Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - Vị tướng lẫy lừng, người thầy mẫu mực của Quân đội

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (tên thật là Tạ Thái An) sinh năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng năm 1937. Ông được phong quân hàm thượng tướng vào năm 1984. Tháng 3-1975, ông là tư lệnh chiến dịch Tây nguyên và là chỉ huy trưởng trận đánh Buôn Ma Thuột. Sau ngày đất nước hòa bình, năm 1976 ông là viện trưởng Học viện Lục quân. Từ năm 1977-1989, ông là viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng  và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu (1995).
Vị tướng lẫy lừng
Về tướng võ, ông đã từng giữ chức khu trưởng chiến khu 3 sau ngày toàn quốc kháng chiến, rồi phó tư lệnh Liên khu 3, tư lệnh Liên khu 4. Đầu năm 1950, ông được cử giữ chức đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, đứa con chung của Liên khu 3 và Liên khu 4, một trong những đại đoàn đầu tiên của quân đội ta, lúc đó ông mới 30 tuổi. Ông đã cùng đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ đi suốt chiều dài các chiến dịch trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt đáng chú ý là các chiến dịch Hòa Bình, Điện Biên Phủ. Các chiến công của đại đoàn gắn liền với tên tuổi của ông và trong thực tế chiến đấu đã hình thành trong ông những ý tưởng và những cách đánh nghệ thuật quân sự.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông được cấp trên tín nhiệm cử vào miền Nam từ cuối năm 1966 đảm nhiệm chức vụ phó tư lệnh rồi tư lệnh mặt trận Tây nguyên, phó tư lệnh Quân khu 5. Sự gian khổ, ác liệt của chiến trường Tây nguyên đã rèn đúc tâm hồn và tính cách của một nhà chỉ huy quân sự quyết đoán, táo bạo, mưu trí.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, ông là tư lệnh chiến dịch Tây nguyên. Sự nổi tiếng về tài nghi binh lừa địch, tập trung lực lượng ưu thế hơn kẻ thù trong trận đánh mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột giành thắng lợi đã gắn liền với tên tuổi của ông. Ông được mệnh danh là vị tướng của thế, lực và thời cơ, có nghĩa là phép dùng binh của ông không chỉ dựa vào sự áp đảo về quân số, về trang bị, về hỏa lực mà còn phải dựa vào mưu trí, vào cách đánh sáng tạo, bất ngờ. Cuốn sách của ông Tìm hiểu về tổ tiên ta đánh giặc đã cho thấy ông thấu hiểu và vận dụng rất tài giỏi truyền thống và nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta.
Người thầy của nghệ thuật đánh giặc
Về tướng văn, là một vị tướng có tri thức uyên thâm về khoa học quân sự mà nguồn gốc của tri thức này được đúc kết từ thực tiễn mấy chục năm cầm quân của ông trong hai cuộc kháng chiến. Chính vì nhìn thấy khả năng tri thức khoa học quân sự của ông nên cấp trên đã giao cho ông đảm đương các cương vị như giám đốc các học viện quân sự, Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng), Viện Chiến lược quân sự. Ở những nhà trường và viện nghiên cứu này trong nhiều năm, ông đã dồn hết tâm sức và tinh lực để đào tạo ra các thế hệ cán bộ quân sự chính trị tài năng của quân đội.
Ông là người đã chủ trì biên soạn nhiều sách giáo khoa, giáo trình dùng cho học viên trong các học viện, nhà trường và bản thân ông cũng trực tiếp viết sách về các vấn đề của khoa học và nghệ thuật quân sự VN. Với trọng trách là phó chủ tịch Hội đồng khoa học quân sự Bộ Quốc phòng 1987-1995, ông là người đã tham gia đào tạo, hướng dẫn các cán bộ quân đội đạt trình độ chuyên sâu về khoa học và nghệ thuật quân sự.

Chính vì những công lao cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nên Nhà nước đã phong hàm giáo sư cho ông năm 1986 và danh hiệu nhà giáo nhân dân năm 1988. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học cho hơn 10 bộ sách về chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét