Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, việc xây dựng thể chế, thiết chế, quy trình nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân luôn chiếm một vị trí quan trọng. Tư tưởng ấy được khắc họa sinh động qua cuộc đời và sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh. Bài viết tập trung làm rõ cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần bổ sung cơ sở lý luận để xem xét giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay.
1. Mở đầu
Sinh thời, Hồ Chí Minh không sử dụng khái niệm cơ chế để nói về việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Mặc dù không sử dụng khái niệm này nhưng toàn bộ quan điểm của Người khi nói về quyền làm chủ của nhân dân và các điều kiện bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, dưới góc nhìn của chính trị học hiện đại thì đó chính là cơ chế.
Trong lĩnh vực chính trị, cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là hệ thống quy trình hoạt động dựa trên các thủ tục, quy định, luật lệ, các thể chế, thiết chế nhằm giúp người dân hiện thực hóa những quyền của mình trên thực tế, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hồ Chí Minh đã xây dựng được một cơ chế hoàn chỉnh trong cấu trúc của nó với các yếu tố cấu thành, yêu cầu, điều kiện cần… nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quá trình vận hành của cơ chế. Đó là một chu trình bao gồm một chuỗi các khâu được liên kết với nhau theo một lôgíc nhất định.
2. Quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là những người có quyền làm chủ chính quyền nhà nước, quyền tham gia vào công việc nhà nước. Nhân dân không chỉ làm chủ vận mệnh cuộc đời mình mà còn có quyền quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia.
Thứ nhất, nhân dân làm chủ thông qua ủy quyền
Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, yếu tố cốt lõi và xuyên suốt là quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, thể hiện lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sự thống nhất quyền lực ấy được thực hiện theo một chế độ mà Người gọi là ủy thác quyền lực - tức nhân dân ủy thác quyền lực của mình cho một số đại biểu do nhân dân bầu ra. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”(1). Quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã là do nhân dân ủy thác. Hết nhiệm kỳ, nhân dân sẽ trao quyền ấy cho một chính phủ mới do nhân dân tuyển cử. Tổng tuyển cử sẽ bầu ra Quốc hội và Chính phủ, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện, xây dựng bộ máy nhà nước hợp pháp theo đúng ý nguyện của nhân dân. Tổng tuyển cử để nhân dân bầu ra Quốc hội và Quốc hội bầu ra Chính phủ đã chính thức khẳng định sự ra đời hợp pháp của một chế độ xã hội mới dựa trên nền tảng dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân.
Thứ hai, nhân dân làm chủ thông qua quyền phúc quyết hiến pháp và quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia
Quyền phúc quyết là bậc thang cao nhất để thiết lập quyền lập hiến thực sự thuộc về nhân dân. Trong đó, quyền lập hiến bao gồm các quyền: đưa ra các sáng kiến; soạn thảo dự thảo hiến pháp; tham gia góp ý trong xây dựng dự thảo; phúc quyết, sửa đổi hiến pháp.
Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp làm Trưởng ban soạn thảo, thể hiện rất rõ nguyên tắc này: Điều 21, Mục B, về Quyền lợi, quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia…”. Điều 32, Mục C, phần I về Bầu cử, bãi miễn và phúc quyết, quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết do luật định”. Điều 70, Mục C, Chương VII, phần Sửa đổi Hiến pháp, quy định: “Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng thuận thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”(2).
Như vậy, nhân dân ngoài việc tham gia vào chính quyền nhà nước, họ còn tham gia vào việc ấn định các giới hạn của chính quyền, để người dân dễ dàng nhận biết đó là Nhà nước của dân. Quyền phúc quyết mà Hồ Chí Minh nêu trong Hiến pháp năm 1946 đã xác lập quyền lực của nhân dân trong tham gia, quyết định công việc của Nhà nước. Nhân dân sử dụng quyền phúc quyết như một công cụ nhằm yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức hoạt động phúc quyết để người dân tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến trong xây dựng và sửa đổi Hiến pháp, cũng như các vấn đề hệ trọng khác của quốc gia. Đồng thời, Nhà nước phải tạo cơ chế bảo đảm để nhân dân được thực hiện quyền này trên thực tế.
Thứ ba, nhân dân làm chủ thông qua quyền được kiểm tra, đôn đốc, phê bình
Hồ Chí Minh xác định rất rõ vị thế nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ. Đồng thời, đặt nhân dân trong mối quan hệ tác động biện chứng với Nhà nước. Nhân dân là người chủ, Nhà nước là đầy tớ của nhân dân. Bên cạnh trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về nhu cầu và lợi ích của nhân dân, Chính phủ còn có nhiệm vụ quan trọng là, “phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân”(3). Đây chính là phương thức tốt nhất nhằm phát huy tính tích cực, sức sáng tạo, trách nhiệm, sự chủ động của nhân dân khi tham gia vào các công việc chung của đất nước và ngược trở lại, góp phần giúp Nhà nước nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có những điều chỉnh và đưa ra chính sách theo hướng đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Chỉ như vậy mới bảo đảm được quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân, phát triển được quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, đồng thời nhìn rõ năng lực của cán bộ, từ đó giao việc và giúp đỡ cán bộ kịp thời. Người nói: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(4).
Thứ tư, nhân dân làm chủ thông qua quyền được khiếu nại, tố cáo
“Tố cáo được hiểu là việc công dân theo thủ tục do luật định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”(5). Chủ thể thực hiện khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức. Chủ thể thực hiện tố cáo là công dân. Đây là phương thức khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy nhà nước, cũng như tình hình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Do đó, khiếu nại, tố cáo là phương thức kiểm tra tính đúng đắn, phù hợp của các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan trọng hơn, đây là nấc thang cao hơn trong quy trình bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Chính vì thế, vấn đề này, ngay từ sớm đã được Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm. Người viết: “Nếu cán bộ địa phương có điều gì sai lầm, nếu đồng bào có việc gì oan ức, thì đồng bào phái đại biểu đến trình bày với tôi và Chính phủ. Tôi bảo đảm rằng tôi và Chính phủ sẽ trừng trị những cán bộ có lỗi, và sẽ làm cho đồng bào khỏi oan ức”(6).
Bộ máy nhà nước có rất nhiều cán bộ, số lượng công việc cần giải quyết rất lớn. Vì vậy, sai sót là không thể tránh khỏi, nhưng nếu cán bộ và các cơ quan có ý định lợi dụng chức vụ, làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, thì nhân dân có quyền khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm, nhân dân làm chủ thông qua quyền bãi miễn
Bãi miễn dân cử được xem là việc cử tri bỏ phiếu để thể hiện sự bất tín nhiệm của mình với những đại biểu dân cử, những người được nhân dân bầu bằng lá phiếu của họ và đại diện cho nhân dân tham gia vào việc thực hiện quyền lực nhà nước. Qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm của cử tri, nhân dân buộc những đại biểu dân cử thôi giữ nhiệm vụ khi nhiệm kỳ chưa kết thúc. Sẽ là không hoàn toàn triệt để nếu một chế độ dân chủ mà người dân chỉ bầu ra các đại diện của mình mà không có quyền bãi miễn khi họ không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc bãi miễn là bước cao nhất trong cơ chế bảo đảm quyền làm chủ, quyền kiểm soát của nhân dân đối với những đại biểu của mình. Qua đó, buộc người đại biểu phải có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao.
Đây là nấc thang cao nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, cho phép nhân dân loại bỏ ngay những người không xứng đáng mà không cần chờ đến nhiệm kỳ bầu cử mới; là biểu hiện cao nhất về tính tối thượng trong quyền lực của nhân dân. Quyền lực đó được khẳng định trong thực tiễn, làm cho Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại diện quyền lực lớn nhất của toàn dân. Người viết: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”(7). Nếu không làm tròn nhiệm vụ là người đầy tớ trung thành của nhân dân thì “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy… dân không cần đến nữa”(8), “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(9).
