Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023
Chuyển đổi số ngành kỹ thuật phải tiến hành đồng bộ, liên tục
“Chuyển đổi số trong ngành kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành kỹ thuật Quân đội trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết cả trước mắt và lâu dài; phải tiến hành đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên tục”. Đó là khẳng định của Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND).
rung tướng Trần Minh Đức: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Mặt khác, trước tác động to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; toàn quân được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) thế hệ mới, ứng dụng công nghệ cao; phạm vi, thời gian, không gian, đối tượng tham gia công tác kỹ thuật (CTKT) rộng lớn và phức tạp hơn rất nhiều. Điều đó đặt ra cho toàn quân nói chung, ngành kỹ thuật Quân đội nói riêng cần phải chuyển đổi phương thức công tác, nâng cao năng lực tiếp cận và làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
Thực hiện chuyển đổi số giúp người chỉ huy và cơ quan kỹ thuật tối ưu hóa quá trình điều hành hoạt động của ngành trong toàn quân và ở mỗi cấp, mỗi đơn vị; qua đó quản lý chặt chẽ, từ xa, theo thời gian thực mọi quy trình hoạt động hằng ngày của VKTBKT, các hoạt động CTKT, hoạt động của hệ thống cơ sở kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn xử lý khi có sự cố, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện quản lý theo vòng đời đối với VKTBKT.
PV: Hiện công tác chuyển đổi số của ngành kỹ thuật đã đạt được kết quả nổi bật gì, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Minh Đức: Thời gian qua, ngành kỹ thuật Quân đội, trực tiếp là TCKT đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp trên và phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai toàn diện các nhiệm vụ CTKT phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, công tác chuyển đổi số cũng là một nội dung trọng tâm, được ngành kỹ thuật quan tâm thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tổng cục đã quán triệt, tích cực triển khai cụ thể hóa các văn bản của trên về phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; chủ động lập kế hoạch, hướng dẫn toàn quân ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý và thực hiện CTKT, từng bước số hóa tài liệu, quy trình nghiệp vụ; bước đầu tạo lập các hệ thống dữ liệu số của ngành kỹ thuật... Đến nay, hầu hết chuyên ngành kỹ thuật đều có dữ liệu số và phần mềm quản lý. Các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và mạng máy tính quân sự; từng bước kết nối an toàn và thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và các cơ quan, cơ sở kỹ thuật.
Năm 2023, TCKT thí điểm hệ thống chỉ đạo điều hành và giám sát an toàn tập trung của Tổng cục, truyền dữ liệu giữa Sở chỉ huy TCKT với các đơn vị, cơ sở kỹ thuật thuộc Tổng cục; triển khai hệ thống quản lý báo cáo tổng hợp, phân tích số liệu ngành kỹ thuật, thí điểm đến một số cơ quan, đơn vị và chuyên ngành kỹ thuật; hình thành hệ thống nền tảng thống nhất kết nối, xử lý số liệu CTKT trong toàn ngành; triển khai công cụ số hóa tài liệu kỹ thuật và kho tài liệu số ngành kỹ thuật; ban hành quy định khung mã định danh điện tử và hướng dẫn xây dựng danh mục mã định danh điện tử trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật do ngành kỹ thuật quản lý.
PV: Vậy những khó khăn đặt ra hiện nay là gì, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Minh Đức: Ngành kỹ thuật Quân đội đang quản lý số lượng lớn các loại VKTBKT với nhiều chủng loại, xuất xứ từ nhiều nước và được quản lý, bảo quản, cất giữ ở nhiều vùng miền. Nhiều trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật không có đủ tài liệu kỹ thuật từ nhà sản xuất; chưa có sự thống nhất, chuẩn hóa về quy trình quản lý các cấp, các chuyên ngành kỹ thuật. Trong khi đó, CTKT đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối, không được phép sai sót. Do vậy, việc xây dựng định danh điện tử VKTBKT trong toàn quân, cũng như việc thống nhất quy trình, hồ sơ điện tử trong thực hiện CTKT rất phức tạp, khó khăn.
Hơn nữa, các cơ sở kỹ thuật đóng quân khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều đơn vị ở vùng sâu, vùng xa rất khó kết nối vào mạng truyền số liệu quân sự. Chuyển đổi số cũng là nội dung mới, đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải có trình độ khoa học-công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong chuyển đổi số chưa hoàn thiện cũng là rào cản...
Chuyển đổi số ngành kỹ thuật phải tiến hành đồng bộ, liên tục
rung tướng Trần Minh Đức: Chuyển đổi số được thực hiện nhiều bước, cả đan xen và tuần tự trong thời gian dài, có nhiều yếu tố phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều lực lượng, liên quan cả thể chế, quy trình, nền nếp hoạt động, các mặt bảo đảm... Hiểu rõ điều này, TCKT đã nghiên cứu và ban hành gần 50 văn bản các loại để xác định mục tiêu, kế hoạch thực hiện và chỉ đạo tập trung, thống nhất, liên tục các nhiệm vụ liên quan; từng bước chuẩn hóa để phù hợp mục tiêu nội dung, tiến độ thực hiện chuyển đổi số ngành kỹ thuật.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, TCKT và chỉ huy các cấp đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp trên tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, xây dựng nội dung mục tiêu, lộ trình thống nhất, tập trung trong thực hiện chuyển đổi số ngành kỹ thuật Quân đội, như: Hội thảo “Chuyển đổi số ngành kỹ thuật”; “Phát triển dữ liệu số ngành kỹ thuật”; “Khung mã định danh điện tử trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật”; “Quản lý VKTBKT theo vòng đời”... Xây dựng và báo cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản, quy định: Điều lệ CTKT QĐND Việt Nam; quy định khung mã định danh điện tử, danh mục mã định danh điện tử trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật...
Bên cạnh đó, TCKT đã bố trí nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong Tổng cục và xây dựng các công cụ, phần mềm nền tảng cho thực hiện chuyển đổi số. Bằng nhiều biện pháp, ứng dụng nhiều công cụ số để hình thành môi trường và thói quen thực hiện nhiệm vụ trên môi trường số, bước đầu đã có những chuyển biến quan trọng, phù hợp với các mục tiêu chuyển đổi số đã được xác định.
PV: Huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số được ngành kỹ thuật tiến hành ra sao, thưa đồng chí?
Trung tướng Trần Minh Đức: Xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là nội dung trọng tâm cơ bản của nhiệm vụ chuyển đổi số. Ngành kỹ thuật Quân đội nói chung và TCKT nói riêng đã chủ động phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh xây dựng hạ tầng mạng máy tính quân sự, đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chỉ đạo, trao đổi dữ liệu.
Đến thời điểm này, công tác phát triển hạ tầng trong TCKT đạt 80% so với kế hoạch đặt ra, dự kiến đến tháng 10 sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, khi đó, 100% đơn vị cấp 3 của Tổng cục sẽ được kết nối vào mạng truyền số liệu quân sự. TCKT phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội và Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự khảo sát thực trạng, báo cáo đề xuất, triển khai các nhiệm vụ xây dựng TCKT là đơn vị điểm về chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng. Xây dựng trung tâm giám sát, chỉ đạo, điều hành ngành kỹ thuật tại Sở chỉ huy Tổng cục; triển khai thử nghiệm quản lý từ chỉ huy TCKT đến các đơn vị cấp 4 trong Tổng cục.
Việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong ngành kỹ thuật liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. TCKT đã tham mưu với cấp trên xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhân viên kỹ thuật có đủ năng lực, trình độ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng số để chỉ đạo, điều hành, sử dụng thành thạo công cụ số trong triển khai, xử lý công việc; phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên ngành tăng cường đào tạo, xây dựng, thu hút nguồn nhân lực. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng tại chỗ về kỹ năng số; chia sẻ tài nguyên số; ứng dụng công nghệ số, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, nắm vững những công nghệ mới như: Điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... tạo nền tảng vững chắc cho công tác chuyển đổi số trong ngành kỹ thuật.
PV: Thưa đồng chí, TCKT có yêu cầu gì về công tác chuyển đổi số trong ngành?
Trung tướng Trần Minh Đức: Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong ngành kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, TCKT đề nghị ngành kỹ thuật các đơn vị tiếp tục quán triệt và tích cực triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng, ngành kỹ thuật và của đơn vị; trong đó ưu tiên hạ tầng kết nối mạng máy tính quân sự; chuẩn hóa hồ sơ, quy trình quản lý; xây dựng danh mục mã định danh điện tử trang bị kỹ thuật, vật tư trang bị do ngành quản lý làm cơ sở thống nhất trong thực hiện chuyển đổi số của đơn vị và toàn ngành. Đặc biệt, cán bộ ngành kỹ thuật phải chủ động tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị những nội dung thúc đẩy chuyển đổi số tại đơn vị bảo đảm khoa học, phù hợp thực tiễn; sẵn sàng triển khai, kết nối và ứng dụng hiệu quả những công cụ nền tảng số của ngành kỹ thuật và Bộ Quốc phòng.
nguồn: Báo QĐND
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
việc này phải đồng bộ
Trả lờiXóa