Bộ đội đến rồi, bà con ta sống rồi!

 Chiều muộn ngày 24-7, trời tiếp tục đổ mưa như trút xuống xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đúng thời điểm đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La hành quân đến đây. Từ vị trí này đến bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, khu vực bị thiệt hại nặng bởi trận lũ lịch sử còn khoảng 10km, nhưng chỉ có thể đi bộ, do đường sá bị sạt lở nghiêm trọng. Hội ý trong giây lát với Đại tá Bùi Văn Sơn, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La, đồng chí Nguyễn Thành Công quyết định cả đoàn xuống xe hành quân bộ, khẩn trương tiếp cận các bản đang bị cô lập, nơi đồng bào đang phải đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy rình rập.

Càng về đêm, mưa càng nặng hạt, bóng tối bao trùm khắp núi rừng khiến việc di chuyển của đoàn công tác mỗi lúc càng thêm khó khăn. Phần lớn quãng đường hàng chục cây số đến bản Hua Pư đều lầy lội, trơn trượt, cây đổ ngổn ngang, suối sâu, nước chảy xiết, khiến đoàn công tác mất hơn 4 giờ liên tục mới đến được nơi tâm lũ. Thấy bộ đội, dân quân xuất hiện đến đầu bản, Trưởng bản, Bí thư chi bộ Hua Pư Vàng Chứ Sành  nói như reo: “Bộ đội đến rồi bà con ơi, dân bản mình được cứu rồi”. Ông Sành cho hay, bản Hua Pư có 5 người chết do mưa lũ. Trong đó thương tâm nhất là trường hợp anh Vàng A Dếnh, bị mất vợ và 2 con chỉ trong một đêm.

Vừa chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trao đến tận tay người dân vùng lũ Hua Pư từng miếng lương khô, thùng mỳ tôm, nước uống, lãnh đạo tỉnh Sơn La và Bộ CHQS tỉnh vừa tranh thủ nắm bắt tình hình thiệt hại, thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và mất tích... Gần 24 giờ ngày 24-7, sau khi ổn định tình hình, từ đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đến các chiến sĩ, người ngả lưng xuống thềm xi măng, người tựa lưng vào góc tường, tranh thủ chợp mắt sau chặng đường đầy gian nan vất vả. Ngoài trời, mưa vẫn trút xuống như thác đổ.

Trao đổi với Đại tá Bùi Văn Sơn, chúng tôi được biết, sau một ngày nỗ lực tìm kiếm, đến 15 giờ 30 phút ngày 25-7, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Sơn La và cơ quan chức năng đã tìm được nạn nhân cuối cùng bị mất tích ở bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi. Sau khi hoàn tất công tác tìm kiếm cứu nạn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tiếp tục ở lại xã Chiềng Nơi để hỗ trợ nhân dân gia cố, sửa chữa nhà cửa; hỗ trợ di chuyển các hộ trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, nhất là các hộ có nhà cửa bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn.

Tình quân dân nơi tâm lũ Chiềng An

Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Sơn La, tỉnh Sơn La gần như thức trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương khi cùng các lực lượng hỗ trợ hàng trăm gia đình trong vùng ngập lụt di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn; tích cực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Chứng kiến tinh thần quả cảm, đức hy sinh cao đẹp của các chiến sĩ nơi tâm lũ Sơn La, chúng tôi ghi lại được không ít hình ảnh và câu chuyện xúc động về nghĩa tình quân dân trong gian khó.

Đêm 23, rạng sáng 24-7, mưa lớn kéo dài khiến phần lớn TP Sơn La ngập sâu trong biển nước. Bản Phưa Cón, phường Chiềng An, TP Sơn La có 166 hộ/512 nhân khẩu, thì có 35 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn. Theo Thượng tá Trần Xuân Lâm, Chính trị viên Ban CHQS TP Sơn La, dự báo trước tình hình, Ban CHQS TP Sơn La chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ nhanh chóng di chuyển toàn bộ các hộ bị ngập úng cũng như các gia đình trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

Đồng chí Quàng Văn Cương, Chủ tịch UBND phường Chiềng An nhớ lại: “Mặc dù thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện đêm tối, mưa lớn, nhưng bộ đội, dân quân, công an không nề hà khó khăn, nguy hiểm, triển khai các phương án sơ tán nhân dân rất linh hoạt, sáng tạo, vừa bảo đảm an toàn về người, vừa giữ gìn, bảo quản được tài sản cho nhân dân.  Quả thật, trong những lúc khó khăn, hoạn nạn thế này, chúng tôi càng thấu hiểu đức hy sinh, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ LLVT”.

Là một trong số hàng trăm người dân được bộ đội, dân quân, công an cứu thoát khỏi ngôi nhà bị ngập sâu trong đêm 23-7, cựu chiến binh Hà Văn Xương, 83 tuổi, thương binh hạng 2/4, trú tại bản Phứa Cón, phường Chiềng An vẫn vẹn nguyên niềm xúc động: “Khi lũ ập đến, cả thành phố mất điện, trời tối đen như mực. Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già, mắt mờ, chân chậm, các con, các cháu đều ở xa. Hàng xóm họ cũng phải lo chạy lũ. Khi nước lũ ngập đến giường ngủ cũng là lúc vợ chồng tôi được các anh bộ đội bơi vào nhà đưa lên xuồng chở đến nơi an toàn. Trong lúc nguy nan, bộ đội còn tranh thủ vận chuyển giúp gia đình một số tài sản thiết yếu... Thật không biết phải nói sao mới diễn tả sự cảm ơn tới bộ đội”. 

Chị Tòng Thị Thu Huỳnh, bản Phứa Cón, phường Chiềng An TP Sơn La cũng may mắn được bộ đội, dân quân, công an nhanh chóng sử dụng bè, xuồng vận chuyển qua vùng ngập lụt, kịp thời đưa đến bệnh viện để sinh con trong niềm vui vỡ òa của bà con dân bản...

Tính đến 20 giờ ngày 25-7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 7 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương; 1.199 nhà bị thiệt hại; thiên tai cũng làm nhiều công trình công cộng, điện, nước bị thiệt hại... Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 1.429 người cùng nhiều phương tiện, xe cộ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai....

Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 yêu cầu cơ quan quân sự các tỉnh trong quân khu duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực cứu hộ, cứu nạn; chủ động tham mưu cho địa phương tích cực chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình mưa, lũ trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động xử trí tình huống trên các hướng. Tư lệnh Quân khu 2 cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ CHQS các tỉnh bị thiên tai phải trực tiếp xuống cơ sở, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.