Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

Phương thức hữu hiệu chữa trị các căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra

 

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144) trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Thời gian gần đây, tình hình thế giới, khu vực bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, xuất hiện hiện nhiều nhân tố biến động lớn, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, đe dọa đến xu hướng hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, như: Bốn nguy cơ lớn mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với văn hóa, xã hội, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những thách thức an ninh phi truyền thống và sự chống phá quyết liệt ngày càng công khai, trực diện hơn của các thế lực thù địch, phản động...

Cùng với đó, công tác rèn luyện, quản lý đảng viên của một số tổ chức đảng còn thấp, chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng nên một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thậm chí một số cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý... đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó đặt ra yêu cầu khách quan tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Do vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144 là rất cần thiết, có giá trị về lý luận, thực tiễn và tính thời sự sâu sắc. Qua đó, khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, thực hiện tốt vai trò đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Không phải đến bây giờ Đảng mới quan tâm, chú trọng, đề cao vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng mà trong quá trình hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là đạo đức không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Người nhấn mạnh: Đảng cách mạng phải “là đạo đức, là văn minh”, người làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa”, cán bộ lấy đức làm cốt cán... Điều đó đòi hỏi Đảng phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải lấy đạo đức cách mạng làm cốt cán và coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là công việc thường xuyên, hằng ngày, không một chút lơ là.

Nội dung cốt lõi của Quy định số 144 được biểu hiện qua 5 điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đó là: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Trong từng chuẩn mực có các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, như: Điều 1 tiêu chí “Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; Điều 3 có tiêu chí “Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”... Các tiêu chí có mối quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành hệ giá trị đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, nhân dân; với cơ quan, tổ chức, cộng đồng, xã hội; với công việc; với đồng chí, đồng nghiệp và với gia đình, bản thân.

Quán triệt và thực hiện 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng trên giúp cán bộ, đảng viên xác định được mục tiêu, lý tưởng, phương thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đúng đắn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, quan hệ mật thiết với nhân dân; có động cơ hành động trong sáng vì lợi ích chung; trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, bất kỳ việc gì cũng phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí phấn đấu vươn lên; “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không ham danh lợi, không làm tổn hại đến danh dự, uy tín, lợi ích của đất nước, của Đảng, Nhà nước, nhân dân, tổ chức, đồng chí, đồng đội, gia đình và bản thân. Luôn giữ gìn, chăm lo xây dựng và thực hiện sự đoàn kết, thống nhất tốt, kỷ luật nghiêm, trách nhiệm cao trong giải quyết mối quan hệ với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, trước hết là với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác và chính quyền, nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân.

Cán bộ, đảng viên gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương theo phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “nói đi đôi với làm”, “đã nói là làm, đã đi phải đến, đã bàn là thông, đã quyết là phải một lòng” với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, ham học hỏi, trách nhiệm cao.

Thực hiện Quy định số 144 là phương thức hữu hiệu nhất chữa trị các căn bệnh nguy hiểm do chủ nghĩa cá nhân gây ra, như: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, “hữu danh, vô thực”, kéo bè kéo cánh, tị nạnh, xu nịnh, a dua... Qua đó, không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thiện chính mình, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, nhân dân, đồng chí, đồng đội; khơi dậy khát vọng cống hiến để phát triển đất nước vững mạnh, tự cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc.

Việc ban hành Quy định số 144 thể hiện tầm tư duy mới, đánh dấu bước phát triển trong nhận thức và hành động của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng giai đoạn mới, khẳng định quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; góp phần củng cố niềm tin tất thắng của nhân dân, bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Cơ sở để lựa chọn cán bộ có tâm, xứng tầm

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” (Quy định số 144) chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng, cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Trong đó, giá trị cốt lõi xuất phát từ kết quả vận dụng những giá trị bền vững, đi trước thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới. Đó là chuẩn mực tôn trọng nhân dân được cụ thể hóa thành khoản 2 Điều 1 và điểm đáng chú ý chính là: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh”.

Việc ban hành Quy định số 144 sẽ giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng. Nhất là, trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, quy định này cũng là kim chỉ nam để tổ chức đảng các cấp chuẩn bị công tác nhân sự, xem xét, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài, có tâm, xứng tầm đưa vào quy hoạch và giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới.

Quy định số 144 ra đời góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Đồng thời, còn là tấm gương phản chiếu để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” lại chuẩn mực, đạo đức của bản thân. Quy định số 144 nhấn mạnh đến tiêu chí danh dự, lòng tự trọng. Với việc thực hiện quy định này, cán bộ, đảng viên dù ở vị trí nào cũng đều nhận thức rõ cần từ chức khi không còn đủ khả năng, uy tín. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Quy định số 144, văn hóa từ chức sẽ trở thành hoạt động rất bình thường trong công tác cán bộ. Quy định còn là tiêu chuẩn, thước đo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên.

Thời gian qua, bên cạnh những cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả một số cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nguyên nhân gốc rễ là họ không chú ý giữ gìn, đã đánh mất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Vì vậy, chuẩn mực “cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng” được đưa ra tại Điều 5 của Quy định, một lần nữa muốn đề cao sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong công việc và cuộc sống.

Các nội dung của Quy định số 144 không chỉ là chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân mà còn là những tiêu chuẩn để sàng lọc, sử dụng cán bộ của Đảng. Quy định ngắn gọn nhưng rất rõ ràng với 5 điều quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trong đó, có những nội dung mới, chứa đựng những thông điệp cốt lõi nhất, thể hiện tại Điều 2 về các phẩm chất “bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập” và khoản 5 Điều 3: “Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Các quy định này đã làm rõ hơn nội hàm của những phẩm chất của người cán bộ, đảng viên “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, không chỉ yêu cầu sự tu dưỡng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, mà còn phải vạch rõ giới hạn, ngăn chặn những tư lợi cá nhân từ gia đình, người thân và những người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của người cán bộ, đảng viên để trục lợi. Đây là điểm rất mới trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, truyền tải những thông điệp quan trọng đến các đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.

Các nhóm chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong Quy định số 144 đều rất sâu sắc, nội dung khách quan, khoa học về lý luận và thực tiễn, đi vào đời sống sẽ phát huy được sức mạnh nội sinh của Đảng và hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mọi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng trong nghiên cứu, quán triệt, thực hiện các chuẩn mực đạo đức này; lấy đó làm thước đo, chuẩn mực hành động, ứng xử trong công tác và cuộc sống.

Quy định số 144 được ban hành khẳng định sự quyết tâm của Đảng trong củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, có năng lực thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây là công cụ hữu hiệu để lựa chọn những cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực; có “bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập”, biết sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là những cán bộ có tâm, xứng tầm... để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự trường tồn và phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước. 

Cơ hội để khẳng định và phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

 

Cán bộ, đảng viên trong toàn quân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, ý nghĩa, vai trò, nội dung của chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” là nền tảng giúp cán bộ, đảng viên đối mặt, vượt qua thử thách; đẩy lùi nhận thức sai trái, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, củng cố uy tín, danh dự của Đảng; xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng đúng đắn, trong sáng, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Những năm qua, quán triệt các nghị quyết, quy định của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới (Chỉ thị số 855-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương) và đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ (Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới), các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân đã quán triệt, triển khai thực hiện, đạt được kết quả nổi bật.

Cán bộ, đảng viên trong toàn quân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, ý nghĩa, vai trò, nội dung của chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, như rửa mặt hằng ngày. Cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu nghiêm túc, chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, khắc phục có hiệu quả hạn chế, khuyết điểm.

Thực hiện tốt phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp triển khai sâu rộng các đợt sinh hoạt chính trị theo chỉ đạo của Trung ương và Thường vụ Quân ủy Trung ương về chủ đề “tự soi, tự sửa”; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; “phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân” và thực hiện một số mô hình trong tu dưỡng, rèn luyện đảng viên: “Mỗi tháng làm theo một lời Bác Hồ dạy”, “Một tốt, hai không, ba rèn”... Có nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nhận nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh khi làm nhiệm vụ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đã khẳng định phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Để quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định 144 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn quân cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt Hướng dẫn số 1937/HD-CT ngày 11-7-2024 của Tổng cục Chính trị về tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, phong trào thi đua, cuộc vận động, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi, tự sửa”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thứ hai, căn cứ vào 5 nhóm nội dung trong Quy định 144 và đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức theo đặc thù của cơ quan, đơn vị. Đưa nội dung quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thành tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức, cá nhân, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, khen thưởng tập thể, cá nhân. Các học viện, trường sĩ quan đưa nội dung Quy định 144 vào chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, hằng năm, cán bộ, đảng viên tự giác đăng ký, phấn đấu thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quy định về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Từng tuần, từng tháng, cán bộ, đảng viên đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao cho mình, luôn trau dồi, phấn đấu theo từng nhóm trong quy định đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, kiên quyết khắc phục biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa trong cấp ủy, tổ chức đảng về thực hiện quy định chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cấp đề cao trách nhiệm nêu gương về đạo đức cách mạng để cấp dưới học tập, noi theo, cương vị càng cao thì nêu gương càng lớn, không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, lối sống, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành, không để bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Cán bộ cấp trên nêu gương tự phê bình trước, cấp dưới làm sau; cấp trên gương mẫu, nghiêm túc tự phê bình và phê bình cho cấp dưới noi theo.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về đạo đức cách mạng. Hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, gắn với kiểm tra thực hiện quy định về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Ủy ban kiểm tra đảng ủy các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên theo đúng thẩm quyền, không để phát sinh tiêu cực; đồng thời, kiểm tra việc giám sát tự phê bình và phê bình, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp về thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Tiếp tục giữ vững và phát huy bản lĩnh chính trị Bộ đội Cụ Hồ

 Trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội ta luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; là lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp lập nên những chiến công hiển hách, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Bản lĩnh chính trị là sức mạnh để Quân đội ta kiên cường vượt qua những khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh, đúng như lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã khẳng định: “Càng trong khó khăn phức tạp, hình ảnh và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ càng được giữ vững, phát huy và tỏa sáng”.

Xác định đúng và luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu đã làm nên sức mạnh phi thường để cán bộ, chiến sĩ Quân đội “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, dù phải “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non” nhưng “Gan không núng/ Chí không mòn” để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và “thiên sử vàng” của dân tộc. Cũng nhờ bản lĩnh chính trị, những người chiến sĩ “Vẫn đôi dép lội chiến trường/ Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, họ luôn động viên, nhắc nhở nhau “nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Với những bước chân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Bản lĩnh chính trị trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ cũng là sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn giữ vững lời thề “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử”, “Không được lùi bước trước quân thù. Phải để máu của mình tô thắm lá cờ và truyền thống vinh quang”, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bản lĩnh chính trị càng đóng vai trò quan trọng để giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Các thế lực thù địch, phản động vẫn đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội càng đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Xây dựng bản lĩnh chính vững vàng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ là yêu cầu đặc biệt quan trọng để xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Mặt khác, trau dồi bản lĩnh chính trị cũng có ý nghĩa quyết định để xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Để cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định bản lĩnh chính trị cần giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị; xây dựng tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội vững mạnh về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn; giải quyết tốt các mối quan hệ, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, củng cố sự đoàn kết thống nhất nội bộ.

Đây vừa là nguyên tắc để giữ vững bản lĩnh chính trị của Quân đội và cũng là giải pháp căn cơ để giữ vững, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Yếu tố nền tảng làm nên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương đã khái quát 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới; trong đó, bản lĩnh chính trị được đặt lên hàng đầu, là yếu tố cơ bản, căn cốt, bao trùm để bồi đắp, giữ vững và lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh những giá trị, chuẩn mực nhân cách người quân nhân cách mạng, được xây đắp từ truyền thống văn hóa dân tộc, quá trình giáo dục, rèn luyện của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tin tưởng, giúp đỡ của nhân dân và từ những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ; được lưu giữ, kế thừa và phát triển qua thực tiễn chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.

Bản lĩnh chính trị - yếu tố căn cốt trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ
Phi công trẻ Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) thể hiện niềm tự hào trước mỗi chuyến bay làm chủ bầu trời Tổ quốc. Ảnh: PHÚ SƠN

Bản lĩnh chính trị thể hiện ở mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Quân đội và mỗi cán bộ, chiến sĩ; biểu hiện ở nhận thức chính trị, lập trường, quan điểm, thái độ chính trị; là ý chí và niềm tin vào giai cấp, chế độ và sức mạnh của dân tộc. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trước hết thể hiện ở lời thề thứ nhất trong 10 lời thề danh dự của quân nhân: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, mang bản chất của giai cấp công nhân, có tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc, giữ vững lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bản lĩnh chính trị được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, củng cố và kiên định trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta.

Bản lĩnh chính trị vững vàng giúp Quân đội ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, giữ vững trận địa tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan; luôn đặt lợi ích quốc gia-dân tộc, của tập thể lên trên hết, trước hết. Bản lĩnh chính trị còn là ý chí, sức mạnh để mọi quân nhân luôn tích cực huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn; rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao để nâng cao sức mạnh tổng hợp chiến đấu của Quân đội. 

Vẹn tình tri ân

 

Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2024), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm truyền thống TCCT QĐND Việt Nam.

Trong đó, các hoạt động trọng tâm của Cơ quan TCCT triển khai trong dịp 27-7 là: Thắp hương tưởng niệm các đồng chí nguyên lãnh đạo TCCT QĐND Việt Nam qua các thời kỳ là người có công với cách mạng; thắp hương tưởng niệm 103 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ thuộc TCCT hy sinh trong các cuộc kháng chiến; thăm, tặng quà các đồng chí nguyên lãnh đạo TCCT QĐND Việt Nam là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; thăm, tặng quà 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng do các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT nhận phụng dưỡng và 31 đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại Cơ quan TCCT; hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở (80 triệu đồng/căn nhà từ nguồn trích từ kinh phí “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”).

Các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT tổ chức dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ, phối hợp thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thăm, tặng quà 951 đối tượng chính sách là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng của cơ quan, đơn vị, trên địa bàn đóng quân; phối hợp khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn đóng quân và khu căn cứ cách mạng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội... Các nhà hát Quân đội xây dựng chương trình nghệ thuật, biểu diễn tại các trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng...

Cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia, phối hợp với các tổ chức quần chúng, đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân tiến hành các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, như: Tổng dọn vệ sinh, củng cố, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thượng tá Hoàng Văn Thuyết, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị, TCCT QĐND Việt Nam, cho biết: Ngoài những hoạt động trên, vừa qua, đoàn công tác của Cơ quan TCCT đã tổ chức các hoạt động về nguồn dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo tiền bối Cơ quan TCCT tại Khu di tích lịch sử kháng chiến TCCT QĐND Việt Nam ở xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa, Thái Nguyên). Đoàn công tác đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa và trao quà của TCCT tặng gia đình đồng chí Phạm Hồng Quân, sinh năm 1947, thương binh hạng 4/4, ở xóm Nà Táp, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa và gia đình bà Nguyễn Thị Síu (vợ liệt sĩ) ở xóm Hồng Văn Lương, xã Trung Lương, huyện Định Hóa. Tổng kinh phí tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ của Cơ quan TCCT và các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT là hơn 5 tỷ đồng.

Những hoạt động trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ của Cơ quan TCCT đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong TCCT với công lao to lớn của các đồng chí nguyên lãnh đạo TCCT, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trong sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam và TCCT QĐND Việt Nam.

Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tạo dấu ấn sâu sắc trong thực hiện nhiệm vụ

 

Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một biểu tượng sáng ngời về ý chí dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược của Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam và quân dân miền Bắc.

Bài học kinh nghiệm và giá trị lịch sử về nhân tố chính trị tinh thần trong chiến thắng trận đầu năm ấy vẫn luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay.

Cách đây 60 năm, trước sức tiến công mạnh mẽ của nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, đầu năm 1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường cho máy bay trinh sát, tàu chiến vào sâu trong hải phận của ta, bắn phá dọc bờ biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt, ngày 2-8-1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ngang nhiên vào sát bờ biển miền Bắc để trinh sát và khiêu khích các lực lượng của ta. Đây là những hành động nằm trong mưu đồ tạo cớ mở rộng chiến tranh phá hoại, ngăn cản sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Biết trước âm mưu của đế quốc Mỹ, kiên quyết trừng trị những hành động ngang ngược của địch, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, tháng 5-1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo toàn Quân chủng chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) với quyết tâm cao nhất. Từ ngày 6-7, toàn Quân chủng chuyển trạng thái SSCĐ sang thời chiến, thành lập sở chỉ huy tiền phương, sơ tán lực lượng, chuẩn bị chu đáo mọi mặt, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vùng biển, hải cảng, căn cứ hải quân... 13 giờ 10 phút ngày 2-8-1964, Phân đội 3 tàu phóng lôi của Đoàn 135 HQND Việt Nam đã dũng cảm xuất kích tiến công tàu khu trục Ma-đốc, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, buộc địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta.

Bị đánh đuổi, đế quốc Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ ngày 5-8-1964 dùng không quân, hải quân đánh phá nhiều địa phương ven biển, các căn cứ, vị trí trú đậu tàu thuyền của HQND Việt Nam, mở đầu cho hành động leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhờ chuẩn bị từ trước, với tinh thần cảnh giác cao, cùng với quân và dân các địa phương ven biển, HQND Việt Nam đã giáng trả những đòn đích đáng, bắn rơi 8 máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 là chiến thắng về ý chí quyết tâm chiến đấu với tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của HQND Việt Nam và quân dân miền Bắc; là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một dân tộc yêu tự do, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Đó là chiến thắng của trí tuệ, lòng yêu nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng trận đầu khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân; để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ đánh giá âm mưu, thủ đoạn của địch, công tác chuẩn bị lực lượng đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu thắng lợi trước kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Chiến thắng trận đầu còn thể hiện dấu ấn về hiệu quả của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong cả chiến dịch. Dù đối đầu với kẻ địch có trang bị và vũ khí hiện đại nhưng toàn Quân chủng luôn vững vàng, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ, hướng dẫn, triển khai hoạt động CTĐ, CTCT đối với từng lực lượng, từng giai đoạn chiến đấu, kịp thời giáo dục, động viên, xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong chiến đấu, bộ đội tin tưởng vào vũ khí, trang bị, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kỷ luật chiến trường.

Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân; dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh vượt trội của hải quân và không quân hiện đại của đế quốc Mỹ.

Có nhiều yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng trận đầu, nhưng yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhất đó là sức mạnh chính trị tinh thần của HQND Việt Nam mà cội nguồn là tư tưởng, ý chí của một dân tộc nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục sự áp đặt, xâm lược của kẻ thù; tất cả đã đoàn kết một lòng, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ địch. Hình ảnh 3 con tàu phóng lôi nhỏ bé, dũng cảm lao thẳng vào tàu khu trục Ma-đốc ngày 2-8-1964 trong sự chống trả quyết liệt từ hỏa lực (tàu và máy bay) của địch là hình ảnh sinh động, thuyết phục nhất về sự anh dũng, dám đánh, quyết đánh kẻ thù mạnh hơn của HQND Việt Nam.

Đó là chiến thắng từ tinh thần cảnh giác, SSCĐ cao. Công tác huấn luyện, làm chủ VKTBKT được chú trọng; bộ đội quyết tâm chiến đấu cao, tin tưởng vào trang bị, vũ khí hiện có, chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật chiến đấu. Hình ảnh Thuyền trưởng Lê Văn Tiếu bị thương gần đứt lìa cánh tay vẫn bình tĩnh chỉ huy toàn tàu đánh trả máy bay địch; Binh nhì Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân dù bị thương nặng, được lệnh rời tàu nhưng vẫn đề nghị thuyền trưởng ở lại chiến đấu với câu nói “Thuyền trưởng hãy để tôi ở lại, tàu còn thì tôi còn!”. Pháo thủ Đặng Đình Lống bị thương ở chân đã dùng đai cột chân mình vào bệ pháo để chiến đấu tới hơi thở cuối cùng... Những tấm gương chiến đấu dũng cảm kể trên không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm mà còn thể hiện rõ vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ về mình, nhường thuận lợi và sự sống cho đồng đội của cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam.

Chiến thắng trận đầu là kết quả từ sự chỉ đạo, hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương ven biển đối với Bộ đội Hải quân. Biết trước âm mưu của địch, Quân chủng Hải quân đã dự báo đúng tình hình, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội Phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương tổ chức sơ tán, ngụy trang đề phòng địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái. Khi địch đánh phá ác liệt các bến cảng, căn cứ, các đơn vị hải quân luôn nhận được sự giúp đỡ, chi viện, hiệp đồng của các đơn vị, lực lượng; được bà con nhân dân chi viện sức người, sức của, yêu thương, đùm bọc để chiến đấu hiệu quả. Chiến thắng trận đầu cho chúng ta niềm tự hào về các thế hệ cha anh đi trước, sự hy sinh cao cả của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hải quân và quân dân miền Bắc đã cùng sát cánh, anh dũng chiến đấu; thể hiện sáng ngời tinh thần chiến đấu ngoan cường, mãi mãi được khắc ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, Quân đội và Quân chủng Hải quân anh hùng.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, khẩn trương đối với Quân chủng Hải quân. Để tiếp tục xây dựng HQND Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xây dựng Quân chủng Hải quân “tinh, gọn, mạnh” chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng trận đầu vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khoá XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8, khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách chiến lược, xử trí thắng lợi các vấn đề trên biển; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, các hoạt động kinh tế biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

Hai là, tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng SSCĐ; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, huấn luyện làm chủ trang bị mới; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tập trung nguồn lực để nghiên cứu, cải tiến, nội địa hóa, chế tạo các loại VKTBKT phù hợp với nghệ thuật tác chiến của HQND Việt Nam, sẵn sàng đánh thắng địch có tiềm lực về công nghệ cao bằng cách đánh và vũ khí của ta.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó HQND Việt Nam là lực lượng nòng cốt; chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án, cách đánh phù hợp với sự phát triển của vũ khí, trang bị và đối tượng tác chiến, chiến tranh công nghệ cao; hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các lực lượng trong huy động phương tiện, nhân lực để đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong mọi tình huống.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng ý chí quyết tâm để mọi cán bộ, chiến sĩ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội, Quân chủng trong mọi tình huống; tin tưởng vào vũ khí, trang bị, thành thạo kỹ, chiến thuật, luôn có ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng mà tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt là “dám đánh, quyết đánh và biết cách đánh thắng” nếu kẻ địch xâm phạm chủ quyền của Tổ quốc; coi trọng xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho bộ đội. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, đặc biệt là ở các chi bộ, đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ trên biển, đảo, nơi tuyến đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng, gương mẫu, trách nhiệm cao, năng lực hành động giỏi, vững vàng, bản lĩnh, không sợ hy sinh gian khổ, sẵn sàng xả thân vì chủ quyền của Tổ quốc.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có chuyên môn tốt, làm chủ vững chắc, chuyên sâu VKTBKT; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi ở các chuyên ngành. Trong chiến công trận đầu đánh thắng, từ vị trí thuyền trưởng đến các vị trí trên tàu đều khai thác, vận hành tốt VKTBKT, chấp hành nghiêm mệnh lệnh; ý chí quyết tâm chiến đấu cao, đoàn kết, SSCĐ hy sinh. Đây là bài học quý để Quân chủng tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tàu và nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng HQND Việt Nam chính quy, hiện đại trong tình hình mới.

Sáu là, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo để mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân hiểu, chia sẻ và cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo; “Bờ có vững thì biển mới yên”; tạo mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng HQND Việt Nam chính quy, hiện đại. Tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng biển, đảo; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.

Bộ đội, dân quân Sơn La trắng đêm cùng đồng bào vùng lũ

 

Suốt đêm 24 và cả ngày 25-7, đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) của tỉnh vẫn dầm mình trong mưa lũ, kịp thời có mặt tại tất cả các khu vực bị thiệt hại nặng, tích cực hỗ trợ di chuyển nhân dân đến nơi an toàn; động viên, chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người chết và mất tích, nhất là không để đồng bào vùng lũ bị đói, bị khát sau trận lũ lịch sử...

Bộ đội đến rồi, bà con ta sống rồi!

 Chiều muộn ngày 24-7, trời tiếp tục đổ mưa như trút xuống xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đúng thời điểm đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La hành quân đến đây. Từ vị trí này đến bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, khu vực bị thiệt hại nặng bởi trận lũ lịch sử còn khoảng 10km, nhưng chỉ có thể đi bộ, do đường sá bị sạt lở nghiêm trọng. Hội ý trong giây lát với Đại tá Bùi Văn Sơn, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Thành Công quyết định cả đoàn xuống xe hành quân bộ, khẩn trương tiếp cận các bản đang bị cô lập, nơi đồng bào đang phải đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy rình rập.

Càng về đêm, mưa càng nặng hạt, bóng tối bao trùm khắp núi rừng khiến việc di chuyển của đoàn công tác mỗi lúc càng thêm khó khăn. Phần lớn quãng đường hàng chục cây số đến bản Hua Pư đều lầy lội, trơn trượt, cây đổ ngổn ngang, suối sâu, nước chảy xiết, khiến đoàn công tác mất hơn 4 giờ liên tục mới đến được nơi tâm lũ. Thấy bộ đội, dân quân xuất hiện đến đầu bản, Trưởng bản, Bí thư chi bộ Hua Pư Vàng Chứ Sành  nói như reo: “Bộ đội đến rồi bà con ơi, dân bản mình được cứu rồi”. Ông Sành cho hay, bản Hua Pư có 5 người chết do mưa lũ. Trong đó thương tâm nhất là trường hợp anh Vàng A Dếnh, bị mất vợ và 2 con chỉ trong một đêm.

Vừa chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trao đến tận tay người dân vùng lũ Hua Pư từng miếng lương khô, thùng mỳ tôm, nước uống, lãnh đạo tỉnh Sơn La và Bộ CHQS tỉnh vừa tranh thủ nắm bắt tình hình thiệt hại, thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và mất tích... Gần 24 giờ ngày 24-7, sau khi ổn định tình hình, từ đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đến các chiến sĩ, người ngả lưng xuống thềm xi măng, người tựa lưng vào góc tường, tranh thủ chợp mắt sau chặng đường đầy gian nan vất vả. Ngoài trời, mưa vẫn trút xuống như thác đổ.

Trao đổi với Đại tá Bùi Văn Sơn, chúng tôi được biết, sau một ngày nỗ lực tìm kiếm, đến 15 giờ 30 phút ngày 25-7, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Sơn La và cơ quan chức năng đã tìm được nạn nhân cuối cùng bị mất tích ở bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi. Sau khi hoàn tất công tác tìm kiếm cứu nạn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tiếp tục ở lại xã Chiềng Nơi để hỗ trợ nhân dân gia cố, sửa chữa nhà cửa; hỗ trợ di chuyển các hộ trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, nhất là các hộ có nhà cửa bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn.

Tình quân dân nơi tâm lũ Chiềng An

Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Sơn La, tỉnh Sơn La gần như thức trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương khi cùng các lực lượng hỗ trợ hàng trăm gia đình trong vùng ngập lụt di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn; tích cực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Chứng kiến tinh thần quả cảm, đức hy sinh cao đẹp của các chiến sĩ nơi tâm lũ Sơn La, chúng tôi ghi lại được không ít hình ảnh và câu chuyện xúc động về nghĩa tình quân dân trong gian khó.

Đêm 23, rạng sáng 24-7, mưa lớn kéo dài khiến phần lớn TP Sơn La ngập sâu trong biển nước. Bản Phưa Cón, phường Chiềng An, TP Sơn La có 166 hộ/512 nhân khẩu, thì có 35 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn. Theo Thượng tá Trần Xuân Lâm, Chính trị viên Ban CHQS TP Sơn La, dự báo trước tình hình, Ban CHQS TP Sơn La chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ nhanh chóng di chuyển toàn bộ các hộ bị ngập úng cũng như các gia đình trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

Đồng chí Quàng Văn Cương, Chủ tịch UBND phường Chiềng An nhớ lại: “Mặc dù thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện đêm tối, mưa lớn, nhưng bộ đội, dân quân, công an không nề hà khó khăn, nguy hiểm, triển khai các phương án sơ tán nhân dân rất linh hoạt, sáng tạo, vừa bảo đảm an toàn về người, vừa giữ gìn, bảo quản được tài sản cho nhân dân.  Quả thật, trong những lúc khó khăn, hoạn nạn thế này, chúng tôi càng thấu hiểu đức hy sinh, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ LLVT”.

Là một trong số hàng trăm người dân được bộ đội, dân quân, công an cứu thoát khỏi ngôi nhà bị ngập sâu trong đêm 23-7, cựu chiến binh Hà Văn Xương, 83 tuổi, thương binh hạng 2/4, trú tại bản Phứa Cón, phường Chiềng An vẫn vẹn nguyên niềm xúc động: “Khi lũ ập đến, cả thành phố mất điện, trời tối đen như mực. Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già, mắt mờ, chân chậm, các con, các cháu đều ở xa. Hàng xóm họ cũng phải lo chạy lũ. Khi nước lũ ngập đến giường ngủ cũng là lúc vợ chồng tôi được các anh bộ đội bơi vào nhà đưa lên xuồng chở đến nơi an toàn. Trong lúc nguy nan, bộ đội còn tranh thủ vận chuyển giúp gia đình một số tài sản thiết yếu... Thật không biết phải nói sao mới diễn tả sự cảm ơn tới bộ đội”. 

Chị Tòng Thị Thu Huỳnh, bản Phứa Cón, phường Chiềng An TP Sơn La cũng may mắn được bộ đội, dân quân, công an nhanh chóng sử dụng bè, xuồng vận chuyển qua vùng ngập lụt, kịp thời đưa đến bệnh viện để sinh con trong niềm vui vỡ òa của bà con dân bản...

Tính đến 20 giờ ngày 25-7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 7 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương; 1.199 nhà bị thiệt hại; thiên tai cũng làm nhiều công trình công cộng, điện, nước bị thiệt hại... Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 1.429 người cùng nhiều phương tiện, xe cộ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai....

Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 yêu cầu cơ quan quân sự các tỉnh trong quân khu duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực cứu hộ, cứu nạn; chủ động tham mưu cho địa phương tích cực chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình mưa, lũ trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động xử trí tình huống trên các hướng. Tư lệnh Quân khu 2 cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ CHQS các tỉnh bị thiên tai phải trực tiếp xuống cơ sở, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.