Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

 

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát với phong trào đòi hòa bình, tự do, dân chủ, thống nhất đất nước (1954-1975)

(LLCT) - Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận những đóng góp lớn của những trí thức yêu nước, nổi tiếng, như: luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Phùng Văn Cung, Trần Bạch Đằng… Những trí thức yêu nước, không màng danh lợi, đi theo cách mạng, cống hiến trí tuệ cho đất nước, cho nhân dân. Trong đó, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức lớn, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếngmà con người và sự nghiệp của ông luôn luôn gắn bó với vận mệnh đất nước.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ, bi hùng, trải qua gần 21 năm (1954-1975), giành thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu tranh của toàn dân tộc, trí thức miền Nam đã góp phần quan trọng. Hoạt động đấu tranh của trí thức phong phú về hình thức, đa dạng về quy mô và mức độ, cách thức; đóng góp trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận những đóng góp lớn của những trí thức yêu nước, nổi tiếng, như: luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Phùng Văn Cung, Trần Bạch Đằng… Những trí thức yêu nước, không màng danh lợi, đi theo cách mạng, cống hiến trí tuệ cho đất nước, cho nhân dân.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trí thức lớn, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của đất nước. Con người và sự nghiệp của Huỳnh Tấn Phát luôn luôn gắn bó với vận mệnh đất nước. Tháng 3-1945, ông được kết nạp Đảng và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn. Ngày 9-10-1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu Đoàn thanh niên Nam Bộ từ miền Nam ra gặp Bác Hồ và dự Đại hội Thanh niên toàn quốc tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện lớn lao trong cuộc đời ông. Sau Hội nghị Giơnevơ (1954), Huỳnh Tấn Phát được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Ông có điều kiện để làm giàu một cách chính đáng, song ông đã gác văn phòng kiến trúc sang một bên để tham gia vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, thống nhất đất nước. Ông trở thành một trong những trí thức cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với trí thức và thanh niên.

 Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Dân tộc Việt Nam tiếp tục cuộc đấu tranh mới: kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị Trung ương 15 (1959), đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” rộng khắp, mạnh mẽ những năm 1959-1960 đưa tới sự chuyển biến về chất của phong trào cách mạng ở cả nông thôn và đô thị miền Nam. Cách mạng miền Nam từ thế “giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế bắt đầu tiến công”. Đáp ứng yêu cầu lịch sử và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong không khí sục sôi cách mạng, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các đảng phái yêu nước và các tầng lớp nhân dân đã tổ chức hội nghị và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ủy ban Trung ương lâm thời được cử ra, trong đó có KTS Huỳnh Tấn Phát.

Hội nghị thông qua và công bố Chương trình 10 điểm, hiệu triệu nhân dân miền Nam đứng lên chống Mỹ và tay sai, đấu tranh cho một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ hoà bình, trung lập tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.

Mục tiêu của Mặt trận là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, cơm no áo ấm cho nhân dân; vấn đề sáng tạo là chủ trương hòa bình, trung lập, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của tầng lớp trung gian, trí thức, tư sản, nhân sĩ yêu nước. Mặt trận chú trọng tập hợp những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, những người có uy tín trong các thành phần nhân dân ở miền Nam.

Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (từ 16-2 đến 3-3-1962) đã bầu chính thức Ủy ban Trung ương, trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng. Tổng Thư ký Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định - đại diện tiêu biểugiới trí thức yêu nước miền Nam, được bầu vào Đoàn Chủ tịch, giữ trọng trách Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Tổng thư ký trong Ban Thư ký của Ủy ban Trung ương.

Ông đã đóng góp tích cực vào hoạt động, nâng cao uy tín, vị thế của Mặt trận. Trong những dịp đi các nước, ông cùng các thành viên của Mặt trận tố cáo tội ác đế quốc Mỹ, đem tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam tuyên truyền, gây dư luận rộng rãi và kêu gọi các nước đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập.

Về đối ngoại, với đường lối ngoại giao hoà bình trung lập, Mặt trận thu hút sự chú ý, đồng tình của dư luận trong và ngoài nước, đem lại cho Mặt trận vị trí chính trị ngày càng cao trên trường quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, Mặt trận đã có đại diện trong Ban Chấp hành của 11 tổ chức quốc tế, có quan hệ ngoại giao với 18 nước trên thế giới, có 26 tổ chức quốc tế, các chính đảng và tổ chức quần chúng ở nhiều nước công nhận. Ở châu Âu, nhiều quốc gia công khai ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nói chung và Mặt trận Dân tộc Giải phóng nói riêng. Phong trào ủng hộ Việt Nam chống Mỹ lên cao từ đầu năm 1965, đặc biệt là sau khi có Tuyên bố 5 điểm ngày 22-3-1965 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Từ ngày 6-6 đến ngày 8-6-1969, Đại hội Đại biểu quốc dân ở miền Nam đã nhất trí thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu giữ chức Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ở vị trí đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, KTS Huỳnh Tấn Phát đã hoạt động tích cực, tiếp tục phát huy năng lực của mình, góp phần cùng các thành viên trong Chính phủ đảm đương những nhiệm vụ của một chính quyền nhà nước hợp pháp của nhân dân miền Nam.

Trong cuộc họp báo ngày 11-6-1969, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nêu rõ: Việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một bước phát triển tất yếu của quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng đã được xây dựng trên phần lớn đất đai ở miền Nam, đáp ứng yêu cầu lớn lao của cuộc chiến đấu là ra sức đẩy mạnh thế tiến công toàn diện trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ cách mạng lâm thời đã công bố Chương trình hành động 12điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, hòa hợp dân tộc, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân, khôi phục phát triển kinh tế văn hóa. Bốn ban đại diện của Chính phủ ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ được thành lập, đáp ứng yêu cầu quản lý vùng giải phóng liên hoàn. Uỷ ban nhân dân cách mạng được thành lập và củng cố ở 44 tỉnh, 6 thành phố, 182 huyện và hơn 1.500 xã.

Trong tháng 6-1969, 23 nước đã công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời, trong đó 21 nước kiến lập quan hệ ngoại giao. Bên cạnh đó, Mặt trận Giải phóng và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp tục vận động sự ủng hộ của các nước XHCN và của Lào, Campuchia, góp phần hàn gắn sự rạn nứt trong phong trào cộng sản quốc tế, tăng cường tình đoàn kết quốc tế.

Ngay cuối tháng 6-1969, Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu đã đi thăm hữu nghị Campuchia theo lời mời của Quốc trưởng Sihanouk và Chính phủ Vương quốc Campuchia. Đến đầu năm 1972, thêm 11 nước đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ cách mạng lâm thời với tư cách là đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam. Từ tháng 6-1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và lập quan hệ ngoại giao.

Sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới càng góp phần thúc đẩy xu hướng chống Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tiếp tục tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến quá trình đàm phán tại Pari.

Tháng 8-1972, Hội nghị ngoại trưởng các nước không liên kết họp tại Guyanna long trọng công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời trong khối 59 nước Không liên kết.

Chính phủ cách mạng lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, coi những bước đệm tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập là những mục tiêu phù hợp để thu hút các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc và quan chức  lớp dưới trong bộ máy ngụy quyền, ngụy quân… vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ bằng phương pháp hòa bình. Chính phủ cách mạng lâm thời không chỉ tập hợp lực lượng chống Mỹ và tay sai vào các tổ chức của mình mà còn có các hình thức “ngoài Mặt trận”, “ngoài Chính phủ” như Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, các hội (nhóm) độc lập của những người có cảm tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thậm chí cả những phần tử thân Pháp, phần tử không chống Mỹ triệt để nhưng có khuynh hướng chủ hòa. Chính phủ cách mạng lâm thời trên thực tế là người đại diện chính thức của nhân dân miền Nam.

Chính phủ cách mạng lâm thời thành lập là một thắng lợi trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam, một chính quyền thực sự dân tộc và dân chủ. Là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, có nhiệm vụ điều hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Vị thế của nhân dân miền Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, được thể hiện qua những phát biểu và hoạt động của Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời trong Hội nghị Pari.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Pari giữa bốn bên tham gia hội nghị.

Trong Lời kêu gọi ngày 28-1-1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nêu rõ: một giai đoạn mới, cục diện mới thuận lợi cho sự nghiệp cách mạng đã mở ra. Song cuộc đấu tranh chưa hết phức tạp, khó khăn. Những thế lực phản động, lệ thuộc nước ngoài âm mưu phá hoại hòa bình, chống độc lập, dân chủ và hòa hợp dân tộc. “Nhiệm vụ hiện nay của nhân dân ta là: trong tinh thần hòa hợp dân tộc, ra sức đoàn kết toàn dân, kiên quyết giữ vững hòa bình, độc lập và chủ quyền thật sự, thực hiện các quyền tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, xây dựng một miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

“Mặt trận dân tộc giải phóng và Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố sẽ tự mình thi hành nghiêm chỉnh, triệt để và kiên trì đấu tranh đòi thực hiện đầy đủ mọi điều khoản của Hiệp định đã được ký kết. Một cuộc sống hòa bình, độc lập, dân chủ, ấm no là nguyện vọng sâu xa, yêu cầu bức thiết của mọi tầng lớp đồng bào. Sức mạnh không gì ngăn cản nổi của nhân dân ta là đại đoàn kết toàn dân trong tinh thần hòa hợp dân tộc”.

Lời kêu gọi nêu rõ: “Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mong chánh quyền Sài gòn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, đáp ứng đòi hỏi của mọi tầng lớp đồng bào, qua hiệp thương thành thật, nhanh chóng thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau ở tất cả các cấp, sớm đi đến tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ thật sự, để nhân dân miền Nam tự do quyết định chế độ chánh trị của mình. Hai bên hãy cùng nhau thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, thực hiện đầy đủ mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân, hàn gắn những vết thương chiến trnah, chăm lo cho đời sống đồng bào ta mau được ấm no hạnh phúc; sớm xây dựng quan hệ bình thường về các mặt với miền Bắc, xúc tiến thương lượng với Chánh phủ Việt Nam dân chủ cộng hào để tiến tời hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Với những hoạt động, đấu tranh vì hoà bình, dân chủ, thống nhất đất nước, KTS Huỳnh Tấn Phátđã đóng góp phần quan trọng trong hoạt động của Mặt trận, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cống hiến cuộc đời cho cách mạng, cho đất nước.

                                                         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả: Mặt trận dân tộc Giải phóng Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pari về Việt Nam (Hồi ức), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

2. Chung một bóng cờ(Về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.141.

3. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam tập 2 1955-1976, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, Tr.417.

4. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Những vấn đề chính yếu trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

5. Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.245.

6. Hà Minh Hồng – Trần Nam Tiến: Mặt trận Dân tộc Giải phòng miền Nam Việt Nam (1960-1977), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.46.

7. Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.133.

8. Báo Nhân dân tháng 12-1960, tháng 6-1969.

9. Thắng lợi lịch sử vĩ đại của nhân dân miền Nam anh hùng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1973

Nguồn:  PGS,TS Trịnh Thị Hồng Hạnh

                                               Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 


1 nhận xét: