Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở thành phố Đà Nẵng.

 Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả ngành nông nghiệp. Cùng với cả nước, trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của thành phố. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Đà Nẵng vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới. Vì vậy, tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để thích ứng tốt nhất với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

Vườn trồng lan mokara ở Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng _ Ảnh: baodanang.vn

1. Mở đầu

Là một trong những trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương động lực. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chương trình, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều thách thức về tính bền vững của ngành nông nghiệp như: tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng các yếu tố đầu vào như lao động, vốn và nguồn lực tự nhiên; những tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh; quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang dần bộc lộ sự thiếu bền vững và chưa thích ứng hoặc chưa tính đến những diễn biến của biến đổi khí hậu.

2. Thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Triển khai thực hiện các chủ trương theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Đà Nẵng đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, như: Thành ủy đã ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 5-2-2020 về triển khai thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết 329/2020/NQ-HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hỗ trợ tổng hợp, toàn diện hơn trong sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững(1); Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 2585/KH-UBND ngày 20-4-2020 về thực hiện Chương trình số 42-Ctr/TU của Thành ủy Đà Nẵng, ban hành Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 12-4-2023 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách gắn với công tác thu hút, xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 03 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích hơn 65 ha gồm: vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương - Hòa Phong (16,2 ha), vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9 ha), vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Khương (28,8 ha); vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú (20,9), thống nhất chủ trương, chỉ đạo triển khai đầu tư 02 vùng từ nguồn vốn đầu tư công; ưu tiên nguồn kinh phí hằng năm để thực hiện ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất.

a) Một số kết quả nổi bật về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố

Lĩnh vực trồng trọt

Trong điều kiện quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp giảm dần, thành phố đã tập trung chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng công nghệ sản xuất giống cây trồng; tập trung phát triển sản xuất và sử dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, IPM, ICM...; tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa trong sản xuất; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát dịch bệnh để nâng cao năng suất, bảo đảm ổn định sản lượng lương thực, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn.

Hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sinh thái, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, điển hình là các vùng chuyên canh trồng rau an toàn, vùng trồng hoa, dưa, vùng trồng lúa hữu cơ. Cụ thể là:

(i) Xây dựng hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nấm, rau, hoa, cây ăn quả (gần 25 ha); hình thành hơn 20 vùng lúa theo hướng hữu cơ, diện tích 345 ha, trong đó 100 ha lúa được cấp chứng nhận VietGAP; hơn 40 ha rau, củ, quả được cấp chứng nhận VietGap, hữu cơ; hình thành 04 vùng chuyên canh trồng hoa (22 ha); vùng trồng bưởi da xanh Hòa Ninh (10 ha), vùng trồng mía Hòa Bắc (70 ha), vùng trồng chuối Hòa Bắc, Hòa Phú (30 ha), vùng trồng chè Hòa Sơn, Hòa Ninh (20 ha)(2).

(ii) Hỗ trợ hơn 30 sản phẩm nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, có 14/40 sản phẩm OCOP lĩnh vực trồng trọt, chiếm 35% tổng số sản phẩm OCOP của thành phố. Các sản phẩm nông nghiệp có sự đầu tư về tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, nhãn hiệu và kết nối với các kênh tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng nông sản, cửa hàng OCOP như: rau an toàn Túy Loan, dưa lưới Afarm, bưởi Hòa Ninh, kiệu hương Hòa Nhơn, rau, củ, quả Hòa Vang, các sản phẩm từ nấm như đông trùng hạ thảo khô sấy thăng hoa Dr. Trung, cao nấm Linh chi Nhơn Phước, tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh...(3).

(iii) Có các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Afarm; Công ty trách nhiệm hữu hạn Tâm An Farm; Công ty Cổ phần xây dựng Greentech, hợp tác xã rau, củ quả Hòa Vang; hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan; Hợp tác xã Nấm Nhơn Phước; Hợp tác xã sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông; hợp tác xã nấm Hòa Quý...(4).

Lĩnh vực chăn nuôi

Chăn nuôi đã phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao theo quy trình khép kín, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng liên kết, chủ động tạo nguồn cung cấp thực phẩm thịt an toàn, chất lượng cho nhu cầu tiêu dùng của thành phố. Hoạt động chăn nuôi tập trung chủ yếu tại huyện Hòa Vang và chuyển dần theo hướng tập trung, quy mô hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với an toàn dịch bệnh, sử dụng các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt.

Ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh, góp phần giúp chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm an toàn dịch bệnh và môi trường.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, trong đó công nhận 06 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại tại 06 quận, 01 vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò tại huyện Hòa Vang, 11/11 xã, 04 cơ sở chăn nuôi được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm H5N1, 03 doanh nghiệp chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, hình thành 06 trại, trang trại chăn nuôi heo, gà ứng dụng công nghệ chuồng lạnh khép kín, bảo đảm an toàn, môi trường trong chăn nuôi theo hướng bền vững, sinh thái, tuần hoàn.

Nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi mới, có hiệu quả như: mô hình nuôi heo rừng, dê Boer, bò BBB, gà Ai cập, thỏ Newzeland, gà đồi… Đến nay đã hình thành một số hợp tác xã chăn nuôi gà gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm như Hợp tác xã gà Nhơn Phát, Tổ hợp tác gà Kê Sơn, Hợp tác xã Đồng Nghệ, Hợp tác xã Hòa Bắc.

Lĩnh vực thủy sản

Đối với lĩnh vực thủy sản, tập trung phát triển theo hướng chuyển từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại, nâng cấp năng lực tàu thuyền khai thác, đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá, vệ sinh môi trường nuôi trồng và khai thác thủy sản được cải thiện.

Trong nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng công nghệ cao trong việc cung cấp hệ thống giàn sục khí, sử dụng công nghệ men vi sinh xử lý môi trường, phòng, trị bệnh để hỗ trợ nuôi thâm canh, bán thâm canh; đồng thời, chú trọng các mô hình nuôi an toàn sinh học, ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi nước ngọt để rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, tạo nguồn sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Giống thủy sản được quan tâm chú trọng. Hằng năm, Trại Thực nghiệm Nông nghiệp Hòa Khương sản xuất khoảng 1 triệu con cá giống nước ngọt các loại, có chất lượng. Trại cũng đã nghiên cứu, thực nghiệm sinh sản nhân tạo các đối tượng cá trê lai, cá rô đầu vuông, cá leo… bước đầu đạt được kết quả. Bước đầu nghiên cứu ứng dụng công nghệ lai tạo giống cá diêu hồng phát triển tốt trong mọi tầng nước ở vùng nước nhiễm mặn nhẹ 5-12%.

Thành phố có hơn 700 tàu thuyền có công suất khai thác trên 90CV, khoảng 60% tàu thuyền có trang bị máy tời treo thu lưới vây, lưới kéo, hệ thống thu, thả lưới chụp mực; 80% tàu thuyền trang bị ra đa, định vị(5). Việc sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ khai thác thủy sản trên biển (máy giám sát hành trình tàu cá, máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM), máy dò cá...) đáp ứng tính truy xuất nguồn gốc sản phẩm đầy đủ, chống khai thác bất hợp pháp nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu (IUU).

Lĩnh vực lâm nghiệp

Bước đầu triển khai áp dụng các ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, bảo vệ và khai thác lâm nghiệp:

(i) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ GIS (Geographic Information Systems) để hoàn chỉnh dữ liệu số về rừng và đất lâm nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin trong dự báo cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng và quản lý hoạt động thương mại động vật rừng, như: phần mềm dự báo cháy rừng, phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS, phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật rừng, phần mềm giám sát và đánh giá chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

(ii) Đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Giai đoạn 2016 - 2020 đã đầu tư xây dựng 25 km băng trắng cản lửa kết hợp đường vận động chữa cháy rừng, 6,7 km băng xanh cản lửa, duy tu, bảo dưỡng hàng năm 54,7 km đường công vụ tuần tra bảo vệ rừng, 06 công trình thủy lâm, xây mới 09 bể nước, sửa chữa nâng cấp 04 bể nước dung tích 50 - 100 m3 phục vụ phòng chống cháy rừng.

(iii) Chú trọng chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô, gieo trồng cây giống lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao để phục vụ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn. Công ty trách nhiệm hữu hạn Giống cây trồng Bắc Trung Nam đã thực hiện thành công công nghệ nuôi cấy mô, gieo tạo cây lâm nghiệp đạt chất lượng để phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn thành phố, năng lực sản xuất hàng năm đạt 2 triệu cây giống các loại.

b) Một số hạn chế

Một là, quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhỏ, hạn chế về quy mô diện tích đất sản xuất, giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ mới khoảng 10-15% giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản. Các chỉ tiêu giá trị gia tăng theo hướng tái cơ cấu như: tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương đến năm 2022 đạt dưới 20% so với chỉ tiêu quy định về Bộ tiêu chí giám sát đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa tạo sự đột phá trong tái cơ cấu từng lĩnh vực để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Hai là, thành phố chủ trương tập trung quy hoạch, ban hành chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng do vướng mắc trong công tác quy hoạch, các thủ tục liên quan đến đất đai nên tiến độ quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm, chỉ mới dừng lại ở công tác quy hoạch chi tiết 1/500, chưa tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ba là, các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy được phát triển nhưng còn chậm, thiếu bền vững, chưa tạo được sự đột phá trong việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Quá trình triển khai thực hiện chủ trương, chính sách phát triển và hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn ít, đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa bảo đảm tính khoa học, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra thiếu ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường đô thị.

Bốn là, công tác hiện đại hóa nghề cá còn nhiều khó khăn, chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Trong nuôi trồng thủy sản chỉ mới phát triển được một số vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Đã khuyến khích ngư dân đầu tư hầm bảo quản vật liệu PU, các tàu cá đóng mới, nâng cấp đều trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu PU, nhưng chỉ chiếm khoảng 18% số lượng tàu đánh bắt xa bờ; các phương pháp bảo quản đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh SSOP và thực hành sơ chế bảo quản tốt GMP chưa được đào tạo một cách toàn diện…

Năm là, sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng; công tác ứng dụng công nghệ cao vào các khâu lựa chọn, đánh giá, phân chia vùng trồng rừng, xác định phương thức mật độ trồng rừng, kỹ thuật làm đất rừng, phương pháp trồng và chăm sóc vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống do địa hình rừng, khó khăn trong việc sử dụng máy móc vào sản xuất, chăm sóc và thu hoạch. Các doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao trong khâu sau thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm lâm nghiệp quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đa dạng, phong phú.

3. Dự báo nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đến phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Một là, bão và áp thấp nhiệt đới ở Đà Nẵng thường xảy ra trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Bão và áp thấp nhiệt đới thường đi kèm với mưa to, vì vậy ngoài việc xuất hiện gió mạnh trên đất liền còn bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến nay, thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã làm 205 người chết, 237 người bị thương, 15.633 nhà bị sập, 130.861 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tổng ước tính thiệt hại hơn 9.700 tỷ đồng(6).

Hai là, nằm trong khu vực hạ lưu sông Hàn với lưu vực qua cả tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng có nguy cơ ngập lụt cao trong mùa mưa. Khi lũ xuất hiện do mưa lớn hoặc triều cường, các sông nhánh cũ hoặc khu vực đầm lầy sẽ bị ngập lụt. Đối với các vùng đất thấp cần tiến hành các biện pháp bảo vệ, ứng phó với lũ lụt.

Các khu vực sạt lở mạnh ở vùng ven sông Cu Đê, Túy Loan như: Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Bắc là các xã thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; khu vực sạt lở đồi núi tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và Sơn Trà. Hiện tượng xói lở bờ biển có xu hướng phức tạp cả về quy mô và cường độ, gây thiệt hại lớn về tài nguyên đất, rừng, thủy sản, bãi tắm, môi trường, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất nông nghiệp.

Ba là, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn phụ thuộc vào chế độ mưa và dòng chảy mùa khô, tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Với tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa trong mùa khô trên địa bàn thành phố có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm, lại phân bố không đều trong các tháng, gây nên tình trạng hạn hán. Tình trạng xâm nhập mặn thường xảy ra khi thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng mực nước và dòng chảy trên các sông, suối bị suy giảm mạnh, gây thiếu nước, nhiễm mặn cho nước.

4. Một số giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Một là, tập trung nguồn lực đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, vùng sản xuất hữu cơ, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững. Khai thác tối đa tiềm năng, diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp để phát triển các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng phát triển các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm chủ lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tập trung ưu tiên chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh. Ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt, thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp tập trung.

Hai là, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chú trọng hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP để tạo đột phá, chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn.

Ba là, tháo gỡ những vướng mắc trong quy định về đất đai trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch chung được phê duyệt, cần triển khai rà soát, kết nối quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, vùng trồng lúa hữu cơ, vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quy hoạch chung của thành phố để bảo đảm đồng bộ quy hoạch, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện và đẩy nhanh các hoạt động tại 03 vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú nhằm huy động, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm hạt nhân trong phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường hình thức liên kết nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp theo hướng hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bốn là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, công nghệ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến các tổ chức và cá nhân, nhất là người nông dân, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng cũng như khuyến khích tham gia vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi lĩnh vực sản xuất cần có sự định hướng về mô hình, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cần áp dụng để người dân, doanh nghiệp lựa chọn, áp dụng. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu, sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Năm là, chú trọng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: (i) Chú trọng tổ chức sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng VietGAP và tương đương, chứng nhận GPS, ISO, HACCP… và thực hiện xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. (ii) Gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. (iii) Hình thành hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng, nông sản sạch, an toàn trên địa bàn thành phố, phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại nông sản trên địa bàn thành phố. (iv) Đánh giá đúng thực trạng về cung - cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để định hướng sản xuất nông nghiệp, chủ động nguồn lương thực, thực phẩm ở mức bảo đảm trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh đứt gãy chuỗi cung cấp sản phẩm tại các địa phương khác.

Sáu là, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm để phát triển các công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thương hiệu phát triển bền vững.

Bảy là, tập trung khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Bên cạnh việc đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn khai thác xa bờ, chú trọng cơ giới hóa trang biết bị, nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm, phát triển tàu dịch vụ hậu cần trên biển để nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác.

Đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời kỳ mới.

 Trải qua hơn 62 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày càng phát triển vững mạnh, khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống Trường Đảng và hệ thống giáo dục đại học trong nước, khu vực và thế giới. Học viện có đóng góp phần mình vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Trường Đảng Trung ương, trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu lý luận chính trị, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chủ trương, chính sách.

Trao giấy chứng nhận
GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS Trần Đình Quang, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Vinh trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học của 07 khoa có chương trình kiểm định ngày 03-3-2023

1. Mở đầu

Giữa những tháng ngày miền Bắc khẩn trương xây dựng xã hội chủ nghĩa và làm hậu phương lớn chi viện miền Nam, quân và dân miền Nam đang căng mình kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trường Tuyên giáo Trung ương được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba trường: Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, Trường Tuyên giáo và Đại học Nhân dân, theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 16-01-1962 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III, do Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách.

Do tầm quan trọng của Trường trong hệ thống cơ quan trung ương Đảng, nên các đồng chí Giám đốc của Trường đều do Ban Bí thư trực tiếp phân công, như: đồng chí Trần Quang Huy - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đào Duy Tùng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Để hiện thực hóa chủ trương của Ban Bí thư là xây dựng đội ngũ giảng dạy mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ lý luận chính trị cao, có phương pháp sư phạm..., Trường đẩy mạnh việc tuyển cán bộ, đảng viên lý luận tại các cơ quan về để bồi dưỡng, đồng thời, mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành tuyên giáo làm giảng viên kiêm chức, báo cáo viên.

Những giảng viên từng giảng dạy ở Trường thời kỳ đầu có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Vũ Oanh, Lê Khắc, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Minh Vĩ, Lưu Quý Kỳ, Lê Quang Đạo, Đào Duy Tùng, Trần Quỳnh,... Đặc biệt, năm 1967, đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp tham gia giảng bài cho lớp bồi dưỡng bí thư, chủ tịch huyện.

Qua nhiều lần đổi tên, đến năm 2005, Trường chính thức có tên gọi Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và trên cơ sở Chiến lược phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Học viện đã tiến hành đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, công tác cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất.

Với những thành tựu đã đạt được, tháng 6-2015, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào danh sách các Trường đại học trọng điểm của mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 2018, Trường được công nhận là Trường đại học đạt chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục.

Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn giữ vững bản sắc, vị thế của một Trường Đảng, Trường đại học trọng điểm, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, báo chí truyền thông; tham mưu, tư vấn chính sách; tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xứng đáng là một trong những ngọn cờ đầu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

2. Đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nổi bật trên các mặt:

Thứ nhất, đóng góp trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng

Thời kỳ đầu thành lập, Trường Tuyên giáo Trung ương có 5 khoa, 3 hệ và 4 phòng. Với 43 giảng viên trong tổng số 172 cán bộ, công nhân viên chức. Khóa bồi dưỡng dài hạn đầu tiên 2 năm rưỡi. Trường đã đào tạo 365 cán bộ nòng cốt, làm công tác tư tưởng, phục vụ nhiệm vụ kháng chiến, xây dựng đất nước. Ở thời điểm đó, Trường Tuyên giáo Trung ương là cơ sở duy nhất mở riêng các lớp để bồi dưỡng kiến thức có hệ thống cho phóng viên, biên tập viên các báo trung ương và địa phương trên cả nước.

Đến năm 1969, Trường bắt đầu mở khóa đào tạo chính quy 4 năm các ngành lý luận và nghiệp vụ. Đây là Khóa 1 của trường.

Ngày 02-01-1983, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 15-QĐ/TW về công tác các trường Đảng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hệ thống các trường Đảng trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại thành: Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ba trường Đảng khu vực và hai trường tuyên huấn.

Theo đó, Trường Tuyên huấn Trung ương được hợp nhất với Trường Nguyễn Ái Quốc V trở thành Trường Tuyên huấn Trung ương I và là một trong hai trường tuyên huấn trực thuộc Trung ương. Trường Tuyên huấn Trung ương I tiếp tục tiến hành hai nhiệm vụ trọng tâm: Đào tạo cán bộ giảng dạy chính trị, tư tưởng Mác - Lênin cho hệ thống trường Đảng và hệ thống giáo dục quốc dân; đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông.

