Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

CUỘC CÁCH MẠNG MỞ ĐƯỜNG ĐỂ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC!

     Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Sự kiện ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt đồng bào cả nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới và quốc dân đồng bào khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng tháng Tám. Bằng cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu ngày 06-01-1946, nhân dân ta đã lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - một nhà nước với thể chế chính trị dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội (CNXH). 
Cách mạng vừa thành công, chính quyền non trẻ vừa mới ra đời, đã phải đương đầu với những khó khăn từ mọi phía, cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù; đặc biệt là quân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, tiêu điều bởi hậu quả nặng nề từ chính sách cai trị hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến… Có thể khẳng định, đây là thời kỳ vận mệnh dân tộc Việt Nam ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”… Thế nhưng, với sức mạnh và ưu thế của chế độ dân chủ mới, khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau chín năm trường kỳ kháng chiến kiên cường và anh dũng, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 chúng ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20/7/1954), cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam kết thúc. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau 2 năm Việt Nam sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng, với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đế quốc Mỹ đã lợi dụng cơ hội thực dân Pháp rút quân khỏi nước ta, nhảy vào dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, viện trợ kinh tế, quân sự, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Một lần nữa, cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đoàn kết triệu người như một, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Với chiến thắng đó, nhân dân Việt Nam vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước; bảo vệ và phát huy những thành quả của cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thành tựu bước đầu của cách mạng XHCN ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và đi lên CNXH.
Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, dân tộc ta tiếp tục vượt qua ảnh hưởng không nhỏ của “cơn lốc lớn” từng làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, giữ vững chế độ XHCN ở Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phát huy dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hơn 35 năm qua, công cuộc đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo được thế và lực mới để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
Những thắng lợi đó đã tạo nên sự tiến bộ rõ nét của con người và xã hội Việt Nam, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, ổn định và phát triển theo con đường XHCN; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.  
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã có những cố gắng rất lớn trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc (LHQ), nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã xếp Việt Nam nằm trong số các nước đang phát triển đạt được những tiến bộ vượt xa dự kiến về phát triển con người. Từ một thành viên tham dự Việt Nam đã trở thành đối tác mạnh mẽ, tin cậy của LHQ vì hòa bình và phát triển bền vững. Sự nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mới đây, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam đánh giá rất cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”… 
Dù còn không ít khó khăn và hạn chế, song những thành công đó đã minh chứng toàn Đảng, toàn dân ta kế thừa, phát huy cao độ ý nghĩa, giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Có thể nói, ngoài mục đích trực tiếp là giành độc lập, tự do cho dân tộc, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn mở đường để Việt Nam đi lên CNXH từng bước vững chắc, tiến hành thành công sự nghiệp đổi, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đó là một thực tế mà không ai có thể phủ nhận./.
Yêu nước ST.

1 nhận xét: