững.
Công
tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thị trường lao động chưa đáp ứng được yêu cầu
đòi hỏi của tình hình thực tế, của thị trường. Năng lực quản trị, vận hành thị
trường lao động còn yếu. Thiếu cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ
chân người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là những bất cập
về tiền lương.
Hệ
thống trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm chưa phát huy tốt vai trò kết
nối cung-cầu lao động, hỗ trợ người lao động, nhất là để vượt qua các cú sốc
của thị trường. Nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng
mức đến quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Chưa
chú trọng kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc
tế một cách liên thông, tổng thể, bền vững, ổn định. Chưa thực sự quan tâm phát
triển cơ sở dữ liệu thị trường lao động đầy đủ; công tác thống kê cập nhật phục
vụ phân tích, dự báo và chỉ đạo điều hành về tình hình lao động còn hạn chế.
Theo
Thủ tướng, trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những thời cơ, vận
hội đan xen khó khăn, thách thức; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Chính
phủ xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân
đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả,
hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ - tài khóa. Triển khai Chương trình
phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (với quy mô 340 nghìn tỷ - khoảng 4%
GDP), tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở
hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an
toàn, minh bạch.
Những
điều đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm
để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Thủ
tướng nhấn mạnh rằng muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa
học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến
nhất thì chúng ta phải đào tạo thường xuyên, đầy đủ và có đột phá để có được
lao động chất lượng cao, làm chủ được công nghệ.
“Cần
có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút
nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những
lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực,
động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội nhanh, bền vững”, Thủ tướng lưu ý.
CHÍN NHÓM GIẢI PHÁP LỚN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Về
phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới,
Thủ tướng nhấn mạnh chín giải pháp quan trọng.
Thứ
nhất, nâng cao nhận thức về thị
trường lao động, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường, coi lao động là
hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện thể
chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển
theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế,
thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.
Cùng
với đó, tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động
phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ
chức Lao động quốc tế, các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và
ngoài nước.
Thứ
hai, nắm bắt nhu cầu, phát triển
thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng
điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến
đổi khí hậu… Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số
hóa quản lý dân cư.
Thứ
ba, chú trọng đầu tư cả về cơ chế
chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao
động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo
ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Chính sách phải dựa trên cơ sở dữ
liệu hiện tại và dự báo tương lai. “Nhiều chỉ số của thị trường lao động như tỷ
lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, số việc làm được tạo ra… là những chỉ số
kinh tế vĩ mô rất quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội”,
Thủ tướng nói.
Thứ
tư, đẩy mạnh xây dựng chính sách
việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp
với cơ chế thị trường, xây dựng nhiêm vụ phù hợp, khả thi, hiệu quả cả ngắn hạn
và dài hạn, đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới,
việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, phục vụ
chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, việc làm cho
đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.
Thứ
năm, cần quan tâm tới việc dịch
chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao
động việc làm hợp lý trên toàn quốc. Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi
để người dân có thể làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định, để người
lao động hạn chế phải xa quê hương. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công
nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn. Về việc này, Chính
phủ đã tổ chức Hội nghị về nhà ở xã hội với mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu
căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đến năm 2030.
Thứ
sáu, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo,
giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng
giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ
dân số vàng. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập
với thị trường lao động thế giới.
Thứ
bảy, thực hiện các văn bản, quy
định liên quan tới thị trường lao động, Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều
kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình
giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. “Hiện nay, chương trình phục hồi
và phát triển đang dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề, giải
quyết việc làm và dự kiến sẽ bố trí thêm, chủ trương của chúng ta là không tiếc
kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả”, Thủ
tướng lưu ý.
Thứ
tám, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức,
đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng,
xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh
tế trọng điểm.
Thứ
chín, tập trung tháo gỡ những khó
khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng
chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận
trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ
sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải
quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục
vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.