Ngày 20-11-1990, Trường được bổ sung chức năng của trường đại học và có tên gọi mới: Trường Đại học Tuyên giáo. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu mốc trong lịch sử phát triển của Nhà trường. Năm 1991 ghi dấu ấn lịch sử Nhà trường với việc chính thức tuyển sinh đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cùng với quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ không ngừng được tăng cường, phát triển. Đến nay, Học viện có đội ngũ cán bộ, giảng viên, lao động gần 400 người. Cùng với đội ngũ cán bộ cơ hữu, Học viện có hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo uy tín, nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí - truyền thông và các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác ở Trung ương và địa phương là thành viên Hội đồng trường, cố vấn chuyên môn, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng...

Hiện nay, Học viện đào tạo 32 chương trình cử nhân, 15 chương trình thạc sĩ, 7 chương trình tiến sĩ và 1 chương trình liên kết quốc tế. Trong đó, có những ngành, chuyên ngành đào tạo đã trở thành thế mạnh truyền thống. Cùng với đào tạo đại học, Học viện thực hiện nhiều loại hình lớp cập nhật kiến thức, bồi dưỡng theo chức danh, cấp chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng và quảng cáo, ngoại ngữ, tin học,... với hàng chục nghìn lượt học viên hằng năm.

Học viện có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ngành báo chí, tuyên truyền, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Bên cạnh đó, Học viện đang thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức và quy hoạch các chức danh là trưởng, phó trưởng phòng và tương đương trở lên của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông; bồi dưỡng kiến thức mới và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác báo chí, truyền thông, lý luận chính trị,...

Rất nhiều học viên của Học viện sau khi ra trường đã đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các cơ quan đảng và nhà nước, trong các cơ quan làm công tác tư tưởng văn hóa, báo chí, xuất bản, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trung tâm chính trị cấp huyện… Điều đó khẳng định trên thực tế hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; Học viện được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tin cậy, giao thêm những trọng trách nặng nề nhưng rất vinh quang.

Thứ hai, đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong những năm qua đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào việc tạo dựng hình ảnh Nhà trường với bề dày truyền thống và luôn luôn phát triển. Học viện luôn xác định hoạt động nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao chất lượng uy tín, vị thế học thuật của một cơ sở đào tạo, góp phần cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông và các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác. Trong nhiều năm qua, Học viện đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế với những chủ đề thời sự, cập nhật tình hình chính trị và chuyên môn với sự tham gia của nhiều chính trị gia, nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến từ các nước như: Mỹ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Đức, Thụy Điển, Malaixia...

Thành tựu nghiên cứu khoa học cũng là nhân tố quan trọng khẳng định vị thế và tầm vóc của Học viện, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, có định hướng của Nhà trường. Đến nay, Học viện đã triển khai nghiên cứu hàng nghìn đề tài khoa học các cấp. Số lượng đề tài của giảng viên, sinh viên tăng dần qua các năm, thiết thực phục vụ các mục tiêu như tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường; nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, biên soạn giáo trình, tài liệu nghiên cứu, học tập.

Cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện đã công bố hàng nghìn bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước, trong đó không ít bài có giá trị cao về lý luận và thực tiễn.

Học viện duy trì và phát triển Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông với 5 ấn phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm khoa học, tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học… tạo được uy tín trong cả nước.

Thứ ba, đóng góp trong lĩnh vực hợp tác quốc tế

Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn chú trọng phát triển lĩnh vực hợp tác quốc tế. Từ năm 1991, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Học viện đã từng bước thiết lập quan hệ với các đối tác quốc tế. Năm 1992 đánh dấu điểm mở đầu công tác đào tạo đại học giúp nước bạn Lào với khóa sinh viên Lào đầu tiên được đào tạo đại học tại Trường. Các thế hệ sinh viên, học viên Lào sau khi được học tập, rèn luyện tại Trường trở về nước và trở thành lãnh đạo các cơ quan báo chí và văn hóa tư tưởng.

Hợp tác quốc tế thời kỳ đầu đổi mới đã có nhiều thành tựu nổi bật trong quan hệ với các trường đại học của Ôxtrâylia, như Đại học Công nghệ Sydney, Đại học Monash. Từ năm 1997, Nhà trường liên tục cử cán bộ đi đào tạo các bậc sau đại học tại Ôxtrâylia, đồng thời mời các giáo sư Ôxtrâylia sang thỉnh giảng tại Trường. Học viện đã và đang đào tạo hàng trăm học viên, đóng góp không nhỏ vào đội ngũ cán bộ lý luận chính trị và tư tưởng văn hóa của Campuchia.

