Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỐI TÁC TRONG GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG HIỆN NAY


Xác định đối tác, đối tượng trong quan hệ quốc tế luôn là vấn đề nhạy cảm, quan trọng đối với các quốc gia - dân tộc. Trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, việc nhận diện đối tác, đối tượng, xử lý mối quan hệ giữa đối tác, đối tượng luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng. Đây chính là cơ sở để Việt Nam hoạch định đường lối đối ngoại, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ngày nay chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là là đế quốc Mỹ đã thay đổi biện pháp chiến lược, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trên phạm vi toàn thế giới và ở nước ta diễn ra trong những điều kiện mới và những hình thức mới. Trong điều kiện đó có nhiều mặt tích tụ thành nguy cơ của cách mạng, không chỉ là nguy cơ từ bên ngoài, mà còn nguy cơ nẩy sinh từ bên trong do chính mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với sự tác động nguy hiểm, thù địch của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động gây ra. Từ thực tế đó, việc xác định đối tượng, đối tác của cách mạng nước ta hiện nay đòi hỏi Đảng ta có tầm nhìn toàn cục để xác định đâu là đối tượng, đâu là đối tác của cách mạng nước ta, trong tình hình hiện nay.

 Đối tác là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng tác, hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau giữa hai hay nhiều bên để cùng hành động, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện những mục tiêu, lợi ích chung hay tương đồng của các bên tham gia. Đối tác có nhiều cấp độ khác nhau: Đối tác quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực cụ thể, đối tác toàn diện, đối tác hữu nghị. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, không quốc gia nào cỏ thể tự mình phát triển nếu không tham gia vào hội nhập, liên kết, bởi những giá trị phát triển chung của nhân loại ngày càng được phổ biến toàn cầu.

          Đảng ta lại nhấn mạnh: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản\của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

          Những quan điểm trên cho thấy: Đảng ta xác định rõ con đường phát triển của Việt Nam là phải tham gia hội nhập quốc tế, đến với quốc tế, làm bạn với các nước, các tổ chức quốc tế để cùng bàn bạc, chia sẻ, cùng hợp tác làm ăn. Qua đó, vừa giành lợi ích cho đất nước, cho dân tộc nhờ vào thế mạnh, ưu điểm của mình, vừa tránh được những thua thiệt về lợi ích nếu như ta không tham gia. Đồng thời lại tranh thủ được những kinh nghiệm, bài học, vốn đầu tư và những giá trị tiến bộ của nhân loại để vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

          Việt Nam ngày càng có nhiều đối tác quan hệ hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi và chính các đối tác trong quá trình quan hệ, làm ăn, chia sẻ sẽ ngày càng hiểu Việt Nam hơn, ủng hộ Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam và góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Trong những đối tác của Việt Nam, có đối tác về nhiều mặt như chính trị, kinh tế, quốc phòng quân sự, có đối tác về từng lĩnh vực như kinh tế hoặc ngoại giao, quân sự hoặc xã hội, thậm chí là đối tác của một vấn đề chiến lược như đối tác về biến đổi khí hậu, đối tác về chống nước biển dâng. Mức độ xác định đối tác tùy thuộc vào lòng tin chính trị, mối quan hệ truyền thống và thế mạnh của từng đối tác trên lĩnh vực quan hệ. Bước chuyển đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta xuất phát từ các yếu tố:

Trước hết, nhu cầu đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước. Trước Đại hội VI của Đảng, Việt Nam rơi vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội; đất nước bị bao vây, cô lập; quan hệ với Trung Quốc chưa được cải thiện. Để thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, Đảng ta đã quyết định tiến hành đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từng bước khai thông quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc giải quyết vấn đề Campuchia năm 1989 đã giúp Việt Nam gạt bỏ trở ngại quan trọng trong quá trình tìm kiếm thêm bạn bè và trên thực tế đã tạo sự xoay chuyển căn bản trong quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam. Hơn nữa, trong hoàn cảnh hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đang gặp khó khăn, ngoài nhu cầu thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, Việt Nam còn có thêm nhu cầu mở rộng quan hệ với cả các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa. Tuyên bố của Đại hội VII (năm 1991): Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, là sự khẳng định mong muốn đó.

Thứ hai, tình hình thế giới, khu vực cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã tác động sâu sắc đến việc đổi mới tư duy của Đảng về quan niệm đối tác - đối tượng. Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh tạo ra những điều kiện khiến xu thế hòa dịu, hòa hoãn trở nên chiếm ưu thế trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới; tạo những tiền đề cho sự hình thành xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế. Một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực đã dần hình thành. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ đã tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống quốc tế. Toàn cầu hóa trở thành một xu thế tất yếu, khách quan mà không một nước nào trên thế giới có thể đứng ngoài lề nếu không muốn bị tụt hậu.

Thứ ba, các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược quốc gia, chuyển hướng chính sách đối ngoại để thích nghi và giành chủ động ở mức độ nhất định trong môi trường quốc tế mới. Lý do sự chuyển hướng này là bởi những biến động to lớn từ sự thay đổi chế độ xã hội ở một loạt nước Đông Âu và Liên Xô, dẫn tới phá vỡ cục diện hai phe, hai cực. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ trật tự thế giới cũ sang trật tự thế giới mới, các nước xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, đều điều chỉnh lại chính sách, tìm kiếm điều kiện thuận lợi nhằm tối đa hóa lợi ích của mình. Các nước lớn chủ trương tăng cường hợp tác và chủ động cải thiện quan hệ với nhau; đều tìm kiếm cơ hội riêng cho mình trong bối cảnh mới, tránh xung đột, đối đầu. Một số khuôn khổ hợp tác đã được hình thành, được sử dụng để chế ngự phát sinh mâu thuẫn và xung đột lợi ích mới.                                  N.T.T

 

           


1 nhận xét: