Làm thơ về Cách mạng Tháng Tám-một sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc-có lẽ Tố Hữu là nhà thơ thành công nhất. Bởi ông là nhà hoạt động cách mạng nắm rõ hoàn cảnh trong và ngoài nước, biết được thời cơ, lại là người trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế.
Ngay từ đầu năm 1945, Tố Hữu đã có bài “Xuân đến” khẳng định niềm tin giải phóng: Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu/ Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công!/ Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông/ Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng/ Ai cản được những đoàn chim quyết thắng/ Sắp về đây tắm nắng xuân hồng? Tính “tiên tri” này hoàn toàn biện chứng với một người hiểu lịch sử, lăn lộn với thực tế và thêm sự nhạy cảm của một nhà thơ như Tố Hữu.
Là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, sinh ra, trưởng thành, hoạt động ở Huế nên thời điểm ấy, Tố Hữu hiểu Huế hơn ai hết. Chỉ với một “Huế tháng Tám” đủ khẳng định nhà thơ thấu hiểu và thấu cảm đến từng rung động nhỏ của vùng đất sắp trở thành “cố đô”: Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác/ Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau/ Chân nôn nao như khách đợi mong tàu/ Bước dò bước, không biết sau hay trước?/ Tim hồi hộp, vì sao? Ai hẹn ước/ Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?/ Mắt sáng ngời, như lửa hay như sao?/ Người hay mộng? Ngoài vào hay trong tới? Sự tương phản không gian “trầm mặc/ khác khác”; các từ láy (khác khác, ngơ ngác, nôn nao, hồi hộp); các câu hỏi dồn dập diễn tả rất đạt một sự thay đổi “thầm kín”. Hô ngữ “ai” được điệp lại tăng cường thêm tính “hồi hộp” cho một biến cố lớn sắp xảy ra. Phép so sánh về đôi mắt của “ai” ấy (Mắt sáng ngời, như lửa hay như sao?) cho thấy đó là một tín hiệu tốt đẹp. Thì ra “ai” ở đây được ngầm hiểu là một “lãnh đạo cấp trên” về “chỉ đạo phong trào”!
Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 20-8, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập tại Huế quyết định khởi nghĩa vào ngày 23-8. Ngay trong sáng 23-8, nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Tố Hữu viết tối hậu thư cho Bảo Đại yêu cầu chính quyền Nam triều giải tán, nhà vua phải tuyên bố thoái vị, chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân... Những cành lá chi tiết của cây đời sống thực tế lịch sử ấy ngả bóng vào bài thơ, phả vào đó cả tinh thần xứ Huế đang sôi sục chuẩn bị giành chính quyền: Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn/ Máu giải phóng đã sôi dòng nhân loại!/ Người phải xuống, đêm nay, đêm chiến bại/ Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son!/ Người phải lui, cho dân tiến, Nước còn/ Dân là chủ, không làm nô lệ nữa!/ Hãy mở mắt: Quanh hoàng cung biển lửa/ Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao.../ Một dân tộc đã ào ào đứng dậy! Thay mặt nhân dân Huế, Tố Hữu “đối thoại” với “người” (tức Bảo Đại) vạch ra cho “người” thấy sức mạnh và lẽ phải của “lòng muôn dân”, của “máu giải phóng” nên tất yếu “người phải xuống”, “người phải lui”. Nhịp thơ nhanh, hùng tráng, sôi động. Các động từ mạnh: “Rần rật”, “sôi”, “dâng lên”, “ào ào”... Các hình ảnh gây ấn tượng về một không gian bừng bừng như lửa: “Biển lửa”, “ngập Huế đỏ cờ sao”... Không ở cương vị lãnh đạo khởi nghĩa, không có tài thơ không thể có những dòng cảm xúc mang tính thời đại như thế.
16 giờ ngày 23-8, tại sân vận động Huế, hàng vạn người dân tập trung dưới rừng cờ sao vàng chứng kiến Ủy ban khởi nghĩa tiếp nhận chiếu thoái vị của Bảo Đại. Đồng chí Tố Hữu sau này khẳng định: “Có lẽ trong lịch sử ở Thừa Thiên Huế, chưa có một ngày hội lớn và đẹp đến thế”. Tất yếu hình ảnh thiêng liêng ấy, cảm xúc trào dâng ấy đi vào thơ như một lẽ tự nhiên: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời/ Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi/ Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!/ Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!/ Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc/ Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm/ Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm! Một đóng góp lớn của Tố Hữu trong tập “Từ ấy” là thổi bùng lên cảm hứng hồi sinh mà bài thơ này là rõ nhất. Các hình ảnh tương phản: “Lép”/ “gió mạnh”, “mặt trời”; các động tính từ mạnh, các danh tính từ có sức biểu cảm lớn: “Thổi phồng lên”, “gió”, “giông tố”, “cuốn tung lên”, “máu thơm tươi”, “vàng”, “sao”, “thiên đường”, “rầm rầm”... đã tạo ra một không khí hừng hực cực kỳ sôi động. Hẳn nhiên chủ thể trữ tình “ta” phải có tâm trạng vui nhất, hồ hởi nhất. Lúc này cảm hứng lấn át, chi phối lý trí. Câu thơ phải “mê” đi: “Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi”. Người cũng như “mê” đi: “Ta ngã vật...”. Đừng nhìn những câu thơ như thế bằng lý trí tỉnh táo, phải say cùng cái say của nhà thơ mới phần nào cảm nhận được cái lý của thơ.
Thơ là tiếng nói của hồn người. Thơ còn là tiếng nói của thời đại. Có thể đọc sách báo, xem phim ảnh để thấy lại những hình ảnh thiêng liêng ấy nhưng sẽ không có được cảm xúc vui đến vô cùng như trong những dòng thơ trên. Thơ hay bao giờ cũng ý nghĩa là vì vậy. Có người “phê” thơ Tố Hữu là thơ chính trị. Nói chính trị bằng thơ như ở “Huế tháng Tám” này còn hay vạn lần những “thơ phi chính trị” mà chẳng có nghệ thuật, cảm xúc gì!
Ba ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công ở Huế, ngày 26-8-1945, trong mạch cảm hứng ấy, Tố Hữu viết bài thơ “Hồ Chí Minh”. Theo lời nhà thơ kể lại là viết bằng cảm xúc và tưởng tượng vì chưa được gặp Bác. Đúng là “tưởng tượng”, hình tượng Bác Hồ khác nhiều so với chính thơ Tố Hữu sau này: Người xông lên/ Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên/ Rập bước tiến bên người Cha anh dũng/ Tiếng Người thét/ Mau lên gươm lắp súng! Một tưởng tượng đáng mến nhưng không mới: Bác Hồ-“Người Cha anh dũng” dẫn đầu một đoàn quân “xông lên” đánh tan bè lũ thực dân phong kiến giành lấy tự do. Không khác mấy với hình ảnh tráng sĩ trong văn thơ cổ điển phương Đông, Bác Hồ hiện lên như một tướng quân cảm tử giữa sa trường. Cả “đoàn quân” theo chân Người cũng có vẻ “lên gân”, “hoành tráng” quá, thiếu chất tự nhiên: “Mắt sáng quắc như gươm trần mã tấu”. Nhưng bù lại cái thiếu khuyết đó là mạch cảm hứng sôi trào và sự nồng nhiệt tràn đầy của quyết tâm giải phóng: Chúng tôi đây/ Lớp con cháu trên đường/ Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới.
Chỉ biển cả mới có sóng lừng. Sông ngòi làm gì có sóng. Làm thơ cũng vậy. Phải có cảm hứng biển cả mới kết được những con sóng tứ thơ lạ và tầm cỡ. Sống giữa biển cả nhân dân và tự tạo cho mình cảm hứng biển cả, Tố Hữu thấm thía dân tộc mình từ “đói nghèo trong rơm rạ” (đầu năm 1945, khoảng 2 triệu đồng bào ta chết đói) mà vùng dậy đòi độc lập. Đó là cảm hứng hồi sinh của cả dân tộc và thời đại chứ không riêng gì Tố Hữu, chỉ khác là ông “thơ hóa” những sự kiện ấy. Cảm hứng lớn sẽ bền bỉ theo thời gian. Một năm sau, ngày 2-9-1946, Tố Hữu có bài “Vui bất tuyệt” tái hiện niềm vui vô biên, tuyệt đỉnh khi cách mạng thành công: Biển sống trào lên thành đại hội/ Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng/ Xôn xao mặt đất, trăng là trăng/ Chảy xiết ngân hà, muôn sao vàng rực/ Mặt trời đỏ huyền kỳ mọc lên, ôi náo nức/ Nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc hồng trần!
Từ trong cái chết, cách mạng đem đến cho ta sự sống. Không phải là sự sống tầm thường mà là sự sống “vô biên và tuyệt đích”. Một sự đổi thay triệt để “muôn màu vũ trụ kết hoa đăng”. Cả nhân gian tràn ngập hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Tất cả như phát sáng rực rỡ. Tất cả như “xôn xao”, “cuồn cuộn”. Tất cả đều “náo nức”... Trong niềm vui trọn vẹn và bất tận, cả một vũ trụ “trào lên”, “chảy xiết” chỉ trong một đoạn thơ ngắn. Phải đích thực là một tài năng lớn mới có tứ thơ ấy, thi liệu, thi pháp thơ ấy. Cảm hứng giục giã “ta đi...”, “ta đi...” là tất nhiên: Ta đi tới, biết đâu là tuyệt đích?/ Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người/ Đi đi hoài, đi mãi anh em ơi/ Đây cuối đất hay đầu trời chẳng biết/... Lòng ta múa lồng lên theo đám rước/ Ta xông lên trời với pháo thăng thiên”!
St
nguồn cảm hứng này bất tận
Trả lờiXóa