Năm 2016, Học viện và Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) đã chính thức hợp tác triển khai chương trình cử nhân quốc tế quảng cáo, quan hệ công chúng (PR) và Truyền thông tại Việt Nam theo phương thức nhượng quyền. Đại học Middlesex cung cấp chương trình, bảo đảm chất lượng và cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh, cung cấp cơ sở vật chất và tổ chức giảng dạy. Từ đó đến nay, chương trình liên kết đào tạo “Cử nhân Quốc tế Quảng cáo, Quan hệ Công chúng và Thương hiệu” giữa Đại học Middlesex (Anh) với Học viện theo phương thức nhượng quyền đã đạt nhiều kết quả.

Từ năm 2008 đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức gần 200 đoàn cán bộ, giảng viên đi công tác, bồi dưỡng, giảng dạy, tham dự hội thảo tại nhiều nước. Cùng với duy trì các đối tác truyền thống, Học viện từng bước mở rộng đối tác và lĩnh vực hợp tác về nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, báo chí, truyền thông.

Đến nay, Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác với Trường Đảng Thành ủy Thiên Tân, Trường Đảng Trùng Khánh; Đại học Liên Ninh (Trung Quốc); Đại học Middlesex (Anh); Đại học Catholic (Mỹ); Đại học Tổng hợp Hamburg (Đức); Đại học Viên (Áo), Đại học Minh Trị (Nhật Bản), Đại học Seoul (Hàn Quốc), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Tổ chức Quốc tế lao động việc làm (ILO), Viện FES (Đức), Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam,...

Thứ tư, về cơ sở vật chất của Học viện

Được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền không ngừng được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt hoạt động học tập và giảng dạy của sinh viên, cán bộ, giảng viên.

Tổng diện tích của Học viện là gần 60.000m2. Hệ thống các phòng làm việc có đầy đủ điều kiện của một cơ sở đào tạo đại học hiện đại. Hệ thống quản lý, điều hành được hiện đại hóa, tin học hóa, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị nhà trường. Khu nhà hành chính, giảng đường, phòng thực hành, thư viện, ký túc xá sinh viên và khuôn viên, vườn hoa, cây xanh… rộng rãi, tươi đẹp, hiện đại.

Khu vực học tập, thực hành, tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh được đầu tư bảo đảm các quy chuẩn của đơn vị tự chủ đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng...

Hệ thống hội trường, phòng học thực hành hiện đại cho phép sinh viên, đặc biệt sinh viên của các ngành báo chí, xuất bản, quan hệ công chúng, quảng cáo… có thể thực hành sáng tạo các sản phẩm báo chí - truyền thông chuyên nghiệp. Trung tâm Thông tin khoa học của Học viện được đầu tư ngày càng hiện đại, có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm độc giả; đồng thời, được số hóa, kết nối với hệ thống thư viện quốc gia và một số thư viện của các trường đại học trên thế giới.

Ký túc xá Học viện có các khu nhà ở khép kín, hiện đại, có sân thể thao, nhà ăn... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của hàng nghìn sinh viên nội trú, trong đó có hàng trăm lưu học sinh Lào. Khuôn viên của Nhà trường nhiều không gian cho sinh viên nghỉ ngơi, ôn bài, gặp gỡ, giao lưu... Tất cả tạo nên một môi trường thân thiện, rộng mở đón chào sự sáng tạo và tài năng. Đó cũng là lý do mà sinh viên, học viên theo học tại Trường, sau khi tốt nghiệp, luôn nhận được những phản hồi tích cực từ các cơ quan, đơn vị.

Với những thành tích đã đạt được, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được nhiều danh hiệu: Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1992); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2021) và hàng chục huân, huy chương và bằng khen các cấp tặng cho các tập thể, cá nhân trong nhà trường.

Bên cạnh đó, hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên của Học viện cũng được nhận những danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng: các huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, các danh hiệu ghi nhận sự hy sinh và cống hiến.

3. Những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện trong thời kỳ mới

Trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vinh dự là trường Đảng duy nhất trong hệ thống các trường đại học Việt Nam. Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám đốc cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn ý thức rất rõ niềm vinh dự, tự hào cũng như trách nhiệm của mình là góp phần vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoàn thành vẻ vang mọi trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Trong chiều dài hơn 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có một nửa chặng đường lịch sử đã qua trực thuộc Trường Đảng mang tên Bác (31 năm, từ năm 1993 đến nay), góp phần không nhỏ vào những thành tựu to lớn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và khẳng định vị thế của mình trong hệ thống Trường Đảng. Đúng như nhận định của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “60 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã luôn luôn hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, có những đóng góp rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Những đóng góp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là, cung cấp cho Đảng và hệ thống chính trị một đội ngũ những người làm báo, một đội ngũ những người làm công tác tư tưởng văn hóa và thực sự đây là một lực lượng rất quan trọng để tuyên truyền, lan tỏa và đặc biệt là khẳng định những thành tựu của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng CNXH cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Học viện Báo chí và Tuyên truyền có quyền tự hào về những đóng góp của mình”.

Có thể khẳng định, từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng giao khi thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương và sau này, khi trở thành bộ phận cấu thành của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Học viện luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa Học viện trở thành ngôi trường có uy tín cao trong đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị, báo chí truyền thông trong nước và quốc tế. Học viện đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, bên cạnh thời cơ, cũng có nhiều thách thức, đòi hỏi Học viện phải vượt qua để bứt phá, vươn lên những tầm cao mới.

Trong thời gian tới, Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tập trung vào thực hiện Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các năm tiếp theo. Học viện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99 của Chính phủ; phát triển các giá trị truyền thống của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, góp phần phát huy vị trí, vai trò của một trường đại học trọng điểm, Trường Đảng có bề dày truyền thống.

Học viện tiếp tục tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ cơ bản. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, ổn định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ lý luận chính trị cao, đáp ứng các yêu cầu của quá trình đào tạo hiện nay. Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chương trình đào tạo, để phấn đấu đưa các chương trình đào tạo này theo các chuẩn mực cao nhất hiện nay và kiểm định các chương trình đào tạo. Thứ ba, đầu tư cho các hoạt động khoa học, trong đó tập trung xây dựng hệ thống giáo trình hệ đại học, sau đại học. Thứ tư, tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các đối tác ngoài Học viện, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của nhà trường, đẩy mạnh việc đơn giản hóa và tin học hóa các thủ tục hành chính.

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Trường Đảng, vận dụng sáng tạo, phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc, đội ngũ giảng viên luôn quán triệt phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người thấm nhuần tính đảng, tính chiến đấu, thể hiện phẩm chất chính trị, trung thành, tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, có tư duy lý luận sắc bén, nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng.

4. Kết luận

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng. Là ngôi trường có bề dày lịch sử phát triển, là Trường Đảng - trường đại học duy nhất trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với truyền thống đoàn kết thống nhất, với thế và lực đã có, cùng với quyết tâm cao của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc, toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã, đang và sẽ luôn xứng đáng với sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao, góp phần tích cực vào sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và phát triển.

Tăng 35,7% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe người có công từ 1/1/2025.

 Từ ngày 1/1/2025, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng được thực hiện theo mức chuẩn 2.789.000 đồng; tăng 35,7% so với quy định hiện hành.Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng; tức tăng 35,7%.

Đáng chú ý, Nghị định số 77/2024/NĐ-CP cũng quy định, kể từ ngày 1/1/2025, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần.

Nội dung chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung gồm có: tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; tham quan và các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 10% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung).

Như vậy, từ ngày 1/1/2025, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà cho người có công bằng 0,9 lần mức chuẩn/người/lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng; tương ứng với 0,9 x 2.789.000 đồng = 2.510.100 đồng.

Mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công = 1,8 x 2.789.000 đồng = 5.020.200 đồng.

Từ ngày 1/1/2025, những người có công đi điều dưỡng tập trung còn có thêm nội dung được đi tham quan.

Theo quy định, những đối tượng được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe gồm có: người có công với cách mạng quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1, khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Y tế bổ nhiệm Chánh Văn phòng và Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

 Ông Đoàn Hữu Thiển được điều động, bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Y tế, còn bà Trần Việt Nga được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Hữu Thiển
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định bổ nhiệm ông Đoàn Hữu Thiển

Chiều nay, 24-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Chánh Văn phòng Bộ Y tế và Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.

Theo đó, tại quyết định số 2789/QĐ-BYT ngày 23/9/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan điều động, bổ nhiệm ông Đoàn Hữu Thiển, Tiến sĩ - bác sĩ, Viện trưởng Viện Kiểm định vaccine và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) giữ chức vụ Chánh Văn phòng Bộ Y tế. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định bổ nhiệm bà Trần Việt Nga

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao quyết định bổ nhiệm bà Trần Việt Nga

Tại quyết định số 2799/QĐ-BYT ngày 23/9/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bổ nhiệm bà Trần Việt Nga - Tiến sĩ, Kỹ sư công nghệ thực phẩm, Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý, điều hành Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) giữ chức Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị ở cương vị công tác vừa được bổ nhiệm, tân Chánh Văn phòng Bộ Y tế và tân Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm sẽ phát huy hết khả năng công tác, tinh thần đoàn kết để cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự nghiệp phát triển chung của ngành y tế.

Quảng Ninh miễn học phí cả năm học 2024-2025 cho học sinh từ mầm non đến phổ thông.

 Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh thông tin, năm học 2024-2025, tỉnh này sẽ hỗ trợ 100% học phí năm học 2024-2025 cho 244.000 học sinh từ mầm non đến phổ thông 

Trường học ở Quảng Ninh đã khắc phục hậu quả bão số 3 để học sinh ổn định học tập trở lại

Trường học ở Quảng Ninh đã khắc phục hậu quả bão số 3 để học sinh ổn định học tập trở lại

Ngày 24-9, thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, HĐND tỉnh này đã thông qua Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó sẽ thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông (gọi chung là học sinh) đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (trừ học sinh đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh và học sinh tiểu học trường công lập).

Theo đó, mức hỗ trợ: Học sinh học tại cơ sở giáo dục công lập được hỗ trợ 100% học phí phải nộp năm học 2024 - 2025 quy định tại Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh;

Học sinh học tại cơ sở giáo dục tư thục (trừ học sinh tiểu học) được hỗ trợ bằng mức hỗ trợ cho học sinh đang học tại cơ sở giáo dục công lập cùng cấp học và cùng vùng áp dụng mức học phí quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND;

Học sinh tiểu học trường tư thục được hỗ trợ bằng mức hỗ trợ cho học sinh trung học cơ sở trường tư thục cùng vùng áp dụng mức học phí.

Thời gian hưởng hỗ trợ: Bằng số tháng học thực tế trong năm học 2024 - 2025 của học sinh được hỗ trợ nhưng không quá 09 tháng.

Với chính sách này sẽ có gần 244.000 học sinh của tỉnh Quảng Ninh được hưởng hỗ trợ. Dự kiến kinh phí hỗ trợ năm học 2024 - 2025 khoảng 167 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2024, năm 2025.

Được biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên 70% gia đình học sinh của tỉnh này bị tác động trực tiếp, gây hư hỏng tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện sinh hoạt, sản xuất. Số gia đình còn lại hầu hết bị tác động gián tiếp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập...

Công an quận Đống Đa bắt kẻ giết người giấu xác vào thùng nhựa phi tang xuống hồ ở Pattaya - Thái Lan.

 Ngày 24-9, Công an quận Đống Đa, Hà Nội thông tin đã bắt giữ đối tượng người Hàn Quốc có lệnh truy nã quốc tế về tội "Giết người" và bàn giao cho cơ quan chức năng Hàn Quốc xử lý th

Đối tượng truy nã quốc tế Kim HyeonggWon bị Công an quận Đống Đa bắt giữ

Đối tượng truy nã quốc tế Kim HyeonggWon bị Công an quận Đống Đa bắt giữ

Qua công tác rà soát, nắm tình hình địa bàn, Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Đống Đa, Hà Nội phát hiện một đối tượng nam giới người nước ngoài có biểu hiện nghi vấn tội phạm, thường xuyên di chuyển đến các địa điểm công cộng, quán ăn trên địa bàn.

Tổ công tác của Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Đống Đa đã khẩn trương phối hợp các phòng nghiệp vụ của Cục Đối ngoại, Bộ Công an tiến hành xác minh, làm rõ. Ngày 12-9, cơ quan Công an đã xác định, đối tượng nam giới này là Kim HyeonggWon (SN 1985, quốc tịch Hàn Quốc), là đối tượng có lệnh truy nã quốc tế. Kim HyeonggWon bị truy nã quốc tế theo lệnh số A-5182/5-2024 ngày 12-5-2024 về hành vi “Giết người”.

Công an quận Đống Đa phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội và Cục Đối ngoại Bộ Công an bàn giao đối tượng truy nã cho Cảnh sát Hàn Quốc

Công an quận Đống Đa phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội và Cục Đối ngoại Bộ Công an bàn giao đối tượng truy nã cho Cảnh sát Hàn Quốc

Tại cơ quan Công an, Kim HyeonggWon khai vào ngày 3-5-2024, đối tượng cùng 2 nghi phạm khác đã có hành vi “Giết người” tại Pattaya, Thái Lan. Sau đó giấu xác vào thùng nhựa phi tang xuống hồ. Sau khi gây án, đối tượng bỏ trốn từ Thái Lan sang Lào rồi nhập cảnh trái phép theo đường bộ vào Việt Nam, di chuyển đến Đà Nẵng rồi ra Hà Nội tiếp tục trốn chạy. Trên đường di chuyển đối tượng thường thuê nghỉ tại một số khách sạn nhỏ, khi đến địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội thì bị bắt giữ.

Căn cứ hành vi vi phạm liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép, Công an quận Đống Đa đã phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối tượng 4 triệu đồng về hành vi “Nhập cảnh trái phép”.

Trong ngày 23-9, tổ công tác của Công an quận Đống Đa do Thượng tá Đỗ Sỹ Dũng, Phó Trưởng Công an quận dẫn đầu đã áp giải và bàn giao đối tượng truy nã cho Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc để tiếp tục xử lý theo quy định.eo quy định.