Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Nữ thương binh anh hùng và 50 năm tìm lại tên cho đồng đội

 

Bà trở thành nhân vật trung tâm của báo chí nhiều năm qua bởi cuộc đời đầy oai hùng và bi tráng.

Ấn tượng sâu đậm nhất ngoài chiến công thời kháng chiến gian khổ là tấm lòng bao dung, là nghị lực vượt lên số phận. Ngót nửa thế kỷ, bà nguyện sống trọn vẹn cùng đồng đội. Bà chính là nữ biệt động anh hùng Lê Hồng Quân.

Đã hẹn trước nhưng khi tìm đến nhà riêng của bà ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, tôi lại được người thân của bà hướng dẫn: “Cô cứ ra bờ sông cạnh nhà thì sẽ gặp. Mỗi khi có chuyện vui, buồn gì bà cũng ra đó!”.

Thấy tôi, bà liền khoe: “UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị công nhận liệt sĩ cho 5 chiến sĩ biệt động trung kiên của Tiểu đội 3, Trung đội 3 (A3, B3) thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng hy sinh trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Mặt trận liên quận 2-4. Gần nửa thế kỷ trôi qua, cuối cùng đồng đội của tôi đã được công nhận liệt sĩ. Họ được “minh oan”. Lòng tôi mừng không thể tả!”.

Nghe hai từ “minh oan”, tôi hơi tò mò. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, bà giải thích: Sau đợt 1 Tết Mậu Thân 1968, lực lượng đặc công biệt động của ta bị tổn thất nặng nề. Tháng 2-1968, Hội nghị thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định họp và quyết định thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động. Đang chưa biết đặt tên là gì thì đồng chí Nguyễn Thị Tấn (Ba Hồng), Khu ủy viên, Trưởng ban Phụ vận đề xuất lấy tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng, nguyên Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định vừa bị giặc sát hại.

Nữ thương binh anh hùng và 50 năm tìm lại tên cho đồng đội
Bà Lê Hồng Quân kể với các cháu học sinh về những năm tháng chiến đấu của mình.  

“Khi thành lập, đơn vị được phân công hoạt động ngay tại nội đô-nơi cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy ở Sài Gòn nên mọi thông tin đều bí mật tuyệt đối. Không ai biết rõ tên hay quê quán thật mà chỉ biết qua bí danh. Thế nên khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị giải tán, những người hy sinh coi như đã hoàn thành nghĩa lớn với đất nước; những người may mắn sống sót có người được ghi nhận công lao nhưng cũng có người lại bị mang hàm oan là chỉ điểm, tay sai, bán nước... Đau lòng lắm cháu à!”, bà Quân sụt sùi kể.

“Vậy cô làm gì để minh oan cho họ?” - tôi hỏi.

Như khơi đúng mạch cảm xúc, bà kể: “Khi kết thúc điều trị từ Đức trở về, vừa xuống sân bay, tôi nghe tin đơn vị giải tán. Lúc đó tôi suy nghĩ đơn giản, đã đi làm cách mạng, đất nước thống nhất, mục tiêu của đại cuộc hoàn thành là coi như xong phận sự. Chỉ đến khi chúng tôi có ý định thành lập Ban liên lạc Tiểu đoàn, đặc biệt là làm chính sách, hồ sơ người có công... thì mới biết là cần phải có đủ giấy tờ để chứng minh: Đơn vị nào? Ngày, tháng, năm thành lập? Ai ký quyết định thành lập?...”.

Vậy là hành trình tìm lại tên cho đồng đội bắt đầu. Để có cơ sở pháp lý, bà phải lặn lội khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan chức năng để minh chứng, cung cấp hồ sơ pháp lý về Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Tuy nhiên, thứ duy nhất bà có được lúc bấy giờ chỉ là bức thư tay của ông Trần Bạch Đằng, Bí thư Phân khu Nội đô, người trực tiếp tham dự buổi họp thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Trong thư, ông Trần Bạch Đằng viết: "Vì bí mật bất ngờ tiến công địch nên tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho sáu Xuân (tên thật là Lê Thị Bạch Cát, Bí thư Quận đoàn 2, đã hy sinh) và Hồng Quân phụ trách hai lực lượng biệt động đồng khởi của Quận đoàn 2 và Tiểu đoàn Lê Thị Riêng...".

Dù bức thư khẳng định có sự tồn tại của đơn vị nhưng các đồng chí: Nguyễn Thái Sơn (bí danh Bảy Bình), Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định, thay mặt Bộ chỉ huy Tiền phương Nam truyền đạt tinh thần thành lập tiểu đoàn của đồng chí Ba Hồng; Thiếu tướng Võ Văn Thạnh, Chính ủy Phân khu Nội đô-những người góp mặt trong buổi thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đều không còn nữa nên rất khó để minh chứng.

Nhiều ý kiến tranh luận được nêu lên nhưng quyết tâm không bỏ cuộc của bà cuối cùng cũng được đền đáp. Ngày 12-9-2002, tức 34 năm sau ngày Tiểu đoàn Lê Thị Riêng được thành lập, đồng chí Võ Văn Cương, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký Quyết định số 413-QĐ/TU Công nhận việc thành lập Tiểu đoàn Lê Thị Riêng.

Đang chìm trong mạch nguồn câu chuyện thì đôi chân bà bị đau. Dù vậy bà vẫn vui vẻ nói: “Tôi giờ như chuyên gia dự báo thời tiết. Cứ chân đau là biết hôm nay trời có mưa hay không. Nếu không chê bà già này lắm lời thì mời cô về nhà tôi vừa uống nước vừa trò chuyện”.

Những huân, huy chương của bà treo đầy phòng khách không khiến tôi ngạc nhiên, bởi những chiến công của nữ biệt động Lê Hồng Quân đã quá nổi danh. Ngay khi mới 8 tuổi, cô bé Đào Thị Huyền Nga (tên thật của bà Quân) đã đi theo mẹ tiếp tế lương thực, thực phẩm và làm liên lạc... Năm 14 tuổi, bà được bầu làm Phó bí thư Xã đoàn, rồi Xã đội phó phụ trách lực lượng du kích, dân quân; hướng dẫn nhân dân làm hầm chông và kêu gọi lính cộng hòa bỏ ngũ. Năm 1962, bà được đề nghị kết nạp Đảng, nhưng vì thiếu tuổi (15 tuổi) nên địa phương không quyết định được. Hồ sơ chuyển vượt cấp trình Tỉnh ủy Cần Thơ chuẩn y. Tại Lễ kết nạp Đảng ngày 13-12-1962, bà được tổ chức đặt tên là Lê Hồng Quân. Năm 16 tuổi, bà chính thức nhập ngũ, được điều về đơn vị thuộc bộ đội Tây Đô. Sau đó, theo chủ trương của Trung ương cục miền Nam, cuối năm 1965, bà được điều động tăng cường cho chiến trường Sài Gòn-Gia Định.

Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nữ chiến sĩ Lê Hồng Quân với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng được biết đến là một trong những nữ biệt động gan dạ, mưu trí. Bà tự cắt một cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu kiên cường.

Sự kiên cường của nữ anh hùng này còn được biết đến qua hành trình khổ luyện để tự đi lại dù 23 lần phải lên bàn mổ. Đặc biệt trong lần điều trị tại Đức, các y, bác sĩ chẩn đoán bà bị gãy xương sườn, vỡ xương mặt và hai chân, tai phải điếc, mũi trái không ngửi được mùi, mắt trái không nhìn được, hiện còn gần 200 mảnh đạn trong người nên không thể vận động được.

Dù vượt qua số phận nhưng thương tích trong chiến tranh và những đòn roi tra tấn trong thời gian bị tù đày nơi Côn Đảo khiến người phụ nữ ấy không còn khả năng làm mẹ. Nhà không có tiếng trẻ con, nhưng niềm vui tuổi già của bà giờ đây là việc đồng đội hy sinh được công nhận liệt sĩ, những người còn sống thì được hưởng chính sách theo quy định hoặc ít nhất không còn mang tiếng oan tay sai, bán nước... “Sau nhiều năm miệt mài, số lượng hồ sơ chính sách được xác nhận đến nay đã lên tới 200 người. Trong đó có 80 trường hợp được nhận huân, huy chương, bằng khen, chế độ của Nhà nước hiện hành", bà Quân vui vẻ nói.

Chạm tay vào những mảnh đạn chi chít ở chân, nhìn những bước đi đầy khó nhọc của bà, tôi hỏi: “Vì sao cô không an hưởng tuổi già mà lại chọn công việc vất vả này?”. Giọng bà mạnh mẽ khẳng định: “Đó là tình đồng đội. Lãng quên người đã mất là giết họ thêm lần nữa!”.

Với chất giọng khi đanh thép, khi nhẹ nhàng, bà kể về rất nhiều trường hợp được bà và đồng đội xác nhận. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Nhiều, quê ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh-một đồng đội thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng nhưng được tổ chức phân công hoạt động bí mật tại bót Hàng Keo. Bót Hàng Keo vốn nổi tiếng ác ôn nên khi hòa bình, đồng chí này bị tiếng oan là bán nước, tay sai. Do không có gì để chứng minh nên sau này các con ông Nhiều đều bị xếp vào dạng theo dõi, dè chừng dù công tác, cống hiến, là những nhân tố tiêu biểu trong thời kỳ kiến thiết, xây dựng quê hương. “Phải mất 4 lần làm hồ sơ, tìm lại các nhân chứng, trình ký các cấp, ngành chức năng, ông Nhiều và gia đình mới được nhận Huy chương và các chế độ theo quy định. Thế nhưng đó không phải là tất cả với ông. Điều ông Nhiều vui nhất là giải phóng cho các con của mình khỏi “vết đen” từ lý lịch của ba. “Tôi vẫn nhớ ngày cầm tờ giấy xác nhận, anh đã khóc như đứa trẻ uất ức, tủi hờn bao lâu nay. Anh chỉ gọi các con ơi rồi nghẹn ngào...”, bà Quân xúc động kể.

Với cái tâm sáng của người cộng sản kiên trung 62 năm tuổi Đảng; cái tâm của Bộ đội Cụ Hồ, của một nữ biệt động luôn làm theo lời Bác, đi theo lá cờ của Đảng quang vinh luôn xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, “hành trình sáng tác” những khúc anh hùng ca do chính những người phụ nữ như bà Quân và đồng đội viết nên bằng những âm điệu bi tráng như đã thấm vào đất, hòa vào mây.

Trò chuyện hồi lâu, giọng bà khàn hơn, cơ thể không cho phép ngồi lâu nên tôi chào bà để ra về. Lúc rời đi, bà còn ưu ái tặng tôi tập thơ mang tên “Nước mắt chảy ngược” do bà sáng tác với lời dặn chân tình: “Tôi làm thơ không hay nhưng vẫn cứ làm như một mệnh lệnh trái tim thiêng liêng. Viết để nhớ về người thân, về đồng đội, về quê hương đất nước; viết để không quên những người đã ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn”.

Biết ơn quá khứ để sống tốt đẹp hơn. Đó là tất cả những gì bà Quân muốn gửi gắm.

“Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật - cẩn thận - khôn khéo - kiên nhẫn”.

 Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng tình báo quốc phòng, ngoài những lần gặp gỡ, trò chuyện thân ái với cán bộ, chiến sĩ, Bác còn gửi thư thăm hỏi, động viên; tại Hội nghị tình báo quốc phòng lần thứ 2, đầu tháng 8 năm 1949 Bác đã gửi thư và ân cần căn dặn những điều tâm đắc đối với ngành tình báo.

Theo Bác, tình báo là một khoa học; do vậy, phải bí mật, tức là tuyệt đối tránh sơ suất; phải cẩn thận, tức là tuyệt đối tránh cẩu thả; phải khôn khéo, tức là tuyệt đối tránh luộm thuộm; phải kiên nhẫn, tức là tuyệt đối tránh hấp tấp. Đây là những nguyên tắc cơ bản của công tác tình báo và cũng là những đức tính cần phải có của mỗi cán bộ, chiến sĩ tình báo, chi phối toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của tình báo quốc phòng. Hoạt động tình báo là hoạt động bí mật, quan hệ trong hoạt động tình báo là “cự ly, đơn tuyến”. Không giữ được bí mật thì không còn hoạt động tình báo. Có cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn mới bảo đảm được bí mật để hoạt động lâu dài và ngược lại. Thực tế đã chứng minh, nhờ có giữ tốt bí mật mà nhiều cán bộ, chiến sĩ tình báo của ta đã thâm nhập được vào các cơ quan đầu não của địch, hoạt động trong thời gian dài. Nhờ có khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn nên đã tác động, chuyển hóa được quần chúng tham gia phục vụ cho cách mạng, kể cả những người đứng trong hàng ngũ địch, cung cấp những tin tình báo có giá trị, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ tình báo quân đội phải luôn quán triệt, học tập, tu dưỡng rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm bí mật trong mọi công việc, trong mọi tình huống. Làm việc phải cẩn thận, tỉ mỉ, cụ thể, chu đáo, không chủ quan mất cảnh giác, trước mọi công việc, phải luôn thận trọng, hiểu thật rõ, phải xem xét mọi mặt, phải dự tính, lường trước mọi tình huống, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, nguyên tắc…Phải thật khôn khéo, sáng suốt, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy, tinh thông, nâng cao cảnh giác cách mạng, tuyệt đối không để địch mua chuộc, lôi kéo, khống chế. Phải kiên trì, nhẫn nại, bền gan, vững chí, tin tưởng vào chính mình, vào đồng đội và tin vào chiến thắng góp phần giữ vững, tô thắm truyền thống 16 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, độc lập sáng tạo, bí mật khôn khéo, đoàn kết quyết thắng”, xứng đáng là “tai, mắt” tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng.

“Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”.

 Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Máy bay “phản lực” phản Mỹ”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 2135,  ngày 04 tháng 8 năm 1952.

Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt; với sự giúp sức của các đồng minh, thực dân Pháp tập trung huy động và đưa vào chiến trường Đông Dương các loại vũ khí trang bị hiện đại nhằm cứu vãn tình thế bất lợi đối với quân đội Pháp đang diễn ra trên chiến trường. Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra đối với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng và phát huy tốt nhân tố chính trị, tinh thần cho quân và dân ta, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”. Tuy nhiên, nhân tố chính trị, tinh thần không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành từ nhận thức sâu sắc về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị, tinh thần đã góp phần làm chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực, kết nối tất cả các nguồn lực, các nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta, là sức mạnh của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, thực hiện phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cùng với việc huấn luyện làm chủ các loại vũ khí, trang bị hiện đại, cần phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần; giáo dục, rèn luyện cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và quan điểm “vũ khí luận”, tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, coi nhẹ sức mạnh nhân tố chính trị tinh thần.

Giúp dân như giúp người thân

 

Ngày 18-9, nắng vùng Tây Bắc như đổ lửa nhưng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lào Cai tiếp tục chạy đua với thời gian, tích cực tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Hơn một tuần sau trận lũ lịch sử, vượt lên khó khăn, thử thách, suốt quá trình tìm kiếm, những đôi mắt của cán bộ, chiến sĩ như dán vào từng hủm sâu, khe đá, lùm cây, nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích. Trung sĩ Giàng Si A Nốp, y tá Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 254, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cứ cần mẫn đi dọc bãi sình lầy cắm sâu chiếc gậy tre xuống lớp bùn sâu, chăm chú quan sát dấu hiệu nạn nhân bị vùi lấp. Vừa thực hiện nhiệm vụ, Giàng Si A Nốp vừa tranh thủ trao đổi, phổ biến cho đồng đội kinh nghiệm tìm kiếm người mất tích, nhất là các dấu hiệu dễ nhận biết được anh đúc rút sau cuộc tìm kiếm nạn nhân tại Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc cách đây ít ngày.

Giúp dân như giúp người thân
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 254, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai tìm kiếm nạn nhân mất tích tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai). 

Khi tôi hỏi cán bộ, chiến sĩ có sợ nguy hiểm, Binh nhất Lò Văn Diện, chiến sĩ nuôi quân, Tiểu đoàn 1 khẳng định: “Nguy hiểm, vất vả của bộ đội chẳng thấm vào đâu so với mất người thân của các gia đình nơi đây. Chúng tôi chỉ mong sớm tìm được nạn nhân mất tích để gia đình họ vợi bớt nỗi đau".

Càng về trưa, không khí vùng cao Bắc Hà càng trở nên oi nồng, ngột ngạt, nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn tích cực tìm kiếm. Theo sát bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hơn một tuần nay, Thượng tá Nguyễn Hữu Năng, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà bộ đội đã và đang trải qua. Vì thế, anh luôn chú ý quan sát, nhắc nhở, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ kỹ năng bảo đảm an toàn trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí nào có dấu hiệu mất sức, anh chỉ đạo quân y khẩn trương hỗ trợ đưa đến vị trí thoáng mát, tích cực chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Binh nhất Phạm Văn Hiếu, chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, bộc bạch: “Mặc dù nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhưng chúng tôi luôn được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị quan tâm, chăm lo chu đáo, động viên kịp thời. Trước mất mát quá lớn của bà con, chúng tôi xác định phải nỗ lực giúp đỡ nhân dân như chính người thân, gia đình”.

Giúp dân như giúp người thân
 
Giúp dân như giúp người thân
Bộ đội lật từng phiến đá, vạch từng bụi cỏ tìm kiếm nạn nhân mất tích. 

Sau hơn hai ngày nỗ lực không ngừng, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lào Cai đã tìm thêm được 3/8 thi thể nạn nhân bị mất tích tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông. Khi mặt trời lấp sau ngọn núi, nhìn theo dáng cán bộ, chiến sĩ hành quân, đồng chí Vàng Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lúc xúc động: “Những ngày qua, bộ đội, dân quân hết lòng giúp đỡ bà con vùng lũ. Từ vận chuyển lương thực tiếp tế cho các khu vực bị cô lập, hỗ trợ các hộ trong vùng nguy hiểm di dời người và tài sản đến nơi an toàn, lại tích cực tham gia cùng các lực lượng tìm kiếm người mất tích. Đồng bào Nậm Lúc biết ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm!”.  

Tạo việc làm, trao cơ hội lập nghiệp cho bộ đội xuất ngũ

 

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hàng nghìn quân nhân hết hạn tại ngũ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) trở về địa phương.

Cùng với các hoạt động ý nghĩa như đón, gặp gỡ, động viên, TP Hồ Chí Minh đã phát huy nhiều mô hình ngày hội, sàn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho quân nhân xuất ngũ, tạo nhiều cơ hội lập nghiệp, cống hiến sức trẻ vào sự phát triển của thành phố.

Bảo đảm chế độ, hỗ trợ những cơ hội nghề nghiệp

Ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh), trong nhiều năm qua, công tác giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ được quan tâm, tạo điều kiện ở mọi cấp, mọi ngành trong quận. Vào các đợt quân nhân xuất ngũ, Ban CHQS quận 3 tổ chức lễ đón, gặp gỡ động viên, tặng quà; phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể, tổ chức đào tạo, định hướng việc làm và học nghề phù hợp khả năng, nguyện vọng của quân nhân. 

Theo Trung tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Ban CHQS quận 3, sau khi hoàn thành NVQS trở về, các chiến sĩ trưởng thành về mọi mặt, tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về quân sự, chính trị, hậu cần và kỹ thuật; có bản lĩnh vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật cao, sức khỏe tốt, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.

Tạo việc làm, trao cơ hội lập nghiệp cho bộ đội xuất ngũ

 Bộ đội xuất ngũ ở TP Hồ Chí Minh tìm hiểu cơ hội việc làm tại ngày hội giới thiệu việc làm.

Ban CHQS quận bên cạnh bảo đảm tốt các chế độ, tiêu chuẩn theo quy định như: Chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm; chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ... còn mở ra nhiều kênh hỗ trợ vốn vay, tham gia sàn giới thiệu việc làm, học nghề, kết nối với doanh nghiệp, giúp tạo cơ hội cho quân nhân xuất ngũ phát triển nghề nghiệp ổn định.

Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội quận 3 có chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho đối tượng bộ đội xuất ngũ với mức 100 triệu đồng/người, thời hạn 10 năm để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ nghề chuyên môn... Trường Trung cấp nghề Nhân đạo (quận 3, TP Hồ Chí Minh) có nhiều chính sách đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ gắn với các ngành: Công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện công nghiệp, điện lạnh... 100% quân nhân xuất ngũ sau khi hoàn thành chương trình học nghề đều được trường hỗ trợ giới thiệu việc làm.

Với đặc thù đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp lớn, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực. Nhằm bảo đảm chính sách chăm lo bộ đội xuất ngũ, làm tốt công tác hậu phương Quân đội, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã tham mưu với Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Quyết định số 887/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và bố trí công tác cho đảng viên vừa hoàn thành NVQS phục vụ tại ngũ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nền tảng hậu phương Quân đội.

Hiệu quả của ngày hội, sàn giới thiệu việc làm

Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ ở TP Hồ Chí Minh nổi bật mô hình ngày hội việc làm, sàn giới thiệu việc làm. Các quận, huyện và TP Thủ Đức hằng năm tổ chức các ngày hội, sàn giới thiệu việc làm dành cho đối tượng bộ đội xuất ngũ và thu hút đông đảo các trung tâm, đơn vị, trường nghề, doanh nghiệp tham gia.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh: Trung tâm luôn phối hợp với Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tổ chức sàn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho quân nhân xuất ngũ. Trong năm 2024, đã có 28 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với hơn 4.100 vị trí việc làm ở các trình độ, ngành nghề như công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí, kỹ thuật, tài chính...; mức lương 7,5-12 triệu đồng/tháng, cùng nhiều chính sách bảo hiểm, tạo chỗ ở, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. 

Đại tá Nguyễn Công Anh, Phó chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết: "Ngày hội, sàn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề được xem là mô hình hiệu quả, sinh động, tạo cơ hội tốt cho quân nhân xuất ngũ trên địa bàn thành phố tiếp cận các chương trình đào tạo nghề, tìm việc làm phù hợp. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực có ý thức tổ chức kỷ luật, sức khỏe và trình độ, đáp ứng yêu cầu của nhiều ngành nghề chất lượng cao. Các mô hình này có ý nghĩa rất lớn, giúp bộ đội xuất ngũ ổn định cuộc sống, lập nghiệp; bổ sung lực lượng lao động trẻ, chất lượng để xây dựng những nhân tố lao động tiêu biểu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, phát triển thành phố".

Kiên trì đấu tranh với âm mưu “phá bĩnh” quan hệ láng giềng

 

Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, mối quan hệ giữa Việt Nam với 3 quốc gia láng giềng là Lào, Campuchia và Trung Quốc đã chứng minh sự bền chặt và trở thành tài sản quý giá, niềm tự hào của người dân mỗi nước.

Nhưng thử thách chưa hẳn đã hết khi các thế lực thù địch, phản động vẫn đang âm thầm thực hiện ý đồ xuyên tạc, nhằm tạo ra bầu không khí nghi kỵ, hòng chia rẽ các mối quan hệ này.

Thực tiễn đã chứng minh các mối quan hệ Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi của các mối quan hệ thông thường và được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước. Thực tế đó trước hết bắt nguồn và được nuôi dưỡng từ truyền thống ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau của Việt Nam và 3 quốc gia láng giềng trong từng giai đoạn lịch sử, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của mỗi nước trước đây. Cùng với đó, trong thế giới đầy biến động hiện nay, việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị càng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và phát triển của các quốc gia có chung đường biên giới. Nói cách khác, việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng không chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan mà còn từ thực tế khách quan của cả Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Kiên trì đấu tranh với âm mưu “phá bĩnh” quan hệ láng giềng
Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Cũng có thể khẳng định, cùng với đà thay đổi hết sức nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, việc củng cố và phát triển môi trường hợp tác hữu nghị xuyên biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phù hợp với truyền thống giữ nước của ông cha ta. Khi nhiều nơi trên thế giới đang khốn khổ vì chiến tranh và xung đột, có lẽ người dân các nước thấm thía rằng, việc duy trì hiện trạng hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trên mỗi tuyến biên giới là điều hết sức đáng quý.

Dĩ nhiên, quan hệ láng giềng cũng giống như bất kỳ mối quan hệ quốc tế nào khác, bên cạnh những điểm tương đồng thì vẫn tồn tại những vấn đề vướng mắc, tồn đọng, mà đối với Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc điển hình là vấn đề biên giới, lãnh thổ. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, với tinh thần cầu thị, Việt Nam cùng 3 quốc gia láng giềng đã kiên trì, bền bỉ giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ và đạt được những kết quả quan trọng trong hoạch định biên giới trên đất liền. Bằng chứng là sau khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Hiệp ước hoạch định biên giới vào tháng 12-1999 và được Quốc hội hai nước phê chuẩn vào năm 2000, hai bên đã tiến hành phân giới, cắm mốc và đến cuối năm 2008, công tác phân giới, cắm mốc cơ bản hoàn thành. Trong khi đó, với biên giới Việt Nam-Campuchia, tháng 10-2019, hai nước đã ký chính thức hai văn kiện nhằm ghi nhận thành quả 84% chiều dài đường biên giới trên đất liền được phân giới, cắm mốc. Với biên giới Việt Nam-Lào, tháng 6-1981, hai bên đã phân giới trên thực địa và cắm mốc xong 95% đường biên giới; đến tháng 10-1987, hai bên ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận toàn bộ kết quả công tác phân giới, cắm mốc theo Hiệp ước bổ sung, kết thúc quá trình phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam-Lào.

Thế nhưng, biên giới, lãnh thổ quốc gia luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá đường lối, chính sách đối ngoại, phá hoại sự ổn định về chính trị-xã hội của Việt Nam cũng như chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và 3 quốc gia láng giềng. Không chỉ phủ nhận hoặc cố tình xuyên tạc những thành quả của quá trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói trên, đến nay, một số đối tượng vẫn tiếp tục sử dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ cùng với các vấn đề tôn giáo, sắc tộc, nhân quyền để kích động, cổ vũ cho các hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn ở biên giới, từ đó thực hiện mưu đồ chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Cùng với đó, không thể không nhắc đến âm mưu thực hiện chiến lược “mưa dầm thấm lâu” nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị, kinh tế quốc tế và các quốc gia láng giềng cũng có nhiều hoạt động mở rộng, tăng cường quan hệ đối ngoại. Ví dụ có nhiều, song có lẽ điển hình nhất là trước, trong và sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng 9-2023. Lợi dụng việc Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, một số đối tượng liên tục "phân tích bừa" rằng Việt Nam đã quay lưng lại với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ để “đi với nước này chống nước kia”, hoặc Việt Nam đang triển khai chính sách “đi dây” trong quan hệ với các cường quốc... Không khó để thấy rằng, mưu đồ cốt lõi phía sau những luận điệu xuyên tạc này là gây nghi kỵ trong dư luận nhân dân và tiếp tục “tập hợp lực lượng” để chống phá, chia rẽ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Phải thừa nhận, mặc dù những luận điệu xuyên tạc kết hợp với hành động phá bĩnh nói trên không thể làm suy chuyển đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam nhưng cũng tạo dư luận xấu trong một bộ phận quần chúng ít tiếp cận với nguồn thông tin chính xác, gây khó khăn cho hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, trong đó có quan hệ với Lào, Campuchia,Trung Quốc. 

Song song với công cuộc đổi mới toàn diện và mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và chăm lo gìn giữ, phát triển mối quan hệ với Lào, Campuchia, Trung Quốc. Trong đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Thực sự đáng mừng là các mối quan hệ ấy đã và đang phát triển tốt đẹp, góp phần rất quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở các khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân mỗi nước. Trên cơ sở xác định quan hệ chính trị là nền tảng, quan hệ giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc đang được mở rộng và hướng tới các hoạt động hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng-an ninh, giao lưu nhân dân, hợp tác ứng phó với thiên tai, môi trường...

Những kết quả hợp tác, nhất là ở khu vực biên giới, chính là lời phản bác đầy sức nặng đối với mưu đồ chia rẽ quan hệ Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia và Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh với một bộ phận xã hội-những người xuất phát từ mong muốn đất nước tốt hơn song lại dễ bị mê hoặc bởi những luận điệu gây chia rẽ, kích động dư luận trên mạng xã hội.

Đâu cần gì cao xa, chỉ cần hiểu đúng về nỗ lực củng cố, bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng là đã góp phần không nhỏ cho hòa bình, ổn định và quá trình đi lên của đất nước.

Hà Nội phát huy thế mạnh thành phố sáng tạo của UNESCO

 

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, UBND thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025.

Hà Nội phát huy thế mạnh thành phố sáng tạo của UNESCO
Một góc thành phố Hà Nội. 

Nổi bật trong chuỗi hoạt động này là Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024, dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 17-11, với chủ đề: “Giao lộ sáng tạo”. Trong lễ hội, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm mô hình không gian sáng tạo tại sân ngoài trời Cung Thiếu nhi Hà Nội, sân ngoài trời Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các vườn hoa và một số địa điểm trên tuyến lễ hội thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm. Nhiều hoạt động diễn ra như: Trưng bày “Di sản giáo dục”; trình diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; giới thiệu lĩnh vực điện ảnh-sân khấu-xiếc; trình diễn bộ sưu tập thời trang của các nhà thiết kế trẻ, sáng tạo...


Nắm chắc nhiệm vụ, làm chủ khí tài, hiệp đồng chặt chẽ

 

Những năm qua, bộ đội phòng không, ra-đa Vùng 5 Hải quân luôn nỗ lực phấn đấu, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Theo chân đoàn công tác của Vùng 5 Hải quân đến các đơn vị, chúng tôi cảm nhận chân thực, sinh động về trình độ và tinh thần trách nhiệm của những người lính biển nơi đây.

Xử lý thắng lợi các tình huống

Chúng tôi theo đoàn công tác do Đại tá Trịnh Xuân Tùng, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân làm trưởng đoàn đến kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) tại Tiểu đoàn Pháo phòng không 553 và Trung đoàn Ra-đa 551. Đến trận địa của Đại đội 84, Tiểu đoàn 553, chúng tôi chứng kiến không khí huấn luyện sôi nổi, nghiêm túc của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng trên mâm pháo, bộ đội vẫn hăng say luyện rèn. Khẩu lệnh của người chỉ huy và tiếng hô của các pháo thủ vang rền trận địa.

Sau khi theo dõi bộ đội huấn luyện, Đại tá Trịnh Xuân Tùng phát tình huống báo động chiến đấu: "Theo thông báo từ Sở chỉ huy Vùng, hướng Tây Bắc đảo A phát hiện một máy bay đối phương đang bay thẳng vào trận địa của đơn vị". Ngay lập tức, tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Trên trận địa của Đại đội 84, khẩu lệnh đanh thép, dứt khoát của người chỉ huy được truyền đi liên tục. Chỉ trong giây lát, các khẩu đội đã triển khai đội hình chiến đấu, quay pháo bắt, bám mục tiêu, sẵn sàng nhả đạn. 

Nắm chắc nhiệm vụ, làm chủ khí tài, hiệp đồng chặt chẽ

Đại tá Trịnh Xuân Tùng kiểm tra công tác nhận dạng, xác định kiểu loại mục tiêu tại Trạm Ra-đa 605, Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân.

Tình huống tiếp tục được đẩy lên cao khi máy bay địch chuẩn bị bổ nhào đánh vào trận địa đại đội. Lúc này, các trinh sát viên nhanh chóng báo cáo phần tử, phương vị, góc tà của mục tiêu; trắc thủ đo xa báo đọc cự ly, các khẩu đội pháo 37mm khẩn trương bắt, bám mục tiêu, chờ lệnh điểm xạ. Máy bay vào tầm bắn hiệu quả, được lệnh cấp trên, các khẩu pháo nhả đạn tiêu diệt mục tiêu.

Kết thúc tình huống chiến đấu, Binh nhất Đỗ Quốc Huy, chiến sĩ Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 84 nở nụ cười tươi rói, chia sẻ với chúng tôi: "Để xử lý tình huống chính xác, kịp thời, cả khẩu đội phải phối hợp nhịp nhàng, làm chủ vũ khí, trang bị, thao tác thuần thục. Do được huấn luyện sâu kỹ, lại luyện tập thường xuyên nên các thành viên của khẩu đội đều đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ". 

Quyết tâm không để sót, lọt mục tiêu

Lên Trạm Ra-đa 605, Trung đoàn 551 khi bóng chiều đã ngả nhưng kíp trực của đơn vị vẫn tập trung cao độ quan sát, theo dõi mục tiêu trên màn hình ra-đa và ống nhòm chuyên dụng. Đại úy Đỗ Đình Nam, Trạm trưởng Trạm Ra-đa 605, cho biết: "Nhiệm vụ của Trạm là quan sát, phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không, xác định kiểu loại, hành động, kịp thời báo cáo về sở chỉ huy cấp trên và các đơn vị hiệp đồng; đồng thời xác minh, dẫn dắt, chỉ thị mục tiêu cho các lực lượng xử lý khi có tình huống". 

Tại vị trí quan sát mắt của đơn vị, theo yêu cầu của đồng chí Tư lệnh Vùng, Thượng úy QNCN Phan Ngọc Đại, nhân viên Trạm Ra-đa 605 giới thiệu mạch lạc, đầy đủ về cấu tạo, tính năng kỹ, chiến thuật của ống nhòm, hướng quan sát chủ yếu và các mục tiêu quan sát được trong ca trực. Bắt tay người cán bộ, nở nụ cười tươi, Đại tá Trịnh Xuân Tùng tỏ rõ sự hài lòng về trình độ, khả năng và trách nhiệm của bộ đội.

Bên trong phòng trực điều hành, không khí làm việc của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ rất nhộn nhịp, khẩn trương bởi các mục tiêu liên tục xuất hiện. Chỉ tay vào những chấm nhỏ li ti dày đặc trên màn hình ra-đa, Thiếu tá QNCN Đậu Hồng Sơn, nhân viên Trạm Ra-đa 605 cho biết, đây là các mục tiêu ra-đa quét được.

Từ tàu quân sự, tàu hàng cho đến tàu đánh cá của ngư dân đều được hiển thị trên màn hình. Khi màn hình ra-đa xuất hiện mục tiêu mới, Đại tá Trịnh Xuân Tùng yêu cầu vị trí trực máy nhận dạng, xác định kiểu loại phương tiện. Chưa đầy 2 phút, nhân viên Trạm Ra-đa 605 đã báo cáo mục tiêu là một tàu hàng. Để kiểm tra tính chính xác, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân yêu cầu Trưởng ban Tác chiến Vùng lên vị trí quan sát mắt sử dụng ống nhòm xác minh. Kết quả kiểm tra đúng như báo cáo của nhân viên.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 605, Đại tá Trịnh Xuân Tùng yêu cầu: “Khu vực đơn vị được giao quan sát có lưu lượng phương tiện tàu, thuyền hoạt động lớn. Đây là địa bàn nóng về buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép, có nguy cơ xảy ra vi phạm khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vì vậy, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đơn vị phải bám đài trạm, duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện, chế độ canh trực, tích cực quan sát phát hiện, không để sót, lọt mục tiêu, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn trên biển, cùng các lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Giờ làm việc cuối ngày khép lại cũng là lúc đoàn công tác rời Trạm Ra-đa 605, kết thúc buổi kiểm tra SSCĐ tại các đơn vị nhưng ấn tượng về trình độ, tác phong người chỉ huy và tư thế SSCĐ cao của những người lính biển còn đọng lại mãi trong tôi.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời kỳ mới

 

Trong thời bình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục sử dụng chiến tranh tâm lý với phương thức và thủ đoạn được “nâng cấp”, trong đó tích cực lợi dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh với thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch là việc làm rất cần thiết.

Sự nguy hại từ âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý

Chiến tranh tâm lý là các hoạt động phá hoại tâm lý của đối phương; các thủ đoạn của đấu tranh tư tưởng tác động vào tâm lý con người, xã hội của đối phương, nhằm tạo ra những xung đột tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, lợi ích và quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội, giá trị văn hóa... Từ đó gây ra mất đoàn kết, khủng hoảng và xung đột nội bộ, suy giảm tinh thần chiến đấu, dẫn đến phe cánh, bè phái, nội chiến rồi tự suy sụp, tan rã.

Trong thời bình, các thế lực thù địch thường coi chiến tranh tâm lý là “vũ khí chiến lược” hòng làm thay đổi sắc thái hòa bình, khiến cho hòa bình chính trị mất đi tính chất yên ổn, từ đó thừa cơ thực hiện tham vọng đen tối. Lợi dụng sự phát triển của khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chiến tranh tâm lý trong thời bình mang những màu sắc tinh vi, khó nhận diện cho đến khi nó xuất hiện trên cả không gian thực và không gian ảo. Do đó, nguy cơ tác động từ chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch đến tư tưởng, tâm lý con người là rất khó kiểm soát.

Công cụ, lực lượng trực tiếp và chủ yếu tiến hành chiến tranh tâm lý là các cơ quan tình báo, các trung tâm truyền thông đại chúng, tổ chức phi chính phủ của một số quốc gia. Ngoài ra, cũng có một số người Việt Nam lưu vong cũng tham gia hành động này. Hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý đối với các tầng lớp nhân dân thông qua việc chuyển và tán phát tài liệu chống đối trong nước; tác động, lôi kéo phát triển lực lượng nội địa, xâm nhập vào hệ thống chính trị của ta. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm ta đã phát hiện hàng nghìn tài liệu có nội dung chiến tranh tâm lý, tài liệu tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước được tán phát vào Việt Nam.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời kỳ mới
 Ảnh minh họa: congannhandan.com.vn

Các đối tượng còn lập ra và sử dụng các đài phát thanh và truyền hình, các báo, tạp chí điện tử có trụ sở ở nước ngoài để tuyên truyền chiến tranh tâm lý. Họ thường xuyện lợi dụng các phương tiện truyền thông này để đưa nhiều nội dung thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước hòng gây bất lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Thi thoảng họ phát động những chiến dịch nhằm thổi phồng những khó khăn phức tạp trong xã hội; xuyên tạc tình hình đất nước, lợi dụng tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động tâm lý bất bình, bất mãn trong xã hội hòng lôi kéo quần chúng nhân dân vào các hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước ta.

Tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh 

 Phòng, chống chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch là vấn đề khó khăn, phức tạp. Trên thực tế hiện nay, còn không ít người đang mơ hồ về chiến tranh tâm lý. Một bộ phận người dân do nhận thức hạn chế nên không nhận diện được các thủ đoạn chiến tranh tâm lý; thậm chí một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đã được rèn luyện, thử thách qua các thời kỳ cách mạng, song do chủ quan, mất cảnh giác trong nhận thức nên đã “sập bẫy” chiến tranh tâm lý và vô hình trung trở thành người cổ xúy cho các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước.

Do vậy, để các tầng lớp nhân dân có nhận thức tốt hơn về chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở phải chủ động tuyên truyền, trang bị cho cán bộ, đảng viên, nhân dân những hiểu biết cơ bản về phương thức, thủ đoạn, kỹ thuật tiến hành chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch. Đây là cơ sở, yêu cầu hàng đầu nhằm góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch.

Cần phải đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng thiết lập và sử dụng các trang thông tin chính thống, website, mạng xã hội, diễn đàn để đăng tải những bài viết tuyên truyền về quan điểm chính thống, định hướng dư luận, đồng thời đấu tranh phản bác các thông tin chiến tranh tâm lý nguy hại của các thế lực thù địch. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, có tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Đảng, Nhà nước để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Chủ động cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trong mặt trận đấu tranh tâm lý. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các lực lượng. Việc chậm trễ cung cấp thông tin và sự thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận chính là tự tạo ra "khoảng trống" thông tin, là mầm mống nảy sinh những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng trong xã hội; ở mức độ đơn giản là nảy sinh những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp.

Thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu nêu trên chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả trong phòng, chống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.

Bác bỏ thông tin xuyên tạc "cán bộ bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai"

 

Những ngày qua, khi toàn xã hội chung tay góp sức giúp người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra thì trên không gian mạng xuất hiện một số tài khoản có phát ngôn phiến diện, lạc lõng, xuyên tạc sự thật.

Các ý kiến này cố tỏ ra có nghĩa khí, trách nhiệm, lớn tiếng hoài nghi rằng Đảng, Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao vẫn “chăn ấm, đệm êm”, không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ, bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai.

Một số ý kiến mỉa mai rằng: Chỉ có dân cứu dân khi hoạn nạn, dân không thể kêu cứu chính quyền mà chỉ có thể nhờ ai đó giúp mình; rằng sự xuất hiện của cán bộ trong bão lũ cũng chỉ là “phông bạt” để “mị dân”... Thực tế, những cách nghĩ, nhận thức, hoặc suy diễn nêu trên là hoàn toàn sai lầm, gây nguy hại, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai và làm giảm uy tín, danh dự của đội ngũ cán bộ trong Đảng. 

Bác bỏ thông tin xuyên tạc "cán bộ bỏ mặc nhân dân tự chống chọi với thiên tai"

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn  

Có thể khẳng định: Những thông tin xuyên tạc, mang tính quy kết “gắp lửa bỏ tay người” của các thành phần thoái hóa biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã gây nên sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Đây là "cái cớ" để các thành phần phản động, chống phá tập trung hướng lái dư luận hiểu sai lệch, cho rằng Đảng, Nhà nước không quan tâm đến đời sống dân sinh, bỏ mặc người dân trong tình cảnh khốn khó; cố tình gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, chia rẽ giữa LLVT và nhân dân, bôi nhọ cán bộ của Đảng, chê bai Đảng và chế độ ta, từ đó kích động chống đối từ bên trong.

Thực tế cho thấy, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, hậu quả gây ra là không thể tránh khỏi. Đảng ta và các đồng chí cán bộ lãnh đạo không chỉ sớm nắm bắt tình hình, dự báo đúng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra và nỗ lực khắc phục thiệt hại. Cùng với đó, khi bão lũ diễn biến phức tạp, các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp đều có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm để trực tiếp chỉ đạo ứng phó và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.

Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lũ và hàng vạn cán bộ, LLVT ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân... là minh chứng rõ nét nhất về tác phong công tác và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ của Đảng luôn sát dân, vì dân trong bất luận hoàn cảnh nào. Đồng thời, thực tế này cũng giúp đập tan những nhận thức lệch lạc, phiến diện xuất hiện trên không gian mạng trong thời gian gần đây, khi cho rằng: Bệnh quan liêu, xa dân đã “ăn sâu bám rễ”, trở thành “căn bệnh” phổ biến trong đội ngũ cán bộ của Đảng, khiến những luận điệu ấy trở nên “lạc điệu” trong lũ dữ.

Nhiều người dân cứ tự đặt câu hỏi: Không biết những ngày trong tâm điểm mưa lũ, với bộn bề những công việc như chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII); đón tiếp nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra và mọi mặt đời sống-xã hội... các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được mấy phút chợp mắt nghỉ ngơi hay thức trắng đêm vì dân, vì nước?

Không cảm động sao được khi vừa dự xong Lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Quốc phòng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn công tác lên đường hướng về vùng lũ Tuyên Quang, Phú Thọ trực tiếp kiểm tra, động viên nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ. Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lội bùn đến các hộ dân ở Yên Bái động viên bà con và không thể kìm được xúc động khi trực tiếp đến nơi đau thương nhất tại Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) nắm tình hình, động viên nhân dân vượt lên đau thương mất mát và chỉ đạo trực tiếp các lực lượng khẩn trương cứu dân, tìm kiếm những người mất tích do lũ quét gây ra. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội quần xắn cao, lội nước ngập đến thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ Thái Nguyên.

Theo dõi nhiều diễn đàn mạng xã hội, chúng ta dễ dàng nhận thấy: Có đến hàng chục triệu lượt chia sẻ, bình luận tích cực, bày tỏ sự ghi nhận, tán dương, thể hiện lòng biết ơn trước những việc làm, hoạt động mà các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các tướng lĩnh trong Quân đội, Công an và cán bộ, chiến sĩ LLVT đã và đang thực hiện trong bão lũ. Điểm chung những chia sẻ, bình luận của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đều biểu thị sự ủng hộ, khen ngợi đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ, chiến sĩ LLVT vì dân; không quản ngại hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, trực tiếp xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế tại những địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có những chỉ đạo kịp thời trong bão lũ với quyết tâm lo cho dân là trên hết, trước hết. Những bình luận như: “Tuyệt vời Việt Nam”, “Các bác thật gần dân, sát dân”, “Đoàn kết, chúng ta sẽ vượt qua lũ dữ”, “Việt Nam kiên cường”... trở thành thông điệp để “nghĩa Đảng, lòng dân” thêm bền chặt; gắn kết cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay với Đảng, Nhà nước hướng về đồng bào vùng bão lũ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: Có dân là có tất cả! Và người đặc biệt coi trọng, giáo dục đội ngũ cán bộ các cấp phải trọng dân, gần dân, vì dân mới làm được cách mạng và đó mới là mục đích của cách mạng. Thực tiễn, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có biết bao thế hệ cán bộ từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng, trưởng thành. Đi qua một cơn bão dữ để thấy rằng: Tuyệt đại đa số cán bộ các cấp của Đảng, Nhà nước luôn vì nhân dân mà cống hiến, hy sinh; đau cùng nỗi đau của dân, thương cảm, sẻ chia để nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, chăm lo cho người dân có cuộc sống tốt đẹp, nhất là lo cho người dân trong thiên tai, dịch bệnh; trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.

Thực tiễn là thước đo công bằng nhất, tấm gương phản chiếu sinh động nhất nói lên phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ các cấp. Chính từ những việc làm vì dân, vì nước làm ngời sáng thêm đạo đức cách mạng của người cán bộ, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Từ đó mà “ý Đảng, lòng dân” quyện chặt, cùng nhau vượt qua hoạn nạn, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”; dù có thiên tai, địch họa, dù đất nước phải “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa” nhưng chỉ cần “Đảng vì dân, dân tin Đảng”, cùng nhau đoàn kết một lòng thì khó khăn nào chúng ta cũng vượt qua, đỉnh cao nào chúng ta sẽ vươn tới. Đó cũng là những minh chứng rõ nét nhất để chúng ta phê phán, phủ định những luận điệu xuyên tạc, nhận thức lệch lạc cho rằng: Cán bộ bỏ mặc dân trong lũ dữ.

Một Đảng vì dân, đội ngũ cán bộ các cấp vì dân thì được nhân dân tin tưởng và từ đó Đảng ta vững mạnh, chế độ ta trường tồn. Ngược lại, nếu xa dân, để mất niềm tin của nhân dân là mất tất cả. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng phải luôn biết “tự soi, tự sửa” mình hằng ngày, để sống, làm việc sao cho xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân.