Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ THAM NHŨNG

                 
      
Chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu là mối quan tâm lớn, thường xuyên của Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là tội lỗi như việt gian bán nước. Theo Bác:
 - Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình.
 - Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.
 Biểu hiện của hành vi tham ô là biến "của công" thành "của tư". "Của công" chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. "Của công" thành "của tư" tức là tài sản chung nhưng không được sử dụng phục vụ mục đích chung mà chỉ dành làm của riêng, quỹ riêng cho một tập thể, một địa phương.
 Bất cứ hành vi lấy "của công" làm "của tư" nào cũng đều là hành vi tham ô. Đây chính là hành vi tham ô hiểu theo nghĩa rộng. Theo nghĩa này, chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, công chức - những người nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Người dân bình thường, nếu "ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế" cũng là chủ thể của hành vi tham ô.

 Hành vi tham ô tinh vi khác được Hồ Chí Minh chỉ ra là tham ô gián tiếp với biểu hiện như: một số cán bộ được Chính phủ và nhân dân trả lương hằng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ... Đây là hình thức tham ô đặc biệt, tuy không gây hậu quả nghiêm trọng ngay, nhưng xảy ra hằng ngày, thường xuyên, liên tục, làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, hiệu lực quản lý của nhà nước, là một trong những mối nguy hại lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét