Những vấn đề cần thiết cho Công tác đối ngoại quốc phòng
để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một là, phải quán triệt, nắm vững đường lối, chính sách đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với công tác thông tin đối ngoại về quốc phòng. Bởi lẽ, có nắm vững và quán triệt sâu quan điểm, chính sách đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước thì công tác tuyên truyền đối ngoại mới đảm bảo đúng định hướng, đạt chất lượng, hiệu quả. Nếu không làm tốt điều đó, tất nhiên, sẽ có kết quả ngược lại; và như thế sẽ cực kỳ nguy hiểm, hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, công tác thông tin đối ngoại phải tiếp tục quán triệt, thấu suốt đường lối đối ngoại về quốc phòng của Đảng, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X; Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và Đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và mới đây là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đồng thời phải nắm vững phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, trên cơ sở đó tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng quốc tế về quan điểm, chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Công tác thông tin đối ngoại còn phải chủ động tuyên truyền, định hướng dư luận thông qua việc giải quyết các vụ việc, những tình huống phức tạp nảy sinh, mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, tạo sự đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Hai là, phải thường xuyên bám sát các hoạt động đối ngoại về quốc phòng để thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, đầy đủ, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là yêu cầu không thể thiếu đối với công tác thông tin đối ngoại về quốc phòng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế, trong đó có quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực quốc phòng diễn ra ngày càng sâu rộng với các quy mô khác nhau. Hơn nữa, uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng cao, vai trò của Việt Nam với những đóng góp to lớn, quan trọng trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới đã và đang được khẳng định. Điều đó tạo thuận lợi và cơ hội lớn cho công tác thông tin đối ngoại về lĩnh vực quốc phòng. Song cũng đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại phải bám sát các hoạt động đối ngoại về quốc phòng để thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt, phải bám sát các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh trong Cộng đồng ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương, song phương với các quốc gia trong và ngoài khu vực. Đồng thời, công tác thông tin đối ngoại về quốc phòng cần phải chủ động tuyên truyền các quan hệ quốc phòng của Việt Nam với các nước dưới các hình thức, như: về trao đổi đoàn quân sự; chia sẻ thông tin kinh nghiệm xây dựng quân đội; hợp tác huấn luyện, đào tạo; diễn tập chống khủng bố, cứu hộ cứu nạn; giải quyết các vấn đề nhân đạo...
Cùng với đó, công tác thông tin đối ngoại về quốc phòng cần tuyên truyền những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 30 năm đổi mới và hội nhập, trong đó có thành tựu trên lĩnh vực quốc phòng; đồng thời, tích cực tuyên truyền, quảng bá văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường vươn lên, sự hòa hiếu, thủy chung của con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Công tác thông tin đối ngoại quốc phòng phải góp phần vào tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, vào nhiệm vụ đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong đó, phải phát huy được nội lực, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ được sức mạnh của quốc tế và thời đại, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng và thế trận đối ngoại - quốc phòng - an ninh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, chú trọng phối hợp chặt chẽ các tổ chức, lực lượng trong hoạt động thông tin đối ngoại về quốc phòng. Thông tin, tuyên truyền về đối ngoại quốc phòng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, Quân đội nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Để thực hiện tốt công tác này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, lực lượng và toàn dân nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Đặc biệt, cơ quan tuyên huấn, đối ngoại, báo chí trong Quân đội [2] phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan có cùng chức năng ngoài Quân đội để nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại về quốc phòng. Việc phối hợp giữa các cơ quan, trước hết là cơ quan truyền thông trong và ngoài Quân đội phải thường xuyên, chặt chẽ, nhất là khi tổ chức các đợt, các chiến dịch thông tin đối ngoại quan trọng nhân các sự kiện lớn ở trong nước và quốc tế. Các cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động báo chí, trong đó có cơ chế phối hợp, quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Qua đó, một mặt, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí; mặt khác, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về quốc phòng, quân sự nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng. Quá trình phối hợp hoạt động thông tin đối ngoại về quốc phòng, cần bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các quy định, quy chế của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với việc phát huy vai trò và phối hợp của các tổ chức, lực lượng, cơ quan truyền thông ở trong nước cần phát huy vai trò của các đại sứ quán, các tổ chức và cộng đồng người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài để tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại về quốc phòng.
Bốn là, tích cực và chủ động tham gia cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững “trận địa” thông tin trong cả hoạt động đối nội và đối ngoại, nhất là đối với những thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, với thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi và thâm độc. Chúng lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế của nước ta để thâm nhập, can thiệp nhằm gây mất ổn định an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, công tác thông tin đối ngoại phải luôn cảnh giác, nhạy bén, chủ động tuyên truyền, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; cung cấp thông tin một cách kịp thời, thường xuyên, chính xác, đầy đủ nhằm phản bác có hiệu quả đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của chúng và đây cũng là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thế “tấn công” trên lĩnh vực thông tin đối ngoại. Đồng thời, tích cực chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, chống âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
Lực lượng thông tin đối ngoại của Quân đội và Công an cần phát huy vai trò, trách nhiệm mà Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương giao là nòng cốt trong đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cùng với đó, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thông tin đối ngoại về quốc phòng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, công tác thông tin đối ngoại nói chung, đặc biệt là thông tin đối ngoại về quốc phòng có vai trò hết sức quan trọng, nhưng cũng rất nhạy cảm, phức tạp. Nếu để xảy ra sơ hở, sai sót trong hoạt động thông tin, tuyên truyền sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước, thậm chí làm tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc. Vì thế, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với mọi hoạt động thông tin đối ngoại về quốc phòng. Đây là vấn đề nguyên tắc, đảm bảo cho hoạt động thông tin đối ngoại về quốc phòng đúng định hướng, đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Theo đó, cần tổ chức lực lượng nòng cốt và chuyên trách trong hoạt động thông tin đối ngoại về quốc phòng. Lực lượng này cần được thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trước hết là trang bị đầy đủ, vững chắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét