Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023
ĐỘI LỐT PHẢN BIỆN XÃ HỘI ĐỂ PHÁ BĨNH
Bài học ý nghĩa từ câu chuyện tiết kiệm điện của Bác Hồ
Vào ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện thân
mật với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ. Tại hôm đó, Bác đã nói: “Tổ
quốc cần điện như cơ thể cần máu”… “Chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn
“mạch máu” cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế”. Đã 69 năm kể từ ngày đó
nhưng lời Bác dạy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Tấm gương sáng vĩ đại về thực hành tiết kiệm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối
sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày từ
việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Bác không nói nhiều, không hô hào
đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm bằng
chính những hành động, nếp sống của mình. Từ những bữa ăn đến trang phục của
Bác cũng rất đơn giản, không cầu kỳ. Đặc biệt, Bác thường nhắc nhở cán bộ, nhân
dân về thực hành tiết kiệm điện: “Nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm
điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp,... đều tiết kiệm điện thì
chúng ta sẽ đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất”. Là Chủ tịch nước, Bác
được ưu tiên cấp điện trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng tinh thần dùng điện tiết
kiệm của Bác đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập.
Một lần khi Bác đi thăm đồng bào ở một tỉnh xa. Lúc đó khoảng bảy giờ
sáng, xe đang trên con đường Phan Đình Phùng sắp lên cầu Long Biên thì một cơ
quan còn ba bóng điện sáng ở cổng. Tuy công việc đang vội, nhưng Bác vẫn bảo
đồng chí lái xe dừng lại. Bác cử một đồng chí cùng đi vào gặp cơ quan ấy nhắc:
Bác đi công tác qua, bảy giờ rồi vẫn thấy các đồng chí để ba ngọn đèn sáng ở
cổng, không cần thiết đâu. Bác nhắc các đồng chí tắt đi. Thế là ba ngọn đèn
được tắt ngay. Sau khi được Bác nhắc nhở, cơ quan ấy thấy ba ngọn đèn ở cổng
không cần thiết nên tháo luôn để tiết kiệm điện.
Ngay cả khi ra nước ngoài, Bác vẫn luôn giữ thói quen tiết kiệm điện. Đi
qua một hành lang đến nơi bạn mời Bác ở, hay trong nhà khách của bạn, thấy
những bóng đèn sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Trong chuyến thăm
Ba Lan năm 1957, khi Bác được đón tiếp tại phòng lễ tân, lúc đó khoảng 9 giờ
sáng, mặt trời đã lên cao, mà 3 chiếc đèn chùm với hàng trăm bóng vẫn sáng
trưng, Bác Hồ đã yêu cầu gặp Vụ trưởng Vụ Lễ tân và Người hỏi: “Chỗ tắt điện ở
đâu?”. Lập tức, mấy chiến sĩ bảo vệ đi tắt điện. Chủ tịch Ba Lan Da-vát-dơ-ki
(Zawasdzki) nói giọng cảm động: “Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi thành
thật nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện tiết kiệm”.
Qua câu chuyện kể trên, chúng ta càng thêm thấu hiểu về những lời chỉ
dạy, nhắc nhở của Bác về thực hành tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói
riêng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và trong xây dựng, phát triển đất
nước.
Tiết kiệm điện là giữ gìn “mạch máu”
Thời gian vừa qua, những âm thanh của chiếc loa phát thanh lại một lần
nữa hiện hữu trong từng ngõ phố gây ấn tượng mạnh mẽ đến với mỗi người dân Thủ
đô Hà Nội. Hình ảnh những người thợ điện áo cam cùng với chiếc loa đi từng ngõ
phố yêu cầu người dân hãy sử dụng điện tiết kiệm, hãy tắt những thiết bị điện
không cần thiết, giảm bớt các đèn chiếu sáng, đèn trang trí trong các cửa hàng,
quán ăn...
Tiết
kiệm điện là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt khi lãng phí trong sử dụng
điện ở nước ta còn ở mức cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu,
vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất
kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với nhiều giải pháp về nguồn cung
điện, truyền tải, phân phối điện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành
điện cùng nhiều ban ngành chức năng đều kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện, hiệu
quả.
Trong giai đoạn hiện nay, thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác là
việc làm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta cần phải biết tiết
kiệm điện, tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm thời gian giảm bớt chi
tiêu cho những việc không cần thiết, biết đấu tranh chống xa hoa, lãng phí,
biết chia sẻ tiết kiệm cùng mọi người. Vậy nên, “Hãy tắt khi không cần, để
khi cần sẽ có điện”.
Muốn hưởng trái hòa bình, phải bảo vệ cây độc lập
Cuộc Cách mạng Tháng Tám
vĩ đại thành công và sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra một
trang vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
không những giúp nhân dân Việt Nam chấm dứt kiếp nô lệ, lầm than mà còn mang
lại độc lập, tự do; xác lập vị thế mới để đất nước tiếp tục vượt qua những
thách thức thời đại, ngày càng phát triển như hôm nay. Thế mà, bằng những luận
điệu xét lại lịch sử, 78 năm trôi qua, đây đó vẫn có những kẻ cơ hội chính trị
muốn xuyên tạc, đổi trắng thay đen hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở
Việt Nam.
“Bình mới rượu cũ” của những thủ đoạn chống phá
Họ lu loa rằng: Cách mạng Tháng Tám
thành công thực chất là “cuộc đảo chính của cộng sản Việt Nam” hoặc hằn học cho
rằng thắng lợi đó chỉ là “sự ăn may”(!). Vậy, sự thật có phải như họ xuyên tạc
không? Họ tỏ ra thông thái, phân tích lại thời cuộc, rằng: “Nếu Đảng Cộng sản
Việt Nam không phát động Cách mạng Tháng Tám và Toàn quốc kháng chiến thì
chúng ta sẽ tránh được cuộc chiến tranh, tại sao không theo cách của nhiều
nước sau này vẫn giành được độc lập, ít hao tổn xương máu!”.
Họ phủ nhận, xúc phạm sự hy sinh xương
máu của bao thế hệ, lập lờ rằng: Từ sau cuộc đảo chính của Nhật (ngày
9-3-1945), Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không còn là thuộc địa
của Pháp, mà là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân Đồng
minh đánh cho tơi tả, phải chịu thất bại thảm hại và tuyên bố đầu hàng vô điều
kiện. Như vậy, ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách
mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi và “Cách mạng Tháng Tám là một sự ăn
may”.
Đặc biệt, gần đây, trước những diễn biến
phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, những người có tâm địa không tốt
tiếp tục bóp méo, nhào nặn thông tin “rượu cũ” trong chiếc “bình mới”, xuyên
tạc đường lối, quan điểm và thực tế bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà
nước Việt Nam. Họ xuyên tạc, cho rằng Việt Nam nhu nhược, thiếu đường lối chiến
lược. Họ khuyến nghị phải xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, liên
minh, liên kết với các cường quốc, thực hiện đa đảng thì mới phát huy được sức
mạnh toàn dân tộc và sức mạnh quốc tế để đủ sức bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, họ kêu
gọi phải thực hiện các cuộc tổng biểu tình, tiến hành cách mạng đường phố để
“làm một cuộc Cách mạng Tháng Tám lần thứ hai” đi tới lật đổ chế độ XHCN.
Lớp phẩm màu dối trá không thể xóa nhòa
hiện thực viết bằng máu
Luận điệu "Cách mạng Tháng Tám
là cuộc đảo chính của cộng sản Việt Nam" chỉ là sự “nhai lại” những
lời gian trá cũ rích từ 78 năm trước, khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công
của các thế lực thù địch lúc bấy giờ. Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt
Nam xuất bản năm 1995: “Đảo chính là thủ đoạn tranh giành quyền lực thống trị
bằng sử dụng áp lực quân sự hoặc các áp lực khác trái với thể chế pháp luật
hiện hành, lật đổ chính quyền đương nhiệm một cách bất thường và thiết lập chính
quyền nhà nước khác trong khuôn khổ chế độ xã hội cũ”. Việc coi Cách mạng Tháng
Tám là “cuộc đảo chính” hòng xuyên tạc trắng trợn bản chất của một cuộc cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong Nghị quyết tại Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ của
Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 10 và 11-9-1945, Đảng ta khẳng định: Nhật
đầu hàng, điều kiện khách quan và chủ quan đầy đủ cho một cuộc cách mạng chín
muồi (nền móng của phát xít hoàn toàn tan rã, đại đa số quần chúng đã nghiêng
về cách mạng, đội tiền phong cương quyết và hy sinh).
Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi là
do kết quả của bao cuộc đấu tranh trong nhiều thập niên đổ máu, chứ không phải
một cuộc đảo chính đơn giản. Những luận điệu xuyên tạc trên như lớp phẩm màu
dối trá không thể xóa nhòa được lịch sử đấu tranh khốc liệt đã được cả dân
tộc Việt Nam viết nên bằng máu.
Về luận điệu không cần chiến tranh, có
thể dùng biện pháp khéo léo tránh chiến tranh mà vẫn giữ được độc lập, phát
triển thì chính các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng nhiều lần bác bỏ. Nhà sử
học Pháp Philip Deville đã nhận định: “Trong khi máy bay, xe tăng và
binh lính Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược thì chỉ có một dân
tộc cam chịu để mình bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội
dân tộc mình mới không chuẩn bị gì, không hành động gì để chống lại”.
Hiện thực và bài học lịch sử chứng minh,
không thể giành độc lập bằng cách ngồi chờ giặc rủ lòng thương. Trong điều
kiện dân tộc Việt Nam bị đọa đày, đau khổ dưới ách áp bức thống trị của chế
độ thực dân, phong kiến, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra
sôi nổi, từ lập trường Cần Vương đến xu hướng tư sản, tiểu tư sản, qua
khảo nghiệm của lịch sử đều lần lượt thất bại. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt
Nam ra đời, bằng cương lĩnh, đường lối đúng đắn, phù hợp với tình hình trong
nước và quốc tế lúc bấy giờ, cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn
mới. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đánh giá hết sức khách
quan: “Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã
nhiều lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn vua quan hèn mạt, câu kết
với địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách
mạng Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ
chức, đấu tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt
trận dân tộc thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh
cho độc lập tự do, làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi”.
Muốn hưởng trái hòa bình, phải bảo vệ
cây độc lập
Cách đây ít ngày, Nguyễn Linh-một bạn
trẻ ham thích dùng mạng xã hội vừa viết bài phê phán các hiện tượng nhận thức
lệch lạc vừa quảng bá bán sản phẩm mật ong rừng của quê hương Hà Tĩnh đã có
chuyến đi về Bình Dương. Linh bắt gặp hình ảnh trụ sở của một doanh nghiệp bề
thế nay chỉ là ngôi nhà hoang nằm chỏng chơ, tường đen sì-dấu tích cuộc đốt
phá của những người biểu tình nhân danh “yêu nước”.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy thiệt
hại, sự nguy hiểm của những âm mưu kích động, phá hoại. Ngày nay, chúng ta đang
thừa hưởng giá trị của hòa bình-độc lập thực sự là thành quả vĩ đại do Cách
mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đem lại. Đó là khát vọng,
là thành quả của dân tộc Việt Nam mà chúng ta phải kiên trì bảo vệ, đúng như
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn nhà báo người Anh Phê-lích
Gơ-rin ngày 18-11-1965 đã khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình
để xây dựng đất nước. Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật
sự”; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hòa bình. Sự đấu
tranh ấy là thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người
dân đất Việt nhưng phải đặt trong con đường, mục tiêu, cách thức chung của đất
nước, cộng đồng, trong sách lược và chiến lược của Đảng, Nhà nước. Yêu nước mà
thiếu sự tỉnh táo, sa bẫy lôi kéo của các thế lực phản động, cơ hội thì chẳng
khác gì rút lông ngỗng trên con đường phát triển của đất nước.
Những lời kêu gọi “một cuộc Cách mạng
Tháng Tám lần thứ hai” cho thấy những âm mưu phá hoại nền hòa bình, độc lập vĩ
đại của đất nước ta vẫn luôn được kẻ thù rắp tâm thực hiện. Nhưng nó chỉ đánh
lừa, gây dao động một bộ phận rất ít người suy nghĩ non nớt, lệch lạc. Dân tộc
này, đất nước này đã trải qua biết bao hy sinh, biết bao máu và nước mắt để có
nền hòa bình, độc lập hôm nay. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà kỳ nghỉ 2-9 hằng
năm giờ đây được nhiều nơi gọi là Tết Độc lập. Từ “Tết” tự thân nó khiến người ta
nghĩ đến cái Tết cổ truyền của cả dân tộc. Giá trị độc lập trở thành thiêng
liêng, vĩnh hằng, niềm vui độc lập sau 78 năm như lắng sâu hơn, để những người
đang sống hôm nay coi như một cái Tết thứ hai của mỗi người dân đất Việt. Theo
đó, những kẻ cơ hội chắc sẽ thấy xấu hổ vì nếu họ phát động cái gọi là
"cuộc Cách mạng Tháng Tám lần thứ hai" thì mục tiêu của cuộc “cách
mạng” ấy là gì, phục vụ ai, đem lại lợi ích cho ai, do ai lãnh đạo? Ai đủ tâm,
tầm, trí hơn Đảng Cộng sản Việt Nam-tổ chức của bao triệu người đã hy sinh,
phấn đấu vì dân, vì nước từ khi ra đời đến nay?
Cách đây ít lâu, trả lời báo chí, một
đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng khẳng định: Chúng ta đã chiến đấu và chiến
thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa
bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình.
Thứ nhất, chúng ta giữ hòa bình, hữu nghị với những nước bạn bè. Thứ hai, hòa
bình, hữu nghị để tranh thủ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác trên thế
giới đối với sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta. Thứ ba, kể cả đối với
đối tượng đối nghịch, chúng ta bao giờ cũng sẵn sàng hòa bình nếu họ tôn trọng
độc lập, chủ quyền của Việt Nam, từ bỏ ý chí xâm lược nước ta. Chủ trương nhất
quán của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định nhiệm vụ chung là bảo vệ
lãnh thổ, bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc
gia-dân tộc, trong đó tập trung bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân
dân; bảo vệ hòa bình bền vững cho đất nước. Đây là 3 mục tiêu chung của bảo vệ
Tổ quốc và là nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, của quân đội.
Có lẽ, đó cũng chính là tinh
thần “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và
lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” như
lời quả quyết của Bác Hồ trong bản Tuyên ngôn Độc lập.
Vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử
Trong một bài viết về Toàn quốc
kháng chiến gần đây, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng chỉ
rõ: Chúng ta luôn "quyết tâm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", “kiên
quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất
nước”; "... hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về quốc phòng, an
ninh, bảo vệ Tổ quốc và đối sách xử lý hiệu quả các tình huống và trong quan hệ
đối ngoại; bảo đảm không bị động, bất ngờ về chiến lược, góp phần bảo vệ Tổ
quốc từ sớm, từ xa".
Nhận thức sâu sắc những bài học lịch sử
của Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước,
Quân đội ta đã và đang thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong bảo vệ
Tổ quốc. “Dĩ bất biến” trong kiên định đường lối, mục tiêu độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, môi trường hòa bình và “ứng vạn biến” bằng sách
lược mềm dẻo, phương thức linh hoạt, đối phó hiệu quả với sự biến động phức tạp
của tình hình; sự đan xen, chuyển hóa phức tạp giữa đối tác và đối tượng; với
mọi âm mưu, thủ đoạn, tình huống của các thế lực thù địch, phản động, nhằm đạt
mục tiêu cao nhất. Chúng ta cũng xác định vừa hợp tác, vừa đấu tranh,
theo tinh thần thêm bạn, bớt thù; giữ cân bằng, tận dụng tối đa quan hệ với các
nước lớn, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Lấy đối ngoại quốc phòng làm
công cụ quan trọng giải quyết tranh chấp, bất đồng, bảo vệ chủ quyền, lợi ích
quốc gia; tạo lợi thế chính trị trong mọi biến động của tình hình, đóng góp cho
hòa bình, ổn định của khu vực. Chúng ta cũng kiên quyết, kiên trì đấu
tranh trên cơ sở nắm vững, tận dụng luật pháp quốc tế, giữ vững chủ quyền lãnh
thổ, không để xảy ra xung đột, chiến tranh; không để bạo loạn kéo dài, lan
rộng; không sử dụng lực lượng vũ trang giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân,
mắc mưu khiêu khích, tạo cớ cho thế lực thù địch can thiệp quân sự; không để
thế lực có tham vọng lãnh thổ lợi dụng hoặc thỏa hiệp với thế lực thù địch…
"THẮP LỬA NIỀM TIN" GIÚP NẠN NHÂN DA CAM VỮNG TIN TRONG CUỘC SỐNG!
Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Tham nhũng xuất hiện từ khi có giai cấp, nhà nước và tồn tại ở các chế độ chính trị khác nhau với bản chất luôn gắn liền với quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế mà không phụ thuộc vào bất cứ chế độ chính trị hay đảng phái nào. Ngày nay, tham nhũng là căn bệnh phức tạp, hoành hành trên nhiều lĩnh vực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở các quốc gia với các chế độ xã hội khác nhau.
Vì lẽ đó, đấu tranh chống tham nhũng là công tác luôn được
quan tâm, thực hiện quyết liệt với các hình thức, biện pháp song đây cũng là
quá trình khó khăn, lâu dài và gian nan, không thể nôn nóng. Đảng ta khẳng định
rõ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực vừa là yêu cầu tất yếu của
sự phát triển đất nước, vừa là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong
thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Đây là quyết tâm chính trị
không thể phủ nhận, xuyên tạc
Công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực là một trong những
nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta
lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và quyết liệt,
không ngừng, không nghỉ, bài bản, đi vào chiều sâu với quan điểm không có vùng
cấm, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không có ngoại lệ, không có đặc quyền,
bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào và được tiến
hành sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở. Phương châm PCTN, tiêu cực mà Đảng ta đề
ra là: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng,
cấp bách.
Quyết tâm đấu tranh PCTN, tiêu cực được thể hiện rất
rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh,
ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành
động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn". Muốn vậy cần "triển khai đồng bộ,
có hiệu quả quy định của pháp luật về PCTN... Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng
ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng". Và yêu cầu phải "nâng
cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc,
tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu
tranh PCTN... Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng,
lãng phí". Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có hơn 250 văn bản về xây dựng
Đảng, 300 bộ luật và hơn 2.000 văn bản từ Chính phủ đề cập tới chống tham nhũng.
Nhà nước ta đã có nhiều bước đột phá trong công tác
kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Riêng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu
cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ;
trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế
nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm... Ngày 19-6-2023. Những
kết quả bước đầu sau một năm hoạt động của ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh
cho thấy quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong đấu tranh
PCTN, tiêu cực không phải như lời lẽ suy diễn, đầy hằn học, mưu toan chống phá
của các thế lực thù địch.
Sự chống phá ngày càng tinh vi,
phức tạp
Bất chấp những thành tựu đạt được trong công tác PCTN,
tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận,
với dã tâm thâm độc, nham hiểu, âm mưu chống phá đến cùng, thái độ hằn học mà các
thế lực thù địch, phản động không từ bỏ thủ đoạn nào để xuyên tạc, suy diễn vô
căn cứ, bóp méo sự thật về công tác PCTN, tiêu cực ở Việt Nam. Chúng đã nhắm
mắt làm ngơ trước những điều tốt đẹp mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được.
Với luận điệu trơ tráo, lố bịch, các thế lực thù địch cố tình dùng mọi thủ đoạn
để thực hiện mưu đồ xấu xa; xuyên tạc về công tác PCTN, tiêu cực ở Việt Nam.
Lợi dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội và sự thiếu thông tin, hiểu biết
của một bộ phận người dân để lập các trang web, đăng tải tin, video clip với
nội dung xuyên tạc, bôi đen, gán ghép, dựng chuyện và cho rằng tham nhũng ở
Việt Nam đang xảy ra ở khắp mọi nơi, ngõ ngách. Với những nhận định và kết luận
vô căn cứ mang tính xuyên tạc, kích động, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân; sự
hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng về PCTN, tiêu cực nhằm làm xói
mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chúng dẫn dắt dư luận, gây tâm lý hoài
nghi, dao động, tạo cớ, kích động và tạo sự đối lập, bất ổn từ bên trong và xa
hơn là phá hoại, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội (XHCN) ở Việt Nam.
Với âm mưu cực kỳ tinh vi, xảo quyệt hòng thúc đẩy
nhanh các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong
nội bộ với mưu đồ "phi chính trị hóa" quân đội, các thế lực
thù địch, phản động lợi dụng việc xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi
phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là sau các vụ việc ở Bộ tư lệnh Cảnh sát
biển và Học viện Quân y, các phần tử xấu đã thổi phồng, vơ đũa cả nắm với luận
điệu cho rằng, tham nhũng xảy ra ở toàn quân.
Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề này
để xuyên tạc chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực là giả
tạo và không cần thiết, chỉ tốn tiền của dân. Rằng, thành lập ban chỉ đạo cấp
tỉnh về PCTN, tiêu cực cho thấy sự kém hiệu quả của công tác chống tham nhũng.
Những luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ, sự bịa đặt thiển cận và gán
ghép, quy chụp trên nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và thành quả cách mạng của
nhân dân ta; phủ định sạch trơn những thành tựu to lớn của đất nước; hạ thấp
vai trò lãnh đạo và quyết tâm PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Các giải pháp đấu tranh, phản bác luận điệu suy diễn, xuyên tạc công tác PCTN, tiêu cực.
Đấu tranh, phản bác các luận điệu suy diễn, xuyên tạc
công tác PCTN, tiêu cực ở Việt Nam phải được tiến hành thường xuyên, liên tục
với hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thiết thực. Trong đó, tập trung
vào một số giải pháp là: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ,
đảng viên, nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng trong PCTN, tiêu cực và
âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục xây
dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về PCTN, tiêu cực và tổ chức triển
khai có hiệu quả trên thực tế, không tạo khoảng trống để các thế lực thù địch,
phản động lợi dụng chống phá. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các
ngành, các lực lượng và toàn thể nhân dân trong PCTN, tiêu cực và đấu tranh,
phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động hiện
nay. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực và đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Thực hiện đa dạng,
linh hoạt về nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh PCTN, tiêu cực và phản
bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và hình ảnh, uy tín Bộ đội Cụ Hồ
“Phải đặc biệt giữ gìn, phát huy hình ảnh, uy tín của quân đội, giữ vững
niềm tin yêu của nhân dân đối với quân đội. Muốn vậy, kỷ luật, kỷ cương phải
nghiêm, quân đội phải làm gương cho các nơi khác”-đó là phát biểu chỉ đạo của Tổng
Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước, Bí thư Quân ủy Trung ương) tại Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên họp cuối
năm 2017. Tinh thần chỉ đạo ấy đã và đang được thể hiện rất rõ qua việc xử lý
sai phạm của một số cán bộ cao cấp trong quân đội thời gian gần đây…
Xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm
Việc Kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây thông báo
kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân
chủng Hải quân và xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ cấp cao ở Quân khu 9
không phải là những gì bất thường, đột biến mà chỉ là việc tiếp tục triển khai
những chủ trương nhất quán, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực
của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Trước đó, năm 2018, một số cán bộ cấp cao
quân đội, trong đó có cả tướng lĩnh đã phải chịu xử lý nghiêm minh theo pháp
luật và kỷ luật của Đảng, Nhà nước và quân đội do có những sai phạm liên quan
tới quản lý kinh tế, quản lý đất quốc phòng. Đây là những lĩnh vực nhạy cảm,
phức tạp, bị nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, những
sai phạm mới được xử lý. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn chủ động,
nghiêm túc, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn
với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ. Các vụ việc được xử lý nghiêm túc, kịp thời nhận được sự tin tưởng,
đồng tình của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về sự quyết tâm và hành động của
Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong đấu tranh phòng,
chống tham nhũng trong quân đội, thể hiện trên mặt trận này không có “vùng
cấm”, kể cả đối với lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, cán bộ
là sĩ quan cao cấp và kể cả tướng lĩnh. Việc xử lý bảo đảm chặt chẽ trên cơ sở
các quy định của pháp luật, nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng người,
đúng tội, đúng pháp luật; thông tin kịp thời, không bao che, bưng bít, nương
nhẹ.
Việc xử lý sai phạm của cán bộ quân đội gần đây đã theo đúng Quy
định 102 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, về thời hiệu xem xét
xử lý kỷ luật, thời hiệu xem xét có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí dài hơn tùy
theo mức độ sai phạm. Như vậy, không còn vùng cấm cả với những cán bộ đã chuyển
công tác khác hay đã nghỉ hưu thì coi như “hạ cánh an toàn”, là một sự nghiêm
túc về thực hiện trách nhiệm nêu gương, khắc phục tư duy nhiệm kỳ…
Thông qua việc xử lý góp phần làm trong sạch bộ máy, loại bỏ khỏi bộ máy
những cán bộ thoái hóa biến chất; củng cố, nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu của
quân đội; trước hết là sự vững mạnh về chính trị.
Không để hiện tượng cá biệt làm ảnh hưởng bản chất truyền thống
Trước những sự việc xảy ra thời gian qua, từng có ý kiến đây đó trong dư
luận đặt câu hỏi có hay không sự gia tăng tham nhũng, tiêu cực trong quân đội,
trong lực lượng vũ trang (LLVT)? Có hay không sự suy thoái đến mức phổ biến,
làm suy giảm sức chiến đấu, làm suy giảm niềm tin của nhân dân?
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, cùng với sự đau xót, nghiêm khắc
rút ra những bài học đắt giá, chúng ta phải khẳng định một số sai phạm đó chỉ
là những hiện tượng cá biệt. Việc xử lý nghiêm minh, kịp thời chính là sự thanh
lọc, đẩy lùi những sai phạm cá biệt để Quân đội ta luôn trong sạch, vững mạnh,
luôn xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân
dân.
Trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, hiện
tượng cán bộ có chức có quyền, kể cả cán bộ LLVT rơi vào một số sai phạm kinh
tế, lợi ích nhóm là một thực tế đã xảy ra. Đây cũng là điều không tránh khỏi
đối với quân đội ở nhiều quốc gia trên thế giới những năm gần đây. Nhiều năm
nay, Trung Quốc là quốc gia rất quyết liệt trong chống tham nhũng trong quân
đội với rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp bị xử lý. Năm ngoái, Tổng thống
Philippines sa thải 20 sĩ quan cao cấp do tham nhũng. Ở nước Nga, Tổng thống
Nga Vladimir Putin gần 10 năm qua luôn mạnh tay chống tham nhũng. Nhiều công ty
thuộc quyền kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga đã bị kiểm tra, xử lý và nhiều lãnh
đạo cấp cao, trong đó từng có 4 cán bộ cấp lãnh đạo bộ bị thôi chức
do tham nhũng… Tại Ukraine, năm 2016, hai quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng
đã bị bắt vì tội biển thủ công quỹ liên quan đến mua sắm quốc phòng. Tại Mỹ,
quốc gia được coi là có hệ thống pháp luật và cơ chế kiểm soát quyền lực nghiêm
ngặt trong phòng ngừa tham nhũng, nhưng gần đây vẫn xảy ra nhiều vụ tham nhũng
trong quân đội, điển hình là vụ một sĩ quan cao cấp trong lực lượng hải quân bị
kết án 78 tháng tù vì tham nhũng, thừa nhận đã “nhận quà” của một nhà thầu quốc
phòng nước ngoài để đổi lấy thông tin mật của hải quân Mỹ.
Đối với Quân đội ta, ngay từ những ngày đầu còn non trẻ, nhiều khó khăn,
thiếu thốn, cũng đã có bài học đau xót, như vụ án Trần Dụ Châu. Trong khi bữa
cơm của Bác Hồ và các chiến sĩ thời chống Pháp rất kham khổ thì Trần Dụ
Châu và một số sĩ quan biến chất lại sống như những ông hoàng. Chính vì
thế, ngay từ ngày đó, quan điểm của Đảng và Bác Hồ là phải xử lý rất nghiêm
minh để làm gương. Ngày 5-9-1950 ở thị xã Thái Nguyên-thủ đô kháng chiến, Tòa
án binh tối cao mở phiên tòa đặc biệt với 3 bị cáo hầu tòa là nguyên Đại tá,
Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội “biển thủ công quỹ,
nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Cửa vào phòng xử án có một bảng
khẩu hiệu: “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”. Trong phòng xử án, trên
tường có hai khẩu hiệu: “Quân pháp vô thân” và “Trừng trị để giáo huấn”. Phiên
tòa xét xử công khai, bộ đội và nhân dân đến dự đông kín. Kết thúc phiên tòa,
Trần Dụ Châu bị tuyên án tử hình, hai đồng phạm mỗi tên lãnh án 10 năm
tù. Chỉ một ngày sau, Trần Dụ Châu bị thi hành án tử hình.
Ngay từ các khẩu hiệu của phiên tòa đã thể hiện quan điểm, tinh thần
chống tham nhũng, tiêu cực trong Quân đội ta từ trước đến nay. Thông tin vụ án
cũng được công khai kịp thời trên báo chí. Báo Cứu quốc đã có nhiều
bài phản ánh về vụ án. Ngày 27-5-1950, báo đăng bài xã luận cho biết vụ án đã
cho Chính phủ, Đoàn thể (Đảng) nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, giáo dục
và kiểm soát cán bộ để phục vụ tốt cho kháng chiến, kiến quốc... mặc dù có
người e ngại, vì nếu công khai vụ án này sẽ làm cho dân chúng chê trách, kẻ
địch lợi dụng để phản tuyên truyền, lợi ít, hại nhiều...
Nhìn từ vụ án Trần Dụ Châu, chúng ta càng thấm thía quan điểm sâu xa của
Đảng, Bác Hồ trong giáo dục, rèn luyện Quân đội ta. Bác từng chỉ rõ: “Bộ đội
không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua”. Lo ngại sự sa ngã của những cán bộ
liên quan tới quản lý kinh tế trong quân đội, Bác từng căn dặn: “Các chú phải
làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc
vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”.
Từ đó đến nay, các vụ việc liên quan tới tham nhũng, tiêu cực trong quân
đội đều được xử lý nghiêm minh. Trong 33 số Báo Quân đội nhân dânxuất bản
tại Mặt trận Điện Biên Phủ, có nhiều bài báo tường thuật việc tòa án binh mặt
trận xét xử công khai cán bộ sai phạm và đăng thông tin ngay trên trang nhất.
Chính sự nghiêm minh đó càng làm cho quân đội giữ được niềm tin yêu trọn
vẹn của nhân dân, coi quân đội là trường học lớn, là lực lượng mẫu mực với
những con người được tôi luyện trong một môi trường nghiêm ngặt, tiêu biểu về
bản lĩnh, đạo đức, ít lòng ham muốn vật chất, chấp nhận thiệt thòi, khó khăn,
gian khổ, thậm chí sẵn sàng xả thân, hy sinh cho Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ LLVT
phần lớn ở nơi "đầu sóng ngọn gió", nơi tiền phương của Tổ quốc, nơi
biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; miệt mài với gian khổ hy sinh trong huấn
luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bộ phận tham gia làm kinh tế, quản lý kinh tế chỉ
chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và những hiện tượng vi phạm như vừa qua cũng chỉ là cá
biệt. Quân đội vẫn là đội quân tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm trước Tổ
quốc, trước Đảng, trước nhân dân; là thanh bảo kiếm, là nòng cốt, là lực lượng
chính trị trung thành tuyệt đối bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và
chế độ XHCN.
Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh quân đội anh hùng
Những câu chuyện ấy khiến chúng ta càng thấm thía hơn khi những ngày
này, chúng ta đang kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ
Chí Minh. Trong Di chúc của Bác, có những câu Bác viết ngày nay được
in ra treo ở hội trường của nhiều tổ chức Đảng: “Đảng ta là Đảng cầm
quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật
sự liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng
đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Còn nhớ chuyện Bác Hồ từng giáo dục đồng chí Phùng Thế Tài khi mới là
một trung đoàn trưởng. Biết chuyện đồng chí có một số sai phạm, Bác trực tiếp
gặp gỡ, căn dặn: “Bây giờ chú là lính. Cách mạng phát triển, quân đội phát
triển mai sau chú cố gắng, sẽ là “quan”, là “tướng”. Tướng mà tính nóng là hỏng
việc; hai là, tính chú liều quá. Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt
ngựa của dân, sau này ra “hùng cứ một phương” chú sẽ còn làm nhiều điều sai
trái, ai ngăn được chú? Lần này ra chiến đấu chú nhớ phải phát huy ưu điểm,
khắc phục khuyết điểm”. Lời căn dặn của Bác Hồ giúp người trung đoàn trưởng sửa
sai, tiến bộ, sau này trở thành một vị tướng nổi tiếng.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), từ vụ việc một số cán bộ, tướng lĩnh
cấp cao bị xử lý, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học. Cán bộ cấp cao, tướng
lĩnh, thậm chí là lãnh đạo cấp cao hơn nữa nếu không tu dưỡng thì cũng trở
thành nạn nhân, tù binh của chính sự thoái hóa biến chất. Cha ông ta có câu: Tu
thân, tề gia, trị quốc. Cho nên, bài học tự rèn luyện rất quan trọng. Cùng với
đó, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bác nói là kiểm tra, kiểm soát hành vi
của mỗi người, nếu làm đúng thì biểu dương, sai thì nhắc nhở, “tuýt còi” để
phòng ngừa. Nếu không làm tốt sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm rồi mới phát hiện,
mới lôi nhau ra xử phạt, kỷ luật. Còn đã sai phạm thì phải xử lý đến nơi đến
chốn nhưng không coi trừng phạt là mục đích cuối cùng… mà chỉ là để giáo dục,
với tinh thần chặt cành để cứu cây; để mỗi người và tập thể tiến bộ. Đó cũng là
bài học để cùng với xử lý kiên quyết, nghiêm minh, Quân đội ta phải ngày càng
hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách để kiểm soát quyền lực, phòng ngừa sai phạm,
quản lý chặt chẽ hơn cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền và
tham gia các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tài chính, đất đai…
Chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương đầu năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Quân ủy Trung ương,
Bộ Quốc phòng cần xử lý kiên quyết, dứt điểm, quyết liệt hơn những tồn tại, hạn
chế, nhất là những vụ việc tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và
nhấn mạnh: “Không sợ mất uy tín của quân đội và không sợ bị kẻ xấu lợi
dụng, kích động, chống phá. Nếu chúng ta làm tốt thì chính là đã nâng cao uy
tín và bác bỏ các luận điệu xuyên tạc”.
Với tinh thần đó, chúng ta tin tưởng rằng, việc xử lý nghiêm minh một số
sự việc sai phạm vừa qua sẽ góp phần làm cho Quân đội ta xây dựng lực lượng
trong sạch, vững mạnh toàn diện về mọi mặt; thực sự trở thành Đảng bộ mẫu mực,
giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh
hùng, coi đây là danh dự thiêng liêng và cao quý.