Vào ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện thân
mật với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ. Tại hôm đó, Bác đã nói: “Tổ
quốc cần điện như cơ thể cần máu”… “Chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn
“mạch máu” cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế”. Đã 69 năm kể từ ngày đó
nhưng lời Bác dạy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Tấm gương sáng vĩ đại về thực hành tiết kiệm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối
sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày từ
việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Bác không nói nhiều, không hô hào
đao to búa lớn mà luôn thể hiện tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm bằng
chính những hành động, nếp sống của mình. Từ những bữa ăn đến trang phục của
Bác cũng rất đơn giản, không cầu kỳ. Đặc biệt, Bác thường nhắc nhở cán bộ, nhân
dân về thực hành tiết kiệm điện: “Nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm
điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp,... đều tiết kiệm điện thì
chúng ta sẽ đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất”. Là Chủ tịch nước, Bác
được ưu tiên cấp điện trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng tinh thần dùng điện tiết
kiệm của Bác đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập.
Một lần khi Bác đi thăm đồng bào ở một tỉnh xa. Lúc đó khoảng bảy giờ
sáng, xe đang trên con đường Phan Đình Phùng sắp lên cầu Long Biên thì một cơ
quan còn ba bóng điện sáng ở cổng. Tuy công việc đang vội, nhưng Bác vẫn bảo
đồng chí lái xe dừng lại. Bác cử một đồng chí cùng đi vào gặp cơ quan ấy nhắc:
Bác đi công tác qua, bảy giờ rồi vẫn thấy các đồng chí để ba ngọn đèn sáng ở
cổng, không cần thiết đâu. Bác nhắc các đồng chí tắt đi. Thế là ba ngọn đèn
được tắt ngay. Sau khi được Bác nhắc nhở, cơ quan ấy thấy ba ngọn đèn ở cổng
không cần thiết nên tháo luôn để tiết kiệm điện.
Ngay cả khi ra nước ngoài, Bác vẫn luôn giữ thói quen tiết kiệm điện. Đi
qua một hành lang đến nơi bạn mời Bác ở, hay trong nhà khách của bạn, thấy
những bóng đèn sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Trong chuyến thăm
Ba Lan năm 1957, khi Bác được đón tiếp tại phòng lễ tân, lúc đó khoảng 9 giờ
sáng, mặt trời đã lên cao, mà 3 chiếc đèn chùm với hàng trăm bóng vẫn sáng
trưng, Bác Hồ đã yêu cầu gặp Vụ trưởng Vụ Lễ tân và Người hỏi: “Chỗ tắt điện ở
đâu?”. Lập tức, mấy chiến sĩ bảo vệ đi tắt điện. Chủ tịch Ba Lan Da-vát-dơ-ki
(Zawasdzki) nói giọng cảm động: “Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi thành
thật nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện tiết kiệm”.
Qua câu chuyện kể trên, chúng ta càng thêm thấu hiểu về những lời chỉ
dạy, nhắc nhở của Bác về thực hành tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói
riêng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và trong xây dựng, phát triển đất
nước.
Tiết kiệm điện là giữ gìn “mạch máu”
Thời gian vừa qua, những âm thanh của chiếc loa phát thanh lại một lần
nữa hiện hữu trong từng ngõ phố gây ấn tượng mạnh mẽ đến với mỗi người dân Thủ
đô Hà Nội. Hình ảnh những người thợ điện áo cam cùng với chiếc loa đi từng ngõ
phố yêu cầu người dân hãy sử dụng điện tiết kiệm, hãy tắt những thiết bị điện
không cần thiết, giảm bớt các đèn chiếu sáng, đèn trang trí trong các cửa hàng,
quán ăn...
Tiết
kiệm điện là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt khi lãng phí trong sử dụng
điện ở nước ta còn ở mức cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu,
vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất
kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với nhiều giải pháp về nguồn cung
điện, truyền tải, phân phối điện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành
điện cùng nhiều ban ngành chức năng đều kêu gọi sử dụng tiết kiệm điện, hiệu
quả.
Trong giai đoạn hiện nay, thực hành tiết kiệm theo tấm gương của Bác là
việc làm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta cần phải biết tiết
kiệm điện, tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm thời gian giảm bớt chi
tiêu cho những việc không cần thiết, biết đấu tranh chống xa hoa, lãng phí,
biết chia sẻ tiết kiệm cùng mọi người. Vậy nên, “Hãy tắt khi không cần, để
khi cần sẽ có điện”.
tiết kiệm là quốc sách
Trả lờiXóa