3. Điều kiện bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất, Hiến pháp và hệ thống pháp luật
Từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về mặt pháp lý nhằm xây dựng cơ chế bảo đảm thực thi quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”(10); ngày 20-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 34/SL quyết định thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Việc thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 9-11-1946) cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng đặc biệt của Hiến pháp trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp năm 1946 đã tạo lập cơ sở pháp lý, tính hợp hiến và hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo thế cho chính quyền trở thành vũ khí cần thiết nhất của Đảng và nhân dân trong “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và xây dựng nước nhà trên nền tảng dân chủ”(11).
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền. Miền Bắc quá độ xây dựng CNXH. Trong tình hình mới, nhất thiết phải có một bản Hiến pháp mới, phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Ngày 23-1-1957, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1946 và được Quốc hội chấp thuận.
Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp. Phát huy tinh thần của Hiến pháp năm 1946, đồng thời Hiến pháp năm 1959 bổ sung nhiều điểm mới về cơ cấu Nhà nước, về quyền con người, quyền công dân, quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân được mở rộng trên nhiều lĩnh vực như: Quyền làm việc; quyền nghỉ ngơi; quyền tự do sáng tác, nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và tiến hành các hoạt động văn hóa khác… Cùng với Hiến pháp, một số luật cơ bản được công bố, thể hiện các quyền dân chủ, quyền làm chủ cơ bản của nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho nhân dân được hưởng quyền làm chủ của mình.
Cùng với xây dựng Hiến pháp và pháp luật, Hồ Chí Minh chú trọng, đưa Hiến pháp và pháp luật vào đời sống, giáo dục ý thức làm chủ của nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng xây dựng những thiết chế dân chủ mới, chăm lo xây dựng nền pháp chế XHCN nhằm xây dựng và hoàn thiện quy trình bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Các bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 mang dấu ấn đậm nét quan điểm của Hồ Chí Minh về bản chất, thiết chế, hoạt động của bộ máy nhà nước, về bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với đó, Hồ Chí Minh xây dựng 16 đạo luật căn bản và trên 1.300 văn bản dưới luật, ghi nhận các quyền dân chủ cơ bản của người dân ở một nước độc lập có “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”(12).
Thứ hai, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước
Thực tiễn cho thấy, “trình độ dân chủ không phụ thuộc vào một đảng hay nhiều đảng, đơn nguyên hay đa nguyên chính trị mà nằm ở chỗ nhân dân được tổ chức như thế nào vào việc quản lý và xây dựng xã hội”(13). Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào bản chất và năng lực lãnh đạo của Đảng và trình độ quản lý của Nhà nước. Trong xây dựng cơ chế bảo đảm quyền làm chủ ở nước ta, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới công tác xây dựng Đảng với tư cách là Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội; nâng cao trình độ xây dựng và quản lý của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân; xây dựng các mặt trận nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng từ nhân dân mà ra, do nhân dân tổ chức nên, Đảng lấy sức mạnh từ nhân dân, vì thế Đảng luôn gắn bó với nhân dân. Đảng có đủ phẩm chất và năng lực để lãnh đạo cách mạng, trở thành Đảng cầm quyền đại diện cho dân tộc và đem lại quyền lợi cho dân tộc. Đảng “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và Tổ quốc”(14), “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(15). Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc rèn luyện nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền với yêu cầu: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(16).
Thứ ba, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên
Một trong những điều kiện bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân đó chính là năng lực và phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ là gốc của mọi công việc, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém(17). Trong mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải “cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gần gũi nhân dân, học tập nhân dân”(18), sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, lấy việc phục vụ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu hoạt động. Đồng thời, cán bộ phải biết đề phòng và khắc phục những căn bệnh tiêu cực trong hoạt động như hách dịch, cửa quyền, tham ô, lãng phí, quan liêu.
Hồ Chí Minh suốt đời là tấm gương sáng về tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, nêu cao tấm gương đạo đức của người đứng đầu. Người luôn kiên trì trong việc giáo dục và rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Những nguyên tắc cơ bản mà Người để lại đó là: Lời nói đi đôi với việc làm, nêu gương về đạo đức, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”(19).
Thứ tư, năng lực làm chủ của nhân dân
Trong thực hiện quyền làm chủ, nhân dân thường chịu tác động nhất định bởi các yếu tố lợi ích như tình cảm hoặc tâm lý đám đông. Vì vậy, trình độ dân trí và văn hóa chính trị có vai trò rất quan trọng trong quá trình bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao dân trí, trình độ tổ chức xã hội theo hướng tăng cường ý thức trách nhiệm đối với đất nước, xã hội, nâng cao năng lực phối hợp của công dân với nhau là những bảo đảm cơ bản để thực hành dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Chỉ khi nhân dân tự giác nhận thức quyền hạn và nghĩa vụ của mình, tự giác tham gia vào công việc của Nhà nước và xã hội với tư cách là công dân có tri thức, trách nhiệm và niềm tin thì quyền làm chủ của nhân dân mới có nền tảng xã hội để thực hành.
Cùng với mở rộng dân chủ, thực hiện dân quyền, cải thiện dân sinh, vấn đề dân trí được Người đặc biệt quan tâm. Dân trí được nâng cao sẽ góp phần bảo đảm dân quyền và cải thiện dân sinh. Do đó, Hồ Chí Minh xác định: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”(20). Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(21); muốn giữ vững nền độc lập, làm cho dân giàu, nước mạnh thì phải chống cả ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Như vậy, Hồ Chí Minh coi dân trí là yếu tố ảnh hưởng, là điều kiện tiên quyết cho việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Ngày 8-9-1945, Hồ Chí Minh ký 3 sắc lệnh về giáo dục là: Sắc lệnh 17/SL về việc thành lập Nha Bình dân học vụ, Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân, Sắc lệnh 20/SL cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo”(22). Từ đó, phong trào thanh toán nạn mù chữ diễn ra mạnh mẽ trong cả nước. Chỉ một năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công đã có 2,5 triệu người dân biết đọc, biết viết, trong đó có cả các cụ già ngoài 80 tuổi tới các lớp bình dân học vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng đó là hình ảnh của “một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng”(23).
Nâng cao dân trí là nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của nhân dân. Một nền giáo dục như vậy sẽ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Vì: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(24). Nâng cao năng lực văn hóa giúp người dân hiểu, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách và thực hiện đúng các đường lối đó. Quan trọng hơn, năng lực văn hóa giúp nhân dân phân biệt được đúng, sai, hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình và phải tiến lên: “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(25).
4. Kết luận
Từ góc độ chính trị học hiện đại, tìm hiểu tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh cho thấy, Hồ Chí Minh đã mở đầu cho quá trình xây dựng cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta. Dấu ấn của cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong các quan điểm, tư tưởng của Người mà còn được Hồ Chí Minh hiện thực hóa trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng, thông qua việc khẳng định các quyền làm chủ và tạo lập các điều kiện bảo đảm cho quyền làm chủ của nhân dân trong thực tế.
_________________
Ngày nhận bài: 30-5-2024; Ngày bình duyệt: 4-6-2024; Ngày duyệt đăng: 8-8-2024.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.263.
(2) Xem: Quốc hội: Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ (Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 2013), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.
(3), (7), (11), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.374, 375, 366, 403.
(4), (9), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.636, 75, 280.
(5) Xem: Quốc hội: Luật Tố cáo năm 2018 (sửa đổi năm 2020), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.466.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.269.
(10), (20), (21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.7, 40, 7, 40-41.
(12), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.328, 205.
(13) Phạm Hồng Chương: Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004, tr.83.
(14), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.413, 356.
(16), (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.612, 293.
(23), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.347, 458-459.