Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

“Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”

 Đây là Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền vào ngày 8-1-1946: “… Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”. Lời dạy này được đăng trên Báo Cứu quốc, số 137, ngày 9-1-1946.

 

Lời của Người nhằm huấn thị cán bộ tuyên truyền phải hiểu rõ trong hoàn cảnh, nhiệm vụ nào cũng phải tôn trọng tính khách quan, chân thực, phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng, trình độ dân trí, phát huy giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam; qua đó, hình thành thái độ, phương pháp tuyên truyền phù hợp. Hơn thế, Hồ Chí Minh còn nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tuyên truyền là phải “tôn trọng hiện thực khách quan”, có như vậy tuyên truyền mới có nhiều người nghe và đạt được mục đích, hiệu quả tuyên truyền. 

Quán triệt lời dạy ấy, đội ngũ cán bộ tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương qua các thế hệ đã vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền bảo đảm khách quan, trung thực. Trong lĩnh vực quân sự, cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp luôn nắm vững đường lối kháng chiến, kiến quốc; đổi mới, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú, được cán bộ, chiến sĩ quân đội và toàn dân đón nhận. 

Lời Bác dạy năm xưa hiện được đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trong Quân đội và cấp ủy, chỉ huy đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác nghiên cứu, quán triệt học tập, vận dụng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.


“Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”

 Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ 6 ngày 18-1-1949. Người huấn thị: “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…”

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên như vậy khi Đảng ta đang tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Người khẳng định, nhân dân là “nền gốc” sinh ra cán bộ, là cái “nôi” nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ trưởng thành, phát triển. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải luôn tự phê bình, nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm về đạo đức, quan hệ quần chúng và hậu quả nguy hại từ những yếu kém, khuyết điểm đó. Nhiệm vụ cấp bách mà thực tiễn cách mạng lúc này đang đòi hỏi là phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân; từng cán bộ, đảng viên phải tự soi mình, sửa chữa ngay những yếu kém, khuyết điểm về đạo đức, thực hành tiết kiệm, sửa đổi lối làm việc, xây dựng tác phong công tác khoa học, gần dân.

Lời nói, việc làm, cùng tấm gương đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh cho Đảng trong lãnh đạo nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện lời căn dặn của Người, những thói hư, tật xấu, lối làm việc cá nhân chủ nghĩa, thiếu khoa học, kém hiệu quả trong cán bộ, đảng viên dần được phát hiện, chấn chỉnh, góp phần làm trong sạch Đảng, củng cố đoàn kết trong nội bộ Đảng, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Lời huấn thị của Bác là “cẩm nang” để các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, liên hệ bản thân, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, chống các hành vi sai trái, tiêu cực, xa rời quần chúng, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân… làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.


“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy...”

 


“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-2- 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt. Mặc dù phải chỉ đạo kháng chiến nhưng Bác vẫn dành thời gian đi thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân các địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.

Lời căn dặn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là, cán bộ phải là mắt xích quan trọng, là dây chuyền của bộ máy, giúp cho bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Người còn nhấn mạnh, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ, theo đó, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và cái gốc của cán bộ chính là đạo đức cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng quần chúng không được giáo dục, không được tập hợp thành một khối thống nhất thì cách mạng cũng không đi đến thành công. Trách nhiệm của người cán bộ là người tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và tập hợp quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất mới tạo ra sức mạnh tổng hợp và đưa cách mạng đến thành công. Cán bộ còn là cầu nối, là dây chuyền của bộ máy, phải thực sự tận tâm, tận lực với công việc, thực sự là tấm gương trước quần chúng nhân dân, thực sự là công bộc của dân.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời căn dặn của Bác: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt” vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn, là tư tưởng chỉ đạo trong công tác cán bộ của Đảng ta, đồng thời là yêu cầu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ trong Quân đội nói riêng phải không ngừng học tập, tu dưỡng về phẩm chất, năng lực, thực sự là hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, tiêu biểu về mọi mặt, tận tâm tận lực với công việc, là tấm gương sáng trong từng đơn vị để cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

“Là chủ của tương lai, thanh niên không thể không có lý tưởng cao cả”

 Câu trích trên là một phần nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Malcolm Salmon phóng viên Đông Nam Á của Báo Australia Tribune và Báo Guardian.

Khi được hỏi: “Những hoạt động của các chính khách ở nhiều nước thường không cổ vũ gì lớp thanh niên muốn có một cuộc đời hoạt động chính trị. Xin Chủ tịch cho những độc giả thanh niên của chúng tôi biết ý nghĩa và giá trị của một cuộc đời hoạt động chính trị, cách mạng”, Người trả lời: “Tương lai thuộc về thanh niên. Tương lai là cách mạng luôn luôn tiến lên. Là chủ của tương lai, thanh niên không thể không có lý tưởng cao cả. Vì vậy thanh niên phải có cuộc sống chính trị tích cực và cách mạng”. 

Qua nội dung trả lời của Bác, chúng ta thấy Người nhìn nhận, đánh giá rất cao vai trò, tiềm năng của thanh niên nói chung, thanh niên Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh đất nước đang có chiến tranh, bị chia cắt hai miền Nam - Bắc. Trong hoàn cảnh ấy, tương lai của đất nước Việt Nam là phải thống nhất hòa bình và lý tưởng cao cả của thanh niên là phải thấu hiểu nỗi đau non sông chia cắt, phải có hành động cách mạng thiết thực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam.     

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp lớp thanh niên hai miền Nam - Bắc đã dũng cảm bước vào cuộc đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, thể hiện quyết tâm cao độ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một bộ phận đông đảo thanh niên trở thành anh Giải phóng quân, Bộ đội Cụ Hồ, trực tiếp chiến đấu với quân thù, lập nhiều chiến công oanh liệt, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang. 

Hiện nay, tuổi trẻ - thanh niên Quân đội cần tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, gương mẫu học tập, “rèn đức, luyện tài”, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc; luôn cảnh giác cách mạng cao, làm chủ bản thân, làm chủ khoa học kỹ thuật, vũ khí trang bị, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước đến thắng lợi.

Muốn thi đua có kết quả tốt, thì đầu óc cần phải suy nghĩ tìm tòi…

 Lời trên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bài “Một công nhân gương mẫu”, đăng trên Báo Nhân dân, số ra ngày 29-3-1955, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc thắng lợi, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, cùng lúc phải thực hiện cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, vì vậy cần phải có sự nỗ lực cố gắng, đẩy mạnh thi đua.

Người chỉ rõ: Muốn thi đua đạt kết quả tốt thì đầu óc phải suy nghĩ, tìm tòi và phải có sáng kiến thì mới thu được kết quả tốt, cũng như chân tay phải cần cù nhanh nhẹn, có như vậy kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.

Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp cách mạng nước ta tuy đã đạt được những thành tựu to lớn sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lời dạy của Người: “Muốn thi đua có kết quả tốt, thì đầu óc cần phải suy nghĩ tìm tòi…, cũng như tay chân phải cần cù nhanh nhẹn” vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội… hiện thực hóa thành các phong trào thi đua sâu rộng… Để thực hiện tốt nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, đòi hỏi nội dung, hình thức, phương pháp thi đua phải sát với yêu cầu thực tiễn của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân; từ phong trào nhỏ, quy mô nhỏ, tiến tới phong trào lớn và quy mô lớn. 

Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn thi đua có kết quả tốt, thì đầu óc cần phải suy nghĩ tìm tòi...” và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, yêu cầu cao; thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen. Điều đó đặt ra cho công tác thi đua phải tiếp tục đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, thực sự là động lực thúc đẩy toàn quân hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

“Chỉ có những kẻ ngồi không mới không có sai lầm mà thôi”

 “… Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không có sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không…” - Đó là đoạn trích trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956.

 Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, uy tín của Đảng ta phần nào bị giảm sút, Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Trước quốc dân đồng bào, Người không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của Bác với tư cách người lãnh đạo cao nhất. 

Quan điểm của Bác là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Lịch sử đã chứng minh: Đảng ta ngày một lớn mạnh sau những lần công khai thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, để đề ra được những quyết sách lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên, giành được những thắng lợi mới. 

Đối với mỗi người, nhất là đối với người cán bộ, đảng viên, nếu có trách nhiệm với tổ chức, gia đình, bản thân thì trách nhiệm đó phải được biểu hiện bằng chính việc làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình những trọng trách cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không thể né tránh, thoái thác. Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, “nhận rõ phải, trái, đúng sai”, tự mình xác định việc cần làm. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình là “có tinh thần trách nhiệm cao”. Phải dũng cảm, kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, phấn đấu vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

 Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, chuyên môn, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, không ngừng rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, thực hiện làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh. Trong tổ chức thực hiện, phải luôn đề cao và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lấy hiệu quả công việc làm căn cứ quan trọng, là thước đo đánh giá trình độ, năng lực, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhâ

“Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói”

 Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường số 18, năm 1951: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.

Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta; là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, vừa là thuộc tính bản chất của một Quân đội cách mạng, vừa là một trong những cơ sở tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho đội ngũ cán bộ Quân đội yêu cầu phải luôn chăm lo đến đơn vị, đồng cam cộng khổ với bộ đội thì bộ đội nhất định tin và nghe theo: “Đối với binh sĩ, thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh”. Và Người khẳng định: “Cán bộ có coi đội viên như chân tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”.

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, mối quan hệ cán-binh được xây dựng trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng đội, được tôi luyện, thiết lập vững chắc qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, gương mẫu để bộ đội học tập, noi theo; xây dựng tinh thần tự giác trong bộ đội, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”.

Trong giai đoạn hiện nay, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội hằng ngày một cách chu đáo, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự nêu gương của cán bộ đối với bộ đội. Đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân với tay” thì cấp dưới sẽ kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu, như óc”, như người thân trong gia đình; từ đó, bộ đội sẽ mang hết khả năng để thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh một cách tự giác và có hiệu quả cao nhất. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải luôn là hạt nhân đoàn kết; kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm; phải thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới.


“... Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”

 Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950.

Trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng chế độ xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác huấn luyện và học tập. Từ việc xác định mục đích của việc học tập, Người đề ra yêu cầu, địa chỉ rõ ràng để mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên phấn đấu học tập, rèn luyện thường xuyên, hướng tới mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Lời dạy của Người có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, xác định rõ tầm quan trọng của việc học tập, nhất là học ở nhân dân, đó là môi trường học tập rộng lớn nhất, toàn diện nhất và hiệu quả nhất. Nhân dân không chỉ là đối tượng lãnh đạo mà còn là người thầy lớn, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tiếp cận những kiến thức bổ ích, thiết thực trên mọi phương diện công tác và trong cuộc sống, vì “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, khi tri thức có thể được số hóa, được cập nhật qua các phương tiện truyền thông hiện đại một cách nhanh chóng, phong phú, đa dạng thì lời Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị đối với việc học tập, nhất là học ở nhân dân. Trong xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những ý kiến và trí tuệ của nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng, gợi mở nhiều điều mới mẻ, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân ủng hộ, dân giúp đỡ”.

Quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, càng thấm nhuần hơn nữa lời dạy của Người trong nhiệm vụ học tập, nâng cao trình độ tư duy lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, phương tiện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân càng phải gần gũi nhân dân, giúp đỡ nhân dân, dựa vào nhân dân và học hỏi nhân dân, để xứng đáng với tình cảm, sự quý trọng của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải luôn gương mẫu đi đầu trong tự học, tự rèn, học tập suốt đời; gần gũi với cấp dưới, với bộ đội, khiêm tốn, chân thành học hỏi cấp dưới, học hỏi nhân dân, nhất là những điều còn thiếu; thật sự là hạt nhân lãnh đạo, đoàn kết, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

“Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ của cách mạng, của dân tộc”

 Câu nói trên trích trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại hội chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 31-5 đến 5-6-1956, tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 354 đại biểu là chiến sĩ thi đua và đại diện cho các đơn vị tiên tiến thuộc ngành thương nghiệp cả nước.

Lời của Bác, khẳng định lợi ích của dân tộc phải được đặt lên trước lợi ích của cá nhân. Thực tiễn đã chứng minh, nước độc lập thì ai cũng được tự do; nếu mất nước thì ai cũng làm nô lệ. Cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi, không chỉ dân tộc được giải phóng mà các giai cấp, tầng lớp trong xã hội cũng được giải phóng.

Quan điểm đó đã góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân và cả cộng đồng đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quan điểm trên của Người, tiếp tục được Đảng ta vận dụng vào đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam; toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát và phục vụ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức, phai nhạt lý tưởng cách mạng, quá coi trọng đến lợi ích cá nhân, đã và đang làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, thì việc nắm vững những quan điểm của Người về đặt lợi ích chung của dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân có giá trị thực tiễn sâu sắc; là nội dung, phương hướng rèn luyện đạo đức của mỗi người theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Quân đội ta là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn thấm nhuần lời dạy của Bác về việc phải biết đặt lợi ích của đất nước lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân, kiên định với mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn; quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; luôn chủ động tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hi sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.


“Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả”

 Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài nói chuyện với đại biểu nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngày 13-6-1957. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước vừa hòa bình, vừa có chiến tranh; miền Bắc đi lên xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Lời dạy của Bác đã chỉ rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của sự đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh, là khâu then chốt của mọi thành công; đồng thời, Bác căn dặn đồng bào và nhân dân ta phải luôn nêu cao tinh thần vượt khó, đồng tâm hợp lực thì việc to mấy cũng làm được, cũng thành công. Đoàn kết chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhờ có tinh thần đoàn kết, đồng tâm, hợp lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giành độc lập, thống nhất đất nước, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX; đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, song lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, không những là tư tưởng, phương châm chỉ đạo mà còn là nguồn sức mạnh, động viên, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân; từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đòi hỏi quân đội và mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác, nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng trên cơ sở tình thương yêu giai cấp, lúc thường cũng như lúc ra trận; giữ vững và không ngừng củng cố tình đoàn kết quân dân, thực hiện quân với dân một ý chí; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt cùng với toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

“Muốn có tinh thần XHCN phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân”

 “Muốn xây dựng XHCN phải có tinh thần XHCN, muốn có tinh thần XHCN phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với sinh viên đại học vào tháng 6-1959.

 Đây là thời điểm miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng; miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 Lời dạy của Bác có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã chỉ rõ cho nhân dân ta nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng nhận thức đúng đắn, đầy đủ bản chất của CNXH, con đường mà Đảng, Bác và nhân dân ta đã lựa chọn; thức tỉnh tinh thần toàn dân tộc, trong đó có sinh viên, phải nêu cao ý thức và có tinh thần XHCN, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp vĩ đại đó của dân tộc; đồng thời, kiên quyết đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội, một trong những cản trở lớn trên con đường đi lên CNXH ở nước ta. Thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp sinh viên Việt Nam đã đoàn kết chặt chẽ, ra sức học tập, rèn luyện tốt, chăm chỉ lao động và vượt qua khó khăn, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân để trở thành chủ nhân tương lai của nước nhà, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng.

Ngày nay, cả nước đang ra sức đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong tự phê bình và phê bình, đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, từng cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tích cực học tập, rèn luyện, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, luôn đặt công việc, lợi ích của tập thể lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân; không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; làm chủ vũ khí trang bị; kiên quyết đấu tranh với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, thờ ơ, vô cảm… sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người quân nhân cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.


“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

 “... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng 17-7-1966, trong thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam; đồng thời, leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là động lực tinh thần to lớn, thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đồng tâm, nhất trí, anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hiến dâng máu xương, chiến đấu, hy sinh đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, hung bạo, giải phóng dân tộc và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trở thành dân tộc tiêu biểu cho lương tri của nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; song giá trị của lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn không hề thay đổi. Chân lý đó đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng chính là cội nguồn để tạo nên “những thành tựu có ý nghĩa lịch sử”, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhận thức sâu sắc, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, nhận rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, xây dựng bản lãnh chính trị kiên định, vững vàng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, làm chủ vũ khí, trang bị, tinh thông về kỹ, chiến thuật, nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà”

 Là lời dạy của Bác Hồ trong buổi nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, ngày 25-9-1958, được Báo Yên Bái đăng số 240, ngày 10-10-1958. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cán bộ, đồng bào các dân tộc Yên Bái được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân; là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khi đề cập đến vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi”, phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng cách mạng, muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc được Đảng ta xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu, phải được quán triệt trong tất cả các lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn. Đại hội XII chỉ rõ: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. 

Học tập và làm theo lời Bác dạy, quán triệt và thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau như ruột thịt, trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, nghĩa đồng đội và trở thành lời thề danh dự của mỗi quân nhân, trở thành sức mạnh để Quân đội ta chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ dân, giúp đỡ dân, được dân tin, dân yêu và trìu mến trao tặng danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ - một biểu tượng cao đẹp của quân nhân cách mạng, một nét độc đáo, đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

“Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”

 Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trích trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới”, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 16-10-1968. Đây là bức thư cuối cùng Người gửi ngành giáo dục nước nhà.

Sau khi dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ (năm 1964), từ năm 1965, đế quốc Mỹ sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Miền Bắc từ thời bình chuyển sang thời chiến, nhằm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ và làm tròn vai trò, nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Giữa muôn vàn khó khăn, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhiều, nhưng Người vẫn luôn dành cho ngành giáo dục nước nhà sự quan tâm ân cần, đặc biệt, với bao tâm huyết, kỳ vọng để chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực cao cho công cuộc kiến thiết đất nước.

Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ nhà giáo, cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên, học viên ngành giáo dục không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; mỗi nhà giáo luôn là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, chung sức, chung lòng xây dựng nền giáo dục nước nhà, đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lớp lớp các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên… luôn tâm niệm sâu sắc lời Bác dạy năm xưa, đoàn kết, thi đua “Học, học nữa, học mãi”, “Học để lập thân, lập nghiệp”… vươn lên giành nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Hằng năm, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi cấp châu lục và thế giới đều đạt giải cao, góp phần nâng cao uy tín, vị thế nước nhà trên trường quốc tế, thiết thực góp phần chuẩn bị tốt để đất nước hội nhập, phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các học viện, nhà trường, giáo viên, học viên trong quân đội luôn chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”, đào tạo kịp thời, có chất lượng hàng chục vạn cán bộ có chất lượng tốt cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đáp ứng kịp thời trong điều kiện chiến tranh cũng như giai đoạn hiện nay. Đối với các cơ quan, đơn vị, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, đã cụ thể hóa thành các phong trào thi đua: “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”… góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới

“Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”.

 Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nói trong bài phát biểu tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, ngày 01 tháng 8 năm 1960, Báo Nhân dân đăng trên số 2327, ngày 02 tháng 8 năm 1960.

Đây là giai đoạn miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng được chú trọng, số lượng phụ nữ công tác trong các cơ quan chính quyền từ trung ương đến cơ sở tăng cao; đặc biệt, trong Quốc hội khóa II có tới 53 đại biểu Quốc hội là nữ. Khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa”, kế thừa và phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; từ các phong trào thi đua rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, tiêu biểu với các phong trào thi đua “Ba đảm đang”, phong trào “Đồng khởi”… đã xuất hiện nhiều nữ anh hùng dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, xứng đáng với 8 chữ Vàng Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, phát triển hiện nay, lời Bác Hồ dạy năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn để các thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, ngày càng có nhiều phụ nữ phấn đấu trở thành chính trị gia, nhà khoa học giỏi, nhà quản lý năng động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, phụ nữ Quân đội tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để cùng với phụ nữ cả nước thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy năm xưa.

“Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”.

 Đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên, đầu tháng 8 năm 1959.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy, nhà giáo dục vĩ đại. Cả cuộc đời Người đã đào tạo biết bao thế hệ cán bộ, những chiến sĩ ưu tú cho cách mạng và dành nhiều tình cảm quan tâm đến với các thầy, cô giáo. Bác đặc biệt đề cao vai trò của người thầy, bởi người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, khơi nguồn sáng tạo mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cho học sinh noi theo qua từng giờ lên lớp. Người thầy là những người “đạo cao”, “đức trọng”, người có uy tín được xã hội tôn kính. Có thể nói, ở bất cứ xã hội nào nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Do vậy, người thầy phải có lập trường tư tưởng đúng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có chuyên môn giỏi và không ngừng được phát triển, sáng tạo thì mới hoàn thành trọng trách vẻ vang mà xã hội tin tưởng trao gửi.

Thấu triệt lời Bác dạy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn khắc ghi tinh thần “chính trị là linh hồn” mà Bác đã huấn thị “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự” và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội; phù hợp với yêu cầu, nội dung của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.

Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phải tập trung giáo dục, rèn luyện bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có thái độ phân biệt đúng, sai, không dao động trước các tác động tiêu cực, khó khăn, hiểm nguy. Nói và làm đúng nghị quyết; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; giữ vững và không ngừng phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Sĩ quan trẻ vượt qua nghịch cảnh, sống đẹp cho đời

 

Khắc phục những khó khăn của hoàn cảnh gia đình, Đại úy Lê Anh Quốc, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị luôn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên cương vị bí thư chi đoàn, anh cùng cán bộ, chiến sĩ trẻ đơn vị tổ chức, duy trì đều đặn nhiều hoạt động thiết thực, góp phần hỗ trợ cuộc sống đồng bào vùng biên. Thế nhưng, khi được cấp trên, đồng đội đề xuất khen thưởng, Đại úy Lê Anh Quốc thường khéo léo từ chối.

Vượt qua nghịch cảnh gia đình

Đầu tháng 8-2024, sau những ngày dài trực tiếp tham gia đấu tranh triệt xóa thành công tụ điểm mua, bán lẻ ma túy phức tạp trên địa bàn biên giới, Đại úy Lê Anh Quốc được chỉ huy đơn vị giải quyết nghỉ tranh thủ về thăm gia đình. Khi chàng sĩ quan trẻ dừng xe máy trước cổng căn nhà cấp 4, cậu con trai Lê Anh Minh, 5 tuổi, đang chơi cùng bà nội ở sân chạy khập khiễng ra đón, sà vào lòng người bố đi xa lâu ngày trở về.

Ôm con vào lòng, Đại úy Lê Anh Quốc cúi chào mẹ già, tiến đến bên bàn thờ thắp nén hương lên di ảnh người cha mới qua đời vì căn bệnh ung thư gan, rồi đi vào căn phòng nhỏ thăm vợ vừa hạ sinh con trai thứ hai. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Bắc, 60 tuổi, tóc bạc phơ, dáng gầy gò - mẹ của Đại úy Lê Anh Quốc tiến tới mời nước, trò chuyện cùng những người bạn của con.

Tâm sự về chuyện gia đình, bà Bắc chia sẻ rằng, từ trẻ, vợ chồng bà chỉ dựa đồng ruộng, việc chăm lo cho 5 người con ăn học gặp rất nhiều khó khăn. Từ nhỏ, Lê Anh Quốc đã nỗ lực học rất giỏi và có ước mơ trở thành Bộ đội Cụ Hồ. “Cháu tự học, rồi quyết định thi vào Học viện Biên phòng theo ước mơ của mình. Ngày con báo tin trúng tuyển, cả gia đình và bà con lối xóm đều rất vui mừng", bà Bắc nhớ lại.

Sau 4 năm rèn luyện trên ghế nhà trường, năm 2014, quân nhân trẻ Lê Anh Quốc đã tốt nghiệp Học viện Biên phòng, được phong quân hàm thiếu úy, được điều động về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị nhận công tác. Tại đơn vị, chàng sĩ quan trẻ luôn phát huy được năng lực chuyên môn, phẩm chất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Những năm đầu, anh cũng tiết kiệm tiền lương để sửa chữa lại căn nhà cấp bốn để bố, mẹ già không phải lo khi mưa bão đến. Thế nhưng cuộc sống như muốn thử thách bản lĩnh quân nhân trẻ, khi lập gia đình riêng chưa được bao lâu, anh bất ngờ nhận được thông tin, bố bị bệnh ung thư gan chuyển nặng, còn mẹ cũng thường xuyên ốm đau. Cả 5 chị em, chỉ mình Quốc có thu nhập ổn định, sau khi nhận lương trừ lại sinh hoạt cơ bản, anh gửi số tiền còn lại về để vợ chăm lo thuốc thang cho cha, mẹ già. Rồi trong thời điểm khó khăn nhất, chàng quân nhân trẻ được an ủi phần nào khi biết vợ mang bầu, chuẩn bị được đón thành viên mới.

Sĩ quan trẻ vượt qua nghịch cảnh, sống đẹp cho đời

 Đại úy Lê Anh Quốc kiểm tra, chuẩn bị đưa con trai đi thay chân giả.

“Xin lỗi vì để các anh chờ lâu, tại cũng khá lâu, tôi mới về thăm nhà” – Đại úy Lê Anh Quốc ôm cháu Anh Minh trở ra, khiến câu chuyện giữa chúng tôi với bà Bắc gián đoạn. Ngồi đối diện chia sẻ về quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biên giới nhưng tay của chàng sĩ quan trẻ vẫn nhẹ nhàng bóp chân cho con trai. “Chân cháu Anh Minh bị làm sao vậy đồng chí?”- Câu hỏi của chúng tôi khiến nét mặt Lê Anh Quốc trở nên đượm buồn, ánh mắt suy tư. “Chân cháu đau lắm, không chạy nhanh được”- cậu bé Anh Minh hồn nhiên trả lời khi nghe mọi người nhắc đến tên mình. Rồi cậu bé kéo ống quần dài bên phải lên cao, để lộ chiếc chân giả bằng nhựa được gắn từ đầu gối xuống.

Lúc này, Đại úy Lê Anh Quốc mới lên tiếng: “Con không may bị dị tật bẩm sinh, khuyết chân phải từ khi mới lọt lòng. Nhưng bù lại, Anh Minh rất kiên cường, thông minh các anh ạ!” Theo lời kể của Lê Anh Quốc, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng khi Anh Minh bắt đầu tập đi, anh đã tích góp tiền lương, dành thời gian đưa con đi khám, lắp chân giả, mong muốn cậu bé tự tin phát triển về thể chất, tâm hồn.

“Năm đầu tiên, con trai tôi phải đưa thằng bé vào Đà Nẵng để khám, lắp chân giả với kinh phí 20 triệu đồng. Cháu đang tuổi lớn, mỗi năm ít nhất phải 2 lần đi khám, thay chân khác. Chắc lần này Quốc xin nghỉ tranh thủ về đưa Anh Minh đi kiểm tra, thay chân. Mấy hôm nay, cháu kêu chân bị chật và đau rồi. Tôi cũng ốm đau suốt, con dâu lại không có việc làm ổn định, mọi thứ trong gia đình đều một mình Quốc gánh vác. Tôi rất thương và tự hào khi con trai luôn vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hết mực chăm lo cho gia đình", bà Bắc ngậm ngùi.     

Tâm huyết với nhiệm vụ, hết lòng vì đồng bào

Đó là chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay khi được chúng tôi hỏi về sĩ quan trẻ thuộc biên chế đơn vị. Cán bộ, chỉ huy đồn biên phòng cũng chia sẻ để chúng tôi hiểu thêm về nhiệm vụ của những người lính mang quân hàm xanh nơi biên cương Tổ quốc. Trên đoạn biên giới dài hơn 22,5km và địa bàn hai xã A Bung và A Ngo (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) do Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay quản lý từng là một trong những khu vực trọng điểm của các loại tội phạm hoạt động, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Trước tình hình thực tế, trên cương vị của mình, Đại úy Lê Anh Quốc đã cùng đồng đội bám dân, nắm thông tin, tham mưu cho chỉ huy đơn vị nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả. Trong đó, Đại úy Lê Anh Quốc đã đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, dựa vào dân để bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh trật tự. Cá nhân anh cũng là một cán bộ tuyên truyền viên xuất sắc.

“Cán bộ biên phòng nói về những kiến thức pháp luật cho bà con một cách rất dễ nhớ, dễ hiểu. Nhân dân địa phương cũng quen với hình ảnh sĩ Đại úy Lê Anh Quốc cùng đồng đội đến tận nhà cán bộ thôn bản, người có uy tín và các hộ dân để nắm tình hình về an ninh trật tự trên địa bàn", ông Hồ Văn Long, thôn A Rông Dưới, xã A Ngo, huyện ĐaKrông cho biết.

Sĩ quan trẻ vượt qua nghịch cảnh, sống đẹp cho đời
 Đại úy Lê Anh Quốc cùng đồng đội trao tận tay bát cháo nghĩa tình tặng bệnh nhân nghèo.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, Đại úy Lê Anh Quốc đề xuất ban chỉ huy đồn biên phòng phối hợp chính quyền địa phương 2 xã A Bung và A Ngo thành lập, duy trì 16 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới. Từ quá trình lao động, sinh hoạt, người dân đã nắm bắt, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp Bộ đội Biên phòng kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm biên giới. Cũng theo chia sẻ của đồng đội trong đơn vị, Đại úy Lê Anh Quốc là người rất dũng cảm, kiên quyết trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, chặt chẽ, chỉn chu trong hoàn thiện hồ sơ khép lại các vụ án.

Trong những năm qua, Lê Anh Quốc đã trực tiếp tham gia đấu tranh triệt xóa nhiều đường dây, tổ chức tội phạm ma túy có quy mô lớn, trấn áp nhiều đối tượng nguy hiểm. Điển hình, đầu năm 2024, Đại úy Lê Anh Quốc đã được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia điều tra, đấu tranh Chuyên án A424-3p, triệt xóa đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lào vào biên giới tỉnh Quảng Trị đưa đi các địa phương khác của nước ta tiêu thụ. Sau nhiều tháng gian khổ, anh cùng đồng đội đã góp sức nắm rõ thủ đoạn, đấu tranh thành công chuyên án bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 100 bánh heroin cùng nhiều tang vật liên quan.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, Đại úy Lê Anh Quốc được biết đến là thủ lĩnh đoàn năng động, khi anh cùng cán bộ, chiến sĩ trẻ đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng đến hỗ trợ cuộc sống đồng bào vùng biên. “Xuất thân từ gia đình khó khăn, tôi càng thấu hiểu với những thiếu thốn mà đồng bào Pa Cô, Vân Kiều trên địa bàn gặp phải. Từ đó, tôi đã trao đổi với các đồng chí đoàn viên, thanh niên đơn vị và địa phương để lên ý tưởng tổ chức, duy trì một số hoạt động mong muốn giúp đỡ được phần nào đó để cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn", Đại úy Lê Anh Quốc chia sẻ.

Hơn 3 năm qua, cứ vào sáng thứ 6 hằng tuần, những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại cơ sở 2, Trung tâm Y tế huyện Đakrông đều vui mừng phấn khởi đón nhận những suất cháo dinh dưỡng, nghĩa tình do Lê Anh Quốc và đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay trực tiếp nấu, trao tận tay. Để có được bát cháo nóng, thơm ngon tặng bệnh nhân nghèo, cán bộ, chiến sĩ trẻ đơn vị biên phòng đã thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị. Mỗi bát cháo đến với người dân không chỉ là bữa ăn mà còn là tình cảm của những người lính dành cho đồng bào. Người dân địa phương cũng đã quen với hình ảnh đoàn viên trẻ đơn vị biên phòng và các địa phương đều đặn mang những ổ bánh mì đến các điểm trường xa xôi để tặng học trò nghèo. Chương trình “ổ bánh mì nơi biên cương” được Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tổ chức, duy trì đã được 5 năm.  Bên cạnh đó, Đại úy Lê Anh Quốc cùng đồng đội còn triển khai mô hình “dê giống khởi nghiệp”, tặng giống vật nuôi cho các gia đình nghèo...

Quá trình tìm hiểu hoàn thành bài viết, chúng tôi còn được Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay chia sẻ rằng, Đại úy Lê Anh Quốc thường khéo léo từ chối khi được đề nghị khen thưởng. Tôi liền đưa câu chuyện hỏi chàng sĩ quan trẻ: “Tại sao đồng chí lại thường xin rút khỏi danh sách đề nghị khen thưởng của đơn vị”?  Nghe vậy, Đại úy Lê Anh Quốc liền chia sẻ: “Trong thời gian công tác, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các lĩnh vực khác, tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ bảo từ các đồng chí, đồng đội có kinh nghiệm đi trước. Cùng với đó, tôi cũng được ban chỉ huy, mọi người tạo điều kiện về thời gian mỗi khi có việc gia đình cần giải quyết. Tôi suy nghĩ việc khen thưởng nên dành cho các đồng chí có thành tích, cống hiến tốt hơn”.

Bàn tay nối liền hy vọng

 

Những lần trò chuyện với Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS, TSKH), Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, liên tục bị gián đoạn, lúc thì ông phải hội chẩn, khi thì đi ký phẫu thuật... song tôi không thấy vẻ vội vã của một lãnh đạo đương chức bận rộn. Mọi việc luôn được giải quyết tuần tự, nhờ sự sắp xếp khoa học, đầy duy lý.

Dường như những phẩm chất đó giúp ông vượt khó, trở thành chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình, mang lại hy vọng, mở hướng tương lai cho biết bao người bệnh.

Đi qua nhiều đêm trắng

Sinh hoạt điều độ rất quan trọng cho sức khỏe, nhưng với nghề y, vì nhiệm vụ muốn cũng khó có thể làm theo. Tuổi trẻ của bác sĩ Hoàng đã đi qua nhiều đêm trắng. Hai năm tại chiến trường Campuchia (1987-1989), bác sĩ Hoàng ở độ tuổi hai mươi, thường thức để cấp cứu, đề phòng bất trắc. Khi đó, Quân đội ta đang giúp bạn truy quét tàn quân Khmer Đỏ nơi biên giới hoang vu. Những tên địch áo đen ẩn mình trong đêm, thường áp sát bệnh viện dã chiến, ném lựu đạn, xả súng rồi biến mất.

Bàn tay nối liền hy vọng

 Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng. Ảnh: TẤT SƠN

Ban ngày lại là một cuộc chiến khác. Nước không đủ để rửa mặt, lương thực thiếu thốn, xa nơi dân ở, lối đi nào cũng bị cài đầy mìn. Có ngày bác sĩ Hoàng phải phẫu thuật cho hàng chục thương binh. Nói là phẫu thuật cho đúng chuyên môn, thực tế khốc liệt là phải cắt cụt chi thể bị giập nát. Phòng mổ thô sơ không có nước rửa tay, không có đèn mổ và không đủ dụng cụ, bông băng gạc vô trùng. Quần áo của vị bác sĩ trẻ thấm đẫm máu đồng đội; mệt mỏi và căng thẳng đến nỗi cơm chẳng muốn ăn mà chỉ thèm một giấc ngủ.

Kể chuyện chiến trường K, giọng điệu của ông không thay đổi, gương mặt không biến sắc, chỉ chậm rãi đi vào chi tiết... Nghề y, nhất là ngoại khoa, những ám ảnh vết thương đầm đìa máu tươi, xương khớp lộ ra ngoài phải xem là bình thường nếu còn muốn làm nghề. Thực tế ở chiến trường để lại nhiều kinh nghiệm quý giá, nuôi dưỡng trong ông ước mơ cứu chữa cho bộ đội và nhân dân chẳng may mất đi một phần thân thể.

Từ chiến trường trở về, ông lao vào học tập và nghiên cứu chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. Lại nhiều đêm trắng trôi qua, cố học để thành tài. Ông sử dụng được 4 ngoại ngữ. Ngoài tiếng Nga mài giũa ở lớp chuyên ngữ thời học phổ thông, ông còn “cày” thêm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Có ngoại ngữ, mà giới nghiên cứu gọi đùa là “có chữ”, mới có thể tiếp cận được các tài liệu để tìm hiểu, học hỏi những thành tựu y học tiên tiến; đặc biệt là nền y học Đức, được xem là số 1 trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình.

Đầu thập niên 1990, Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn, nước ta chưa thoát khỏi cấm vận, du học bằng học bổng chính phủ nước ngoài cấp là vô cùng khó khăn. Cơ duyên đến với bác sĩ Hoàng khi Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức cấp hai suất học bổng làm nghiên cứu sinh. Ông thi đỗ, đặt chân đến nước Đức học tập năm 1994. Nhẩm tính qua nhiều đợt, ông gắn bó với nước Đức gần 10 năm.

Điều mà ông tâm đắc không chỉ là học tập kiến thức chuyên ngành mà chính là phương pháp tư duy, tầm nhìn và ý thức luôn đổi mới, sáng tạo. Ông lấy ví dụ, bản thân ông khi chưa được học và hành nghề ở nước ngoài, việc điều trị luôn làm theo lối mòn, không có tư duy phản biện. Có những tổn thương điều trị kéo dài cả năm không khỏi nhưng nhờ tìm ra hướng điều trị mới và phù hợp thì chỉ hai tuần là bệnh nhân đã tương đối bình thường. Vậy là mỗi ca bệnh sẽ có một cách xử lý phù hợp; kiến thức nền cơ bản vững vàng chính là chìa khóa giúp bác sĩ có được phương pháp điều trị riêng biệt với kết quả tối ưu theo hướng cá thể hóa.

May mắn cho bác sĩ Hoàng là được học tập dưới sự hướng dẫn của GS, TSKH E. Biemer, Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật tạo hình Cộng hòa Liên bang Đức, giúp ông có hướng nghiên cứu và thực hành chuyên sâu về vi phẫu thuật, phức tạp và tinh tế, đòi hỏi lòng kiên nhẫn và đôi tay khéo léo. Năm 2008, bác sĩ Hoàng là một trong 5 phẫu thuật viên chính thực hiện ca mổ có một không hai trên thế giới tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich (Đức). Đó là ca phẫu thuật ghép đồng thời hai cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân bị cụt cả hai cánh tay từ 5 năm trước đó.

Từ chối lời mời ở lại Đức làm việc, bác sĩ Hoàng về nước với mong muốn giúp đỡ bệnh nhân bị tật nguyền ở cơ quan vận động, mà đặc biệt là bị cụt chi thể. Nhưng việc tìm được người cho chết não đồng ý hiến chi thể là quá khó khăn do những quan niệm vẫn còn nặng nề trong xã hội.

Thế rồi, trong thời điểm Xuân Canh Tý (2020) sắp đến, một bệnh nhân nam nhập viện trong tình trạng bong lóc giằng dật rất nặng từ sát nách cho đến vùng khuỷu tay. Phần cánh tay buộc phải cắt bỏ do bị tổn thương quá nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng; tuy nhiên phần cẳng tay vẫn còn nguyên lành.

Một quyết định cân não là có thể dùng phần bàn tay để ghép cho bệnh nhân cụt tay khác hay không? Với quyết tâm cao của tập thể Ban giám đốc Bệnh viện và điểm tựa là kinh nghiệm hàng chục năm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về trồng lại chi thể đứt rời, vi phẫu thuật tạo hình mạch máu thần kinh, GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng đã nói với đồng nghiệp: “Nếu không ghép lúc này thì sẽ không bao giờ làm được!”.

Theo bác sĩ Hoàng, ghép chi thể là loại ghép đa cấu trúc gồm rất nhiều thành phần khác nhau như: Da, mỡ dưới da, gân, xương, khớp, dịch khớp, mạch máu, thần kinh... nên tiềm ẩn nguy cơ thải ghép rất cao vì có nhiều dạng kháng nguyên phức tạp cùng tồn tại trong một tạng ghép. Việc điều trị thải ghép sau mổ cũng khó khăn hơn so với các ca ghép tạng đơn thuần khác. Lại là những đêm mất ngủ với ông để chuẩn bị cho ca ghép chưa từng có tiền lệ. Trong suốt gần 7 giờ căng thẳng vừa lấy chi thể người hiến, vừa tiến hành đánh giá và ghép phục hồi cho người bệnh bị cụt tay, kíp mổ gồm hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng đã phối hợp nhịp nhàng để ca mổ thành công rực rỡ.

Ngay sau mổ, bệnh nhân đã có thể nhúc nhích các ngón tay; hơn 3 tháng sau, bệnh nhân giữ được một số đồ vật thô như quả bóng bàn; sau hơn một năm đã có thể cầm bút viết và thực hiện được nhiều hoạt động thông thường. Thành công của ca ghép mở ra hướng điều trị mới vì không chỉ là ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn có thể ghép từ những người cho sống tùy theo những tình huống cụ thể.

Yêu nghề, nghề không phụ

Nhìn lại quá khứ, GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng cảm thấy mình là một người may mắn. Thường thì nghề chọn người, chứ ít khi ngược lại; song từ khi còn nhỏ, cậu bé Hoàng đã mong muốn trở thành một thầy thuốc giỏi.

Cả ông bà nội và ông bà ngoại của bác sĩ Hoàng đều là những người làm nghề thuốc đông y; còn thân phụ của ông là Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Trang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 105. Thời thơ ấu, cậu bé Hoàng không được gần gũi với người cha đi chiến trường biền biệt; nhưng hình ảnh về người cha là bác sĩ quân y luôn hiện hữu, trở thành tấm gương để ông nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện. Là học sinh giỏi của trường chuyên, ông được nhiều trường Quân đội “chấm” vào học. Theo lời khuyên của cha, ông quyết định theo học ở Học viện Quân y mong nối nghiệp nhà.

Bàn tay nối liền hy vọng
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hoàng (bên trái) hướng dẫn bệnh nhân cách vận động hồi phục bàn tay sau khi ghép. Ảnh: TẤT SƠN 

Trong thành công của ông, phải kể đến hậu phương-người vợ đảm đang, là một Đại tá quân y, Thầy thuốc Ưu tú. Thời điểm ông đi du học, vợ ông vừa mới sinh con, bao vất vả bà phải tự khắc phục. Cô con gái duy nhất đã lựa chọn trở thành bác sĩ, dù biết rằng sẽ phải trải qua nhiều đêm trắng như bố mẹ mình. Khi kể về đời tư, bác sĩ Hoàng thoải mái hơn cả, ông cười nhiều, thể hiện niềm hạnh phúc và tự hào khi 4 thế hệ gia đình nối tiếp nhau theo nghề y cao quý.

Nhưng khi nói về những câu chuyện trong ngành y hiện nay, bác sĩ Hoàng lại thoáng đăm chiêu. Ông tin tưởng đội ngũ bác sĩ trẻ ngày càng tiến xa hơn. Tuy nhiên, ông băn khoăn, lo lắng khi số lượng bác sĩ trẻ hết lòng vì sự nghiệp y khoa cao quý, toàn tâm toàn ý trong nghiên cứu khoa học để chiếm lĩnh những đỉnh cao chưa nhiều. Cuộc sống kinh tế thực dụng và sản xuất “hàng giả” để có được những ảo ảnh “hào quang” trong nghiên cứu khoa học vẫn còn đang nhức nhối. Theo ông, điều này thực sự là rất đáng báo động vì có thể gây hại trực tiếp đến tính mạng người bệnh nói riêng cũng như cả văn hóa và đạo đức nghiên cứu khoa học nói chung.

Ông cho rằng, để tạo đà cho nghiên cứu y học ở Việt Nam phát triển, nhanh chóng hội nhập với thế giới thì những thủ tục hành chính quá rườm rà và thiếu tính cập nhật trong việc đề xuất, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu cần tiếp tục được cải tiến và tinh giản một cách phù hợp. Theo ông, những mô hình và cách thức tiến hành đề tài nghiên cứu y học ở các nước tiên tiến có thể là những ví dụ tốt mà chúng ta nên tham khảo, học hỏi.

Từ kinh nghiệm của bản thân, bác sĩ Hoàng cho rằng hãy làm việc tận tụy, cống hiến cho nghề nghiệp. Khi làm nghề vì đam mê và dâng hiến thì nghề cũng sẽ không phụ mình. Làm việc vì lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích người bệnh thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Đó là điều ấn tượng đọng lại với chúng tôi không chỉ về một vị tướng mà còn về phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ của bác sĩ quân y Nguyễn Thế Hoàng đáng kính. 

* Thiếu tướng, GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng sinh năm 1965, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1987. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học năm 1997 và luận án Tiến sĩ khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Munich năm 2008 với đề tài “Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào với cấu trúc không gian 3 chiều trong một vạt tổ chức ngẫu nhiên được tân tạo tuần hoàn sau cấy cuống mạch”. Ông được phong học hàm PGS của Việt Nam năm 2006 và PGS của Trường Đại học Tổng hợp Munich năm 2009. Năm 2018, ông nhận học hàm GS. 

* Ông là tác giả chính của hơn 100 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học; chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Năm 2012, ông nhận giải thưởng khoa học danh giá Friedrich Wilhelm Bessel của quỹ hàn lâm khoa học Đức Alexander von Humboldt dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá khoa học.