Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt, hoạt động và là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng Cộng sản. Chính vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, hạ thấp vị trí, vai trò và phủ nhận nhằm làm cho cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng xem nhẹ, từng bước xa rời và từ bỏ nguyên tắc này. Do đó, nhận thức rõ bản chất và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phủ nhận nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Hòng phủ nhận giá trị thực chất, cốt lõi của nguyên tắc tự phê bình và phê bình, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị cho rằng: tự phê bình và phê bình chỉ là “cái quy định ngớ ngẩn” trong nội bộ Đảng Cộng sản, “một chiêu trò bịt mắt dân” nhằm “thổi phồng ưu điểm”, “xu nịnh, tâng bốc thành tích” vì làm gì có ai tự “vạch áo cho người xem lưng”; hoặc trái lại, chỉ để “bới lông, tìm vết”, “đấu đá”, “thanh trừng” lẫn nhau, v.v. Cần khẳng định rõ, đây là những luận điệu sai trái, không đúng với bản chất, mục đích, cũng như thực tiễn tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Ngay từ khi thành lập tổ chức cộng sản quốc tế đầu tiên, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng: tự phê bình và phê bình là rất cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của đảng, là thuộc tính bản chất của một đảng cách mạng. Vì trong quá trình vận động, phát triển, những nhược điểm, khiếm khuyết nảy sinh trong nội bộ đảng là khó tránh khỏi, việc đấu tranh giải quyết những vấn đề đó, tạo sự thống nhất cao là rất cần thiết nhưng tuyệt đối không được dùng biện pháp bạo lực, thanh trừng lẫn nhau, loại bỏ lẫn nhau mà phải thực hiện bằng tự phê bình và phê bình. V.I. Lênin coi tự phê bình và phê bình là quy luật bất di bất dịch về sự phát triển của một đảng cách mạng, chân chính: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”1. Và, cán bộ, đảng viên của đảng cũng là con người, không phải là “thiên thần, không phải là thánh, không phải là anh hùng mà cũng là người như tất cả mọi người khác. Họ cũng có khuyết điểm. Đảng sửa cho họ”2.
Để thực hiện tự phê bình và phê bình, V.I. Lênin còn chỉ ra yêu cầu, cách thức tiến hành. Theo Người, tự phê bình và phê bình không được theo khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh”; “phê phán”, “luận chiến” là cần thiết, nhưng chỉ được phê phán công khai, trực diện rõ ràng, minh bạch chứ không phải “bới lông, tìm vết”, không phải “châm chọc, soi mói” lẫn nhau; phải kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, lợi dụng cái gọi là “tự do phê bình” để gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, phá hoại tổ chức đảng. Nó phải là nguyên tắc chỉ đạo nhận thức và mọi hoạt động của Đảng, là biện pháp để tránh mọi sai lầm.
Trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tự phê bình và phê bình trong Đảng. Theo Hồ Chí Minh “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”3, trong quá trình hoạt động, vì một lý do nào đó, cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm là điều không tránh khỏi, song vấn đề cơ bản là phải biết nhận ra và sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đó. Đối với Đảng ta, Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”4. Để thực hiện được điều đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương thuốc tốt nhất là tự phê bình và phê bình.
Hồ Chí Minh đã nêu một cách mẫu mực về phương pháp, cách thức giáo dục, rèn luyện và sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm cho cán bộ, đảng viên thấm đượm tinh thần nhân văn, nhân đạo, trên cơ sở nguyên tắc cộng sản, thể hiện sâu sắc tình nhân ái, đó là tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: cần xuất phát từ lợi ích của Đảng, từ tình thương yêu đồng chí mà tiến hành đấu tranh phê bình với tinh thần chữa bệnh cứu người. Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; đoàn kết thống nhất nội bộ vững chắc hơn. Khi tiến hành đấu tranh phê bình phải ráo riết, triệt để thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm, khuyết điểm và cần phân biệt đúng mức độ của thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm. Trong lúc phê bình “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”, cần biết cách đấu tranh thích hợp để giúp đỡ đồng chí sửa chữa được thiếu sót, sai lầm, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong chi bộ. Nếu đấu tranh phê bình vì lợi ích cá nhân, phê bình người để đề cao mình, để dìm đồng chí, đấu tranh phê bình ngoài phạm vi tổ chức, kỷ luật của Đảng, hoặc không dám đấu tranh phê bình vì sợ bị trù dập, sợ bị thành kiến đều là trái với phẩm chất đạo đức của người đảng viên cộng sản, đều là vô nguyên tắc, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết nội bộ, làm thiệt hại đến lợi ích của Đảng, hủy hoại thanh danh người đảng viên cộng sản.
Người luôn yêu cầu các cơ quan và cán bộ, đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình, phải luôn “tự soi, tự sửa”. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phê bình phải trên cơ sở tình đồng chí và thương yêu lẫn nhau. Phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại cách để khuyết điểm chồng lên khuyết điểm, hay kiểu “tích tụ” để đưa ra phê bình, lợi dụng phê bình để “thanh toán” nhau, đánh bật “ghế” của nhau. Đó là thủ đoạn của bọn cơ hội, bè phái vẫn xuất hiện đây đó ở một số cơ quan, đơn vị; “phê bình” kiểu đó làm cho công việc trì trệ, đơn vị rối loạn, cán bộ, nhân dân chán nản, thực chất là sự phá hoại, làm suy yếu Đảng, mất cán bộ. Tự phê bình và phê bình thật thà, thành khẩn, chân thành luôn là tiêu chuẩn đánh giá thái độ, động cơ, tư cách và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Muốn thực hiện có kết quả phải phát huy dân chủ, động viên nhân dân góp ý, phê bình cán bộ, cấp dưới góp ý, phê bình cấp trên, không chỉ có cấp trên phê bình, “uốn nắn” cấp dưới. Chỉ có làm như vậy, mới phát huy được dân chủ, mới bảo đảm cho việc phê bình được thực hiện đầy đủ và có kết quả, mới ngăn chặn được kẻ địch lợi dụng để phá hoại và bọn cơ hội “mượn gió bẻ măng”. Phương pháp khéo dùng tự phê bình và phê bình của Hồ Chí Minh là cách tốt nhất để “được người, được việc, được quan hệ”. Nó giúp cho mỗi người chủ động, tự tin và tin tưởng vào đồng chí và tổ chức của mình, tăng thêm ý chí, nghị lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn hơn 90 năm qua cho thấy, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi trọng thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tình hình cách mạng. Nhờ đó mà Đảng ta ngày càng phát triển, lớn mạnh không ngừng, đủ sức lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong thời gian qua, trước yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) tiếp tục xác định: tự phê bình và phê bình là nhóm giải pháp quan trọng, được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, từ cấp ủy đến cán bộ, đảng viên. Với tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, nói rõ sự thật, những ưu điểm, thành tích được phân tích, làm rõ; những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm của tổ chức, cá nhân được chỉ ra cụ thể; các trường hợp sai phạm bị kiểm điểm, kết luận rõ ràng; không bao che, dung túng, “không có vùng cấm”, xét xử nghiêm minh5, đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, Đảng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”6.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản là cách mạng và khoa học; là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định sự trường tồn và phát triển của Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình mà cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt, công tác để có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả, vì sự tiến bộ của cá nhân, tổ chức, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, hoàn toàn không phải như luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao, chống phá.
Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đặt ra cấp bách, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; xa rời, từ bỏ nguyên tắc này là xa rời, từ bỏ Đảng từ bản chất. Đồng thời, đề cao cảnh giác, nhận diện rõ bản chất, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày; thấy vết nhọ là phải lau ngay; thật thà tự xét và góp ý cho đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào thì phải thật thà, cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, vì nước, vì dân, góp phần làm cho Đảng ta luôn xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”./.
St
Mọi người dân Việt Nam phải luôn nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những phần tử phản động
Trả lờiXóa