Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023
Những viên gạch mang "hồn đất nước" tại đảo Trần
Chùa Trúc Lâm đảo Trần (xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và cũng là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền nơi tuyến đảo Đông Bắc Tổ quốc. Ít ai biết, mỗi viên gạch, viên ngói để xây chùa đều được khắc biểu tượng Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Biểu tượng văn hóa Việt trên đảo tiền tiêu
Đảo Trần là hòn đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh biên giới biển quốc gia. Nơi đây cách đường phân định biên giới Việt Nam-Trung Quốc trên vịnh Bắc Bộ khoảng 10 hải lý.
Theo thần tích, vào khoảng cuối triều Trần, đầu Hậu Lê, tại một gò đồi sát mép nước trên hòn đảo tiền tiêu của nhà nước phong kiến Đại Việt, các thương thuyền buôn bán ở thương cảng Vân Đồn và người dân địa phương đã phát tâm xây dựng một ngôi chùa thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Khi tam giáo đồng nguyên, khuôn viên chùa có xây dựng nghè miếu thờ nhiên thần và nhân thần, như đền thờ tướng công hiển thánh Trần Hưng Đạo cùng gia thất nhà Trần. Hiện nay, trải qua những biến cố của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, hệ thống chùa chiền, đền nghè trên đảo Trần bị hủy hoại, chỉ còn phế tích với rất ít cổ vật... Tiếp tục kế thừa truyền thống yêu nước, tôn giáo của dân tộc, ngôi chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây dựng dựa trên yêu cầu củng cố, phát triển huyện đảo Cô Tô và tỉnh Quảng Ninh vững mạnh cả về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa nhằm cố kết, thống nhất sức mạnh dân tộc, qua đó góp phần hình thành văn hóa truyền thống địa phương gắn với văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đảo Trần là một phần thiêng liêng của lãnh thổ quốc gia. Nơi đó đã có cư dân, lực lượng bảo vệ, khi có thêm một mái chùa sẽ mang lại nhiều giá trị không chỉ với ngư dân ở đây mà còn có ý nghĩa với bà con phật tử. Ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “Ngôi chùa có thể không lớn lắm nhưng chắc chắn có một vị thế đặc biệt. Đó là nơi không những thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là những người dân vùng biển ở xa xôi với đất liền, mà nó còn là cột mốc chủ quyền trên biển, đảo”.
Dự án chùa Trúc Lâm đảo Trần có diện tích xây dựng 2,72ha với 22 công trình chính và phụ trợ, được làm từ các chất liệu gỗ lim, đá, gạch nung, bảo đảm mỹ thuật và sự bền vững trước thiên nhiên khắc nghiệt của vùng biển, đảo. Tháng 10-2022, chùa Trúc Lâm đảo Trần được khởi công xây dựng. Đến nay, bóng dáng ngôi chùa sừng sững hiên ngang nơi biển khơi đã dần được hoàn thiện.
Với những cư dân sinh sống, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Trần, mái chùa là điểm tựa tinh thần để họ vững tâm giữ gìn biển, đảo của Tổ quốc. Nghe tiếng chuông chùa vang vọng giữa biển khơi, người dân trên đảo đều cảm thấy ấm lòng. “Mỗi khi đến thắp hương bái Phật, chúng tôi thêm vững tâm hơn và nguyện cầu cho bà con ngư dân cùng các chiến sĩ luôn mạnh khỏe để giữ biển, giữ đảo”, chị Hoàng Thị Ngọc Anh, người dân thôn đảo Trần chia sẻ.
Hình đất nước trên từng viên gạch
Một điều đặc biệt khác là phía mặt dưới của mỗi viên gạch, viên ngói xây chùa đều được khắc nổi biểu tượng Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tên hiệu và năm xây dựng chùa Trúc Lâm đảo Trần. Đây là sự khẳng định chủ quyền trên từng viên gạch, tấc đất tại nơi biên giới biển, đảo xa xôi. Trải qua biến thiên của thời gian, từng viên gạch, từng mái ngói sẽ là những ẩn ngữ trầm tích văn hóa với nhiều giá trị với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo. Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Trúc Lâm đảo Trần cho biết: “Để hình Quốc huy giữ nguyên hiện trạng, không bị co ngót hay méo chữ khi đưa vào lò nung, Ban Trị sự chùa Trúc Lâm đảo Trần đã phải mất 5 tháng để nghiên cứu, thử nghiệm chế tạo khuôn đúc âm bản từ thép hợp kim đặc biệt”.
Từng viên gạch, viên ngói đều khẳng định giá trị tâm thức và để lại giá trị văn hóa cho muôn đời sau, là một trong muôn vàn minh chứng thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần sức mạnh của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử bảo vệ Tổ quốc. Ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Việc đồng ý cho gắn hình Quốc huy và tên địa danh trên từng viên gạch đã thể hiện sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của tỉnh Quảng Ninh với việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy các công trình văn hóa. Mỗi viên gạch mang theo tài hoa của những người thợ vùng Đồng bằng sông Hồng xuất hiện trên đảo tiền tiêu, khi người dân, du khách đến thăm tuyến đảo sẽ hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo và văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh ngày nay".
Mái chùa che chở hồn dân tộc. Mái chùa chứa đựng tâm thức người Việt, văn hóa còn là dân tộc còn. Bởi vậy, với những người dân nơi biên giới hải đảo xa xôi, giữa biển khơi xanh thẳm, mái chùa không chỉ là cột mốc linh thiêng, một "tấm bia" khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biển, đảo mà còn là hình ảnh để mỗi người dân, du khách ghé thăm sẽ nhớ về quê hương, nguồn cội và giá trị văn hóa của dân tộc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
hấp dẫn quá
Trả lờiXóa